Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Viêm loét dạ dày nên ăn gì để tốt cho hệ tiêu hoá?

Quỳnh Loan

25/03/2025
Kích thước chữ

Viêm loét dạ dày là một bệnh lý phổ biến ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh. Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò rất lớn trong quá trình hồi phục. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tìm hiểu viêm loét dạ dày nên ăn gì, không nên ăn gì để tốt cho dạ dày và bảo vệ sức khỏe.

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị viêm loét dạ dày. Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp không chỉ giúp giảm triệu chứng mà còn hỗ trợ phục hồi niêm mạc dạ dày và hạn chế nguy cơ tái phát bệnh.

Viêm loét dạ dày nên ăn gì?

Việc lựa chọn thực phẩm phù hợp không chỉ giúp làm dịu niêm mạc dạ dày mà còn hỗ trợ kiểm soát triệu chứng, hạn chế tổn thương lan rộng và thúc đẩy quá trình chữa lành vết loét.

Nếu bạn chưa biết viêm loét dạ dày nên ăn gì thì dưới đây là các loại thực phẩm tốt cho người bị viêm loét dạ dày bạn nên tham khảo:

Trái cây ít acid

Trái cây cung cấp vitamin, chất xơ và chất chống oxy hóa giúp tăng cường hệ miễn dịch. Tuy nhiên, người bị viêm loét dạ dày cần tránh các loại quả có tính acid cao như cam, quýt hoặc khế vì chúng có thể làm tăng tiết dịch vị, gây kích thích niêm mạc dạ dày. Thay vào đó, nên ưu tiên các loại trái cây ít acid như chuối, táo, lê hoặc bơ. Những loại quả này giúp trung hòa acid dạ dày, hỗ trợ hệ tiêu hóa và giảm nguy cơ kích ứng.

Viêm loét dạ dày nên ăn gì? 10 loại thực phẩm tốt cho sức khỏe dạ dày bạn cần biết 1
Viêm loét dạ dày nên ăn gì? Bạn có thể ăn táo vì đây là loại trái cây ít acid

Rau xanh

Rau xanh là nguồn thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ, rất có lợi cho hệ tiêu hóa. Chất xơ trong rau giúp thúc đẩy nhu động ruột, giảm nguy cơ táo bón và hỗ trợ quá trình đào thải độc tố. Một số loại rau tốt cho người bị viêm loét dạ dày gồm bông cải xanh, cải bó xôi, rau diếp và cà rốt. Để dễ tiêu hóa hơn, nên chế biến rau bằng cách luộc hoặc hấp thay vì ăn sống.

Thực phẩm giàu protein nạc

Protein là thành phần quan trọng giúp tái tạo tế bào và hỗ trợ quá trình chữa lành vết loét. Tuy nhiên, người bệnh nên lựa chọn các nguồn protein nạc như thịt gà, cá hồi, cá thu, trứng và đậu phụ. Những thực phẩm này giúp giảm viêm mà không làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Tránh thịt đỏ, đồ ăn chiên rán hoặc chế biến sẵn vì chúng có thể làm nặng thêm tình trạng viêm loét.

Sữa lên men

Sữa chua và các sản phẩm từ sữa lên men chứa nhiều lợi khuẩn probiotic giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, tăng cường sức khỏe tiêu hóa và giảm nguy cơ viêm nhiễm. Ngoài ra, sữa chua còn giúp tạo một lớp màng bảo vệ niêm mạc dạ dày, làm dịu cơn đau và hạn chế kích ứng. Người bệnh nên chọn sữa chua không đường hoặc ít đường để tránh tác động tiêu cực đến hệ tiêu hóa.

Viêm loét dạ dày nên ăn gì? 10 loại thực phẩm tốt cho sức khỏe dạ dày bạn cần biết 2
Sữa chua giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, tăng cường sức khỏe tiêu hóa, giảm nguy cơ viêm nhiễm

Ngũ cốc nguyên hạt và bánh mì

Viêm loét dạ dày nên ăn gì thì bạn hãy bổ sung ngũ cốc nguyên hạt và bánh mì nhé. Ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, gạo lứt và bánh mì nguyên cám là nguồn thực phẩm giàu chất xơ, giúp ổn định đường huyết và giảm tiết acid dạ dày. Bánh mì có đặc tính thấm hút, giúp trung hòa dịch vị và bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi tác động của acid. Đây là lựa chọn lý tưởng cho bữa sáng của người bị viêm loét dạ dày.

Thực phẩm giàu chất xơ hòa tan

Chất xơ hòa tan có tác dụng làm mềm phân, hỗ trợ tiêu hóa và giảm áp lực lên dạ dày. Một số thực phẩm giàu chất xơ hòa tan tốt cho người viêm loét dạ dày gồm táo, lê, bơ, cà rốt và khoai lang. Chất xơ này giúp duy trì sự ổn định của đường tiêu hóa và giảm nguy cơ tái phát viêm loét.

Thực phẩm giàu vitamin A

Vitamin A không chỉ có lợi cho thị lực mà còn giúp tăng cường sản xuất chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày. Nhờ đó, dạ dày được bảo vệ khỏi tác động của dịch vị acid, giảm nguy cơ tổn thương niêm mạc. Một số thực phẩm giàu vitamin A gồm cà rốt, bí đỏ, khoai lang và gan động vật.

Trà xanh

Trà xanh chứa các hợp chất chống oxy hóa như catechin có khả năng giảm viêm, hỗ trợ tiêu hóa và hạn chế sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) - nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày. Uống một ly trà xanh ấm mỗi ngày có thể giúp cải thiện tình trạng viêm loét. Tuy nhiên, không nên uống trà khi đói hoặc quá đặc để tránh làm kích thích dạ dày.

Viêm loét dạ dày nên ăn gì? 10 loại thực phẩm tốt cho sức khỏe dạ dày bạn cần biết 2
Trà xanh có khả năng giảm viêm, hỗ trợ tiêu hóa và hạn chế sự phát triển của vi khuẩn HP

Thực phẩm giàu flavonoid

Flavonoid là hợp chất có tác dụng chống viêm, bảo vệ tế bào và hỗ trợ hệ tiêu hóa. Các thực phẩm giàu flavonoid giúp giảm nguy cơ viêm loét dạ dày và tăng cường sức khỏe tổng thể. Một số thực phẩm giàu flavonoid gồm táo, nho, cải bó xôi, bắp cải và rau diếp cá.

Nghệ

Viêm loét dạ dày nên ăn gì thì đó chính là nghệ. Nghệ chứa curcumin - một hợp chất có đặc tính chống viêm mạnh mẽ, giúp giảm tiết acid dịch vị và bảo vệ niêm mạc dạ dày. Nghệ cũng có tác dụng thúc đẩy quá trình làm lành vết loét, giảm cơn đau dạ dày và hạn chế nguy cơ biến chứng. Người bệnh có thể bổ sung nghệ bằng cách pha bột nghệ với nước ấm hoặc thêm vào món ăn hàng ngày.

Người bị viêm loét dạ dày không nên ăn gì?

Viêm loét dạ dày là bệnh lý tiêu hóa phổ biến, gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như đau bụng, ợ nóng và đầy hơi. Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị, chế độ ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh.

Dưới đây là những thực phẩm mà người bị viêm loét dạ dày nên hạn chế để không làm bệnh trầm trọng hơn.

Thực phẩm nhiều gia vị và dầu mỡ

Các món chiên rán, thịt nướng hay vịt quay thường có nhiều gia vị và dầu mỡ, có thể kích thích tiết acid dịch vị, khiến niêm mạc dạ dày bị tổn thương nghiêm trọng hơn.

Viêm loét dạ dày nên ăn gì? 10 loại thực phẩm tốt cho sức khỏe dạ dày bạn cần biết 4
Thịt nướng có thể khiến niêm mạc dạ dày bị tổn thương nghiêm trọng hơn

Thực phẩm chế biến sẵn

Xúc xích, lạp xưởng hay đồ hộp chứa nhiều chất bảo quản và phụ gia, làm tăng nguy cơ viêm loét dạ dày và ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa.

Đồ muối chua

Dưa chua, kim chi hay cà muối có hàm lượng muối cao và chứa nhiều acid, có thể làm tăng nguy cơ viêm loét hoặc khiến cơn đau bùng phát.

Trái cây có vị chua

Cam, chanh, khế, đu đủ hay táo xanh có tính acid cao, gây kích ứng dạ dày, làm trầm trọng hơn các triệu chứng đau và ợ nóng.

Cà phê, rượu bia và thuốc lá

Caffeine, cồn và nicotin làm tăng tiết acid dịch vị và giảm khả năng bảo vệ niêm mạc dạ dày, khiến tổn thương lâu lành hơn.

Những lưu ý trong chế độ ăn hàng ngày cho người bị viêm loét dạ dày

Dưới đây là những lưu ý quan trọng trong chế độ ăn hàng ngày mà người bị viêm loét dạ dày cần tuân thủ:

Ưu tiên thực phẩm dễ tiêu hóa

Người bệnh nên lựa chọn thực phẩm được nấu chín kỹ hoặc ninh nhừ để giảm áp lực lên dạ dày. Tránh ăn các món sống hoặc tái vì có thể gây kích thích niêm mạc và làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

Chia nhỏ bữa ăn

Không nên ăn quá no hoặc để bụng quá đói vì cả hai tình trạng này đều có thể làm tăng tiết axit gây đau và khó chịu. Thay vào đó người bệnh nên chia thành 5 - 6 bữa nhỏ trong ngày để dạ dày hoạt động hiệu quả hơn.

Ăn chậm nhai kỹ

Việc nhai kỹ giúp giảm gánh nặng tiêu hóa cho dạ dày đồng thời kích thích tiết enzyme hỗ trợ quá trình hấp thụ dinh dưỡng.

Kiểm soát nhiệt độ thức ăn

Tránh ăn thực phẩm quá nóng vì có thể làm tổn thương và gây xung huyết niêm mạc dạ dày. Ngược lại thức ăn quá lạnh có thể kích thích dạ dày co bóp mạnh làm tăng cảm giác đau.

Viêm loét dạ dày nên ăn gì? 10 loại thực phẩm tốt cho sức khỏe dạ dày bạn cần biết 5
Thực phẩm quá nóng có thể làm tổn thương và gây xung huyết niêm mạc dạ dày

Điều chỉnh độ đặc loãng của thức ăn

Các món ăn quá đặc hoặc quá loãng đều có thể ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa. Thức ăn đặc quá khiến men tiêu hóa không thể thấm đều trong khi thức ăn quá lỏng lại làm loãng dịch vị khiến quá trình tiêu hóa kém hiệu quả. Vì vậy người bệnh nên duy trì độ đặc vừa phải trong các bữa ăn để hỗ trợ tốt nhất cho hệ tiêu hóa.

Viêm loét dạ dày là một bệnh lý tiêu hóa phổ biến gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh. Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị do bác sĩ chỉ định chế độ ăn uống hàng ngày cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi và kiểm soát triệu chứng. Một chế độ ăn uống phù hợp có thể giúp giảm kích ứng niêm mạc dạ dày hạn chế sự gia tăng axit và ngăn ngừa biến chứng nghiêm trọng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin