Lao xương hay còn gọi là lao cơ xương là một dạng bệnh lao ngoài phổi phổ biến thứ ba chỉ sau bệnh lao màng phổi và bạch huyết.
Bệnh lao xương là gì?
Lao xương là gì? Lao xương, hay còn gọi là lao cơ xương hay lao xương khớp, đây là một nhóm các bệnh nhiễm trùng nặng dẫn tới áp xe và cứng khớp ở những khu vực ảnh hưởng. Bệnh lao xương thường gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các khớp đặc biệt là ở hông hay gối. Thực tế, lao xương khớp là một dạng của bệnh lao và có ảnh hưởng đến cột sống, xương và khớp.
Các vị trí thường xuất hiện của bệnh lao xương là các khớp phải chịu trọng lượng của cơ thể và các đốt sống cột sống. Trong bệnh lao xương, các đốt sống ngực bị ảnh hưởng chủ yếu. Lao xương cột sống được coi là một bệnh nghiêm trọng vì nó phá hủy các đốt sống ngực hoặc dây lưng dẫn tới biến dạng xương khớp và diễn biến xấu nhất là có thể dẫn đến liệt các chi dưới.
Những dấu hiệu và triệu chứng lao xương
Sẽ cực kỳ khó để nhận ra các triệu chứng lao xương cho đến lúc bệnh đã tiến triển nặng. Bệnh lao xương khớp – cụ thể là lao xương cột sống cực kỳ khó chẩn đoán vì khi vừa phát bệnh, nó sẽ không gây đau trong quá trình đầu. Người bệnh sẽ không thể cảm nhận được bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi nhận thấy được cơ thể có một số dấu hiệu bất thường và được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh.
Bệnh có thể ảnh hưởng tới bất kỳ xương hoặc khớp nào, nhưng đa số các xương khớp bị liên quan thường là đốt sống cột sống, đầu gối, hông, vai và xương khớp khuỷu tay. Sau đây là một số triệu chứng bạn có thể dễ dàng cảm nhận khi mắc lao xương khớp như:
-
Đau lưng dữ dội.
-
Sưng khớp, cứng khớp.
-
Áp xe.
Khi bệnh lao xương đã chuyển biến nặng hơn, người bệnh có thể gặp những dấu hiệu nguy hiểm sau:
-
Viêm khớp.
-
Biến dạng cột sống.
-
Biến chứng thần kinh.
-
Liệt nửa người, tứ chi ngắn.
-
Dị tật xương.
Ngoài ra, người bị bệnh lao xương có thể gặp hoặc không các triệu chứng thông thường của bệnh lao như: Mệt mỏi, sốt, sụt cân, đổ mồ hôi đêm.
Người bị lao xương khớp thường có triệu chứng đau lưng dữ dội
Nguyên nhân gây bệnh lao xương là gì?
Bệnh lao xương là bệnh lao ngoài phổi, bệnh xảy ra khi người khỏe mạnh có tiếp xúc với người bị nhiễm vi khuẩn M. tuberculosis gây ra bệnh lao. Vi khuẩn có thể lây lan nhanh chóng từ người sang người qua đường hô hấp.
Vậy, bệnh lao xương lây qua đường nào? Bệnh lao lây lan theo đường máu đến tận cùng các xương dài và đốt sống. Nó cũng có thể bị lây lan từ những hạch bạch huyết lao gần đó.
Một số nguyên nhân chính gây bệnh lao xương bao gồm:
-
Bản thân bệnh nhân mắc bệnh lao: Khi vi khuẩn lao thâm nhập vào cơ thể, nó sẽ gây thương tổn những hạch bạch huyết, tuyến ức, và kể cả hệ cơ xương.
-
Người bệnh bị suy giảm hệ miễn dịch: Một số trường hợp như nghèo đói, sống nơi đông người, tuổi già, suy dinh dưỡng, lạm dụng thuốc, tiểu đường, nhiễm HIV dẫn tới suy giảm hệ miễn dịch, từ đó tạo điều kiện cho bệnh lao xương tấn công.
-
Điều trị lao không đúng cách: Nếu không điều trị những bệnh lao khác ngay từ đầu thì vi khuẩn sẽ di chuyển đến mạch máu của xương và gây ra lao xương khớp.
Lao xương vẫn có nguy cơ xuất hiện ở những quốc gia đang lớn mạnh hoặc những người sống chung với căn bệnh AIDS.
Nên tiêm phòng lao sớm để hạn chế các triệu chứng lao gây nguy hiểm cho bé
Đối tượng có nguy cơ mắc lao xương
Một số đối tượng có nguy cơ mắc lao xương cao như:
-
Người từ tuổi 20 đến 40.
-
Người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi hay các nguồn lây lao khác.
-
Người có tiền sử lao trước đó: lao phổi, lao sơ nhiễm, lao hạch, lao tiết niệu,...
-
Trẻ nhỏ chưa được tiêm phòng vaccin BCG.
-
Người mắc bệnh đái tháo đường, loét dạ dày - tá tràng, suy giảm miễn dịch, HIV/AIDS, suy dinh dưỡng,...
Phòng ngừa bệnh Bệnh lao xương
Để phòng ngừa bệnh lao xương khớp, chúng ta nên xây dựng lối sống lành mạnh, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, hạn chế đi đến những nơi đông đúc, hạn chế rượu bia, thuốc lá, cà phê,...
Quản lý bệnh nhân mắc bệnh lao hợp lý để tránh lây lan ra cộng đồng. Người bệnh lao xương phải tuân thủ điều trị để tránh kháng thuốc và tái phát.
Người tiếp xúc thường xuyên với bệnh nhân lao cần nên tầm soát lao phổi bằng cách xét nghiệm đờm và chụp X-Quang phổi.
Một số cách điều trị bệnh lao xương
Bệnh lao xương có thể chữa khỏi dứt điểm nếu được tiến hành điều trị càng sớm càng tốt. Mục tiêu chính của việc điều trị là tiêu diệt mầm bệnh, hồi phục chức năng bình thường của xương khớp. Phương pháp điều trị chính của bệnh lao xương là sử dụng một đợt thuốc chống lao kéo dài.
Thuốc là cách điều trị trước tiên đối với người bị lao xương khớp. Những dòng thuốc chống lao, chẳng hạn như rifampicin, isoniazid, ethambutol và pyrazinamide được dùng kết hợp với nhau trong vòng ba hoặc bốn vài tháng. Sau đó dùng thuốc giảm dần. Điều trị bằng thuốc chống lao tiếp tục kéo dài từ sáu đến chín tháng hoặc trong một số trường hợp có thể kéo dài tới mười tám tháng.
Bệnh lao cơ xương có thể được điều trị bằng thuốc trong vòng 18 tháng
Trong một số trường hợp, phải phẫu thuật cột sống đối với bệnh lao xương khớp, chẳng hạn như giải phẫu cắt đốt sống. Ngoài ra, bệnh nhân bắt buộc kết hợp dùng thuốc và duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý quá trình chữa bệnh lao xương đạt hiệu quả tốt nhất.
Trên đây là một số thông tin về bệnh lao xương khớp. Hi vọng qua những thông tin hữu ích trên, quý đọc giả có thể phần nào hiểu được bệnh lao xương là gì và cách để bảo vệ bản thân trước tác hại của căn bệnh này.
Như Nguyễn
Nguồn: Tổng hợp