Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh lý viêm tai giữa mạn tính và những điều cần biết

Ngày 23/06/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm tai giữa được biết đến là một trong những bệnh lý về tai phổ biến nhất hiện nay. Giai đoạn mãn tính của bệnh xuất hiện các triệu chứng phức tạp, thậm chí gây nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng. Tìm hiểu và nắm được các thông tin cần thiết về bệnh viêm tai giữa mạn tính sẽ giúp bạn phòng tránh các yếu tố nguy cơ và có hướng điều trị kịp thời.

Viêm tai giữa mạn tính khá phổ biến ở nước ta và có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Người bệnh có thể bị viêm một hoặc cả hai tai và kéo dài nhiều năm với các triệu chứng như: Ù tai, giảm thính lực, chảy mủ tai dai dẳng…

Viêm tai giữa mạn tính là gì?

Viêm tai giữa mạn tính là tình trạng niêm mạc tai giữa bị nhiễm trùng kéo dài, màng nhĩ bị thủng, phù nề niêm mạc trong tai giữa và xương chũm. Bệnh không đáp ứng với điều trị nội khoa và được hình thành bởi phản ứng viêm với sự tạo mô hạt đang xảy ra trong tai giữa.

Bệnh lý viêm tai giữa mạn tính và những điều cần biết

Viêm tai giữa mạn tính là tình trạng bị nhiễm trùng kéo dài

Viêm tai giữa mạn tính cũng gây hiện tượng chảy mủ tai trên 6 tuần, chảy mủ qua lỗ thủng tại màng nhĩ và thường liên quan đến vấn đề nhiễm khuẩn chưa được giải quyết hoặc do vi khuẩn kháng thuốc. Bệnh có thể gây ra biến chứng viêm não, viêm màng não, polyp tai và một số bệnh nhiễm trùng khác...

Bệnh lý viêm tai giữa mạn tính do nguyên nhân nào gây ra?

Viêm tai giữa cấp

Là nguyên nhân thường gặp, nhất là ở trẻ em. Sau khi bị nhiễm trùng hô hấp trên (viêm mũi họng, cảm cúm…), trẻ sẽ bị sốt, đau nhức trong tai, rối loạn tiêu hóa (tiêu chảy, nôn ói…). Nếu được chẩn đoán và điều trị viêm tai giữa cấp cho trẻ em kịp thời bệnh có thể khỏi hoàn toàn. Ngược lại, nếu không điều trị hay điều trị sai cách, vi khuẩn sẽ đi vào trong tai giữa vòi nhĩ, gây ứ mủ tại đây.

Viêm tai giữa cấp hoại tử

Trường hợp này tương tự như viêm tai giữa cấp nhưng do vi khuẩn có độc lực quá mạnh kèm theo tình trạng miễn dịch của cơ thể bị suy yếu nên bệnh diễn tiến nhanh. Khi đó màng nhĩ thủng rộng, mất đi khả năng tự lành lại dẫn đến viêm tai giữa mạn.

Chấn thương

Viêm tai giữa cũng có thể xuất hiện sau các chấn thương hay những áp lực lớn gây tổn thương màng nhĩ. Nguyên nhân thường gặp là do dụng cụ móc ráy tai bị đẩy sâu vào bên trong gây thủng nhĩ. Nếu lỗ thủng nhỏ, màng nhĩ có khả năng tự lành nhưng nếu lỗ thủng lớn, màng nhĩ không tự lành lại được sẽ dẫn đến viêm tai giữa mạn tính.

Ngoài ra, các chấn thương cơ học, chấn thương sọ não, bỏng nhiệt hay hóa học cũng có thể gây viêm tai giữa mạn tính.

Bệnh lý viêm tai giữa mạn tính và những điều cần biết

Chấn thương màng nhĩ có thể là nguyên nhân gây viêm tai giữa mạn tính

Triệu chứng thường gặp ở người viêm tai giữa mạn tính

Các dấu hiệu sau đây sẽ giúp bạn nhận biết nhanh các triệu chứng viêm tai giữa mạn tính:

  • Chảy mủ: Hầu hết trường hợp viêm tai giữa mạn tính đều dẫn đến biến chứng thủng màng nhĩ. Lúc này, ống tai sẽ chảy ra chất dịch mủ với nhiều màu sắc (trong, trắng đục, xanh, vàng…) và có mùi tanh hôi.
  • Ù tai: Hiện tượng tiết nhiều dịch mủ ở tai giữa cũng chính là nguyên nhân khiến người bệnh luôn có cảm giác ù ù bên trong tai, không còn nghe rõ âm thanh và dần dần suy giảm chức năng thính giác.
  • Đau nhức bên trong tai dữ dội: Mắc bệnh viêm tai giữa giai đoạn mãn tính khiến lớp niêm mạc tai bị sưng viêm, căng phồng lên và phù nề. Do đó khiến tai trong đau nhức dữ dội.
  • Rối loạn giấc ngủ: Những cơn đau do viêm tai giữa mạn tính thường gia tăng dữ dội hơn khi người bệnh nằm ngủ. Lâu dần, tình trạng mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc kéo dài khiến cơ thể bị suy nhược.
  • Nổi hạch phía sau tai: Người bệnh viêm tai giữa mạn tính gặp biến chứng viêm tai xương chũm sẽ làm xuất hiện các khối u hạch ở phía sau tai.
  • Rối loạn tiền đình: Bệnh nhân phải thường xuyên đối mặt với tình trạng đau đầu, buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt do tác động trực tiếp của viêm tai giữa mạn tính đến cơ quan ốc tai.
  • Nghe kém: Khi bị thủng màng nhĩ do viêm tai giữa mạn tính, diện tích tiếp xúc với âm thanh giảm đi, làm xuất hiện dấu hiệu nghe kém phía tai bị bệnh. Bệnh càng kéo dài, chức năng thính giác càng suy giảm. Tình trạng này sẽ nặng thêm nếu kèm theo các yếu tố sau: Thời gian bệnh kéo dài, lỗ thủng rộng, chảy mủ tai tái phát nhiều lần…

Bệnh lý viêm tai giữa mạn tính và những điều cần biết

Viêm tai giữa mạn tính sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm

Chẩn đoán viêm tai giữa mãn tính

Viêm tai giữa mạn tính phải được thực hiện chẩn đoán bởi bác sĩ có chuyên môn về tai – mũi – họng. Lúc này, để đánh giá chính xác tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp sau:

Chẩn đoán lâm sàng

Đây thực chất là phương pháp chẩn đoán dựa trên các triệu chứng của bệnh. Để bác sĩ có cơ sở chẩn đoán, người bệnh phải thông báo rõ, chi tiết những dấu hiệu bản thân gặp phải, kể cả mức độ nặng hay nhẹ hay tần suất xuất hiện triệu chứng.

Các yếu tố cận lâm sàng

  • Bệnh nhân được khám tai bằng thiết bị chuyên dụng với mục đích: Kiểm tra đặc điểm dịch mủ, có xuất hiện tổ chức cholesteatoma không, màng nhĩ phồng hay xẹp lõm vào trong, đáy hòm nhĩ bị bẩn và có thể có polyp ở hòm nhĩ.
  • Cấy dịch tai giúp xác định vi khuẩn gây bệnh và làm kháng sinh đồ.
  • Chụp CT Scan cả đầu hoặc vùng xương chũm để đánh giá tình trạng nhiễm trùng, mức độ lây lan đã đến khu vực nào…
  • Đo thính lực nhằm đánh giá khả năng nghe của thính giác.

Chẩn đoán phân biệt

Tức là chẩn đoán chính xác, phân biệt viêm tai giữa mãn tính với một số bệnh lý khác như: Nổi nhọt, viêm tai ngoài, viêm tấy hạch hoặc các tổ chức liên kết sau, lao phổi, viêm tai giữa do nhiễm xoắn khuẩn bệnh giang mai, bệnh lao…

Điều trị viêm tai giữa mãn tính

Theo các chuyên gia, viêm tai giữa mạn tính là giai đoạn bệnh đã diễn tiến nặng nên việc điều trị trở nên khó khăn và phức tạp. Khi đó, việc sử dụng thuốc kháng sinh chắc chắn không còn đem lại hiệu quả cao nữa. Bên cạnh đó, nếu trong giai đoạn này vẫn tiếp tục dùng kháng sinh sẽ làm lu mờ các triệu chứng, bác sĩ sẽ khó chẩn đoán chính xác được bệnh.

Bệnh lý viêm tai giữa mạn tính và những điều cần biết

Để điều trị viêm tai giữa mạn tính hiệu quả cần loại bỏ triệt để tình trạng nhiễm trùng

Mục đích chính trong điều trị viêm tai giữa mạn tính là kiểm soát tình trạng nhiễm trùng, loại bỏ dịch ứ đọng trong tai giữa và khôi phục chức năng thính lực.Để điều trị dứt điểm viêm tai giữa mạn tính bạn có thể  áp dụng các phương pháp Tây y (nội khoa và ngoại khoa), Đông y hoặc một số mẹo dân gian. Tuy nhiên cần tham khảo trước ý kiến bác sĩ để tránh sai lầm và các biến chứng có thể xảy ra.

Các thông tin về bệnh lý viêm tai giữa mãn tính trên chắc hẳn đã giúp bạn hiểu thêm về căn bệnh này. Rất nhiều trường hợp người mắc không kịp trở tay với biến chứng vì coi thường bệnh. Bắt đầu từ ngày hôm nay, hãy chủ động hơn trong việc phòng bệnh đặc biệt là cho con em mình để sớm có một sức khỏe toàn diện nhất.

Minh QA

Nguồn: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm