Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Dùng kháng sinh điều trị viêm tai giữa cấp cho trẻ em

Ngày 27/07/2020
Kích thước chữ

Viêm tai giữa cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ, hay gặp nhất là từ 6 tháng đến 2 tuổi. Bệnh tiến triển nhanh và nếu không được theo dõi hay điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ dẫn đến một số biến chứng làm ảnh hưởng khả năng nghe của trẻ. Vậy có loại kháng sinh điều trị viêm tai giữa cấp nào cho bé không và cách điều trị hiệu quả như thế nào?

Bệnh viêm tai giữa cấp tính thường gặp ở trẻ em và tiến triển trong vòng 2 - 3 tuần với những triệu chứng điển hình của quá trình viêm cấp. Đây là bệnh phổ biến được kê kháng sinh điều trị viêm tai giữa cấp và dùng các thuốc khác điều trị triệu chứng. Việc theo dõi điều trị và dùng thuốc phải rất nghiêm ngặt, nếu không bệnh sẽ kéo dài và có biến chứng nghiêm trọng.

Triệu chứng viêm tai giữa

Viêm tai giữa thường xuất hiện với các triệu chứng:

  • Viêm họng hoặc viêm mũi họng với các triệu chứng chẳng hạn như chảy mũi, họng đỏ...
  • Bé sốt, có thể sốt nhẹ, sốt vừa hay sốt cao từ 39 - 40 độ C.
  • Đau tai, thường thấy con hay kéo tai hay dụi tai
  • Có nguy cơ quấy khóc, bỏ bú, nôn trớ hay tiêu chảy
  • Khám thấy màng nhĩ viêm đỏ, xung huyết.

Nếu không điều trị viêm tai giữa sớm có thể dẫn đến viêm tai xương chũm cấp, thủng màng nhĩ, viêm tai giữa mạn tính, liệt mặt, nghe kém hoặc điếc, liệt thần kinh mặt, viêm xương chũm. Biến chứng nguy hiểm hơn như viêm màng não, viêm não, áp-xe não, áp-xe ngoài màng cứng, viêm tắc xoang tĩnh mạch bên... dễ gây tử vong.

Dùng loại kháng sinh điều trị viêm tai giữa cấp nào cho trẻ em 1Chảy mủ ra tai do viêm tai giữa cấp.

Cách điều trị và có loại kháng sinh điều trị viêm tai giữa cấp

Có cần dùng kháng sinh điều trị viêm tai giữa không? Nghiên cứu cho thấy có tới 80% nhiễm trùng tai không biến chứng trong khoảng 4 - 7 ngày sẽ tự khỏi mà không cần dùng kháng sinh. Nếu phải dùng kháng sinh thì liệu trình điều trị sẽ kéo dài khoảng 7 ngày.

Viêm tai giữa phải trị như thế nào? Nguyên tắc chữa trị bao gồm: trị chứng đau tai, chống nhiễm khuẩn bằng kháng sinh và theo dõi sau điều trị. Các bước sẽ được tiến hành như sau:

1. Giảm đau hạ sốt

Phụ huynh có thể sử dụng những loại thuốc như paracetamol hoặc ibuprofen để làm giảm tình trạng đau tai và giảm sốt cho bé (khi xuất hiện sốt trên 38,5 độ C). Lưu ý nên chườm ấm khi trẻ sốt, mặc đồ rộng rãi, thoáng mát, chườm ấm vào vùng tai.

2. Kháng sinh điều trị viêm tai giữa ở trẻ em

Các loại kháng sinh điều trị viêm tai giữa cấp thường được dùng cho trẻ là: Amoxicillin, augmentin, azithromycin, các cephalosporin thế hệ I,II, III. Để tránh hiện tượng kháng kháng sinh thường sẽ bắt đầu với amoxicillin đơn thuần, bởi thực tế vi khuẩn vẫn nhạy cảm với loại này và giá thành nó cũng thấp hơn những loại kháng sinh khác.

Thời gian dùng kháng sinh điều trị viêm tai giữa cấp là 7 ngày, lưu ý là khi chữa bệnh được khoảng 3 - 4 ngày nếu thấy các triệu chứng đã hết thì vẫn cần cho bé tiếp tục uống đủ liều 7 ngày thuốc, tránh việc vi khuẩn kháng kháng sinh.

Thay đổi kháng sinh điều trị viêm tai giữa có tác dụng mạnh hơn khi:

  • Sau 2 - 3 ngày trị bệnh mà những triệu chứng sốt, quấy khóc của bé không cải thiện.
  • Nếu trước đó trẻ đã từng sử dụng kháng sinh amoxicillin và không hiệu quả thì ngay từ đầu nên dùng kháng sinh khác có tác dụng mạnh hơn.
  • Bệnh không khỏi hẳn sau một đợt sử dụng amoxicillin.
  • Có tiền sử dị ứng thuốc kháng sinh amoxicillin.

Dùng loại kháng sinh điều trị viêm tai giữa cấp nào cho trẻ em 2Thực hiện khám chẩn đoán sớm để có hướng sử dụng thuốc hoặc kháng sinh điều trị viêm tai giữa cấp cho bé.

Trong trường hợp bé gặp phải tình trạng viêm tai giữa bị chảy mủ tai thì cần dùng thêm kháng sinh kết hợp với hydrocortisone nhỏ tai, làm sạch tai và không được bịt tai bé lại để dịch mủ có thể thoát ra.

3. Theo dõi sau điều trị

Bé bị viêm tai giữa cấp trong vòng 1 - 4 tuần cần được tái khám để kiểm tra đã hết nhiễm trùng và dịch trong tai đã thoát hết ra ngoài chưa. Nếu lại xuất hiện nhiễm trùng thì xem coi đấy là đợt nhiễm trùng mới hay là diễn tiến của đợt cũ để sử dụng loại thuốc kháng sinh cho thích hợp.

Theo lời khuyên của bác sĩ thì việc điều trị viêm tai giữa cấp thường rất phức tạp và dễ tái phát nếu chúng ta không dùng đúng thuốc và trị đúng phác đồ. Thế nên để tránh các biến chứng bạn nên cho bé đến ngay các chuyên khoa tai - mũi - họng của bệnh viện uy tín. Sau khi được kê đơn thuốc điều trị chúng ta phải tuân thủ đúng theo những liệu pháp điều trị cũng như liệu pháp theo dõi chặt chẽ mà các bác sĩ đã đề ra.

Trong quá trình sử dụng thuốc cần theo dõi các bất thường có thể xảy đến. Chẳng hạn như là ban đỏ, nổi mẩn, buồn nôn, nôn... (bởi đây có thể là tác dụng phụ không mong muốn của thuốc) và thông báo cho bác sĩ biết ngay.

Bạn phải luôn ghi nhớ là phòng bệnh lúc nào cũng hơn chữa bệnh. Để phòng viêm tai giữa cấp tính chúng ta nên cho bé ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, thực hiện vệ sinh sạch sẽ những vật dụng xung quanh, giữ ấm cơ thể cũng như tiêm phòng các bệnh hay mắc ở trẻ để giúp con phòng ngừa bệnh.

Dùng loại kháng sinh điều trị viêm tai giữa cấp nào cho trẻ em 3Tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh mắc bệnh lại.

Bình thường phụ huynh cần lưu ý tiêm ngừa đầy đủ cho con theo chương trình tiêm chủng quốc gia. Tiêm cả những bệnh như cúm, phế cầu và các loại vaccine khác để giảm nguy cơ cảm cúm. Nếu con chẳng may bị cảm cúm thì hãy giữ bé ở nhà. Đồng thời nhớ dạy con dùng tay che mũi miệng lại khi hắt hơi hoặc ho, cả bạn cũng cần làm vật để tránh lây nhiễm cho trẻ.

Thụy Anh

Nguồn tham khảo: BV Vinmec

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin