Nấm miệng còn được gọi là tưa lưỡi là căn bệnh khá phổ biến ở trẻ em. Bệnh nấm miệng là do loại nấm men thường có trong khoang miệng của trẻ gây nên. Loại nấm này sinh sôi nhanh chóng và gây bệnh, khiến trẻ bị khó chịu ở cổ họng. khiến các hoạt động ăn uống của trẻ cũng bị ảnh hưởng lớn. Vậy nấm họng ở trẻ em có nguy hiểm không?
Tổng quan về bệnh nấm họng trẻ em
Nấm họng là bệnh nhiễm trùng trong khoang miệng và họng, bệnh do nấm Candida albicans gây ra. Vi khuẩn nấm này thường sống trên cơ thể người, đặc biệt là trẻ nhỏ và ít khi gây hại nếu được duy trì ở mức cân bằng. Tuy nhiên, một số yếu tố thuận lợi nào đó sẽ làm cho nấm Candida phát triển một cách quá mức và gây ra nấm miệng.
Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, người già và những người có hệ miễn dịch kém hoặc có bệnh nền. Bệnh nấm họng hình thành nên các đốm màu trắng trên bề mặt lưỡi hoặc má trong. Những đốm này có thể biến mất nếu được điều trị đúng cách.
Bệnh thường lành tính và hiếm khi gây ra các triệu chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, ở những người có hệ miễn dịch kém, nấm miệng thường lan tới những bộ phận khác trên cơ thể và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng
Theo nghiên cứu, bệnh nấm họng xảy ra ở trẻ em nhiều hơn người lớn. Đặc biệt là trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 1 - 5 tuổi. Vì thế, bạn nên chủ động kiểm tra và đưa đến bác sĩ kịp thời khi trẻ có dấu hiệu bất thường.
Nấm họng ở trẻ
Một số triệu chứng khi bị nấm họng ở trẻ em
Khi trẻ bị nấm họng, phụ huynh thường nhầm lẫn bệnh với triệu chứng của cảm cúm. Do nấm họng có một số biểu hiện tương tự như:
Sốt cao trong thời gian dài và không hạ
Đây thường là biểu hiện chính của trẻ khi bị nấm họng. Trẻ thường sốt nhẹ, hoặc sốt cao cao 39 - 40 độ C. Người mệt mỏi, khó chịu, đôi khi kèm theo nôn mửa hoặc tiêu chảy. Tình trạng sốt cao rất khó hạ nhiệt bằng các biệt pháp hạ sốt thông thường như: Miếng dán hạ sốt, đắp khăn lạnh… Thay vào đó, phụ huynh cần dùng đến sự can thiệp của y tế (sử dụng thuốc hạ sốt theo đơn, truyền dịch…) để hạ sốt cho trẻ.
Trẻ thường xuyên bị ngứa rát cổ họng
Tùy theo mức độ nặng nhẹ của bệnh mà trẻ sẽ có biểu hiện ngứa, rát khác nhau. Bên cạnh đó, khi bị nhiễm nấm, trẻ có thể xuất hiện triệu chứng ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, ho khan, đau họng…
Trẻ lười ăn, quấy khóc
Trẻ lười ăn, quấy khóc là một trong những dấu hiệu nhận biết bệnh nấm họng
Do vi khuẩn nấm gây nên các vết trầy xước, loét trong cổ họng, kèm theo tình trạng ngạt mũi, gây cảm giác khó chịu và đau rát cho bé mỗi khi nuốt nước bọt và ăn uống. Từ đó, dẫn đến tình trạng lười ăn, quấy khóc vào ban đêm hoặc thở bằng miệng.
Nặng hơn, vi khuẩn nấm sẽ lan xuống phần thanh quản và đường hô hấp dưới. Từ đó khiến cho trẻ có hiện tượng thở nhanh, thở gấp hơn bình thường. Thậm chí là co rút lồng ngực (tình trạng này thường diễn ra ở những trẻ em dưới 6 tháng tuổi).
Xuất hiện các đốm trắng ở cổ và niêm mạc miệng
Đây là hiện tượng khá phổ biến khi bệnh đã chuyển biến nặng. Bạn có thể nhìn thấy một số mảng màu trắng sữa hoặc trắng ngà xung quanh phần họng và phần cuống lưỡi của trẻ.
Ở giai đoạn này, nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể lây xuống phổi, làm suy yếu đường hô hấp của trẻ. Từ đó gây các bệnh như viêm đường hô hấp cấp, hen phế quản hoặc nặng hơn có thể dẫn tới tử vong.
Nguyên nhân gây bệnh nấm họng ở trẻ em
Bệnh nấm họng do vi khuẩn nấm Candida gây nên. Đây là loại bào tử tồn tại công sinh trong khoang miệng của con người. Chúng sẽ nhân đôi và phát triển khi có môi trường thuận lợi, gây nên tình trạng nấm họng, nấm miệng, và các bệnh lý liên quan khác.
Ngoài ra, một nguyên nhân nữa cũng có thể gây nên bệnh nấm ở trẻ em đó là do thói quen sinh hoạt hàng ngày.
- Trẻ không được vệ sinh răng miệng đúng cách: Việc vệ sinh răng miệng cho bé là điều vô cùng cần thiết. Bởi đây là phương pháp duy nhất giúp loại bỏ vi khuẩn gây hại. Đồng thời, làm ức chế sự phát triển của vi khuẩn nấm.
- Cho trẻ ăn những loại đồ ăn quá cứng: Khi bạn cho trẻ ăn đồ quá cứng sẽ vô tình làm rách niêm mạc họng của bé (độ dày niêm mạc của trẻ nhỏ khá mỏng). Từ đó tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển.
- Để trẻ chơi ở những nơi thiếu vệ sinh.
- Nấm họng cũng có thể lây từ cha mẹ sang con cái, do sử dụng chung dụng cụ ăn uống.
Bệnh nấm họng ở trẻ em có nguy hiểm không?
Theo các chuyên gia, bệnh nấm họng thường không gây ảnh hưởng nhiều đến trẻ nhỏ, nếu như bạn phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên nếu để lâu, nấm sẽ ăn loang khắp lưỡi, gây tình trạng mất vị giác, khiến trẻ biếng ăn, đau đớn, khó bú, bỏ bú và quấy khóc. Nguy hiểm hơn, nấm có thể lan vào đường thở gây bệnh nấm phổi, viêm phổi hoặc nặng hơn có thể dẫn đến tử vong do tắc ống thở.
Không sử dụng chung các vật dụng cho trẻ ăn với người khác
Nên làm gì khi trẻ bị nấm họng?
Khi trẻ bị nấm họng, việc cần làm đầu tiên là vệ sinh răng miệng cho trẻ và điều trị tại chỗ bằng thuốc kháng nấm được bác sĩ kê đơn.
Đối với trường hợp bé bị nấm nhẹ, có thể dùng nước muối để súc miệng hàng ngày. Với trẻ bé hơn có thể dùng miếng gạc sạch, thấm dung dịch nước muối sinh lý để lau miệng và lưỡi cho bé nhiều lần trong ngày.
Trường hợp khi bé bị nặng hơn, mẹ có thể dùng một số loại thuốc kháng nấm. Nên tiếp tục rà miệng cho trẻ thêm 2 ngày với thuốc kháng nấm sau khi đã bệnh đã hết để tránh trường hợp nấm tái phát trở lại.
Nếu sau 7 ngày trẻ không có dấu hiệu thuyên giảm, ba mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng các loại thuốc kháng nấm khác như thuốc uống Nystatin dạng viên. Ngoài ra, việc vệ sinh các vật dụng hàng ngày thật sạch cũng rất quan trọng nhằm tránh mầm bệnh lây lan.
Phòng ngừa nấm họng ở trẻ như thế nào?
Để ngăn ngừa nguy cơ nấm họng ở trẻ nhỏ, bạn cần thực hiện những bước cơ bản sau:
- Thường xuyên cho con về sinh tay chân sạch sẽ, đặc biệt là trước và sau khi ăn.
- Tuyệt đối không nên sử dụng chung các vật dụng như ly, bát, đũa… với trẻ nhỏ.
- Bổ sung cho trẻ thêm các thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt, ổi, táo, măng cụt… để tăng cường sức đề kháng. Cùng với đó, làm tăng kháng thể chống lại sự phát triển của nấm Candida sống trong khoang miệng.
- Đưa trẻ đến trung tâm chuyên khoa nhi để có hướng điều trị tốt nhất khi vệ sinh đúng cách mà nấm miệng không thuyên giảm.
Trên đây là một số thông tin về bệnh nấm họng ở trẻ em mà bạn có thể tham khảo. Hy vọng, qua bài viết này, bạn sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm hơn trong việc điều trị cũng như ngăn ngừa bệnh nấm họng cho trẻ.
Minh Nguyễn
Nguồn tham khảo: Tổng hợp