Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Bệnh nhân bị loét dạ dày ăn gì?

Ngày 22/07/2024
Kích thước chữ

Dạ dày thuộc hệ tiêu hóa vì vậy mà chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị cho những người không may mắc phải bệnh loét dạ dày. Vậy những người bị loét dạ dày nên ăn gì và tránh ăn gì?

Loét dạ dày có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Mặc dù thực phẩm không phải là nguyên nhân trực tiếp gây loét dạ dày và cũng không có tác dụng chữa trị, nhưng chúng có thể ảnh hưởng đến tốc độ lành vết loét và mức độ cơn đau của bệnh nhân.

Yếu tố nguy cơ gây nên tình trạng loét dạ dày

Các yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày:

Hút thuốc lá và uống rượu bia

Khói thuốc lá chứa hơn 200 chất gây hại cho sức khỏe, trong đó có nicotine. Nicotine kích thích cơ chế tiết ra nhiều cortisol, tăng nguy cơ viêm loét dạ dày. Uống rượu bia và các loại đồ uống có cồn khác cũng làm tổn thương niêm mạc dạ dày, góp phần vào sự phát triển của bệnh.

Bệnh nhân bị loét dạ dày ăn gì? 1
Uống rượu bia cũng làm tổn thương niêm mạc dạ dày

Căng thẳng thần kinh (stress)

Người thường xuyên căng thẳng và lo lắng có nguy cơ mắc viêm loét dạ dày cao hơn, do căng thẳng kéo dài ảnh hưởng lớn đến quá trình bài tiết axit trong dạ dày.

Thói quen ăn uống và sinh hoạt không điều độ

Thói quen sinh hoạt không điều độ như thức khuya, bỏ bữa ăn sáng, ăn uống không đúng giờ giấc, ăn khuya và lười vận động không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn làm tăng nguy cơ mắc viêm loét dạ dày.

Nguyên nhân gây ra tình trạng loét dạ dày

Loét dạ dày chủ yếu do hai nguyên nhân chính: Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) và sử dụng thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) thường dùng để trị đau khớp.

Nhiễm vi khuẩn Helicobacter Pylori (HP)

Đây là một trong những nguyên nhân chính gây viêm loét dạ dày. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn HP xâm nhập vào lớp nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày và tiết ra độc tố làm suy yếu chức năng bảo vệ của niêm mạc chống lại axit.

Thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm

Đây là nguyên nhân phổ biến thứ hai sau nhiễm vi khuẩn HP. Việc sử dụng lâu dài thuốc kháng viêm và giảm đau, đặc biệt ở người lớn tuổi, làm ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin – chất có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày. Sự sụt giảm prostaglandin dẫn đến viêm loét dạ dày.

Bệnh nhân bị loét dạ dày ăn gì? 2
Không nên thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm

Bệnh nhân bị loét dạ dày ăn gì?

Bệnh nhân bị loét dạ dày cần được chú ý đặc biệt trong chế độ ăn uống hàng ngày. Dưới đây là một số loại thực phẩm tốt nhất mà người bị loét dạ dày nên bổ sung vào chế độ ăn để hỗ trợ quá trình điều trị và làm lành vết loét.

Thực phẩm chứa lợi khuẩn

Lợi khuẩn hay còn gọi là probiotic, là các vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa. Các thực phẩm như sữa chua, miso, kim chi, sauerkraut, kombucha và tempeh đều chứa nhiều lợi khuẩn. Những loại thực phẩm này có thể giúp bệnh nhân loét dạ dày bằng cách giảm sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori (HP), một tác nhân chính gây loét dạ dày. Lợi khuẩn còn giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, cải thiện chức năng tiêu hóa và hỗ trợ quá trình lành vết loét.

Thực phẩm giàu chất xơ

Táo, lê, yến mạch và các loại thực phẩm giàu chất xơ khác đều rất có lợi cho người bị loét dạ dày. Chất xơ có hai tác dụng chính đối với bệnh nhân loét dạ dày. Thứ nhất, chất xơ giúp làm giảm nồng độ acid trong dạ dày, từ đó làm giảm triệu chứng đau và chướng bụng. Thứ hai, chế độ ăn giàu chất xơ đã được chứng minh là giúp hạn chế nguy cơ phát triển loét dạ dày. Ngoài ra, chất xơ còn có khả năng thúc đẩy quá trình tiêu hóa và duy trì hệ vi sinh đường ruột khỏe mạnh, góp phần làm giảm viêm nhiễm và hỗ trợ lành vết loét.

Khoai lang

Khoai lang là một nguồn cung cấp dồi dào vitamin A, một dưỡng chất quan trọng có tác dụng hỗ trợ làm lành vết loét dạ dày. Vitamin A giúp bảo vệ và tái tạo niêm mạc dạ dày, ngăn ngừa tổn thương và viêm nhiễm. Ngoài khoai lang, các thực phẩm khác giàu vitamin A bao gồm rau chân vịt, cà rốt, dưa vàng và gan bò. Bổ sung đủ vitamin A trong chế độ ăn có thể giúp cải thiện sức khỏe niêm mạc dạ dày và giảm nguy cơ loét dạ dày.

Bệnh nhân bị loét dạ dày ăn gì? 3
Khoai lang có tác dụng hỗ trợ làm lành vết loét dạ dày

Ớt chuông đỏ

Ớt chuông đỏ chứa rất nhiều vitamin C, một chất chống oxi hóa mạnh mẽ giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi các tổn thương và hỗ trợ quá trình lành vết thương. Vitamin C còn có vai trò quan trọng trong việc tăng cường hệ miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của vi khuẩn HP. Nhiều nghiên cứu cho thấy những người thiếu vitamin C có nguy cơ cao hơn bị loét dạ dày. Ngoài ớt chuông đỏ, các thực phẩm giàu vitamin C khác bao gồm các loại trái cây thuộc họ cam chanh, dâu tây, kiwi và bông cải xanh. Bổ sung vitamin C từ các nguồn thực phẩm tự nhiên giúp duy trì sức khỏe niêm mạc dạ dày và hỗ trợ quá trình hồi phục.

Những thực phẩm người bị loét dạ dày nên tránh

Ngoài các loại thực phẩm kể trên, người bị loét dạ dày nên tránh các thực phẩm và đồ uống có thể kích thích niêm mạc dạ dày như đồ ăn cay, chua, nhiều dầu mỡ, cà phê và rượu bia. Chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng và giàu dưỡng chất sẽ giúp hỗ trợ quá trình điều trị và làm lành vết loét, đồng thời duy trì sức khỏe tổng thể tốt hơn.

Sữa tươi

Trước khi các phương pháp điều trị loét dạ dày hiện đại ra đời, sữa được cho là có khả năng làm lành vết loét. Tuy nhiên, thực tế sữa không những không giúp lành vết loét mà còn kích thích dạ dày tiết ra nhiều acid hơn, làm tình trạng loét trở nên tồi tệ hơn.

Rượu và đồ uống có cồn

Người có nguy cơ cao bị loét dạ dày hoặc đã có vết loét nên tránh xa rượu và đồ uống có cồn hoàn toàn, hoặc ít nhất là hạn chế tối đa. Nghiên cứu đã chứng minh rằng các loại đồ uống này kích thích và gây tổn hại tới ống tiêu hóa, làm cho vết loét trầm trọng hơn.

Đồ ăn giàu chất béo

Thực phẩm giàu chất béo mất nhiều thời gian để tiêu hóa, gây ra đau và chướng bụng, đặc biệt là ở người bị loét dạ dày. Hạn chế tiêu thụ các đồ ăn này sẽ giúp giảm bớt triệu chứng khó chịu.

Đồ ăn cay

Mặc dù đồ ăn cay từng bị coi là nguyên nhân gây loét dạ dày, thực tế không đúng. Tuy nhiên, ở một số người, đồ ăn cay có thể làm triệu chứng trở nên tệ hơn. Do đó, người bị loét dạ dày nên tránh ăn đồ cay.

Cam, chanh

Các loại trái cây như cam, chanh chứa nhiều acid tự nhiên, có thể kích thích vết loét. Dù chưa có bằng chứng thuyết phục về vấn đề này, phản ứng của mỗi người đối với thực phẩm là khác nhau. Nếu cảm thấy triệu chứng tệ hơn sau khi ăn, tốt nhất là nên tránh.

benh-nhan-bi-loet-da-day-an-gi 4.jpg
Các loại trái cây như cam, chanh chứa nhiều acid tự nhiên, có thể kích thích vết loét

Chocolate

Mặc dù chocolate ngon và có nhiều lợi ích cho sức khỏe, một số người bị loét dạ dày cảm thấy khó chịu sau khi ăn. Nếu có triệu chứng khó chịu sau khi ăn chocolate, tốt nhất là không nên tiếp tục sử dụng.

Caffeine

Các nghiên cứu về caffeine và loét dạ dày hiện đang có nhiều ý kiến trái chiều. Vì thế, lời khuyên hạn chế tiêu thụ caffeine (điển hình là cà phê) là khá phổ biến. Để an toàn, người bị loét dạ dày nên hạn chế caffeine cho đến khi vết loét lành hẳn.

Viêm loét dạ dày nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như thủng dạ dày, ung thư dạ dày, xuất huyết tiêu hóa và hẹp môn vị dạ dày. Để bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa, bạn nên lựa chọn các thực phẩm bệnh nhân bị loét dạ dày ăn gì và hạn chế các loại thực phẩm cần tránh hạn chế làm cho tình trạng loét trở nên tệ hơn.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin