Người bị lao thường phải dùng thuốc theo một số loại phác đồ điều trị. Nhiều trường hợp bệnh nhân dùng thuốc chống lao bị phản ứng ngược, nếu không tìm hiểu kỹ rất dễ bỏ thuốc giữa chừng dẫn đến tình trạng kháng thuốc rất nguy hiểm, bên cạnh đó còn lây lan bệnh ra cộng đồng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh.
Tăng men gan là một trong những tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc điều trị lao
Tăng men gan là gì?
Tăng men gan xảy ra khi các men xúc tác trong gan như ALT, AST, GGT, ALP được giải phóng và hòa tan vào máu tạo nên một nồng độ men gan nhất định. Do ảnh hưởng của cơ thể, men gan có thể vượt quá giới hạn bình thường, tăng cao và phá hủy các tế bào của gan.
Đây là một rối loạn khá phổ biến hiện nay và có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Men gan tăng cao là dấu hiệu đầu tiên cho thấy gan của người bệnh đang bị viêm hoặc bị tổn thương, do tế bào gan bị viêm hoặc tổn thương khiến cho 2 loại men là ALT và AST bị rò rỉ vào máu và tăng cao. Hai enzym khác là GGT, được tìm thấy trong thành tế bào ống mật, và ALP, được tìm thấy trong màng tế bào gan.
Tác dụng phụ gây tăng men gan khi dùng thuốc điều trị lao
Một số thuốc chống lao như isoniazid, rifampicin và pyrazinamide có thể gây độc cho gan. Rifampicin là một loại thuốc có ít khả năng gây tổn thương tế bào gan nhất. Tuy nhiên, rifampicin có thể làm tăng bilirubin huyết thanh nên bệnh nhân thường bị vàng da và vàng mắt.
Trong ba loại thuốc nói trên, isoniazid là thuốc phổ biến nhất và gây ra tần suất phản ứng gan cao nhất. Trong số các loại thuốc hàng thứ hai, ethionamide, prothionamide và PAS cũng có thể gây độc cho gan, mặc dù ở mức độ nhẹ hơn so với các thuốc hàng đầu. Viêm gan hiếm khi xảy ra với fluoroquinolon. Những bệnh nhân có tiền sử bệnh gan, nếu không có biểu hiện lâm sàng của bệnh gan mãn tính, mang virus viêm gan, viêm gan cấp tính, nghiện rượu thì có thể được điều trị lao như chế độ điều trị thông thường.
Yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng uống thuốc lao bị men gan cao
Tuổi tác cũng là một yếu tố gây tăng men gan khi uống thuốc chống lao. Theo nghiên cứu, ở những người có độ tuổi trên 60 sẽ có nguy cơ nhiễm độc gan tăng. Suy dinh dưỡng cũng sẽ khiến tỷ lệ tổn thương gan cao hơn những người có sức đề kháng tốt. Ngoài ta, tính nhạy cảm di truyền góp phần đáng kể vào sự gia tăng tổn thương gan do thuốc kháng lao.
Tuổi tác cũng là một yếu tố gây tăng men gan khi uống thuốc chống lao
Bên cạnh đó, có một nửa trường hợp có tăng men gan khi dùng thuốc kháng lao rifampicin và isoniazid là do có bệnh gan mãn tính như xơ gan do virus, viêm gan, do rượu, gan nhiễm mỡ.
Ngoài ra, rượu làm tăng sản xuất chất chuyển hóa độc của isonazid và giảm dự trữ glutathione ở gan, do đó làm tăng nguy cơ gây tăng men gan do thuốc, đặc biệt khi phối hợp với thuốc rifampicin thì nguy cơ viêm gan cao hơn.
Đặc biệt, khi bệnh nhân mắc các thể lao nặng như lao màng não, lao kê thì thường phải dùng các thuốc điều trị lao ở liều cao. Thể trạng bệnh nhân thường xấu hơn so với việc mắc các thể lao nhẹ khác, chính vì vậy làm tăng nguy cơ gây độc cho gan.
Tỷ lệ bệnh nhân điều trị lao có nhiễm HIV đi kèm tác dụng phụ viêm gan là 9,7%. Sự hiện diện của nhiễm HIV và lao ngoài phổi là những yếu tố nguy cơ đáng kể cho sự tăng men gan.
Cần làm gì khi uống thuốc lao bị men gan cao?
Nếu người bệnh lao đã bị tổn thương gan trước đó thì cần phải nhập viện, theo dõi chức năng gan trong quá trình điều trị bệnh lao phổi. Các phương án điều trị sẽ do bác sĩ chuyên khoa quyết định dựa trên khả năng dung nạp thuốc của bệnh nhân. Sau khi thấy bệnh nhân dung nạp thuốc tốt, men gan không tăng, đáp ứng lâm sàng tốt thì có thể chuyển ra điều trị ngoại trú và được theo dõi chặt chẽ.
Ở bệnh nhân lao bệnh gan mãn tính, nếu chức năng gan bình thường, có thể tiếp tục điều trị mà không cần xét nghiệm trừ khi bệnh nhân có các triệu chứng nhiễm độc gan. Nếu men gan dưới 2 lần giới hạn trên của bình thường và không có triệu chứng nhiễm độc gan, người bệnh có thể bắt đầu điều trị, nhưng phải theo dõi hàng tháng về các triệu chứng và các chỉ số khác của nhiễm độc gan. Nếu men gan tăng trên 2 lần giới hạn của mức bình thường, nên ngừng điều trị lao và nhập viện.
Nếu men gan tăng trên 2 lần giới hạn của mức bình thường, nên ngừng điều trị lao và nhập viện
Bệnh nhân bị bệnh gan mãn tính không nên dùng pyrazinamid, isoniazid, rifampicin và có thể dùng một hoặc hai loại thuốc không gây độc cho gan như streptomycin, ethambutol, hoặc kết hợp với fluoroquinolon.
Đối với bệnh nhân lao bị viêm gan cấp tính như viêm gan siêu vi B cấp tính không liên quan đến lao, đánh giá lâm sàng là điều rất quan trọng trong việc đưa ra phương án điều trị. Trong một số trường hợp, việc điều trị bệnh lao có thể bị trì hoãn cho đến khi bệnh viêm gan cấp tính đã ổn định. Trong trường hợp bắt buộc phải điều trị lao trong trường hợp viêm gan cấp tính không ổn định hoặc đang tiến triển, chẳng hạn như men gan cao gấp 3 lần so với ban đầu thì có thể cân nhắc một trong các phương án này tùy theo mức độ bệnh.
Uống thuốc lao bị men gan cao là một trong những tác dụng phụ của bệnh lao. Để hạn chế những phản ứng ngoài ý muốn này, người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ, không tự ý tăng, giảm liều lượng hay bỏ thuốc. Khi xuất hiện các triệu chứng như chán ăn, sợ mỡ, nước tiểu sẫm màu, đau tức vùng gan cần đi khám ngay để được phát hiện và điều trị kịp thời. Lúc này, các bác sĩ sẽ cân nhắc lựa chọn phương pháp điều trị mới.
Thuý Nguyễn
Nguồn tham khảo: Tổng hợp