Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh sốt xuất huyết có mấy chủng? Phòng tránh sốt xuất huyết thế nào?

Ngày 12/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sốt xuất huyết là căn bệnh nguy hiểm, hàng năm nước ta đều phải đối mặt với các đợt bùng phát dịch bệnh này mà không hề có thuốc đặc trị. Vậy, sốt xuất huyết có mấy chủng? Làm thế nào để phòng tránh bệnh?

Sốt xuất huyết có quá trình diễn tiến bệnh rất nhanh và dễ dàng gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đúng cách. Biết thêm một số thông tin về sốt xuất huyết sẽ giúp chúng ta nâng cao ý thức, chủ động hơn trong việc phòng tránh bệnh. Để biết được bệnh sốt xuất huyết có mấy chủng và cách để phòng tránh, mời bạn đọc hãy theo dõi bài viết dưới đây.

Dấu hiệu nhận biết bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là căn bệnh được liệt vào danh sách những căn bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, căn bệnh này do một loại virus tên là Dengue gây ra. Hầu hết, những trường hợp bệnh nhân mắc sốt xuất huyết thể nhẹ đều có thể tự khỏi sau khoảng 1 tuần điều trị, thế nhưng ngược lại cũng sẽ có những trường hợp bệnh trở nặng và phải đi cấp cứu. Tỷ lệ tử vong ở ngưỡng cao nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Khi nhận thấy cơ thể có các dấu hiệu bất thường như sau thì rất có thể bạn đã bị mắc sốt xuất huyết:

  • Cơ thể bị sốt cao trên 40 độ.
  • Đau đầu, đau các cơ, đau xương khớp và đau hốc mắt.
  • Buồn nôn và nôn mửa.
  • Sưng hạch bạch huyết.
  • Xuất hiện phát ban toàn thân.

Bệnh sẽ được chia ra thành 3 giai đoạn chính, bao gồm:

  • Sốt xuất huyết thể nhẹ: Sẽ diễn ra trong giai đoạn ủ bệnh khoảng từ 4 - 7 ngày kể từ khi bị muỗi mang theo mầm bệnh đốt. Ở giai đoạn đầu của bệnh, người bệnh sẽ bị sốt cao 39 - 40 độ một cách bất thường. Triệu chứng sốt sẽ kéo dài từ 2 - 7 ngày và không có dấu hiệu thuyên giảm dù người bệnh đã dùng các loại thuốc hạ sốt, ngoài ra sốt cũng tái phát lại nhiều lần. Bên cạnh đó, người bệnh cũng cảm thấy đau cơ, đau khớp, da nổi mẩn, chán ăn, buồn nôn.
  • Sốt xuất huyết cảnh báo: Người bệnh lúc này đã giảm hoặc cắt được cơn sốt nhưng đây mới là giai đoạn nguy hiểm nhất với nguy cơ xuất hiện các biến chứng giảm tiểu cầu, xuất huyết dưới da, đi tiểu ra máu, chảy máu mũi, chảy máu lợi và xuất huyết trong, thoát huyết tương.
  • Hồi phục (48 - 72 giờ): Khi người bệnh đã vượt qua được giai đoạn nguy hiểm thì lòng mạch bắt đầu tái hấp thu dịch từ mô kẽ. Người bệnh sẽ đi tiểu nhiều lần, hết sốt, huyết động ổn định và sức khỏe tốt dần lên.

Đối với các dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết, người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan. Bỏ qua các dấu hiệu bệnh có thể khiến cho bệnh trở nên nặng hơn, gây ra những biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe.

Bệnh sốt xuất huyết có mấy chủng? Phòng tránh sốt xuất huyết thế nào?1
Sốt xuất huyết có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Bệnh sốt xuất huyết có mấy chủng?

Bệnh sốt xuất huyết sẽ bao gồm 4 chủng tất cả, ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Rất nhiều người còn lầm tưởng cho rằng, bệnh sốt xuất huyết cũng giống như các bệnh lý truyền nhiễm khác, bị một lần là cơ thể sẽ không bị mắc lại nữa. Thực chất, đây là một hiểu lầm rất tai hại về bệnh sốt xuất huyết, làm cho nhiều người chủ quan. Sau khi người bệnh bị mắc 1 trong 4 chủng sốt xuất huyết thì cơ thể đã có khả năng miễn dịch với chủng bệnh đó suốt đời. Thế nhưng, người bệnh cũng có thể tái nhiễm bệnh nhưng do một chủng bệnh khác gây ra. Đáng lo là lần nhiễm sau tình trạng sẽ bị nặng hơn lần nhiễm trước.

Với các chủng bệnh sốt xuất huyết, hiện nay, chưa thể khẳng định chủng bệnh nào nguy hiểm hơn. Tuy nhiên, theo các quan sát lâm sàng, khả năng chủng D2 là chủng có độc lực cao nhất trong tất cả 4 chủng. Bệnh nhân mắc chủng D2 dễ rơi vào tình trạng sốc, tổn thương nội tạng. Sau chủng D2 là chủng D3. Còn lại, các bệnh nhân nhẹ thường mắc chủng D1 và D4.

Bệnh sốt xuất huyết có mấy chủng? Phòng tránh sốt xuất huyết thế nào?2
Sốt xuất huyết có 4 chủng bệnh khác nhau

Cách phòng tránh bệnh sốt xuất huyết

Để phòng tránh bệnh sốt xuất huyết, có hai việc quan trọng nhất bạn cần thực hiện đó là vệ sinh sạch sẽ nơi ở, hạn chế sự sinh trưởng của muỗi và tránh bị muỗi đốt. Cho dù là ở thành phố hay nông thôn thì muỗi vằn đều có thể sinh sôi, vì thế mọi người cần chú ý:

  • Bể cá, chậu hoa không dùng đến nên cọ rửa sạch sẽ, để cho ráo nước và úp ngược xuống.
  • Đậy kín các dụng cụ chứa nước.
  • Thu gom và tiêu hủy các vật phế thải trong nhà.
  • Không tích trữ các thùng rỗng, hộp xốp trong nhà.
  • Dọn dẹp cống rãnh, lỗ thoát nước định kỳ.

Ngoài ra, phòng tránh nguy cơ bị muỗi đốt bằng cách:

  • Mặc quần áo dài tay.
  • Mắc màn khi ngủ, kể cả vào ban ngày.
  • Sử dụng vợt điện muỗi, các loại kem, thuốc xịt đuổi muỗi, côn trùng.
  • Không ngồi làm việc, chơi đùa, học tập ở những nơi ẩm thấp.

Nếu không may trong gia đình bạn có người bị sốt xuất huyết, hãy cách ly người bệnh ở một phòng riêng và không dùng chung đồ dùng với người bệnh. Hãy tích cực dọn dẹp môi trường để muỗi không có cơ hội sinh sôi và phát triển, gây bệnh.

Bệnh sốt xuất huyết có mấy chủng? Phòng tránh sốt xuất huyết thế nào?3
Dọn dẹp nơi ở thật sạch sẽ giúp phòng ngừa sốt xuất huyết

Tóm lại, sốt xuất huyết có mấy chủng? Câu trả lời đó chính là 4 chủng và chủng nào cũng có thể khiến cho sức khỏe của chúng ta bị ảnh hưởng. Do đó, không nên chủ quan, đặc biệt là vào thời điểm mùa mưa trong năm, mùa dễ hình thành nên dịch sốt xuất huyết. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào về căn bệnh này, hãy liên hệ với các bác sĩ để được giải đáp một cách chi tiết và chính xác. 

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm