Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bệnh truyền nhiễm là gì? Các bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em

Ngày 29/09/2022
Kích thước chữ

Sức khỏe của con trẻ luôn là mối quan tâm hàng đầu của các bậc cha mẹ. Vì thế, chỉ một thay đổi nhỏ trên cơ thể của trẻ cũng khiến họ lo lắng. Đặc biệt vào những thời điểm giao mùa trong năm, trẻ thường dễ mắc phải các bệnh truyền nhiễm do sức đề kháng kém. Vậy bệnh truyền nhiễm là gì và các bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em là những bệnh nào?

Bệnh truyền nhiễm có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng thường gặp nhất vẫn là ở độ tuổi sơ sinh và trẻ nhỏ. Dưới đây Nhà thuốc Long Châu sẽ giới thiệu về khái niệm bệnh truyền nhiễm là gì và các bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em, đồng thời giúp các cha mẹ biết cách chăm sóc trẻ tại nhà khi con mắc bệnh.

Bệnh truyền nhiễm là gì?

Bệnh truyền nhiễm là tập hợp các bệnh do virus, vi khuẩn, nấm hoặc ký sinh trùng gây ra, được gọi là mầm bệnh. Đây là những bệnh có khả năng lây truyền từ người bệnh sang người khỏe mạnh hoặc từ động vật sang người hoặc qua trung gian một số côn trùng bằng một hay nhiều đường khác nhau.

Bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào, tuy nhiên phổ biến nhất là trẻ em. Nguyên do là khả năng miễn dịch ở lứa tuổi này kém và hệ thống miễn dịch chưa được hoàn thiện như ở người trưởng thành. Vậy các bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em là những bệnh gì?

Bệnh truyền nhiễm là gì? Các bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em 1 Các bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em do sức đề kháng yếu

Các bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em

Mỗi loại bệnh truyền nhiễm có thể do một hoặc nhiều mầm bệnh gây ra với những triệu chứng khác nhau. Do đó, phương pháp điều trị và phòng bệnh của mỗi loại bệnh cũng sẽ khác nhau. Dưới đây là top 4 bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em.

Bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm trùng do virus đường ruột Coxsackievirus A16 và Enterovirus E71 gây ra. Bệnh phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ dưới 3 tuổi. Biểu hiện sớm của bệnh là mệt mỏi, đau họng và sốt nhẹ. Sau đó, xuất hiện nốt phỏng nước ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông và đôi khi ở xung quanh hậu môn của trẻ. Những triệu chứng này gây ra các tổn thương da và niêm mạc khiến trẻ đau đớn, quấy khóc, chán ăn…

Bệnh tay chân miệng lây nhiễm theo đường tiêu hoá từ nước bọt, mụn nước và phân của trẻ bị bệnh. Do đó, các môi trường sinh hoạt tập thể như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học hay khu vui chơi đều có thể là yếu tố nguy cơ lây lan bệnh và dễ phát triển thành các ổ dịch.

Khi bệnh mới chỉ ở giai đoạn khởi phát thể nhẹ (nổi mụn nước và loét miệng), cha mẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách:

  • Chế độ dinh dưỡng khoa học: Đối với trẻ sơ sinh, tích cực cho trẻ bú mẹ. Nếu trẻ bú kém do đau rát miệng, mẹ có thể vắt sữa ra bát và dùng thìa đút cho con. Đối với trẻ > 06 tháng tuổi, cho trẻ ăn cháo loãng hay súp dinh dưỡng để dễ tiêu hoá. Tích cực bổ sung nước, dung dịch điện giải (Oresol) hoặc nước ép hoa quả để ngăn ngừa mất nước ở trẻ. Trong trường hợp trẻ không thể ăn nuốt được, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và xử trí.
  • Đảm bảo vệ sinh cho trẻ: Sử dụng nước ấm để tắm cho trẻ, sau đó lấy khăn sạch lau khô người con. Hãy mặc cho con loại quần áo vải mềm, thông thoáng và dễ thấm hút. Hãy cắt móng tay hoặc đeo bao tay cho trẻ để hạn chế tổn thương da do gãi ngứa. 
  • Sử dụng thuốc: Có thể dùng Paracetamol hoặc Ibuprofen để hạ sốt, giảm đau cho trẻ. Đối với các mụn nước gây tổn thương da, niêm mạc thì có thể thoa các dung dịch sát khuẩn như Betadin nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm trùng. Tuy nhiên, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi cho trẻ sử dụng thuốc.
Bệnh truyền nhiễm là gì? Các bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em 2 Tay chân miệng là bệnh lý truyền nhiễm phổ biến ở trẻ nhỏ

Bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do 2 mầm bệnh gây ra là virus Dengue và muỗi vằn Aedes Aegypti gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và bệnh có những triệu chứng phức tạp được diễn biến theo 3 giai đoạn:

  • Giai đoạn khởi phát: Đây là giai đoạn này trẻ bị sốt cao đột ngột và liên tục trên 38,5 độ C. Kèm theo đó là các triệu chứng như trẻ quấy khóc, chán ăn, nôn trớ, sung huyết ở da, chảy máu chân răng.
  • Giai đoạn toàn phát: Nếu trẻ sốt cao liên tục kéo dài 2 - 3 ngày, trẻ có thể rơi vào tình trạng nguy hiểm với các dấu hiệu như tràn dịch phổi, bụng bị căng phù, gan to bất thường, xuất huyết dạ dày, tiểu ra máu, chảy máu mũi, hạ áp, chân tay lạnh.
  • Giai đoạn hồi phục: Qua giai đoạn nguy hiểm, trẻ bắt đầu hồi phục dần với các biểu hiện như hạ sốt, huyết áp ổn định và tiểu nhiều hơn. Nếu làm xét nghiệm máu, trong bảng kết quả sẽ thấy chỉ số bạch cầu tăng nhanh và chỉ số tiểu cầu trở về bình thường.

Đối với trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết thể nhẹ, cha mẹ có thể chăm sóc trẻ tại nhà bằng cách phương pháp như:

  • Sử dụng thuốc: Khi trẻ sốt > 38,5 độ C, cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol với liều từ 10 - 15 mg và từ 4 - 6 giờ/ lần nếu trẻ vẫn sốt cao liên tục. Tuyệt đối không cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt có thành phần Aspirin vì có thể gây rối loạn đông máu và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Tích cực bổ sung điện giải bằng cách cho trẻ uống nước pha thêm Oresol.
  • Chế độ dinh dưỡng: Chia khẩu phần ăn của trẻ thành các bữa nhỏ trong ngày và cho trẻ ăn đồ ăn lỏng giàu chất dinh dưỡng, dễ tiêu hoá như cháo, súp, nước ép hoa quả, sữa và tránh những thức ăn chứa nhiều dầu mỡ.

Hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu bệnh trở nặng với các triệu chứng như nôn ói, lừ đừ, co giật…

Bệnh truyền nhiễm là gì? Các bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em 3 Sốt cao là triệu chứng thường gặp nhất của bệnh sốt xuất huyết 

Bệnh cúm

Bệnh cúm là bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra. Bệnh xảy ra quanh năm, nhất là vào những thời điểm chuyển mùa và dễ bùng phát thành dịch vào mùa xuân. Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi là đối tượng dễ mắc phải do hệ miễn dịch kém.

Từ khi trẻ tiếp xúc với mầm bệnh đến khoảng 2 ngày sau, trẻ bắt đầu xuất hiện những cơn sốt, từ sốt nhẹ đến sốt cao kèm theo những cơn ớn lạnh và đổ mồ hôi trộm. Trẻ có thêm các triệu chứng như chảy dịch mũi, nghẹt mũi, ho, đau rát họng, chán ăn hoặc nôn mửa, tiêu chảy.

Chăm sóc trẻ mắc bệnh cúm tại nhà bằng cách:

  • Dùng thuốc hạ sốt nếu nhiệt độ của trẻ >= 38,5 độ C, chườm và lau người bằng nước ấm.
  • Cho trẻ mặc quần áo rộng, thoáng mát và dễ hút ẩm.
  • Thường xuyên vệ sinh mắt, mũi, miệng bằng dung dịch nước muối 0,9 %.
  • Tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho trẻ bằng những thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và thức ăn dễ tiêu hoá.
Bệnh truyền nhiễm là gì? Các bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em 4 Trẻ mắc cúm thường xuyên hắt hơi, sổ mũi

Bệnh thủy đậu

Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm do virus Varicella Zoster gây ra. Bệnh lây theo đường không khí, nếu người khỏe mạnh hít phải giọt bắn từ các hoạt động hắt hơi, ho của người bệnh thì rất có thể sẽ nhiễm loại virus này. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi.

Bệnh thủy đậu tiến triển theo 3 giai đoạn như sau:

  • Giai đoạn ủ bệnh: Kéo dài từ 14 - 17 ngày mà không có triệu chứng lâm sàng nào.
  • Giai đoạn khởi phát: Xảy ra trong 1 ngày với biểu hiện ban đầu là sốt vừa hoặc sốt cao. Bên cạnh đó, trẻ quấy khóc, viêm đường hô hấp hay co giật.
  • Giai đoạn toàn phát: Ban đầu trên cơ thể trẻ xuất hiện các nốt ban đỏ và sau vài giờ chuyển thành các nốt mụn nước trong. Sau 24 - 48 giờ tiếp theo, các nốt ban chuyển thành màu vàng và có hình cầu nổi lên trên mặt da. Các nốt ban mọc khoảng 100 - 500 nốt và rải rác khắp cơ thể.

Nếu trẻ mắc bệnh thủy đậu mà không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng như viêm phổi, nhiễm trùng da, nhiễm trùng máu hoặc viêm màng não.

Chăm sóc trẻ mắc thủy đậu tại nhà được bác sĩ hướng dẫn như sau:

  • Sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau, kháng sinh cho trẻ theo đơn kê của bác sĩ. Đối với các mụn nước ngoài da đã vỡ nên dùng dung dịch sát khuẩn như Xanhmetylen để chấm lên các nốt mụn đã vỡ nhằm hạn chế nhiễm trùng.
  • Thực hiện chế độ ăn giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hoá cho trẻ. Bổ sung thêm vitamin và khoáng chất bằng trái cây tươi hoặc nước ép hoa quả và tăng cường cho trẻ uống nước tránh mất nước. Đồng thời, vệ sinh thân thể hàng ngày bằng nước ấm giúp trẻ giảm tình trạng nhiễm trùng.

Nếu tình trạng bệnh của trở nặng như mệt mỏi, chán ăn, ý thức không tỉnh táo, xuất huyết tại các nốt ban. Hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời nhằm tránh những biến chứng không đáng có cho trẻ.

Cách phòng tránh các bệnh truyền nhiễm ở trẻ nhỏ

Để giúp trẻ hạn chế mắc phải các bệnh truyền nhiễm, cha mẹ nên lưu ý một số vấn đề sau:

  • Không cho trẻ tiếp xúc trực tiếp với người mang bệnh hoặc đồ dùng người bệnh đã sử dụng. 
  • Tạo thói quen luôn đeo khẩu trang và che miệng khi ho, hắt hơi cho trẻ.
  • Hướng dẫn trẻ luôn rửa tay sạch bằng xà phòng tại nhiều thời điểm trong ngày, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Thực hiện tiêm chủng vaccine đầy đủ cho bé theo từng độ tuổi, giúp trẻ tăng cường sức đề kháng chống lại các mầm bệnh.
  • Giữ gìn không gian sống luôn được sạch sẽ và được khử khuẩn thường xuyên. Đặc biệt là các dụng cụ, đồ chơi, bàn ghế… mà trẻ thường xuyên tiếp xúc.
Bệnh truyền nhiễm là gì? Các bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em 5 Tạo thói quen luôn rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng cho trẻ là điều cần thiết 

Nhà thuốc Long Châu hy vọng với những thông tin trên, bạn đọc đã có được những kiến thức về bệnh truyền nhiễm và các bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ em. Đồng thời giúp các cha mẹ biết cách xử lý và chăm sóc khi trẻ bị mắc những bệnh truyền nhiễm.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin