Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Bệnh võng mạc đái tháo đường: Một căn bệnh thường gặp và âm thầm

Ngày 15/05/2024
Kích thước chữ

Bệnh đái tháo đường gây ra nhiều biến chứng nặng nề và một trong những biến chứng ấy là võng mạc đái tháo đường. Ngoài ra, một khi mắc biến chứng võng mạc đái tháo đường thì khả năng người bệnh sẽ suy giảm thị lực cũng như tiến tới mù lòa rất cao.

Võng mạc đái tháo đường âm thầm tiến triển, không có triệu chứng nên bệnh nhân tiểu đường nếu không thường xuyên tầm soát sẽ không biết mình bị mắc bệnh. Nhiều bệnh nhân chỉ biết (là có bệnh này hoặc không biết mình suy giảm thị lực do đái tháo đường) khi đã có biến chứng hoặc do đi khám bệnh khác mới phát hiện ra.

Đái tháo đường ảnh hưởng đến mắt như thế nào?

Đái tháo đường được định nghĩa là tình trạng mức đường trong máu cao hơn bình thường, theo thời gian sẽ gây tổn thương các cơ quan trong cơ thể, được xem là biến chứng của bệnh đái tháo đường. Trong đó mắt cũng là một cơ quan bị tổn thương do tình trạng tăng đường huyết kéo dài.

Trong các biến chứng trên mắt của bệnh đái tháo đường, bệnh võng mạc đái tháo đường là biến chứng xảy ra liên quan đến tổn thương mạch máu võng mạc. Qua các giai đoạn tiến triển, bệnh dẫn đến giảm thị lực và năng hơn là tình trạng mù lòa.

Trong nhóm dân số mù lòa ở người trẻ, nguyên nhân đái tháo đường được xem là nguyên nhân hàng đầu.

Bệnh võng mạc đái tháo đường: Một căn bệnh thường gặp và âm thầm1
Võng mạc bình thường và võng mạc của người mắc võng mạc đái tháo đường

Bệnh võng mạc đái tháo đường có gây mù không?

Bệnh võng mạc do đái tháo đường là một biến chứng nghiêm trọng đe dọa thị lực ở người bệnh đái tháo đường. Bệnh ảnh hưởng đến cả hai mắt. Nếu không được điều trị, võng mạc đái tháo đường có thể gây mù.

Vì bệnh diễn ra âm thầm, nhiều người không biết mình bị bệnh võng mạc cho đến khi bệnh tiến triển, không hồi phục thị lực.

Tốc độ tiến triển của bệnh võng mạc đái tháo đường như thế nào?

Nếu người bệnh đang bị bệnh võng mạc không tăng sinh nhẹ, nguy cơ bệnh tiến triển thành thể tăng sinh trong 1 năm là 6%.

Trường hợp đang ở giai đoạn bệnh võng mạc không tăng sinh trung bình, nguy cơ này từ 20 đến 40%.

Đối với giai đoạn võng mạc không tăng sinh nặng, có đến 60% bệnh nhân sẽ tiến triển thành bệnh võng mạc tăng sinh trong vòng 1 năm.

Người bệnh đái tháo đường có thường bị bệnh võng mạc không?

Ước tính có 20% đến 35% người mắc đái tháo đường bị bệnh võng mạc.

Đối với người mắc đái tháo đường tuýp 1, sau 5 năm tỷ lệ mắc bệnh võng mạc đái tháo đường khoảng 25%, sau 10 năm là 60% và sau 15 năm là 80%.

Đối với người mắc đái tháo đường tuýp 2, tỷ lệ mắc bệnh võng mạc đái tháo đường ngay tại thời điểm chẩn đoán là 21%, sau 5 năm tỷ lệ này vào khoảng 40%.

Triệu chứng của bệnh võng mạc đái tháo đường là gì?

Giai đoạn đầu của bệnh thường không có bất kỳ triệu chứng nào

Một số người nhận thấy những thay đổi trong tầm nhìn, chẳng hạn như khó đọc hoặc khó nhìn thấy các vật ở xa. Những thay đổi này có thể không kéo dài và trở lại bình thường sau đó.

Triệu chứng bệnh võng mạc đái tháo đường thường xuất hiện ở giai đoạn sau

Người bệnh có thể thấy các đốm hoặc vệt tối, trông giống như mạng nhện. Đôi khi các đốm tự khỏi, nhưng không được chủ quan mà cần đi thăm khám và điều trị ngay. Nếu không điều trị, nguy cơ đe dọa thị lực là rất lớn.

Các triệu chứng thường gặp ở giai đoạn này là nhìn mờ, méo mó, khó đọc, khó nhận diện màu sắc, có các đốm trong tầm nhìn.

Bệnh võng mạc đái tháo đường: Một căn bệnh thường gặp và âm thầm2
Nhìn mờ, méo mó, khó đọc,... là những biểu hiện của bệnh võng mạc đái tháo đường ở giai đoạn sau

Có phải khi nhìn mờ mới bị bệnh võng mạc đái tháo đường?

Không phải! Vì bệnh võng mạc đái tháo đường thường diễn tiến âm thầm, không triệu chứng trong giai đoạn đầu, người bệnh có thể không biết mình đã bị bệnh.

Dù thị lực vẫn tốt và không có gì bất thường, người bệnh vẫn có khả năng đang bị võng mạc đái tháo đường giai đoạn sớm.

Đến khi thấy nhìn mờ, khó nhìn, có đốm nổi trong tầm nhìn, mất khả năng nhìn màu thì nhiều khả năng bệnh đã tiến triển sang giai đoạn nặng hơn.

Do đó việc tầm soát biến chứng mắt cho bệnh đái tháo đường nên theo khuyến cáo của thầy thuốc chuyên khoa.

Bệnh võng mạc đái tháo đường: Một căn bệnh thường gặp và âm thầm3
Nhìn mờ, khó nhìn, mất khả năng nhìn màu thì nhiều khả năng bệnh đã tiến triển sang giai đoạn nặng

Triệu chứng báo hiệu cần đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt ngay

Vì giai đoạn đầu của bệnh võng mạc đái tháo đường thường không có triệu chứng. Một số người thấy có thay đổi về thị lực, nhưng sau đó sẽ trở lại bình thường khi đường huyết được kiểm soát. Khám tầm soát mắt là cách duy nhất để phát hiện bệnh sớm.

Với người bệnh đái tháo đường tuýp 1 nên tầm soát biến chứng mắt sau 5 năm khởi bệnh.

Với đái tháo đường tuýp 2 vì diễn tiến âm thầm nên tầm soát ngay thời điểm được chẩn đoán và can thiệp điều trị.

Nếu nhận thấy bất kỳ thay đổi nào về thị lực ở một hoặc cả hai mắt khi đang bị đái tháo đường, hãy đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt ngay để xem đã bị bệnh võng mạc hay chưa.

Bộ Y tế khuyến khích người bệnh đái tháo đường nhưng chưa có biến chứng võng mạc cần khám sàng lọc mắt định kỳ.

Các giai đoạn tiến triển của bệnh võng mạc đái tháo đường

Bệnh võng mạc không tăng sinh nhẹ

Ở giai đoạn đầu có thể không gặp vấn đề về thị lực.

Bệnh võng mạc không tăng sinh vừa

Ở giai đoạn này khả năng thị lực bị ảnh hưởng nhiều hơn. Tùy trường hợp mà bác sĩ có thể đề nghị kiểm tra mắt 2 - 4 lần mỗi năm.

Bệnh võng mạc không tăng sinh nặng

Người bệnh có thể nhìn mờ, có những đốm đen trong tầm nhìn. Đến giai đoạn này, khả năng rất cao là sẽ bị mất thị lực. Điều trị sớm giúp ngăn ngừa bệnh tiến triển, nhưng nếu đã bị mất đi một phần thị lực thì rất khó để hồi phục.

Bệnh võng mạc đái tháo đường tăng sinh

Trong giai đoạn này, các mạch máu mới phát triển trong võng mạc, thường chảy máu và gây ra mô sẹo trong võng mạc. Nặng hơn có thể gây bong võng mạc, từ đó dẫn đến mất thị lực.

Bệnh võng mạc đái tháo đường: Một căn bệnh thường gặp và âm thầm4
Các giai đoạn tiến triển của bệnh võng mạc đái tháo đường

Ai có nguy cơ cao bị võng mạc đái tháo đường?

  • Bất kỳ ai bị đái tháo đường cũng có thể mắc bệnh võng mạc do đái tháo đường.
  • Nguy cơ bị bệnh võng mạc do đái tháo đường tăng lên khi thời gian bị đái tháo đường lâu hơn bên cạnh kiểm soát đường huyết kém.
  • Những người mắc các bệnh lý khác, chẳng hạn như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bệnh thận, thiếu máu có nguy cơ bị bệnh võng mạc đái tháo đường cao hơn.
  • Phụ nữ trong thời kỳ mang thai phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và bệnh võng mạc do đái tháo đường cao hơn.

Bệnh võng mạc đái tháo đường không điều trị kịp thời ảnh hưởng đến người bệnh như thế nào?

Ở giai đoạn tiến triển, bệnh có thể gây suy giảm thị lực hoặc mất thị lực không hồi phục. Người bệnh cũng tăng nguy cơ mắc các biến chứng khác như tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, xuất huyết dịch kính,…

Mất thị lực cản trở hoạt động thường ngày, làm người bệnh dễ té ngã và làm giảm chất lượng cuộc sống.

Mất thị lực ảnh hưởng xấu đến đời sống tinh thần, làm người bệnh có cảm giác cô đơn, lo lắng, sợ hãi, xa cách với gia đình, người thân. Người bị mất thị lực cũng dễ bị trầm cảm hơn.

Nếu bị đái tháo đường, người bệnh cần lên lịch khám mắt định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ nhãn khoa để theo dõi tình trạng của mắt.

Bệnh võng mạc đái tháo đường: Một căn bệnh thường gặp và âm thầm5
Nên khám mắt định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ nhãn khoa để theo dõi tình trạng của mắt

Nhiều bệnh nhân tới khi có dấu hiệu mắt mờ mới thăm khám, tầm soát thì thường bệnh võng mạc đái tháo đường đã chuyển sang giai đoạn nặng. Chi phí liên quan tới bệnh này thường tốn nhiều và việc điều trị cũng rất khó khăn.

Vì vậy, việc quan trọng nhất là người dân (kể cả người chưa mắc bệnh) cần chú trọng thăm khám sức khỏe thường niên, nhất là người mắc bệnh nền cao huyết áp, đái tháo đường.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm