Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Bị chuột rút khi mang thai 3 tháng cuối có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Ngày 21/05/2022
Kích thước chữ

Mang thai là thời kỳ cơ thể người mẹ dễ chịu những tác động từ bên ngoài và có những vấn đề sức khỏe nhất định. Trong đó, việc bị chuột rút khi mang thai 3 tháng cuối khiến nhiều chị em không khỏi lo lắng, bồn chồn.

Chuột rút mang thai là tình trạng rất hay bắt gặp ở nhiều người phụ nữ. Mời bạn tìm hiểu kỹ hơn về hiện tượng trên qua bài viết sau nhé. 

Tìm hiểu nguyên nhân gây chuột rút ở bà bầu vào 3 tháng cuối

Đối với chuột rút vùng bụng

Hiện tượng bà bầu bị chuột rút ở bụng vào những tháng cuối thai kỳ thường là do những thay đổi về cơ thể. Đây là những hiện tượng rất bình thường khi mang thai nên mẹ bầu không cần quá lo lắng về vấn đề này.

Cân nặng, kích thước thai nhi lớn hơn hay những thay đổi về hormone đều có thể là nguyên nhân gây ra chuột rút vùng bụng ở bà bầu. Những nguyên nhân vừa kể có thể kéo giãn vùng bụng, khiến các cơ bắp và dây thần kinh cũng như mạch máu bị chèn ép, kéo căng ra gây nên hiện tượng chuột rút ở bụng. Dây chằng vùng bụng bị tử cung giãn nở kéo căng cũng là nguyên nhân khá phổ biến gây ra hiện tượng này.

Bị chuột rút khi mang thai 3 tháng cuối có ảnh hưởng đến thai nhi không 1 Mẹ bầu thường bị chuột rút khi mang thai 3 tháng cuối

Đối với chuột rút chân khi mang thai

Chuột rút chân khi mang thai là hiện tượng hay gặp nhất, thường xuyên xảy ra hơn cả chuột rút vùng bụng và hầu như mẹ bầu nào cũng sẽ gặp phải hiện tượng này, đặc biệt là vào 3 tháng cuối thai kỳ.

Nguyên nhân dẫn đến chuột rút chân bà bầu thì có khá nhiều, bao gồm những thay đổi về sinh lí như hormone hay do thói quen hàng ngày như ngồi lâu, ít vận động, vận động mạnh,... Chế độ ăn thiếu chất dinh dưỡng, nhất là canxi và khoáng chất gồm magie và kali cũng khiến chuột rút khi mang thai diễn ra thường xuyên hơn.

Hay bị chuột rút khi mang thai 3 tháng cuối, mẹ bầu nên làm gì?

Hiện tượng chuột rút gây ra các cơ co rút cơ đau đớn, nhất là khi ở những tháng cuối thai kỳ, thai nhi lớn hơn cũng khiến mẹ thêm khó chịu, đau nhức mỗi khi cơn chuột rút kéo đến. Vậy phải làm gì khi bị chuột rút vào 3 tháng cuối thai kỳ để giảm đau đớn, mẹ tham khảo những cách sau đây nhé.

Cách cải thiện lâu dài

  • Ngâm mình bằng nước ấm khi tắm từ 15 – 20 phút, có thể kết hợp massage cơ thể để các cơ được thư giãn, mạch máu lưu thông giúp mẹ dễ chịu hơn.
  • Ngâm chân bằng thảo dược hoặc đơn giản hơn là ngâm chân với gừng, giúp cơ bắp, bắp chân thư giãn, tăng cường lưu thông mạch máu và giúp mẹ thoải mái hơn.
  • Khi làm việc hay nghỉ ngơi, mẹ bầu không nên giữ một tư thế quá lâu. Nếu được hãy đứng lên và vận động nhẹ nhàng bằng cách đi bộ để tránh cơn đau chuột rút.
  • Khi cảm thấy đau đớn do chuột rút, mẹ hãy thử dùng túi chườm ấm lên vùng có cơn đau để giảm đau nhanh chóng.
  • Tham gia các lớp tập thể dục cho mẹ bầu hoặc tự thực hiện những động tác căng cơ đơn giản ngay tại nhà để phòng ngừa chuột rút chân và chuột rút bụng.
  • Uống thật nhiều nước, nên đảm bảo tối thiểu 2 – 2.5 lít nước/ngày. Nếu làm việc trong môi trường nóng hơn hoặc hay đổ mồ hôi, mẹ nên bổ sung thêm nước thường xuyên nhé.
  • Ăn thêm những thực phẩm giàu dinh dưỡng và tăng cường canxi cho cơ thể như: Nước hầm xương, các món cháo giàu dinh dưỡng, cá hồi, hải sản tươi sống, rau lá màu xanh đậm, sữa chua, sữa tươi, sữa các loại hạt,…
Bị chuột rút khi mang thai 3 tháng cuối có ảnh hưởng đến thai nhi không 2 Cá hồi là thực phẩm giúp mẹ bổ sung canxi chống chuột rút

Cách xử lý tức thì

  • Căng cơ bằng cách cố duỗi thẳng chân, sau đó co chân lại và duỗi ra nhiều lần để giảm đau, kéo căng cơ chân;
  • Nếu chuột rút ở vùng bụng, mẹ có thể ngâm mình trong nước ấm hoặc dùng túi chườm ấm để giảm đau;
  • Đi bộ, họat động nhẹ nhàng cũng giúp giãn cơ, dịu lại cơn đau;
  • Xoay nhẹ nhàng các ngón chân và mắt cá chân;
  • Xoa bóp, massage với dầu dưỡng hoặc dầu nóng để làm cơn đau thuyên giảm.

Chuột rút cuối thai kỳ có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Trường hợp chuột rút vào những tháng cuối thai kỳ có một phần nguyên nhân là do thai nhi lớn khiến trọng lượng người mẹ tăng lên, gây sức ép lên các cơ bắp chân và cơ bàn chân, đồng thời còn khiến những mạch máu và dây thần kinh bị chèn ép. Ngoài chuột rút, mẹ bầu còn thường bị tê mỏi chân tay, đau nhức lưng, tê bì chân tay,…

Hiện tượng chuột rút chân và chuột rút bụng khi mang thai 3 tháng cuối được các bác sĩ nhận định là hiện tượng bình thường và không gây nguy hiểm đến mẹ hay bé.

Tuy nhiên mẹ cũng không nên chủ quan, lơ là vì đôi khi có những trường hợp chuột rút đi kèm với dấu hiệu như đau bụng âm ỉ, tử cung mở,… là dấu hiệu bất thường, cần đến ngay bệnh viện để được can thiệp kịp thời.

Thường xuyên bị chuột rút 3 tháng cuối thai kỳ nên ăn gì?

Bên cạnh việc tập luyện thì ăn uống cũng giúp mẹ bầu giảm thiểu tình trạng chuột rút cuối thai kỳ một cách hiệu quả mà không cần dùng đến thuốc. Bà bầu hay bị chuột rút khi mang thai 3 tháng cuối nên bổ sung vào chế độ ăn của mình các thực phẩm sau:

Dưa hấu

Chuột rút thường là do tình trạng cơ thể thiếu nước gây ra. Trong khi đó, dưa hấu lại là loại trái cây chứa đến hơn 90% là nước cùng nhiều vitamin, khoáng chất vi lượng khác, giúp bổ sung lượng nước cần thiết cho cơ thể một cách nhanh chóng, góp phần ngăn ngừa chuột rút chân khi mang thai.

Nước dừa tươi

Nước dừa được liệt kê vào một trong những loại nước trái cây tươi mát có khả năng bù nước, chất điện giải nhanh chóng. Chính vì vậy mà nước dừa được khuyên dùng cho các vận động viên có chế độ tập luyện khắt khe và bà bầu những tháng cuối thai kỳ để bổ sung chất điện giải nhanh, ngăn ngừa chuột rút hiệu quả.

Trong nước dừa ngoài lượng nước lớn còn có chứa những dinh dưỡng như protein, natri, photpho, các vitamin B12, C, A, canxi, magie, kali,… rất tốt cho phụ nữ mang thai những tháng cuối.

Bị chuột rút khi mang thai 3 tháng cuối có ảnh hưởng đến thai nhi không 3 Bà bầu nên uống nhiều nước dừa để ngăn ngừa chuột rút

Đu đủ chín

Khác với đu đủ xanh không tốt cho thai nhi thì ngược lại, đu đủ chín lại được các chuyên gia nhận định là tốt cho phụ nữ mang thai những tháng cuối thai kỳ mẹ nhé.

Trong đu đủ chín có chứa nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là kali và magie. Theo nghiên cứu, trong 310g đu đủ chín có đến 15% kali và 19% magie cần thiết cho bà bầu trong 1 ngày. Thiếu hụt kali cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến chuột rút cuối thai kỳ.

Bà bầu hay bị chuột rút khi mang thai 3 tháng cuối là hiện tượng khá thường xảy ra nên mẹ bầu nên bình tĩnh xử lý, giảm đau tức thì để tránh những khó chịu tạm thời. Nếu chuột rút xảy ra kèm thêm một vài dấu hiệu khác nguy hiểm khác, mẹ nên đến cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, chẩn đoán chính xác nhất nhé. Chúc mẹ bầu luôn mạnh khỏe và có một thai kỳ thuận lợi.  

Hồng Nhung

Nguồn tham khảo: Tổng hợp 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin