Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Giới tính/
  4. Sức khỏe sinh sản

Bị cường giáp nên sinh thường hay sinh mổ và những điều sản phụ cần biết

Ngày 22/07/2023
Kích thước chữ

Cường giáp là hiện tượng tăng hoạt động quá mức của tuyến giáp, dẫn đến tăng sản xuất hormon T3 và T4 khiến chúng lưu thông trong máu hơn mức bình thường, gây ra tổn hại cho mô và quá trình chuyển hoá. Vậy thì sản phụ bị cường giáp nên sinh thường hay sinh mổ?

Phụ nữ thường dễ bị cường giáp hơn nam giới và thường xuất hiện ở phụ nữ mang thai trong độ tuổi 20 - 50. Vậy sản phụ bị cường giáp nên sinh thường hay sinh mổ? Các bạn hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu câu hỏi này trong nội dung bài viết dưới đây.

Cường giáp ảnh hưởng như thế nào với thai nhi?

Cường giáp xảy ra ở sản phụ là một trong những bệnh nội tiết phổ biến nhất, chỉ sau tiểu đường. Tình trạng này xuất hiện khi tuyến giáp sản xuất quá nhiều hormone thyroxine. Các phụ nữ mang thai mắc phải cường giáp thường trải qua các dấu hiệu như: Thay đổi cân nặng không đều, cảm thấy lo lắng, rối loạn giấc ngủ, run tay, lồi mắt, rụng tóc...

Nguyên nhân của cường giáp có thể do nhiều yếu tố gây ra, nhưng phổ biến nhất ở các sản phụ là bệnh Graves. Đây là một bệnh tự miễn, trong đó cơ thể tạo ra kháng thể tấn công tuyến giáp và kích thích hoạt động của nó, dẫn đến việc tuyến giáp sản xuất hormone nhiều hơn bình thường. Có thể có trường hợp cường giáp bắt đầu trong thời kỳ mang thai do sự xuất hiện của các khối u nhỏ tạo ra hormone quá mức trong cơ quan nội tiết này. Nhiều người thắc mắc cường giáp có phải là bướu cổ không, thực tế thì đây là hai căn bệnh khác nhau với các biểu hiện cũng như cách điều trị khác nhau.

Bị cường giáp nên sinh thường hay sinh mổ và những điều sản phụ cần biết 1
Cường giáp xảy ra ở sản phụ là một trong những bệnh nội tiết phổ biến nhất

Khoảng 3 - 4% phụ nữ mang thai gặp rối loạn chức năng tuyến giáp. Mặc dù một số rối loạn này có thể tồn tại từ trước đó, đa số xuất hiện sau khi mang thai. Bất kể xuất hiện từ trước hay sau, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, rối loạn tuyến giáp có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng tới mẹ và thai nhi.

Trong 13 tuần đầu tiên của thai kỳ, tuyến giáp chưa phát triển ở thai nhi, vì vậy lượng hormone tuyến giáp mẹ cung cấp qua rau thai là chủ yếu. Đây là giai đoạn quan trọng hình thành và phân chia các cơ quan và nếu thiếu hormon, có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng cho cả mẹ và thai nhi. Biến chứng này bao gồm nguy cơ tăng huyết áp và suy tim cho mẹ, còn đối với thai nhi, thường gây sảy thai, đẻ non, rối loạn rau bong non và đặc biệt là trẻ ra đời bị thiểu năng trí tuệ, dị tật bẩm sinh.

Nguy hiểm nhất chính là cơn cường giáp cấp tính xảy ra lúc chuyển dạ, tỷ lệ tử vong cả mẹ và con khi đó gần như là 100%. Còn nếu bệnh được phát hiện kịp thời thì sự nguy hiểm sẽ giảm đáng kể. Do đó, việc tầm soát sớm để phát hiện và điều trị kịp thời khi sản phụ mắc phải cường giáp rất quan trọng.

Bị cường giáp nên sinh thường hay sinh mổ và những điều sản phụ cần biết 2
Tầm soát sớm khi sản phụ mắc phải cường giáp rất quan trọng

Sản phụ nào nên thực hiện tầm soát bệnh lý ở tuyến giáp?

Việc tầm soát và điều trị kịp thời các bệnh lý tuyến giáp ở phụ nữ có thai là hết sức quan trọng và cấp thiết. Bởi điều này giúp ngăn các biến chứng và làm giảm tỷ lệ tử vong ở mẹ và con, từ đó đảm bảo sức khỏe toàn diện cho các em bé, đặc biệt là ở bệnh không có dấu hiệu rõ ràng như cường giáp dưới lâm sàng. Các sản phụ sau nên thực hiện tầm soát và theo dõi sát sao bệnh lý tuyến giáp:

  • Sản phụ có tiền sử bệnh tuyến giáp từ trước, như Basedow, suy giáp...
  • Sản phụ có tiền sử gia đình (bố, mẹ...) bị bệnh tuyến giáp.
  • Sản phụ đã từng mắc bệnh tuyến giáp ở những lần mang thai trước.
  • Sản phụ có tiền sử sản khoa như: Sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, hoặc thai nhi bị dị tật bẩm sinh.
  • Sản phụ mắc bệnh đái tháo đường loại 1.
  • Sản phụ rối loạn hệ miễn dịch, mắc các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống...

Bị cường giáp nên sinh thường hay sinh mổ?

Vấn đề liên quan đến việc những phụ nữ mang thai bị cường giáp nên sinh thường hay sinh mổ, đặc biệt là bị bệnh Basedow, luôn là một điều khiến nhiều sản phụ băn khoăn và lo lắng.

Đối với phụ nữ có thai phát hiện hoặc đang điều trị cường giáp trong thai kỳ, bác sĩ sẽ xem xét kết quả xét nghiệm máu và đưa ra phương pháp sinh con thích hợp nhất. Nếu kết quả xét nghiệm hormon tuyến giáp không có bất thường, bệnh nhân có thể tạm ngưng sử dụng thuốc nhưng vẫn sẽ tiếp tục theo dõi và kiểm tra định kỳ vì bệnh cường giáp có thể tái phát và nghiêm trọng hơn trong lúc sinh. Trường hợp bệnh cường giáp nặng, bệnh nhân cần được can thiệp điều trị bằng thuốc kháng giáp tổng hợp (ưu tiên sử dụng thuốc PTU do loại này ít qua rau thai) và tiến hành theo dõi sát sao (như là xét nghiệm hormon TSH, hormon tuyến giáp hàng tháng) để tránh suy giáp xảy ra ở cả mẹ và thai nhi. Vậy nên việc tìm hiểu điều trị bệnh cường giáp ở đâu tốt nhất TPHCM cũng là vấn đề vô cùng quan trọng mà người bệnh cần quan tâm.

Câu hỏi đặt ra là bị cường giáp nên sinh thường hay sinh mổ? Việc sinh thường hay sinh mổ cho sản phụ bị bướu Basedow phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe cụ thể mỗi người mẹ cũng như thai nhi trong bụng. Basedow thông thường xuất hiện trong 3 tháng đầu thai kỳ hoặc ở phụ nữ đã bị Basedow trước đó. Ngoài ra, người mẹ cũng có thể gặp phải tình trạng sảy thai, buộc phải sinh mổ trước thời điểm dự định hoặc tiền sản giật (đây là hội chứng bệnh lý thai nghén trong 3 tháng cuối thai kỳ với nhiều biến chứng nặng nếu không kịp điều trị). Mẹ có nguy cơ cao bị suy tim và nhiễm độc giáp cấp, do đó, việc lựa chọn sinh mổ ngay cả khi thai chưa đủ tháng là cách tối ưu để bảo vệ tính mạng của mẹ và con.

Bị cường giáp nên sinh thường hay sinh mổ và những điều sản phụ cần biết 3
Sản phụ bị cường giáp nên sinh thường hay sinh mổ?

Tuy nhiên, bệnh Basedow có thể cải thiện trong khoảng 3 tháng cuối thai kỳ hoặc diễn biến xấu đi ở giai đoạn hậu sản. Thông thường, phụ nữ sau sinh sẽ hay bị Basedow nặng hơn (thường trong 3 tháng đầu sau sinh), do đó bác sĩ cần tăng liều lượng thuốc kháng giáp trong giai đoạn này kết hợp việc kiểm soát chặt chẽ chức năng của tuyến giáp. Nếu người mẹ được điều trị bằng PTU, đứa trẻ có thể tiếp tục bú sữa mẹ, vì PTU có khả năng gắn kết với protein máu cao và đi qua đường sữa mẹ ít hơn các loại thuốc khác.

Phụ nữ đang mang thai cần lưu ý gì trong quá trình điều trị cường giáp?

Việc điều trị cường giáp trong thời kỳ mang thai phụ thuộc vào thể chất, tuổi thai và mức độ bệnh. Thông thường, người mắc cường giáp cần sử dụng thuốc kháng giáp và ổn định nhịp tim. Thuốc điều trị cường giáp Thyrozol là một trong những loại thuốc được sử dụng phổ biến. Nhưng việc sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai có thể ảnh hưởng đến thai nhi khi các thành phần thuốc truyền qua nhau thai. Do đó, khi không thể sử dụng thuốc kháng giáp, phương pháp phẫu thuật thường được lựa chọn. Thời điểm thích hợp cho việc phẫu thuật thường là vào tháng thứ 3 của thai kỳ.

Phụ nữ đang mang thai hoặc có ý định mang thai không nên điều trị bằng phương pháp iod phóng xạ. Thuốc phóng xạ thường phá hủy tuyến giáp của bệnh nhân để giảm hoạt động quá mức, điều này nhiều khả năng ảnh hưởng xấu tới tuyến giáp của thai nhi.

Mặc dù điều trị cường giáp khi mang thai không quá phức tạp, nhưng mẹ bầu cần tuân theo phác đồ của bác sĩ và thực hiện đầy đủ các xét nghiệm trước sinh để kiểm soát sức khỏe của cả mẹ và con. Người bệnh cũng nên tìm hiểu vấn đề cường giáp kiêng ăn gì và nên ăn gì để xây dựng chế độ dinh dưỡng thích hợp, giúp tăng cao hiệu quả điều trị.

Như vậy, Nhà thuốc Long Châu đã cùng các bạn trả lời câu hỏi bị cường giáp nên sinh thường hay sinh mổ. Hy vọng rằng những chia sẻ trên sẽ thật bổ ích cho bạn. Hãy tiếp tục theo dõi website của Nhà thuốc Long Châu để có thể cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích về sức khỏe nhé.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin