Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Cường giáp có phải là bướu cổ không? Nhận biết biểu hiện lâm sàng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 05/07/2023
Kích thước chữ

Một số người vẫn thường lầm tưởng rằng cường giáp và bướu cổ là tên gọi của cùng một bệnh. Trên thực tế thì điều này có đúng không hay cường giáp có phải là bướu cổ không? Phải làm sao để có thể nhận biết và phân loại hai bệnh này?

Một số người thắc mắc rằng "Liệu cường giáp có phải là bướu cổ không?" bởi biểu hiện chung của hai bệnh này đều là bướu giáp phình to. Tuy nhiên đây lại là hai căn bệnh riêng biệt nhưng chúng lại có mối quan hệ khá mật thiết với nhau. Mời bạn đọc cùng theo dõi ngay bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu để hiểu rõ hơn về thông tin này nhé! 

Cường giáp có phải là bướu cổ không?

Nhiều người hay thắc mắc rằng bệnh cường giáp có phải là ung thư hay có phải là bướu cổ không. Trên thực tế thì đây là hai căn bệnh khác nhau, bướu cổ và cường giáp được hiểu như sau:

Bướu cổ hay bướu giáp đơn thuần là sự phì đại tuyến giáp với biểu hiện kích thước tuyến giáp tăng lên bất bình thường ở vùng cổ. Bướu cổ được chia làm 3 loại gồm bướu cổ lành tính, ung thư tuyến giáp và rối loạn chức năng nội tiết của tuyến giáp (cường giáp, suy giáp). Trong đó, bướu cổ lành tính là phổ biến nhất, chiếm đến 80% các trường hợp.

Đối với bướu cổ lành tính, đây là trường hợp tuyến giáp bệnh nhân có sự tăng lên về kích thước nhưng chức năng tuyến giáp vẫn bình thường. Mặc dù bướu cổ không quá nguy hiểm như cường giáp nhưng vẫn là một tình trạng gây ra nhiều khó khăn cho người bệnh. Theo đó, nếu bướu giáp to sẽ có thể gây chèn ép, khó thở hoặc bướu lớn nhanh có thể gây mất thẩm mỹ và phải tiến hành cắt bướu.

Khác với bướu cổ lành tính không làm thay đổi chức năng tuyến giáp thì cường giáp là một rối loạn hệ thống miễn dịch do tình trạng hoạt động quá mức của tuyến giáp. Điều này dẫn đến việc hormone tuyến giáp được sản xuất ra nhiều hơn bình thường và gây gia tăng nồng độ hormone trong máu. Đồng thời, tình trạng này cũng gây ra không ít tổn hại về mô và chuyển hóa trong cơ thể. Có một dạng cường giáp không có nhiều triệu chứng như cường giáp dưới lâm sàng và một số dạng có triệu chứng rõ ràng, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.

Trả lời cho thắc mắc về "Cường giáp có phải là bướu cổ không?" thì cường giáp cũng có đặc điểm bướu cổ, nhưng thay vì là bướu cổ đơn thuần thì bệnh thường có các triệu chứng đặc trưng khác. Những đặc điểm đó là gì, mời bạn đọc cùng theo dõi phần tiếp theo của bài viết!

Cường giáp có phải là bướu cổ không? Nhận biết biểu hiện lâm sàng, chẩn đoán và điều trị 1
Nhiều người thắc mắc liệu cường giáp có phải là bướu cổ không

Đặc điểm lâm sàng của cường giáp và bướu cổ

Để có thể phân biệt liệu cường giáp có phải là bướu cổ không thì ngoài hiểu được những khái niệm cơ bản trên, người bệnh nên tìm hiểu về những đặc điểm lâm sàng của hai căn bệnh này như sau:

Đối với bướu giáp đơn thuần

Với bướu giáp đơn thuần, bệnh nhân thường có tình trạng phình giáp, nguyên nhân phổ biến nhất là do thiếu iod. Tuy nhiên ở một số quốc gia, đây là nguyên nhân khá hiếm hoi vì trong nước uống và một số loại thực phẩm đều có chứa iod. 

Ngoài ra, một số bệnh lý tự miễn như cường giáp Graves hay nhược giáp Hashimoto cũng là nguyên nhân thường gặp thứ hai. Điều này gây ảnh hưởng đến sự phát triển, đặc biệt là ở đối tượng trẻ em, có thể làm giảm trí thông minh và khiến trẻ trở nên đần độn. 

Những đặc điểm lâm sàng của bướu giáp đơn thuần bao gồm:

  • Đối với bướu giáp đơn đều: Thường do sự phát hiện tình cờ của bản thân hoặc người khác khi thấy bướu lớn và có một khối u to bất thường ở cổ. Khi sờ thì sẽ cảm nhận rõ ranh giới nhưng không dính vào da và không gây đau. Khối u này di động theo nhịp nuốt lên xuống và nếu bướu to có thể gây chèn ép và không có tiếng thổi tại đỉnh bướu.
  • Đối với bướu giáp nhiều nhân: Các nhân to có thể được nhìn thấy rõ ràng hoặc phát hiện tình cờ khi đi siêu âm, bao gồm nhiều khối tròn đường kính từ 0,5 đến vài cm.
Cường giáp có phải là bướu cổ không? Nhận biết biểu hiện lâm sàng, chẩn đoán và điều trị 2
Bệnh nhân bị bướu giáp đơn thuần thường do thiếu iod

Đối với cường giáp

Ngoài tình trạng bướu cổ thì còn kèm theo các đặc điểm như: Bướu lan tỏa, bướu mạch có thể nghe được tiếng thổi đồng nhất ở cả 2 thùy. Ngoài ra, khối u ở cường giáp cũng di động khi nuốt, không gây đau và không có dấu hiệu chèn ép. 

So với bướu cổ đơn thuần thì cường giáp còn kèm theo những dấu hiệu và triệu chứng phổ biến sau:

  • Toàn thân mệt mỏi, gầy sút dù chế độ ăn uống bình thường nên khi phát hiện cần phải tìm hiểu cường giáp kiêng ăn gì và nên ăn gì để xây dựng chế độ ăn uống hợp lý.
  • Hồi hộp đánh trống ngực hay nhịp tim nhanh, không đều.
  • Tâm lý bất ổn, thường hay lo lắng hoặc cáu kỉnh.
  • Mắt lồi (Do bệnh mắt của Graves).
  • Da cẳng chân, đỉnh bàn chân dày và đỏ (Bệnh da liễu của Graves).
  • Run rẩy tay hoặc ngón tay.
  • Tăng tần suất bị tiêu chảy.
  • Tăng tiết mồ hôi và nhạy cảm với nhiệt.
  • Chu kỳ kinh nguyệt thay đổi thất thường.
  • Rối loạn cương dương.
  • Giảm ham muốn tình dục.
Cường giáp có phải là bướu cổ không? Nhận biết biểu hiện lâm sàng, chẩn đoán và điều trị 3
Người bị cường giáp thường có biểu hiện mắt lồi

Chẩn đoán cường giáp và bướu cổ

Để chẩn đoán người bệnh đang mắc cường giáp hay bướu cổ đơn thuần, các bác sĩ sẽ thường thông qua một số phương pháp sau:

  • Dựa vào tiền sử bệnh, đặc điểm của bướu và triệu chứng khám lâm sàng.
  • Kết hợp kiểm tra tuyến giáp bằng các xét nghiệm cận lâm sàng.
  • Định lượng hormone tuyến giáp (TSH, T3, FT3, T4, FT4) để có thể phân biệt: Bướu cổ đơn thuần hormone tuyến giáp trong giới hạn bình thường hay cường giáp có tăng hormone tuyến giáp.
  • Siêu âm tuyến giáp.
  • Chụp xạ hình tuyến giáp.

Phương pháp điều trị đối với cường giáp và bướu cổ

Cường giáp và bướu cổ là hai bệnh đều có đặc điểm chung là bướu giáp phình to. Tuy nhiên thì chúng khác nhau ở bản chất bệnh, vì thế mà mức độ nguy hiểm và cả phương pháp điều trị cũng có sự khác nhau:

Điều trị bướu cổ đơn thuần

Với bướu cổ đơn thuần, tuyến giáp bệnh nhân thường không bị ảnh hưởng về mặt chức năng. Vì thế, bướu cổ đơn thuần ở giai đoạn sớm bệnh nhân có thể không cần phải điều trị mà chỉ cần theo dõi định kì. Đa số các trường hợp còn lại có 2 phương pháp điều trị sau:

  • Điều trị ngoại khoa: Thường hạn chế tối đa việc phẫu thuật vì có thể gây suy giáp, đặc biệt là đối với các bướu lan tỏa. Tuy nhiên, vẫn phải can thiệp bằng phẫu thuật nếu như bướu giáp ở các trường hợp sau: Bướu giáp lâu năm bị xơ hóa không còn đáp ứng thuốc, bướu quá lớn gây chèn ép, khó thở hoặc vì lý do thẩm mỹ phải cắt bỏ. Tỉ lệ điều trị thành công ở trường hợp này rất cao vì bệnh thường không quá nguy hiểm.
  • Điều trị nội khoa: Thường áp dụng đối với các trường hợp bướu giáp do thiếu iod bởi phần lớn đều không hoặc rất ít khi ảnh hưởng đến chức năng của tuyến giáp. Vì thế, phương pháp tốt nhất là đưa iod vào điều trị và dự phòng. Ngoài ra, cần theo dõi thêm các biến chứng Basedow.
Cường giáp có phải là bướu cổ không? Nhận biết biểu hiện lâm sàng, chẩn đoán và điều trị 4
Cần can thiệt phẫu thuật đối với các trường hợp bướu cổ quá lớn

Điều trị cường giáp

Cường giáp có thể được điều trị khỏi hoàn toàn nhưng vẫn có thể tái phát và dẫn đến suy giáp do tai biến điều trị. Vì thế, mục tiêu đầu tiên của điều trị là đưa người bệnh về tình trạng cân bằng hormone tuyến giáp. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa và điều trị các biến chứng sức khỏe lâu dài, đồng thời giảm thiểu các triệu chứng khó chịu do cường giáp gây ra.

Hiện nay có 3 phương pháp được áp dụng trong điều trị cường giáp bao gồm: Sử dụng các thuốc kháng giáp trạng tổng hợp, trong đó thuốc điều trị cường giáp thyrozol là loại được sử dụng phổ biến, dùng iod phóng xạ và cuối cùng là phẫu thuật tuyến giáp. Mỗi một phương pháp đều sẽ có những ưu và nhược điểm khác nhau, chính vì thế, việc lựa chọn phương pháp cần dựa vào tình hình bệnh của bệnh nhân, điều kiện xã hội và hoàn cảnh cụ thể của mỗi người. Bệnh nhân cũng nên tham khảo điều trị bệnh cường giáp ở đâu tốt nhất TP.HCM để lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh uy tín.

Bài viết trên đã trả lời chi tiết cho câu hỏi "Cường giáp có phải là bướu cổ không?". Hy vọng rằng bài viết này đã giúp bạn có những hiểu biết cơ bản về cường giáp, bướu cổ và đừng quên theo dõi những kiến thức chăm sóc sức khỏe khác tại website Nhà thuốc Long Châu nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin