Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Bị sốt thương hàn có nguy hiểm không? Những điều cần biết về bệnh và cách phòng tránh

Ngày 26/10/2024
Kích thước chữ

Sốt thương hàn là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Salmonella typhi gây ra với các triệu chứng như sốt cao và mệt mỏi. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người chưa hiểu rõ về căn bệnh này và thắc mắc rằng bị sốt thương hàn có nguy hiểm không?

Sốt thương hàn là một bệnh nguy hiểm đe dọa tính mạng, do vi khuẩn thương hàn gây ra, thường gặp ở những khu vực có vệ sinh kém và dễ bùng phát thành dịch. Bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, do đó cần phát hiện và điều trị sớm, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn lây lan thành dịch. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu đi tìm hiểu về sốt thương hàn và giải đáp liệu bị sốt thương hàn có nguy hiểm không trong bài viết dưới đây.

Tổng quan về sốt thương hàn

Thương hàn là bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn Salmonella typhi gây ra, có khả năng lây lan trong cộng đồng. Thời gian ủ bệnh trung bình từ 8 đến 14 ngày, tùy thuộc vào số lượng vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.

Bệnh thường khởi phát đột ngột với các trường hợp nhẹ có thể không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, ở những trường hợp nặng, bệnh gây sốt cao kéo dài, mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, nôn mửa, táo bón hoặc tiêu chảy. Nếu không được điều trị kịp thời, có thể xảy ra các biến chứng nguy hiểm như loét hoặc thủng ruột dẫn đến chảy máu và có nguy cơ tử vong.

Bị sốt thương hàn có nguy hiểm không? 1
Sốt thương hàn là bệnh lý nhiễm trùng do Salmonella typhi gây ra

Bị sốt thương hàn có nguy hiểm không?

Sốt thương hàn là tình trạng nghiêm trọng, có thể đe dọa sức khỏe và tính mạng người bệnh. Các biến chứng có thể bao gồm:

Biến chứng ở đường tiêu hóa

  • Chảy máu tiêu hóa: Xảy ra do tổn thương tại cuối ruột non, gặp ở 15% bệnh nhân, thường xuất hiện trong tuần thứ 2 hoặc 3 của bệnh. Dấu hiệu lâm sàng phụ thuộc vào mức độ xuất huyết.
  • Thủng ruột: Biến chứng nguy hiểm, chiếm 1 - 3% trường hợp, có thể gây tử vong. Thường xảy ra vào tuần thứ 2, 3 hoặc giai đoạn phục hồi với biểu hiện đau bụng dữ dội, vã mồ hôi, tụt huyết áp, có thể kèm choáng. Một số trường hợp có triệu chứng không rõ ràng.
  • Biến chứng khác: Viêm đại tràng, viêm ruột thừa, liệt ruột, viêm tụy xuất huyết...

Biến chứng gan mật

Thương hàn có thể gây biến chứng gan mật, phổ biến nhất là viêm túi mật và viêm gan. Viêm túi mật xảy ra khi vi khuẩn Salmonella xâm nhập vào hệ thống đường mật, gây nhiễm trùng và sưng đau. Viêm gan do thương hàn gây tổn thương tế bào gan, có thể đi kèm mệt mỏi, vàng da, và đau bụng vùng gan. Nếu không điều trị kịp thời, cả hai biến chứng này đều có nguy cơ dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn, như suy gan hoặc thủng túi mật.

Biến chứng tim mạch

Sốt thương hàn có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm tại tim mạch bao gồm truỵ tim mạch, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, viêm tắc động tĩnh mạch và viêm nội tâm mạc.

Bị sốt thương hàn có nguy hiểm không? 3
Bị sốt thương hàn có nguy hiểm không? Bệnh có thể rất nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời

Biến chứng thần kinh

Biến chứng trên thần kinh được xem là một trong những biến chứng nặng nề nhất với nguy cơ tử vong cao bao gồm:

  • Rối loạn ý thức, từ ngủ gà đến hôn mê.
  • Viêm não, với các dấu hiệu rối loạn ý thức, rối loạn thân nhiệt, tiên lượng thường nặng.
  • Viêm màng não, viêm não tủy, viêm dây thần kinh sọ (hiếm gặp).

Biến chứng nhiễm trùng các cơ quan

Ít gặp nhưng có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như viêm phổi, viêm họng, viêm cầu thận, viêm bàng quang, viêm xương.

Những biến chứng này làm tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân thương hàn.

Dấu hiệu bệnh thương hàn

Dấu hiệu bệnh thương hàn thường xuất hiện sau thời gian ủ bệnh kéo dài khoảng 1 đến 3 tuần. Điều này có nghĩa là sau khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, các triệu chứng lâm sàng sẽ bắt đầu biểu hiện trong khoảng thời gian này. Trong tuần đầu tiên, các triệu chứng thường rất rõ rệt, bao gồm:

  • Sốt cao đột ngột, nhiệt độ có thể lên đến 39 - 40 độ C.
  • Đau đầu, mệt mỏi.
  • Đau nhức cơ toàn thân.
  • Đau bụng.
  • Rối loạn tiêu hóa với trẻ em thường bị tiêu chảy và người lớn thường bị táo bón.
  • Nổi ban đỏ nhỏ trên ngực và bụng, các ban này biến mất sau 2 - 5 ngày.

Bệnh thương hàn được điều trị bằng kháng sinh, hầu hết các triệu chứng sẽ thuyên giảm sau khi điều trị, nhưng một số ít trường hợp có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Bị sốt thương hàn có nguy hiểm không? 2
Sốt cao liên tục là biểu hiện chính ở bệnh thương hàn

Ai có nguy cơ mắc bệnh thương hàn?

Bệnh thương hàn phổ biến hơn ở các vùng nghèo, nơi thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh kém. Ở những khu vực này, thuốc kháng sinh điều trị sốt thương hàn cũng thường khó tìm, điều này cho phép vi khuẩn tồn tại lâu hơn và lây lan rộng hơn. Các khu vực có nguy cơ cao nhất bao gồm các vùng đang phát triển ở Châu Phi, Châu Mỹ, Đông Nam Á và khu vực Tây Thái Bình Dương.

Khách du lịch đến những vùng này cũng có nguy cơ mắc bệnh thương hàn, mặc dù thường thấp hơn so với những người sống ở đó. Tuy nhiên, những khách du lịch tham gia vào các hoạt động không an toàn như uống nước không đun sôi hoặc ăn thức ăn chế biến trong điều kiện không vệ sinh, có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Trẻ em với hệ thống miễn dịch yếu hơn người lớn, dễ bị sốt thương hàn hơn, nhưng triệu chứng thường nhẹ hơn so với người lớn mắc bệnh.

Ngoài ra, những người mắc các bệnh hiện có cũng có nguy cơ cao hơn. Nếu cơ thể đã phải chống chọi với một nhiễm trùng khác, khả năng chống lại vi khuẩn gây bệnh thương hàn sẽ giảm, đặc biệt là ở những người có hệ thống miễn dịch suy yếu.

Cách phòng bệnh sốt thương hàn

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Chính vì vậy mọi người nên áp dụng những cách sau đây để phòng bệnh thương hàn hiệu quả:

  • Đảm bảo vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước và xử lý phân, rác một cách triệt để, hợp vệ sinh. Sử dụng nhà tiêu đúng chuẩn và khuyến khích thói quen đi vệ sinh đúng nơi quy định, không dùng phân tươi chưa xử lý để bón cây trồng.
  • Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong khâu chế biến, sản xuất và kinh doanh. Thực hiện thói quen ăn chín, uống sôi, phòng chống ruồi và rửa tay đúng cách trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
  • Tiêm chủng là biện pháp phòng ngừa bệnh thương hàn hiệu quả, với vắc xin mang lại khả năng bảo vệ tốt. Vắc xin thương hàn được sử dụng cho người lớn và trẻ em trên 5 tuổi, đặc biệt là những người sống hoặc du lịch đến vùng có dịch, người di cư, quân nhân và nhân viên y tế có nguy cơ cao mắc bệnh. Vắc xin không được chỉ định cho trẻ em dưới 2 tuổi và đối với trẻ từ 2 đến 5 tuổi, cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi tiêm.
Bị sốt thương hàn có nguy hiểm không? 4
Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm là một trong những cách phòng bệnh thương hàn hiệu quả

Thương hàn là căn bệnh nhiễm trùng đường ruột nguy hiểm, tiến triển nhanh và có thể gây ra các biến chứng khó lường. Nếu bạn sống ở những khu vực có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn S.Typhi, hãy chủ động thăm khám định kỳ hoặc tìm kiếm điều trị ngay khi phát hiện các dấu hiệu bất thường của bệnh để ngăn ngừa những rủi ro tiềm ẩn cho sức khỏe sau này.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin