Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Enterovirus là gì? Triệu chứng và cách phòng ngừa hiệu quả

An Bình

12/04/2025
Kích thước chữ

Enterovirus là một nhóm virus phổ biến có khả năng gây ra nhiều dạng bệnh khác nhau, từ những biểu hiện nhẹ cho đến các bệnh lý nghiêm trọng. Việc hiểu rõ virus enterovirus giúp bạn chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, đặc biệt trong những thời điểm dịch bệnh dễ bùng phát. Bài viết dưới đây sẽ đem đến bạn những thông tin hữu ích về enterovirus để bạn hiểu rõ hơn về loại virus này và có cách phòng ngừa hiệu quả.

Những đợt bùng phát enterovirus thường xảy ra theo mùa, nhất là trong khoảng thời gian mùa hè đến đầu thu. Trẻ em là nhóm dễ bị ảnh hưởng nhất do hệ miễn dịch còn chưa hoàn thiện. Mặc dù phần lớn ca nhiễm không quá nghiêm trọng, một số chủng virus có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm nếu không được theo dõi và xử lý đúng cách. Do đó, việc hiểu về enterovirus sẽ giúp bạn chủ động ứng phó và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh. Trong bài viết này, bạn sẽ được cung cấp những kiến thức đi sâu vào các dấu hiệu nhận biết, con đường lây lan và những biện pháp bảo vệ hiệu quả để giữ gìn sức khỏe gia đình bạn.

Enterovirus là gì?

Enterovirus là tên gọi chung cho một nhóm virus thuộc họ Picornaviridae, có khả năng gây ra nhiều bệnh lý cho con người thông qua đường tiêu hóa hoặc đường hô hấp. Sau khi xâm nhập cơ thể, chúng có thể phát tán nhanh chóng và dẫn đến các biểu hiện từ nhẹ như viêm họng, nổi ban da đến những tình trạng nguy hiểm hơn như viêm màng não hay viêm cơ tim. Nhóm virus này thường hoạt động mạnh vào thời điểm thời tiết ấm nóng và dễ dàng lan rộng trong cộng đồng, đặc biệt tại các môi trường đông người như trường học hoặc nhà trẻ.

Về cấu tạo, enterovirus có kết cấu khá đơn giản, bao gồm một sợi RNA đơn được bao bọc bởi lớp vỏ protein. Đây là yếu tố giúp chúng có khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài và trên bề mặt trong thời gian dài. Dù phần lớn các ca nhiễm enterovirus có thể tự hồi phục trong vài ngày mà không để lại biến chứng, một số chủng nhất định vẫn có thể gây nguy hiểm, nhất là với trẻ nhỏ hoặc người có hệ miễn dịch suy yếu.

Enterovirus là gì? Triệu chứng và cách phòng ngừa hiệu quả 1
Enterovirus có thể gây ra nhiều bệnh lý từ nhẹ đến nặng

Các chủng Enterovirus phổ biến hiện nay

Enterovirus D68 (EV-D68)

Chủng EV-D68 thường tấn công hệ hô hấp và gây ra các triệu chứng như ho, nghẹt mũi, thở khò khè, và trong trường hợp nặng có thể dẫn tới viêm phổi. Trẻ em mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn có nguy cơ diễn biến nặng hơn khi nhiễm phải chủng virus này.

Coxsackievirus

Coxsackievirus là tác nhân gây ra bệnh tay chân miệng. Đây là căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ với biểu hiện gồm sốt, phát ban trên tay chân và loét miệng. Ngoài ra, loại virus này còn có thể gây ra viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim hoặc viêm họng có mụn nước.

Echovirus

Loại virus này thường gây ra các triệu chứng như sốt, tiêu chảy, phát ban. Dù hiếm gặp, echovirus cũng có thể dẫn đến viêm não hoặc viêm màng não, đặc biệt nguy hiểm với trẻ sơ sinh hoặc người suy giảm miễn dịch.

Poliovirus

Poliovirus là nguyên nhân gây bệnh bại liệt, một bệnh lý nghiêm trọng từng phổ biến nhưng hiện đã được kiểm soát nhờ chương trình tiêm chủng vaccine rộng rãi. Tuy nhiên, tại một số khu vực chưa bao phủ đủ vắc xin, nguy cơ lây lan vẫn còn hiện hữu.

Dấu hiệu nhiễm Enterovirus

Ở người trưởng thành

Khi nhiễm enterovirus, người trưởng thành thường biểu hiện triệu chứng tương tự như khi bị cảm lạnh hoặc cảm cúm. Những biểu hiện thường gặp bao gồm:

  • Cảm giác đau họng, ho, nghẹt mũi hoặc hắt hơi liên tục.
  • Cơ thể mệt mỏi, đau nhức và có thể sốt nhẹ.
  • Một số người có thể buồn nôn, mắt đỏ hoặc phát ban nhẹ không ngứa.
  • Thỉnh thoảng có các vết loét trong khoang miệng.

Các biểu hiện này thường thuyên giảm trong vòng vài ngày nếu được nghỉ ngơi đầy đủ và chăm sóc hợp lý. Tuy nhiên, nếu xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng dưới đây, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế:

  • Cảm thấy đau ngực, khó thở, hoặc thở khò khè.
  • Môi chuyển tím, nhịp tim không đều.
  • Sưng phù ở bàn chân, mắt cá hoặc xuất hiện dấu hiệu bất thường toàn thân.
Enterovirus là gì? Triệu chứng và cách phòng ngừa hiệu quả 2
Người nhiễm enterovirus có thể gặp tình trạng phát ban

Ở trẻ em

Do hệ miễn dịch còn đang phát triển, trẻ nhỏ thường có biểu hiện rõ rệt và dễ bị biến chứng hơn khi nhiễm enterovirus. Các dấu hiệu phổ biến có thể bao gồm:

  • Sốt, nổi ban, loét miệng và uể oải.
  • Một số trường hợp hồi phục sau vài ngày chăm sóc tại nhà, nhưng cần cảnh giác nếu trẻ có những biểu hiện sau:
  • Cảm giác tức ngực, thở nhanh hoặc khó khăn khi hít thở.
  • Da nhợt nhạt, môi tím hoặc cơ thể trở nên chậm chạp, không phản ứng nhanh.
  • Biểu hiện thần kinh bất thường như méo mặt, không thể đứng vững, yếu cơ, đau đầu dữ dội hoặc co giật.

Enterovirus lây qua đường nào?

Lây qua đường phân - miệng

Enterovirus có thể truyền từ người sang người thông qua tiếp xúc với phân nhiễm virus, chẳng hạn như khi tay bẩn chạm vào miệng, ăn uống bằng dụng cụ chưa vệ sinh sạch hoặc uống nước bị ô nhiễm. Đây là con đường lây phổ biến, đặc biệt ở trẻ em do thói quen cho tay vào miệng.

Giọt bắn từ người nhiễm bệnh

Virus cũng có thể lan truyền qua các giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Trong môi trường kín hoặc đông người, nguy cơ lây nhiễm qua đường hô hấp sẽ càng cao.

Tiếp xúc với bề mặt nhiễm virus

Enterovirus có thể tồn tại trong thời gian dài trên nhiều bề mặt như tay nắm cửa, bàn học, đồ chơi,... Việc chạm tay vào các vật dụng này rồi vô tình đưa lên miệng, mũi hoặc mắt có thể khiến virus xâm nhập vào cơ thể.

Ai có nguy cơ cao nhiễm Enterovirus?

Một số đối tượng có nguy cơ nhiễm enterovirus cao hơn, bao gồm:

  • Trẻ em dưới 5 tuổi: Do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, trẻ nhỏ dễ bị lây lan và khó chống lại virus.
  • Người suy giảm miễn dịch: Bao gồm người mắc các bệnh nền, đang điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch hoặc hóa trị.
  • Người sống tại khu vực đông đúc: Những nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo và mật độ dân cư cao là môi trường lý tưởng cho virus lây lan nhanh chóng.
  • Người có tiếp xúc gần với bệnh nhân: Như nhân viên y tế, giáo viên mẫu giáo, người chăm sóc trẻ hoặc người đang sống cùng bệnh nhân.
Enterovirus là gì? Triệu chứng và cách phòng ngừa hiệu quả 3
Trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ nhiễm các bệnh từ enterovirus cao

Cách phòng ngừa virus Enterovirus hiệu quả

  • Thường xuyên rửa tay đúng cách: Nên vệ sinh tay bằng xà phòng và nước sạch trong tối thiểu 20 giây, nhất là sau khi sử dụng nhà vệ sinh, trước bữa ăn hoặc sau khi chạm vào các bề mặt nơi công cộng.
  • Khử trùng các vật dụng thường xuyên tiếp xúc: Dùng dung dịch sát khuẩn để làm sạch tay nắm cửa, đồ chơi, điện thoại, bàn học và các đồ cá nhân khác giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.
  • Tránh dùng chung đồ dùng cá nhân: Không nên sử dụng chung khăn tắm, cốc uống nước, bàn chải hoặc các vật dụng tiếp xúc gần với miệng để hạn chế khả năng lây truyền.
  • Giữ vệ sinh khi ho hoặc hắt hơi: Che miệng bằng khăn giấy hoặc sử dụng khuỷu tay để tránh phát tán virus ra không khí.
  • Giảm tiếp xúc nơi đông người: Trong thời điểm dịch bùng phát, nên hạn chế đến những nơi công cộng đông đúc như trung tâm thương mại hoặc khu vui chơi, đặc biệt với trẻ em.
  • Theo dõi sức khỏe thường xuyên: Nếu trẻ có biểu hiện bất thường như sốt cao, thở gấp, hoặc lên cơn co giật, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế để được kiểm tra.
  • Đảm bảo tiêm vaccine phòng bệnh bại liệt: Poliovirus là một trong các chủng enterovirus nguy hiểm, có thể phòng ngừa hiệu quả thông qua tiêm chủng đúng lịch.
Enterovirus là gì? Triệu chứng và cách phòng ngừa hiệu quả 4
Tiêm phòng Poliovirus (một chủng của enterovirus) để phòng bệnh bại liệt

Điều trị Enterovirus như thế nào?

Hiện nay, chưa có loại thuốc đặc trị đặc hiệu nào dành riêng cho Enterovirus. Việc chữa trị chủ yếu dựa trên việc làm dịu triệu chứng và hỗ trợ cơ thể phục hồi. Cụ thể:

  • Nghỉ ngơi hợp lý: Giúp cơ thể có đủ năng lượng để chiến đấu với virus.
  • Bổ sung nước thường xuyên: Uống đủ nước để tránh tình trạng mất nước, đặc biệt quan trọng khi người bệnh bị sốt hoặc tiêu chảy.
  • Sử dụng thuốc giảm đau, hạ sốt: Có thể dùng paracetamol hoặc ibuprofen theo đúng chỉ định của bác sĩ.
  • Theo dõi tại cơ sở y tế: Trong các ca bệnh nặng như viêm não, viêm màng não, người bệnh cần được điều trị nội trú. Trong một số tình huống, bác sĩ có thể sử dụng liệu pháp tiêm tĩnh mạch globulin miễn dịch để hỗ trợ tăng cường miễn dịch.

Lưu ý: Không dùng kháng sinh để điều trị enterovirus vì chúng không có tác dụng với virus. Việc dùng sai mục đích không chỉ không hiệu quả mà còn có thể gây ra các tác dụng phụ và dẫn đến kháng kháng sinh nguy hiểm.

Hy vọng rằng bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về enterovirus và cách phòng tránh loại virus này. Bằng cách duy trì thói quen vệ sinh tốt, tiêm chủng đầy đủ và theo dõi sát sao các dấu hiệu bất thường, bạn có thể giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và các biến chứng do enterovirus gây ra. Hãy chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh nhé.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin