Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Biến chứng bệnh quai bị là gì? Làm sao để phòng ngừa biến chứng?

Ngày 28/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Quai bị là bệnh do virus gây ra. Bệnh khá thường gặp và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Căn bệnh này có thể để lại những biến chứng nguy hiểm ở cả nam và nữ. Vậy biến chứng bệnh quai bị là gì?

Bệnh quai bị do một loại virus có tên là Paramyxovirus gây ra. Bệnh dễ lây lan qua đường hô hấp, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người. Căn bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, không phân biệt nam nữ nhưng tỷ lệ bệnh nhân nam cao hơn. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu biến chứng bệnh quai bị và các cách phòng ngừa biến chứng.

Biến chứng bệnh quai bị là gì?

Biến chứng riêng ở nam và nữ giới

Biến chứng của bệnh quai bị đáng lo ngại với cả nam giới và nữ giới. Đối với nữ giới, bệnh gây ra những biến chứng nguy hiểm như:

  • Bệnh quai bị có thể khiến nữ giới bị viêm buồng trứng, mặc dù tỷ lệ biến chứng này khá thấp. Bệnh quai bị ở nữ hầu như không có ảnh hưởng nghiêm trọng gây vô sinh.
  • Phụ nữ mang thai trong tam cá nguyệt đầu tiên nếu không may bị quai bị thì thai nhi có nguy cơ bị dị tật bẩm sinh hoặc nguy cơ sảy thai sẽ cao hơn bình thường.
  • Phụ nữ mang thai trong 3 tháng cuối thai kỳ mắc quai bị sẽ tiềm ẩn nguy cơ sinh non hoặc thai chết lưu.

Ở nam giới, biến chứng quai bị liên quan đến chức năng sinh sản thường nặng hơn nữ giới. Nam giới mắc quai bị có nguy cơ bị:

  • Viêm tinh hoàn với các triệu chứng tinh hoàn sưng to kèm cảm giác đau và mào tinh căng trong 3 - 7 ngày.
  • Một số trường hợp nam giới mắc quai bị dẫn đến teo tinh hoàn, suy giảm chất lượng tinh trùng và dẫn đến vô sinh.
  • Biến chứng nhồi máu phổi dễ gặp khi bệnh nhân nam trong tuổi dậy thì. Nguyên nhân do một vùng phổi bị thiếu máu nên hoại tử mô phổi. Biến chứng này thường xảy ra sau biến chứng viêm tinh hoàn do hậu quả của huyết khối ở tĩnh mạch tuyến tiền liệt.
bien-chung-benh-quai-bi-3.jpg
Hình ảnh virus gây bệnh quai bị dưới kính hiển vi

Biến chứng chung thường gặp ở cả nam và nữ

Ngoài ra, cả nam và nữ giới đều có nguy cơ mắc những biến chứng bệnh quai bị như:

  • Một số người gặp biến chứng viêm màng não sau khi mắc quai bị. Biểu hiện của viêm màng não là tình trạng nhức đầu, rối loạn tri giác, co giật, rối loạn thị giác,... Các tổn thương ở thần kinh sọ não có thể làm giảm thị lực, điếc, viêm đa rễ thần kinh hay viêm tủy sống cắt ngang vĩnh viễn.
  • Dù tỷ lệ thấp nhưng vẫn có một số hiếm bệnh nhân bị biến chứng viêm tụy sau khi mắc quai bị.
  • Ngoài ra, người mắc quai bị còn phải đối mặt với nguy cơ biến chứng viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, rối loạn chức năng gan, tắc ống dẫn tuyến nước bọt,viêm thanh khí phế quản,...

Mắc bệnh quai bị có nguy hiểm không? Tuy không phải bệnh lý nghiêm trọng và bệnh cũng không kéo dài, nhưng biến chứng mà nó gây ra có thể hết sức nặng nề. Vì vậy, mỗi người bệnh không nên chủ quan, tránh để bệnh kéo dài dẫn đến hậu quả ngoài mong muốn.

Cách xử lý với biến chứng bệnh quai bị

Dù không hề mong muốn nhưng vẫn có những bệnh nhân không may mắn bị biến chứng bệnh quai bị. Hiện nay, căn bệnh này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Các phương pháp điều trị biến chứng sẽ tùy theo triệu chứng và cơ chế của từng bệnh. 

Người bệnh nên đến các cơ sở y tế uy tín để được điều trị kịp thời, tránh áp dụng kinh nghiệm truyền miệng trong dân gian để rồi gánh hậu quả đáng tiếc. Một số cách xử lý nếu người bệnh không may mắc biến chứng như:

bien-chung-benh-quai-bi-1.jpg
Hình ảnh mô phỏng các vị trí bị sưng khi mắc bệnh quai bị

Xử lý biến chứng viêm tinh hoàn ở nam giới

Bệnh nhân nam có dấu hiệu viêm tinh hoàn cần nghỉ ngơi tại giường cho đến khi không còn sưng đau. Khi bị sưng đau khó chịu, người bệnh có thể chườm ấm. Trong 3 - 6 tháng, bệnh nhân đó không được làm việc nặng, mang vác nặng hay vận động mạnh. Đặc biệt, người bệnh cần mặc quần lót chặt để treo tinh hoàn.

Với thuốc điều trị, bệnh nhân nam có thể giảm đau bằng paracetamol khoảng 8 giờ một lần. Thuốc corticoid như prednisolon hay dexamethason được dùng từ 5 - 7 ngày để chống viêm và giảm đau. Liều dùng từ 25 - 30mg/ngày. Thuốc này không có tác dụng chống teo tinh hoàn. Một số người có bệnh dạ dày nên dùng thuốc bọc niêm mạc dạ dày để chống tác dụng phụ của thuốc.

Xử lý với biến chứng viêm màng não

Viêm màng não là biến chứng cực kỳ nguy hiểm nên người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức. Khi bệnh nhân bị tăng áp lực nội sọ sẽ có biểu hiện nhức đầu và nôn vọt. Lúc này các bác sĩ có thể phải chỉ định chọc dò tủy sống lấy dịch não tủy để giảm áp lực nội sọ. Trong quá trình điều trị, các bác sĩ cũng sẽ chỉ định dùng kháng sinh thích hợp để phòng ngừa bội nhiễm.

Xử lý với biến chứng viêm tụy

Trong trường hợp bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu của biến chứng viêm tụy như đau đột ngột ở vùng bụng trên, đau lan ra phía sau lưng, sốt và nôn mửa,... Bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế sớm nhất có thể. Tùy từng bệnh cảnh, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội khoa hay can thiệp ngoại khoa. Người nhà có thể chăm sóc bằng cách chườm nóng ở vùng thượng vị, cho bệnh nhân dùng thuốc theo chỉ định và ăn các thực phẩm dạng lỏng.

bien-chung-benh-quai-bi-2.jpg
Bệnh nhân quai bị có biến chứng cần được đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức

Làm sao để phòng ngừa biến chứng bệnh quai bị?

Để phòng ngừa biến chứng bệnh quai bị, bản thân mỗi cá nhân và gia đình cần lưu ý những điều sau:

Thăm khám sớm, điều trị kịp thời

Ngay khi phát hiện ai đó trong gia đình mắc bệnh quai bị với các dấu hiệu nhận biết như: Tuyến nước bọt sưng to, khuôn mặt bị biến dạng gây khó nhai nuốt và khó nói, sốt cao bất ngờ, đau đầu, buồn nôn, người đau nhức mệt mỏi,... bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế thăm khám và hướng dẫn chăm sóc. Bệnh quai bị không có thuốc đặc trị nên các biện pháp điều trị hướng đến điều trị triệu chứng và phòng biến chứng.

Ngoài ra, một bệnh gây viêm tuyến nước bọt không hẳn là virus quai bị mà có thể là các vi khuẩn và virus khác. Thăm khám sớm cũng giúp xác định bệnh rõ ràng từ đầu để có hướng điều trị phù hợp.

Chăm sóc đúng cách

Người mắc quai bị cần được chăm sóc đúng cách. Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc giảm đau và hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Khi sốt cao, người bệnh cần được uống nhiều nước và bù điện giải. Vì quai bị khiến người bệnh nhai nuốt khó khăn nên người nhà nên cho họ ăn thức ăn lỏng và mềm. Người bệnh cần được nghỉ ngơi ở không gian riêng, tránh lây nhiễm virus cho người khác và hạn chế vận động mạnh phòng ngừa biến chứng.

bien-chung-benh-quai-bi-4.jpg
Bệnh nhân cần được thăm khám sớm để phòng biến chứng quai bị

Cách phòng bệnh quai bị

Để phòng ngừa biến chứng bệnh, không có cách nào hiệu quả bằng việc phòng bệnh quai bị và biến chứng ngay từ đầu. Mỗi người trong chúng ta đều có thể chủ động phòng bệnh quai bị bằng cách tiêm vắc xin quai bị. Vắc xin có thể giảm đến 80% nguy cơ lây bệnh.

Biến chứng bệnh quai bị vô cùng nguy hiểm. Vì vậy, bản thân mỗi người đều cần trang bị những kiến thức nhất định về căn bệnh này. Đừng quên tiêm phòng và đảm bảo vệ sinh cá nhân đúng cách để phòng bệnh hiệu quả bạn nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm