Quá trình chạy thận sẽ thay thế chức năng lọc máu của thận, giúp thải bỏ chất độc, chất bẩn tích tụ trong máu. Tuy là một phương pháp giúp kéo dài sự sống cho người bệnh, cách làm này tiềm ẩn những biến chứng nguy hiểm mà người bệnh cần biết. Vậy biến chứng chạy thận nhân tạo lâu dài là gì? Người bệnh cần lưu ý gì để giảm thiểu biến chứng và rủi ro sức khỏe?
Chạy thận nhân tạo là gì?
Thận có chức năng lọc máu, thải bỏ chất cặn bã. Mỗi ngày, thận lọc được khoảng 120 đến 150 lít máu. Khi chức năng thận bị suy giảm, chất độc và chất cặn bã sẽ tích tụ trong máu, gây nên các triệu chứng như tiểu ít, tăng huyết áp, thiếu máu… hay thậm chí là tử vong.
Chính vì vậy, chạy thận nhân tạo là phương pháp hỗ trợ và thay thế chức năng lọc máu của thận ở những bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Người bệnh cần chạy thận nhân tạo đều đặn mỗi tuần. Tuy có thể thay thế chức năng của thận nhưng đây không phải là phương pháp điều trị bệnh mà chỉ là cách giúp kéo dài sự sống cho bệnh nhân.
Biến chứng chạy thận nhân tạo lâu dài
Hạ huyết áp
Khi thời gian chạy thận ngắn, tốc độ lọc máu nhanh có thể gây giảm thể tích máu trong lòng mạch. Ngược lại, đáp ứng huyết động bù trừ không đủ với thể tích dịch được rút ra. Điều này sẽ ảnh hưởng tới vận hành của hệ tuần hoàn và gây tụt huyết áp.
Hầu hết người bệnh khi bị tụt huyết áp sẽ biểu hiện choáng váng hay chóng mặt. Tuy nhiên, một số bệnh nhân không thể hiện triệu chứng rõ ràng cho tới khi huyết áp hạ xuống mức rất thấp.
Vì vậy, để quá trình chạy thận được an toàn, người nhà cần theo dõi huyết áp của bệnh nhân trước, trong và sau đợt lọc máu chạy thận. Bác sĩ có thể chỉ định đo theo dõi huyết áp mỗi nửa tiếng hoặc một tiếng tùy theo tình trạng bệnh nhân.
Tụt huyết áp là biến chứng thường gặp khi chạy thận nhân tạo
Mẩn ngứa
Mẩn ngứa, sẩn đỏ là triệu chứng thường gặp phải ở bệnh nhân mới chạy thận nhân tạo. Thông thường, triệu chứng ngứa chỉ xảy ra trong quá trình chạy thận. Biểu hiện này có thể do người bệnh bị dị ứng mức độ nhẹ với thành phần của dây chạy thận hoặc màng lọc máu.
Chuột rút
Biểu hiện chuột rút thường gặp ở giai đoạn đầu chạy thận nhân tạo. Nguyên nhân của hiện tượng này chưa được nghiên cứu rõ ràng. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ được nghi ngờ làm tăng tình trạng chuột rút, bao gồm:
-
Giảm thể tích gây tụt huyết áp.
-
Rối loạn điện giải làm giảm nồng độ natri trong máu.
Ngoài ra, người bệnh có thể gặp những cơn căng cơ, đau nhức cơ khó chịu. Vì vậy, cần thường xuyên xoa bóp cơ tay và cơ chân để giảm tình trạng chuột rút, căng cơ. Đồng thời, người bệnh cần tích cực vận động và đi lại nhẹ nhàng sau quá trình lọc máu.
Rối loạn giấc ngủ
Biến chứng chạy thận nhân tạo lâu dài có thể kể tới khó ngủ, mất ngủ hay ngủ không sâu giấc. Khi gặp tình trạng này, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ để có những can thiệp kịp thời. Tránh để thiếu ngủ gây mệt mỏi và suy nhược cơ thể.
Rối loạn giấc ngủ gây suy nhược cơ thể
Thiếu máu
Thiếu máu là tình trạng thường gặp nhất của bệnh nhân bị suy thận hay chạy thận nhân tạo. Tuy quá trình chạy thận có thể thay thế chức năng lọc máu nhưng không thể thay thận tiết hormone EPO hay còn gọi là erythropoietin. Đây là một loại hormone giúp kích thích sinh hồng cầu.
Ngoài ra, tình trạng mệt mỏi gây chán ăn, giảm hấp thu chất dinh dưỡng cũng là yếu tố gia tăng nguy cơ thiếu máu.
Rối loạn điện giải
Chạy thận nhân tạo không chỉ lọc đi những chất độc, chất cặn bã trong máu mà còn lấy đi chất điện giải, vi chất như natri, kali. Tuy nhiên, điều này không đáng lo ngại nếu người bệnh tuân thủ chế độ ăn uống khoa học và phù hợp.
Tuy nhiên, một số bệnh nhân có những bệnh lý đi kèm như đái tháo đường, viêm loét dạ dày tá tràng hay sử dụng thuốc ức chế thụ thể angiotensin, thuốc ức chế men chuyển. Trường hợp này, bệnh nhân sẽ dễ gặp phải tình trạng rối loạn điện giải.
Nhiễm trùng
Khi chạy thận lâu dài, người bệnh có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng từ catheter lọc máu, vệ sinh máy kém hay nguồn nước lọc không đảm bảo vệ sinh. Bác sĩ cần theo dõi sát bệnh nhân nếu có các biểu hiện gợi ý tình trạng nhiễm trùng như sốt, rét run, vã mồ hôi…
Trong quá trình chạy thận nhân tạo, nhân viên y tế cần đảm bảo kỹ thuật vô trùng, dụng cụ vô khuẩn và không để catheter lưu lâu ngày trên người bệnh nhân.
Biến chứng chạy thận nhân tạo lâu dài dẫn đến nhiễm trùng, sốt cao
Mệt mỏi, chán ăn
Đây là biến chứng chạy thận nhân tạo lâu dài thường gặp phải. Nguyên nhân gây mệt mỏi có thể do:
-
Chức năng thận suy giảm.
-
Phản ứng của việc lọc máu.
-
Chế độ ăn uống chưa phù hợp.
-
Tâm lý căng thẳng.
Hội chứng mất quân bình
Biến chứng này thường xảy ra ở bệnh nhân có chỉ số ure huyết (chỉ số BUN) cao. Người bệnh sẽ biểu hiện các triệu chứng như buồn nôn, đau nhức đầu, động kinh, hôn mê, có thể dẫn tới tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Khi tình trạng tiến triển nặng, bác sĩ có thể chỉ định ngưng lọc máu, giữ thông đường thở và sử dụng thuốc chống động kinh.
Lưu ý khi chạy thận nhân tạo
Để đảm bảo an toàn và giảm thiểu biến chứng chạy thận nhân tạo lâu dài, người bệnh cần lưu ý:
-
Điều trị lọc máu tại những cơ sở y tế đáng tin cậy và đảm bảo.
-
Tuân thủ điều trị từ bác sĩ, phối hợp với chế độ ăn uống phù hợp.
-
Tránh sử dụng thuốc độc cho thận, tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng loại thuốc mới.
-
Theo dõi cân nặng hàng ngày. Nếu người bệnh xuất hiện tình trạng phù cần giảm lượng nước nạp vào.
-
Tiêm chủng ngừa cúm, viêm gan B, C, D, viêm phổi, COVID-19…
-
Vệ sinh sạch sẽ thân thể và vị trí đặt catheter giúp giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng.
-
Không sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện như thuốc lá, rượu, bia…
-
Nghỉ ngơi đủ, hạn chế căng thẳng tinh thần.
Người bệnh đang chạy thận cần tham khảo ý kiến bác sĩ khi dùng bất kỳ loại thuốc nào
Trên đây là bài viết của Nhà thuốc Long Châu về các biến chứng chạy thận nhân tạo lâu dài. Hy vọng với bài viết, bạn có thể biết được những thông tin cơ bản về chủ đề này.
Chạy thận nhân tạo là một phương pháp giúp kéo dài sự sống cho người bị suy thận giai đoạn cuối. Phương pháp này sẽ giúp người bệnh thải bỏ chất độc và chất cặn bã trong máu. Tuy nhiên, trong quá trình chạy thận, người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng như tụt huyết áp, chuột rút, mẩn ngứa, rối loạn giấc ngủ… Người bệnh cần tham vấn với bác sĩ để có những can thiệp kịp thời.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp