Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Biến chứng của lao hạch qua từng giai đoạn

Ngày 30/03/2022
Kích thước chữ

Bệnh lao hạch nếu không được điều trị kịp thời sẽ chuyển biến qua nhiều giai đoạn và gây nên các biến chứng về sau. Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu các biến chứng của lao hạch qua bài viết dưới đây nhé!

Lao hạch bạch huyết ngoại vi (lao hạch) là thể lao ngoài phổi phổ biến do vi khuẩn lao gây ra. Bệnh có thể gây ảnh hưởng đến cả người lớn lẫn trẻ em. 

Lao hạch là gì?

Hạch bạch huyết là các hạch có cấu trúc nhỏ, phân bố rải đều khắp cơ thể và chúng thuộc hệ thống mạch bạch huyết. Bình thường, hạch chỉ lớn khoảng hạt gạo, hạt đậu và hoà lẫn vào các mô xung quanh, không thể sờ thấy chúng.

Hạch thường đứng thành cụm, đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động miễn dịch của cơ thể, tạo ra kháng thể để chống lại các tác hại từ môi trường bên ngoài.

Tuy nhiên, hạch là vị trí mà vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, trong đó phải kể đến là vi khuẩn lao, dẫn tới lao hạch.

Lao hạch là bệnh viêm mạn tính ở hệ thống hạch bạch huyết ngoại vi (hạch cổ, hạch bẹn, hạch nách…) và vi khuẩn lao là thủ phạm gây nên bệnh này.

Biến chứng của lao hạch qua từng giai đoạn 1 Vị trí dễ thấy lao hạch nhất đó là hạch cổ

Nguyên nhân của bệnh lao hạch

Bệnh lao hạch có thể bắt nguồn từ việc vi khuẩn lao thâm nhập vào hạch qua các con đường như tấn công trực tiếp vào đường bạch huyết thông qua những tổn thương ở niêm mạc miệng, do sang chấn, nhiễm trùng hay do cơ địa đã bị suy giảm miễn dịch. Thứ hai là người bệnh có thể đang nhiễm khuẩn lao toàn thân, lao phổi và vi khuẩn lao di chuyển theo đường máu đến và xâm nhập vào những cơ quan khác, trong đó có các hạch bạch huyết.

Biến chứng của lao hạch

Khi bị lao hạch, người bệnh có biểu hiện chính là một hoặc nhiều hạch sưng to. Hạch sẽ tăng kích thước theo thời gian nên người bệnh thường không biết hạch bắt đầu xuất hiện từ thời điểm nào. Hạch to dần, không đau, bề mặt nhẵn, da vùng hạch sưng to không nóng, không tấy đỏ. Có khi nhiều hạch cùng bị sưng và tập hợp thành một chuỗi hoặc cũng có khi chỉ có hạch ở vùng cổ sưng to.

Biến chứng của lao hạch phát triển qua 3 giai đoạn sau:

  • Giai đoạn đầu: Hạch sưng to, không đều nhau, có thể di động còn dễ vì chưa dính vào nhau và chưa dính vào da. Một số trường hợp bệnh có thể chỉ dừng ở giai đoạn này hoặc có thể chuyển sang các biến chứng tiếp theo.
  • Giai đoạn sau: Giai đoạn này còn gọi là viêm hạch và viêm quanh hạch. Lúc này các hạch đã lớn hơn trước, do có viêm các vùng xung quanh hạch nên có thể các hạch đã dính với nhau thành mảng hoặc chuỗi, hoặc đã dính vào da. Lúc này các tổ chức xung quanh đã làm hạch hạn chế di động.
  • Giai đoạn nhuyễn hóa: Lúc này, các hạch mềm dần, sờ thấy lùng nhùng, da vùng hạch sưng tấy đỏ, không nóng và không đau nhưng có thể thấy đỉnh mũ. Khi đã hóa mủ, hạch dễ vỡ tạo nên những lỗ rò lâu liền, miệng lỗ rò tím ngắt và có thể tạo thành sẹo nhăn nhúm, lồi hoặc những dây chằng xơ gây mất thẩm mỹ về sau. Mủ chảy ra thường có màu xanh nhạt, không dính, trong mủ có bã đậu.
Biến chứng của lao hạch qua từng giai đoạn 2 Hạch sưng to, có mủ là biến chứng của lao hạch đã chuyển sang giai đoạn nhuyễn hoá

Trong quá trình mắc bệnh lao hạch, đa phần người bệnh sẽ không bị ảnh hưởng nhiều, một số trường hợp đôi khi có sốt nhẹ hay mệt mỏi. Ngoại trừ trường hợp bị bội nhiễm hay kèm theo tổn thương lao ở các cơ quan khác như phổi, xương... Triệu chứng toàn thân sẽ biểu hiện nặng nề hơn.

Lao hạch có nguy hiểm không?

Nếu như được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, đúng nguyên tắc thì bệnh lao hạch sẽ có thể được chữa dứt điểm và không để lại di chứng. 

Ngược lại, nếu việc điều trị gặp nhiều khó khăn sẽ để lại nhiều biến chứng của bệnh lao hạch là các sẹo quái dị trên cơ thể về sau. Vì thế, khi có các triệu chứng bất thường, bạn nên đến các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám toàn bộ và điều trị kịp thời.

Lao hạch, khác với lao phổi, là bệnh không lây nhiễm. Đối với bệnh lao hạch, khuẩn lao chỉ khu trú trong hạch chứ không bùng phát ra ngoài, vì thế không lây lan cho những người bên cạnh nếu có tiếp xúc.

Điều trị lao hạch như thế nào?

Lao hạch được chỉ định điều trị theo 4 nguyên tắc sau:

  • Phối hợp chung với thuốc chống lao.
  • Dùng thuốc đúng liều.
  • Dùng thuốc đều đặn.
  • Phải dùng thuốc đủ thời gian và theo hai quá trình là tấn công và duy trì.

Người bệnh mắc lao hạch sẽ được điều trị nội khoa là chính, tức là phối hợp điều trị cùng với các thuốc chống lao, chia làm hai công đoạn tiến công và duy trì. Tổng thời gian điều trị thường kéo dài tuỳ theo thể trạng người bệnh, sự đề kháng của vi trùng lao với thuốc và những bệnh lý khác kèm theo. Tuy nhiên, một trong các nguyên tắc điều trị bệnh lao quan trọng đó là phải điều trị đủ thời gian. Người bệnh cần tuân thủ theo đúng lời dặn của bác sĩ chuyên khoa để nhanh chóng khỏi bệnh.

Biến chứng của lao hạch qua từng giai đoạn 3 Uống thuốc đủ và đúng thời gian quy định là điều quan trọng cần lưu ý khi chữa bệnh lao

Bệnh cạnh điều trị nội khoa, bệnh lao hạch cũng có thể được điều trị ngoại khoa/ phẫu thuật/ mổ nếu hạch to vỡ, hạch lớn gây chèn ép mạch máu, dây thần kinh gây đau hoặc hạch quá lớn dẫn đến dính các cơ quan xung quanh.

Trên đây là một số thông tin về bệnh lao hạch cũng như các biến chứng của lao hạch. Mặc dù không quá nguy hiểm nhưng người bệnh không nên vì vậy mà chủ quan trong quá trình điều trị, dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc về sau.

Như Nguyễn

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin