Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Biến chứng sau mổ thủng dạ dày và cách phòng ngừa

Ngày 19/11/2024
Kích thước chữ

Biến chứng sau mổ thủng dạ dày rất nguy hiểm và có thể xảy ra ở bất kỳ ai. Vì thế, việc phát hiện sớm các dấu hiệu biến chứng sau mổ thủng dạ dày cũng như chăm sóc đúng cách để phòng ngừa biến chứng là rất quan trọng.

Thủng dạ dày hay vỡ dạ dày là tình trạng xuất hiện một hoặc nhiều lỗ trên thành dạ dày. Tình trạng này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như viêm loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày, chấn thương, thủ thuật nội soi,...

Đây là một cấp cứu ngoại khoa cần được chẩn đoán và can thiệp kịp thời để tránh những biến chứng nặng nề như tắc ruột, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng,... Ngay cả khi đã được mổ kịp thời, người bệnh vẫn có thể gặp những biến chứng sau mổ thủng dạ dày. Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu chi tiết về phương pháp mổ thủng dạ dày, các biến chứng có thể gặp phải và cách phòng ngừa trong bài viết dưới đây.

Khi nào nên thực hiện mổ thủng dạ dày?

Người bị thủng dạ dày thường xuất hiện các triệu chứng điển hình như:

  • Đau bụng đột ngột, cơn đau dữ dội và tăng dần khi chạm hoặc sờ nắn;
  • Nôn mửa;
  • Sốt;
  • Vùng bụng mềm nhũn.
Biến chứng sau mổ thủng dạ dày và cách phòng ngừa 1
Thủng dạ dày cần cấp cứu càng sớm càng tốt

Thủng dạ dày là tình trạng nghiêm trọng có thể đe dọa đến tính mạng, vì thế người bệnh cần được đánh giá và điều trị càng sớm càng tốt. Hầu hết các trường hợp thủng dạ dày đều được chỉ định mổ để kiểm soát triệu chứng, tránh cho vết thủng ngày càng rộng, đồng thời giảm thiểu nguy cơ rò rỉ chất dịch dạ dày vào khoang bụng gây viêm. Việc điều trị sớm sẽ giúp kiểm soát triệu chứng và tăng cơ hội sống sót cho người bệnh. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp các lỗ thủng có thể tự đóng hoặc có thể điều trị bằng thuốc kháng sinh dù rất hiếm.

Phương pháp mổ thủng dạ dày sẽ giúp sửa chữa lỗ thủng, xóa bỏ các nguồn lây nhiễm. Trong một số trường hợp, mổ thủng dạ dày sẽ kết hợp loại bỏ các bộ phận của cơ quan bị ảnh hưởng. Các phương pháp mổ thủng dạ dày gồm mổ nội soi khâu lỗ thủng dạ dày hoặc mổ mở truyền thống. Trong đó, phương pháp nội soi có nhiều ưu điểm như ít đau, hạn chế xâm lấn giúp người bệnh nhanh hồi phục hơn.

Mặc dù vậy, cả 2 phương pháp đều có thể xảy ra các biến chứng sau mổ thủng dạ dày. Nguy cơ gặp biến chứng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như kỹ thuật mổ, tay nghề của bác sĩ thực hiện, tình trạng của người bệnh, chăm sóc sau mổ,...

Một số biến chứng sau mổ thủng dạ dày cần lưu ý

Mổ thủng dạ dày được xem là phương pháp điều trị tối ưu nhưng người bệnh vẫn có nguy cơ gặp nhiều biến chứng nghiêm trọng. Biến chứng sau mổ thủng dạ dày có thể xảy ra ngay sau mổ hoặc muộn hơn.

Biến chứng sớm

  • Chảy máu sau mổ thủng dạ dày: Biến chứng này xảy ra rất phổ biến trong 24 giờ sau mổ. Người bệnh có thể bị chảy máu tại vị trí vết mổ, miệng nối, thậm chí trong ổ bụng. Tùy từng trường hợp chảy máu, bác sĩ sẽ có biện pháp can thiệp cụ thể như khâu tăng cường, sử dụng thuốc cầm máu, truyền máu, nhiều trường hợp có thể phải mổ lại nếu cần thiết.
  • Tắc miệng nối: Tình trạng này có thể xảy ra do kỹ thuật khâu không đảm bảo khiến các quai, miệng nối bị thu hẹp dẫn đến tắc miệng nối. Trong trường hợp này, người bệnh thường được chỉ định dùng thuốc kháng sinh kết hợp hút dạ dày.
  • Rò rỉ miệng nối: Kỹ thuật khâu miệng nối không kín chính là nguyên nhân dẫn đến rò rỉ miệng nối sau mổ thủng dạ dày. Tình trạng này có thể khắc phục bằng thuốc kháng sinh, truyền dịch. Với những trường hợp nặng có thể phải mổ để rửa ổ phúc mạc, đồng thời kiểm tra vùng bị rò rỉ và khâu lại.
Biến chứng sau mổ thủng dạ dày và cách phòng ngừa 2
Mổ thủng dạ dày có thể gây ra biến chứng nguy hiểm

Biến chứng muộn

Biến chứng sau mổ thủng dạ dày muộn có thể xảy ra ngay tại vị trí mổ hoặc toàn thân. Một số biến chứng muộn thường xảy ra như:

Người bệnh có thể gặp biến chứng tại chỗ như viêm miệng nối, bục miệng nối, rò rỉ vết khâu với các triệu chứng điển hình gồm sốt, đau bụng tăng dần. Bên cạnh đó, một số biến chứng toàn thân thường gặp như thiếu dinh dưỡng, thiếu máu, rối loạn hấp thu. Đây chính là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng sau mổ thủng dạ dày.

Trong đó, thiếu dinh dưỡng rất hay gặp ở người bệnh sau mổ thủng dạ dày. Lý do một phần dạ dày mất đi sau mổ sẽ khiến cơ thể không tiêu hóa và hấp thu được đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Ngoài ra, chế độ ăn uống không đảm bảo cũng khiến cơ thể bị thiếu dinh dưỡng, thiếu máu nghiêm trọng dẫn đến mệt mỏi, thiếu sức lực, cơ thể hồi phục chậm. Để khắc phục tình trạng này, người bệnh cần bổ sung thêm vitamin B12, sắt, đồng thời tăng cường dưỡng chất thông qua chế độ ăn uống hàng ngày.

Chế độ chăm sóc và các biện pháp phòng ngừa biến chứng sau mổ thủng dạ dày

Chế độ chăm sóc người bệnh sau mổ thủng dạ dày đóng vai trò rất quan trọng giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục và hạn chế biến chứng có thể xảy ra. Sau khi mổ thủng dạ dày, người bệnh cần được chăm sóc và bổ sung dinh dưỡng theo chế độ đặc biệt, cụ thể:

  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về cách chăm sóc vết mổ, uống thuốc đúng chỉ định.
  • Theo dõi sức khỏe của người bệnh sau mổ để phát hiện kịp thời các triệu chứng bất thường.
  • Nghỉ ngơi hợp lý, tránh hoạt động quá sức trong những ngày đầu sau mổ.
  • Tăng cường dưỡng chất cho cơ thể với chế độ ăn cân bằng các nhóm chất. Nên ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, hạn chế chất xơ, tăng cường rau xanh và uống đủ nước.
  • Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.
Biến chứng sau mổ thủng dạ dày và cách phòng ngừa 3
Sau mổ, người bệnh cần tuân thủ chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ điều trị để tránh biến chứng

Tóm lại, bất cứ biến chứng sau mổ thủng dạ dày nào đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng hồi phục của người bệnh. Vì thế, việc nắm rõ thông tin nhận biết sớm các biến chứng để can thiệp y tế kịp thời là vô cùng cần thiết. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn đọc có thêm kiến thức hữu ích về chế độ chăm sóc người bệnh để hạn chế biến chứng sau mổ thủng dạ dày.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin