Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Bọc răng sứ bị đen nướu: Nguyên nhân phát sinh và cách xử lý

Ngày 07/05/2024
Kích thước chữ

Bọc răng sứ bị đen nướu là điều không ai muốn nhưng đôi khi hiện tượng này vẫn xảy ra. Và dù bạn muốn ngăn ngừa hay khắc phục thì trước tiên, chúng ta đều cần phải làm rõ căn nguyên làm phát sinh vấn đề.

Mục đích của việc bọc răng sứ là để cải thiện chức năng ăn nhai, bảo vệ trụ răng thật, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là tối ưu tính thẩm mỹ. Thế nhưng có không ít trường hợp bọc xong lại xuất hiện vết thâm đen ở vùng lợi liền kề. Vậy vì sao lại có hiện tượng bọc răng sứ bị đen nướu và làm thế nào để chặn đứng tình trạng này?

Nguyên nhân khiến nướu bị đen khi bọc răng sứ

Những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng nướu bị thâm đen sau khi bọc răng sứ bao gồm:

Răng sứ có chất lượng không đảm bảo

Trong trường hợp bạn sử dụng răng sứ kim loại thì hiện tượng trên rất dễ xảy ra. Loại răng này được thiết kế gồm 2 thành phần chính, bên trong là tổ hợp các hợp kim để tạo độ bền chắc cho phần trung tâm của kết cấu, phía ngoài là lớp sứ có tạo hình y như răng thật.

Qua một thời gian sử dụng, do tiếp xúc thường xuyên với nước bọt, mảng bám, vi khuẩn nên hiện tượng oxy hóa kim loại rất dễ xảy ra. Khi đó, phần kim loại bị đen dần và để lộ ngay đường viền chân răng, khiến bạn có cảm giác như nướu bị thay đổi màu sắc.

Bọc răng sứ bị đen nướu: Nguyên nhân phát sinh và cách xử lý 1
Chất lượng răng sứ không đảm bảo là nguyên nhân hàng đầu gây đen nướu

Chăm sóc răng miệng sai cách

Nếu khi đánh răng, bạn tác động lực quá mạnh lên bề mặt răng, nhất là theo chiều ngang thì phần nướu có thể bị bong ra, dẫn đến tình trạng tụt lợi. Hậu quả là để lộ một phần răng thật và phần kim loại phía trong răng sứ, khiến vùng nướu trở nên tối màu hơn bình thường.

Cơ địa dị ứng với kim loại

Thông thường, các thành phần sử dụng trong răng sứ rất thân thiện với cơ địa con người. Tuy nhiên trong một số trường hợp cá biệt có cơ địa nhạy cảm thì hiện tượng kích ứng với kim loại rất dễ xảy ra. Khi đó, nướu sẽ rất dễ bị viêm, thậm chí nhiễm trùng nặng. Và đây là nguyên nhân làm cho vùng lợi của bạn chuyển màu thâm đen.

Quy trình bọc răng không đúng chuẩn

Khi bác sĩ nha khoa có tay nghề non kém, không được đào tạo bài bản thì bạn cũng có thể phải đối diện với vấn đề nói trên. Trong trường hợp này, răng sứ sẽ không tiếp cận liền sát với lợi mà bị xô lệch hoặc để hở một phần trụ răng. Vậy nên mảng bám sẽ có cơ hội khu trú ở khu vực giáp ranh, gây hại cho cả răng và vùng lợi nằm lân cận. Và nếu không xử lý sớm thì tình trạng nướu răng bị đen là điều có thể dự đoán trước.

Bọc răng sứ bị đen nướu: Nguyên nhân phát sinh và cách xử lý 3
Bọc răng sứ bị đen nướu có thể do kỹ thuật thực hiện không đúng quy chuẩn

Cách khắc phục hiệu quả

Khi gặp phải tình trạng trên, bạn sẽ khắc phục bằng cách nào?

  • Trong trường hợp nướu bị thâm đen do vật liệu sử dụng có chất lượng kém hoặc bác sĩ can thiệp có tay nghề không đảm bảo thì bạn cần thay mới răng sứ, chữa lợi thâm tại các phòng khám nha khoa uy tín để cải thiện tính thẩm mỹ. Chú ý lựa chọn răng sứ có chất lượng tốt để tình trạng trên không tái diễn.
  • Nếu đen nướu do tụt lợi hoặc tụt răng thì bạn cần đến cơ sở can thiệp ban đầu, điều chỉnh lại kết cấu răng sứ để chúng liên kết ăn khớp trở lại với đường viền nướu.

Một số loại răng sứ không gây đen nướu

Như đã phân tích ở trên, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng bọc răng sứ bị đen nướu chính là vật liệu sử dụng có chất lượng không đảm bảo. Vậy nên để ngăn ngừa nguy cơ này thì trước tiên bạn cần tối ưu độ bền của răng sứ sử dụng. Và ngay sau đây là những đại diện được phản hồi tích cực nhất mà bạn nên tham khảo:

Răng sứ Zirconia

Đây là loại răng sứ được đánh giá rất cao về khả năng chịu lực, chúng có thể đạt đến giá trị giới hạn là 400 Mpa, cao hơn phần đa các loại răng sứ hiện có trên thị trường. Bên cạnh đó, khả năng chống oxy hóa của đại diện này cũng được các chuyên gia dành nhiều lời khen. Khi sử dụng, bạn sẽ hiếm khi nhìn thấy răng bị chuyển màu hay mài mòn. Lớp sứ lại có màu rất tự nhiên nên tính thẩm mỹ cũng được tối ưu triệt để.

Răng sứ Cercon

Răng sứ Cercon được tạo phom từ công nghệ CAD/CAM tân tiến bậc nhất, chúng có khả năng quét chính xác cấu trúc răng, cung hàm của người can thiệp để chuyên gia thiết kế thành phẩm có độ tương thích hoàn hảo với khu vực định vị. Đặc biệt, phần đường viền được đúc bằng sứ Zirconia, có khả năng bám dính siêu tốt, không bị hư hại khi tiếp xúc với nước bọt, thức ăn nên giúp giảm thiểu khả năng gây thâm nướu.

Bọc răng sứ bị đen nướu: Nguyên nhân phát sinh và cách xử lý 4
Lựa chọn răng sứ cao cấp sẽ giúp bạn ngăn ngừa được tình trạng đang xét

Răng HT Smile

Đây là một trong những phiên bản răng sứ cao cấp nhất hiện nay và được người tiêu dùng đặc biệt ưa chuộng. Khả năng chịu lực của loại răng này chạm ngưỡng 1000 Mpa. Không những vậy, chúng còn có khả năng uốn cong lên tới 700 Mpa. Vậy nên thành phẩm vừa có độ cứng cao, vừa có tính đàn hồi, mềm dẻo. Đặc biệt, chúng không bị xỉn màu qua thời gian và rất thân thiện với mô mềm lân cận. Do đó hạn chế tối đa nguy cơ sang chấn và gây thâm lợi.

Răng sứ Emax

Răng sứ Emax cũng được hoàn thiện kết cấu bằng công nghệ CAD/CAM nên thành phẩm có độ tương thích cực cao với cung hàm của người can thiệp. Phần sườn trong của chúng được phủ lớp sứ ceramic, không chỉ tối ưu độ bền mà còn ngăn ngừa quá trình oxy hóa. Không chỉ vậy, mặt ngoài của răng còn tích hợp 5 lớp sứ mỏng tạo độ thấu quang mờ nhẹ, đem đến hiệu ứng thẩm mỹ siêu thật, không khác gì răng tự nhiên.

Một số lưu ý sau khi bọc răng sứ

Để ngăn ngừa tình trạng bọc răng sứ bị đen nướu và tối ưu tính thẩm mỹ sau khi hoàn thiện thì bạn cần chú ý đến những điều cốt lõi sau:

  • Không cắn, nhai những đồ ăn quá cứng hoặc dai. Mặc dù răng sứ có khả năng chịu lực cao hơn cả răng thật nhưng nếu bạn sử dụng tùy tiện thì nguy cơ sứt mẻ, gãy vỡ vẫn không thể loại trừ. Vậy nên tốt nhất bạn hãy tránh xa thực phẩm có khả năng gây hại cho răng.
  • Vệ sinh răng sạch sẽ mỗi ngày, đánh răng đúng cách theo chiều dọc hoặc xoắn ốc, không chải ngang vì cách làm này sẽ rất dễ gây tụt lợi.
  • Tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ nha khoa, nếu xuất hiện tình trạng viêm nhiễm vùng nướu thì cần ghé ngay phòng khám ban đầu để được hỗ trợ kịp thời. Ngoài ra đừng quên thăm khám răng định kỳ để theo dõi tình trạng răng và phòng ngừa những sự cố có thể xảy ra.
Bọc răng sứ bị đen nướu: Nguyên nhân phát sinh và cách xử lý 2
Chăm sóc răng sứ đúng cách sẽ giúp bạn tối ưu tính thẩm mỹ và độ bền của chúng

Trên đây là những chia sẻ của Nhà thuốc Long Châu về nguyên nhân, cách khắc phục và ngăn ngừa tình trạng bọc răng sứ bị đen nướu. Sau cùng, bạn hãy nương theo hướng dẫn trong bài viết để duy trì độ bền đẹp, chắc khỏe của răng sứ qua thời gian nhé! Trân trọng!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin