Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nướu răng bị đen: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày 15/02/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Khi nướu răng khỏe mạnh sẽ có màu hồng san hô tự nhiên. Sự thay đổi màu sắc của nướu răng có thể là một dấu hiệu cảnh báo vấn đề về sức khỏe răng miệng. Một số người gặp tình trạng nướu răng bị đen. Để biết thêm nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị nướu đen, bạn đừng bỏ qua bài viết này nhé!

Nướu răng đen không chỉ gây mất thẩm mỹ và khiến “khổ chủ” thiếu tự tin khi giao tiếp. Đây còn có thể là dấu hiệu bệnh lý về răng miệng nào đó. Để biết rõ nướu răng bị đen do đâu, bạn cần đi khám nha sĩ sớm. Bài viết này sẽ giúp bạn tìm hiểu trước nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị phổ biến trong trường hợp nướu bị đen.

Nguyên nhân khiến nướu răng bị đen

Nướu răng hay còn gọi là lợi là một lớp mô mềm bao quanh chân răng và có tác dụng nâng đỡ chân răng, giúp chân răng ổn định trong các xương ổ răng để thực hiện tốt chức năng nhai cắn của mình. Nướu cũng bao bọc, bảo vệ để các vi khuẩn trong khoang miệng không thể xâm nhập và tấn công chân răng.

Nếu nướu răng của bạn khỏe mạnh, nó sẽ có màu hồng nhạt hoặc hồng san hô tươi tắn. Tuy nhiên, một số người gặp tình trạng nướu bị đen. Theo các nha sĩ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nướu răng bị đen có thể bao gồm:

Nướu răng bị đen: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 1
Nướu thâm đen gây mất thẩm mỹ và ảnh hưởng đến sự tự tin khi giao tiếp

Cao răng tích tụ dưới nướu lâu ngày

Cao răng hay vôi răng là những mảng bám được tích tụ và vôi hóa bởi các khoáng chất có trong nước bọt. Cao răng hình thành trên đường viền nướu và cả bên dưới nướu. Ban đầu, cao răng có màu vàng nhạt. Nhưng nếu để chúng tích tụ quá lâu trong nướu, chúng sẽ xỉn màu dần, khiến nướu cũng bị thâm đen theo.

Sử dụng các vật liệu kim loại trong miệng

Các vật liệu kim loại thường được sử dụng trong khoang miệng như răng sứ kim loại, các miếng trám Amalgam lớn… Kim loại khi tiếp xúc với nước bọt cũng bị oxy hóa khiến chúng bị đen đi và làm cho nướu cũng bị thâm đen theo.

Nướu răng bị đen do tuổi tác

Theo tuổi tác, mọi cơ quan, bộ phận trên cơ thể chúng ta đều bị lão hóa. Nướu răng cũng không phải một ngoại lệ. Khi các tế bào sắc tố làm hồng niêm mạc nướu bị lão hóa, nướu răng bị đen hơn bình thường.

Nướu đen có thói quen sinh hoạt

Một số người không biết vệ sinh răng miệng đúng cách, hút thuốc lá, sử dụng chất kích thích, uống nhiều rượu bia cũng sẽ bị đen nướu răng. Đặc biệt, ở những người hút thuốc lá, chất nicotine trong khói thuốc không chỉ gây hại cho tim, phổi mà còn làm tăng sản xuất các hắc sắc tố melanin. Chính điều này khiến môi và nướu của người hút thuốc thường có biểu hiện thâm đen hơn những người khác.

Nướu răng bị đen: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 2
Các tổn thương ở nướu khiến nướu bị đen theo từng mảng

Tổn thương ở nướu

Những tổn thương, va đập, tác động mạnh ở nướu răng cũng có thể khiến nướu răng bị bầm dập, tụ máu. Nếu không được điều trị đúng cách, nướu răng còn có nguy cơ bị hoại tử. Trong trường hợp này, bạn có thể quan sát thấy rõ những mảng màu đen thâm bất thường, có ranh giới rõ ràng với các vùng nướu khác. Đặc biệt nghiêm trọng, những mảng đen bất thường ở nướu cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư nướu răng.

Nướu bị thâm đen do di truyền

Nếu nguyên nhân do di truyền, bạn có thể quan sát thấy nướu thâm đen ngay từ nhỏ hay còn gọi là nướu đen bẩm sinh. Màu nướu của những người này có xu hướng đậm màu hơn người bình thường, đó là do sắc tố quy định màu của nướu đậm hơn. Trường hợp nướu răng bị đen bẩm sinh do di truyền khó có thể khắc phục.

Bệnh viêm nha chu

Viêm nha chu là bệnh xảy ra khi nướu răng bị vi khuẩn tấn công gây viêm nhiễm nặng. Người bị viêm nha chu sẽ gặp các triệu chứng như chảy máu chân răng, nướu sưng đỏ, thâm tím, tím đỏ, chảy dịch. Viêm nha chu mức độ nặng có thể làm tiêu xương ổ răng, lung lay răng và mất răng. Chính những tổn thương sâu này cũng khiến nướu răng bị thâm đen bất thường.

Nướu răng bị đen chữa được không?

Nướu răng bị đen có chữa được không sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể. Vì vậy, để biết tình trạng của mình có thể khắc phục được không, bạn cần đến gặp nha sĩ để được thăm khám kỹ càng. Sau khi tìm ra nguyên nhân gây thâm nướu, nha sĩ sẽ chỉ định hướng khắc phục và điều trị phù hợp.

Nướu răng bị đen: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 3
Bỏ thuốc lá để không bị thâm đen môi và nướu

Cụ thể là:

  • Một số trường hợp nướu thâm đen do cao răng tích tụ quá nhiều và quá sâu dưới nướu, nha sĩ sẽ tiến hành lấy cao răng, loại bỏ mảng bám và giải phóng nướu. Khi đó, nướu sẽ dần phục hồi và trở về trạng thái màu sắc như bình thường.
  • Nướu răng đen do thói quen hút thuốc sẽ cần cai thuốc lá mới có thể khắc phục.
  • Nướu đen do lão hóa và tuổi tác sẽ khó có thể tác động để thay đổi màu sắc nướu.
  • Nếu nướu đen do vật liệu kim loại, đặc biệt là răng giả khung kim loại, nha sĩ sẽ khuyên bạn nên thay mới bằng răng toàn sứ, không sử dụng vật liệu kim loại để khắc phục.
  • Hiện nay, các công nghệ nha khoa đã phát triển vượt bậc, công nghệ laser được ứng dụng để làm hồng nướu cũng mang lại hiệu quả nhất định. Nếu bạn cảm thấy thiếu tự tin khi nướu răng bị đen, bạn có thể tìm đến sự hỗ trợ của công nghệ nha khoa thẩm mỹ. Tốt nhất, bạn nên tìm đến các cơ sở nha khoa uy tín để được thăm khám và tư vấn kỹ càng.
  • Nếu nguyên nhân gây đen nướu bất thường do bệnh lý, các bác sĩ sẽ đánh giá kỹ càng để tìm ra căn bệnh mà người bệnh mắc phải để tư vấn hướng điều trị phù hợp.

Cách chăm sóc răng miệng để phòng ngừa nướu răng bị đen

Một số cách chăm sóc răng miệng, thói quen sinh hoạt dưới đây có thể giúp phòng ngừa tình trạng nướu bị đen:

  • Vệ sinh răng miệng đúng cách, đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày, dùng chỉ nha khoa hoặc tăm nước để làm sạch kẽ răng, hạn chế tích tụ cao răng và phòng ngừa các bệnh về răng miệng có thể làm đen nướu.
  • Lấy cao răng và khám nha khoa định kỳ 2 - 3 lần mỗi năm để loại bỏ cao răng thường xuyên.
  • Từ bỏ thuốc lá sẽ tốt cho cả sức khỏe răng miệng lẫn sức khỏe tổng thể.
  • Nếu cần bọc răng sứ, bạn nên lựa chọn răng toàn sứ không chứa thành phần kim loại.
Nướu răng bị đen: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị 4
Hiệu quả giảm thâm khi chăm sóc răng miệng đúng cách

Tóm lại, nướu răng bị đen là tình trạng nhiều người gặp phải. Đây có thể là hệ quả của thói quen sinh hoạt không lành mạnh, là kết quả của quá trình chỉnh nha nhưng cũng có thể là dấu hiệu bệnh lý. Vì vậy, khi thấy nướu đen bất thường, tốt nhất bạn nên đi gặp nha sĩ để tìm ra chính xác nguyên nhân và được tư vấn cách điều trị phù hợp nhé!

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm