Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Bpp là gì? Quy trình thực hiện xét nghiệm Bpp trong thai kỳ thế nào?

Ngày 04/11/2024
Kích thước chữ

Trong thai kỳ, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm cần thiết nhằm đánh giá sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ, trong đó có Bpp. Vậy Bpp là gì? Quy trình thực hiện xét nghiệm Bpp như thế nào? Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ đến bạn đọc những thông tin hữu ích liên quan đến chỉ số Bpp ngay trong bài viết dưới đây nhé.

Để theo dõi sát sao sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ, bác sĩ sẽ chỉ định thai phụ thực hiện các xét nghiệm cần thiết, bao gồm cả Bpp. Vậy Bpp là gì? Quy trình thực hiện Bpp như thế nào? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Bpp là gì?

Bpp là gì? Bpp còn được gọi là trắc đồ sinh vật lý, là một xét nghiệm được thực hiện nhằm kiểm tra tình trạng sức khỏe thai nhi trong thai kỳ nếu kết quả các loại xét nghiệm khác không chắc chắn. Bpp được thực hiện bằng siêu âm nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe thai nhi theo một hệ thống thang điểm của 5 lĩnh vực sau:

  • Nhịp tim của thai nhi;
  • Chuyển động hô hấp của thai nhi;
  • Chuyển động cơ thể của thai nhi;
  • Trương lực cơ của thai nhi;
  • Thể tích nước ối xung quanh thai nhi.

Mỗi một lĩnh vực sẽ được đánh giá và cho điểm từ 0 - 2, tổng số điểm cho cả 5 lĩnh vực nêu trên tối đa là 10.

Chỉ số Bpp thường được thực hiện trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Tuy nhiên, nếu thai nhi có nguy cơ mắc bệnh trong thai kỳ (thai kỳ có nguy cơ cao) thì bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm Bpp từ tuần thai 32 đến 34 hoặc sớm hơn. Những thai phụ có nguy cơ cao có thể thực hiện xét nghiệm Bpp 1 - 2 tuần/lần trong 3 tháng cuối thai kỳ.

Bpp là gì? Quy trình thực hiện xét nghiệm Bpp trong thai kỳ như thế nào?
Chỉ số Bpp là gì?

Khi nào thai phụ cần thực hiện xét nghiệm Bpp?

Sức khoẻ của thai phụ và thai nhi xảy ra những bất thường thì nên thực hiện xét nghiệm Bpp, cụ thể như:

  • Tăng huyết áp;
  • Lupus ban đỏ;
  • Giảm tiểu cầu;
  • Bệnh thận mãn tính;
  • Bệnh cường giáp;
  • Tiền sản giật;
  • Tiểu đường thai kỳ hoặc bệnh tiểu đường tuýp 1;
  • Quá nhiều hoặc quá ít nước ối;
  • Đa thai;
  • Có tiền sử thai chết lưu;
  • Thai nhi chậm phát triển trong tử cung;
  • Có sự giảm sút trong chuyển động của thai nhi;
  • Vấn đề liên quan đến máu;
  • Thai phụ lớn tuổi (trên 35 tuổi);
  • Thai kỳ đã qua ngày dự sinh, từ 40 - 42 tuần.
Bpp là gì? Quy trình thực hiện xét nghiệm Bpp trong thai kỳ như thế nào? 2
Thai phụ bị tiểu đường thai kỳ thường sẽ được chỉ định thực hiện xét nghiệm Bpp

Quy trình thực hiện Bpp như thế nào?

Quy trình thực hiện xét nghiệm Bpp như sau:

Trước khi thực hiện

Thai phụ cần ngừng hút thuốc trong 2 giờ trước khi làm kiểm tra, bởi việc hút thuốc sẽ làm giảm hoạt động của thai nhi.

Bác sĩ sẽ trao đổi và tư vấn với mẹ bầu những vấn đề liên quan đến xét nghiệm Bpp, bao gồm cách thức hiện, rủi ro có thể gặp và ý nghĩa của Bpp là gì…

Bpp là gì? Quy trình thực hiện xét nghiệm Bpp trong thai kỳ như thế nào? 3
Bác sĩ sẽ trao đổi với thai phụ trước khi tiến hành thực hiện xét nghiệm Bpp

Cách thực hiện

Thông thường, xét nghiệm Bpp được thực hiện bởi một kỹ thuật viên siêu âm. Tuy nhiên, Bpp có thể được thực hiện bởi một bác sĩ sản khoa hoặc bác sĩ X-quang. Xét nghiệm này được thực hiện bao gồm 2 thì:

  • Kiểm tra không gắng sức;
  • Siêu âm thai.

Kiểm tra không gắng sức

Thực hiện theo dõi nhịp tim của thai nhi từ bên ngoài sẽ cho thấy nhịp tim của bé trong quá trình thai nhi nằm yên hoặc chuyển động. Thông thường, xét nghiệm này được thực hiện trước khi tiến hành siêu âm thai. Thai phụ sẽ được hướng dẫn nằm thả lỏng trên giường khám trước khi tiến hành kiểm tra nhịp tim của thai nhi.

Quá trình theo dõi nhịp tim của thai nhi được thực hiện bằng cách sử dụng 2 thiết bị phẳng có chứa bộ cảm biến và thắt lưng thắt lưng có tính đàn hồi quấn quanh thành bụng của người mẹ. Một bên cảm biến sử dụng sóng âm nhằm theo dõi nhịp tim của thai nhi, bên cảm biến còn lại thì đo khoảng thời gian co thắt của tử cung. Nhịp tim của thai nhi sẽ được nghe thấy bằng tiếng bíp và hiện ra trên biển đồ in ra từ máy ghi thông tin được kết nối với thiết bị cảm biến.

Nếu thấy thai nhi cử động hoặc xuất hiện cơn co thắt tử cung, nhân viên y tế sẽ ấn vào một cái nút trên máy. Sau đó, nhịp tim thai nhi và những cơn co tử cung sẽ được ghi lại. Xét nghiệm này thường kéo dài khoảng 30 phút.

Siêu âm thai nhi

Thông thường, thai phụ không cần cởi bỏ quần áo trước khi tiến hành siêu âm thai, thay vào đó thai phụ chỉ cần kéo vạt áo lên và kéo dây bịt quần xuống. Nếu thai phụ mặc váy thì sẽ được cấp cho một chiếc khăn để che chắn trong thời gian siêu âm.

Bác sĩ có thể yêu cầu thai phụ uống 4 - 6 ly nước lọc trong vòng 1 giờ trước khi siêu âm. Bàng quang chứa đầy nước tiểu sẽ giúp truyền sóng âm tốt hơn và đẩy ruột tránh khỏi tầm nhìn của tử cung để giúp hình ảnh siêu âm thu được rõ ràng hơn.

Thai phụ không được đi tiểu khi quá trình siêu âm thai chưa kết thúc. Tuy nhiên, nếu cảm thấy bọng đái quá đầy và thấy đau thì thai phụ hãy thông báo lại với bác sĩ siêu âm.

Nếu thủ thuật siêu âm thai được thực hiện ở giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ thì thai phụ không cần thiết phải để bọng đái đầy nước tiểu. Bởi ở giai đoạn này thai nhi đã lớn hơn và sẽ đẩy ruột ra ngoài mà không cần sử dụng bọng đái để đẩy nữa.

Thai phụ sẽ được hướng dẫn nằm ngửa trên bàn khám. Nếu thấy khó thở thì thai phụ hãy báo lại cho bác sĩ được hướng dẫn điều chỉnh sang tư thế thích hợp hơn.

Bác sĩ thực hiện siêu âm thai sẽ bôi một chất nhờn lên thành bụng của thai phụ rồi sử dụng một dụng cụ siêu âm cầm tay nhỏ (đầu dò) để ấn vào da bụng và di chuyển xung quanh bụng vài lần. Trên máy siêu âm thai sẽ xuất hiện hình ảnh của thai nhi được ghi lại trong quá trình siêu âm.

Bpp là gì? Quy trình thực hiện xét nghiệm Bpp trong thai kỳ như thế nào? 4
Siêu âm thai giúp bác sĩ đánh giá được phát triển của thai nhi trong bụng mẹ

Ý nghĩa của kết quả Bpp là gì?

Bpp giúp đánh giá tình trạng phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Ý nghĩa của chỉ số Bpp như sau:

  • Từ 8 - 10 điểm: Thai nhi phát triển khoẻ mạnh;
  • Từ 6 - 8 điểm: Thai phụ cần được nghỉ ngơi trong vòng 12 - 24 giờ;
  • Từ dưới 4 điểm: Tình trạng sức khoẻ của thai nhi đang có vấn đề.

Thai nhi được đánh giá là phát triển bình thường khi:

  • Thực hiện xét nghiệm không gắng sức.
  • Xuất hiện hơn 2 lần tăng nhịp tim mỗi lần và tăng ít nhất 15 nhịp/phút. Mỗi lần tăng nhịp tim kéo dài trong 15 giây hoặc hơn, có thể quan sát thấy cử động của bé.
  • Tình trạng thở: Một hoặc nhiều nhịp thở kéo dài tối thiểu 60 giây.
  • Cử động cơ thể: >= 3 cử động của chân tay hoặc cơ thể.
  • Trương lực cơ: Tay và chân gập lại, đầu bé gục vào ngực. Quan sát thấy trẻ giãn người và trở lại tư thế “bẻ gập” người.
  • Thể tích nước ối: Tìm thấy một hoặc nhiều túi nước ối trong tử cung, kích thước mỗi túi ối ít nhất là 1cm theo chiều dài - rộng.
  • Chỉ số nước ối đạt từ 5 - 24cm.

Thai nhi được đánh giá là phát triển bất thường khi:

  • Thực hiện xét nghiệm không gắng sức.
  • Nhịp tim chỉ tăng 1 lần hoặc không tăng hơn 15 nhịp khi trẻ cử động.
  • Tình trạng thở: Nhịp thở của thai nhi không thấy hoặc không kéo dài hơn 60 giây.
  • Cử động cơ thể: < 3 lần cử động của tay chân hoặc cơ thể.
  • Trương lực cơ: Thai nhi duỗi chân/tay chậm và tư thế trở về bình thường chỉ được một nửa hoặc tay/chân vươn chậm và không trở về được một nửa tư thế bình thường hoặc tay chân và xương sống dạng ra.
  • Thể tích nước ối: Quá ít không đủ nhìn thấy.

Khoảng giá trị bình thường của chỉ số Bpp có thể không thống nhất, tuỳ thuộc vào cơ sở y tế thực hiện loại xét nghiệm này. Do đó, thai phụ hãy trao đổi và tham khảo ý kiến của bác sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc gì về kết quả xét nghiệm Bpp.

Trên đây là những thông tin hữu ích xoay quanh chỉ số Bpp và quy trình thực hiện xét nghiệm Bpp mà mẹ bầu có thể tham khảo. Mong rằng các chị em phụ nữ đang mang thai đã hiểu rõ hơn Bpp là gì và biết được khi nào cần thực hiện xét nghiệm Bpp để theo dõi sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ một cách toàn diện nhất.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin