Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bụng có nhịp đập có phải hiện tượng bất thường?

Ngày 30/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bạn thấy bụng có nhịp đập giống như nhịp tim. Bạn lo lắng không biết đây có phải dấu hiệu cảnh báo của bệnh lý nào đó không? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu đi tìm lời giải đáp qua bài viết dưới đây.

Bụng có nhịp đập không phải hiện tượng hiếm gặp. Không ít người đặt tay lên bụng lúc nằm có cảm giác được những nhịp đập ở bụng giống như nhịp tim. Vậy đây có phải là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý nguy hiểm nào đó?

Bụng có nhịp đập là dấu hiệu của bệnh gì?

Theo các bác sĩ chuyên khoa, hiện tượng bụng có nhịp đập có thể xuất hiện ở nhiều trường hợp như phụ nữ có thai, người có thể trạng gầy lớp mỡ và cơ bụng rất mỏng. Ngoài ra, khi nằm sấp xuống, bạn sẽ cảm giác bụng trở nên nhạy cảm hơn, tim cũng đập nhanh hơn nên việc có thể cảm nhận được nhịp đập ở bụng là hoàn toàn bình thường. 

Tuy nhiên, nếu hiện tượng bụng có nhịp đập kéo dài và xuất hiện kèm theo một vài triệu chứng khác thì rất có thể đó là dấu hiệu cảnh báo bạn đã bị phình động mạch chủ bụng.

Bụng có nhịp đập có phải hiện tượng bất thường? 01
Bụng có nhịp đập rất có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh phình động mạch chủ bụng

Phình động mạch chủ bụng có nguy hiểm không?

Phình động mạch chủ bụng là tình trạng xảy ra khi một vùng bị yếu của động mạch chủ bụng giãn nở hoặc phình to ra. Theo nhiều nghiên cứu, các mảng xơ vữa động mạch là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng phình động mạch chủ bụng. Trong đó, trên 90% là xơ vữa động mạch dưới chỗ phân nhánh động mạch thận hoặc động mạch chủ.

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác gây ra tình trạng này gồm cao huyết áp, bệnh mạch vànhrối loạn lipid máu, viêm động mạch, di truyền,... 

Động mạch chủ bụng là động mạch lớn nhất của cơ thể với lưu lượng tuần hoàn rất lớn. Bởi vậy, khi không may bị phình động mạch hay vỡ mạch thì nguy cơ tử vong là rất lớn lên tới trên 50%

Ai có nguy cơ cao bị phình động mạch chủ bụng?

Đối tượng có nguy cơ cao bị phình động mạch chủ bụng thường là nam giới trên 50 tuổi. Thông thường, những trường hợp bị phình động mạch chủ bụng sẽ không xuất hiện các triệu chứng điển hình và chỉ phát hiện khi mạch nảy ở vùng bụng giữa hoặc bụng dưới hoặc tình cờ phát hiện nhờ phương pháp siêu âm.

Với những trường hợp ít xuất hiện các dấu hiệu nhận biết sẽ bao gồm các triệu chứng: đau quanh rốn đến thắt lưng, đau từng cơn hoặc liên tục, thiếu hụt tuần hoàn chi dưới gây đau, tím, liệt, mất mạch phần đùi, khoeo hoặc mu bàn chân. 

Bên cạnh đối tượng nam giới trên 50 tuổi, người thường xuyên sử dụng thuốc lá, người bị cao huyết áp hoặc người có người thân trực hệ (gồm bố, mẹ, anh/chị em ruột) bị phình động mạch chủ bụng cũng là những đối tượng có nguy có cao.

Cách điều trị phình động mạch chủ bụng

Khi thấy cơ thể xuất hiện hiện tượng bụng có nhịp đập, bạn có thể đi đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và thực hiện một số các xét nghiệm chẩn đoán bao gồm: siêu âm bụng, chụp CT cắt lớp hoặc chụp cộng hưởng từ MRI. Những xét nghiệm này sẽ giúp bác sĩ xác định chính xác xem hiện tượng bụng có nhịp đập có phải dấu hiệu của phình động mạch chủ hay không. 

Nếu không may bạn bị phình động mạch chủ bụng, tuỳ vào tình trạng cụ thể của người bệnh, các bác sĩ có thể sẽ đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp. 

Với trường hợp phần động mạch bị phình có đường kính nhỏ hơn 5,5cm, bạn sẽ được đề nghị theo dõi từ 6 - 12 tháng. Các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện siêu âm hoặc chụp CT scan thường xuyên để theo dõi sự thay đổi của kích thước túi phình.

Nếu người bệnh bị cao huyết áp sẽ được chỉ định sử dụng kèm thuốc hạ huyết áp cũng như phải áp dụng chế độ sinh hoạt lành mạnh không rượu bia, không thuốc lá.

Bụng có nhịp đập có phải hiện tượng bất thường? 02
Đặt stent là một trong những phương pháp điều trị phình động mạch chủ bụng hiện đại và hiệu quả hiện nay

Với những trường hợp túi phình có đường kính lớn hơn 5,5cm hoặc sau thời gian quan sát thấy túi phình tiếp tục to ra, các bác sĩ sẽ chỉ định mổ hở sửa túi phình để thay thế phần động mạch chủ bụng bị phình bằng ống ghép máu nhân tạo. Sau phẫu thuật, người bệnh sẽ ở lại bệnh viện theo dõi từ 3 - 4 ngày và sau 3 tuần đến 6 tháng cơ thể sẽ hồi phục hoàn toàn. 

Ngoài phương pháp mổ hở sửa chữa túi phình, các bác sĩ có thể tiến hành một phương pháp khác hiện đại hơn là đặt stent ghép nội mạc. Đây là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn với thời gian phục hồi nhanh hơn phương pháp mổ hở.

Phòng ngừa bệnh lý phình động mạch chủ bụng

Do bệnh lý phình động mạch chủ bụng liên quan tới xơ vữa động mạch và cao huyết áp nên để phòng tránh tình trạng này mọi người cần áp dụng một chế độ ăn uống - sinh hoạt khoa học như:

  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao.
  • Hạn chế sử dụng các thực phẩm nhiều dầu mỡ, nhiều đường, đồ chiên rán.
  • Thăm khám sức khoẻ định kỳ 6 tháng/lần.
  • Những người bị cao huyết áp cần tuân thủ đúng lịch uống thuốc của bác sĩ để huyết áp được khống chế tốt.
  • Với những người trên 50 tuổi, có các bệnh lý nền như xơ vữa động mạch, tiểu đường, rối loạn lipid máu,... cần chú ý thăm khám định kỳ cũng như tự theo dõi cơ thể. Nếu thấy bụng có nhịp đập bất thường nên tới các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và kiểm tra càng sớm càng tốt.
  • Với người bị béo phì, khó nhận biết bụng có nhịp đập hay không, có thể đi siêu âm bụng định kỳ để sớm phát hiện bản thân có bị phình động mạch chủ bụng không.
Bụng có nhịp đập có phải hiện tượng bất thường? 03
Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên giúp giảm thiểu nguy cơ bị phình động mạch chủ bụng

Trên đây, Nhà thuốc Long Châu đã giải đáp băn khoăn bụng có nhịp đập có phải dấu hiệu bất thường hay không. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ hữu ích với mọi người.

Tú Anh

Nguồn tham khảo: vinmec.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Các bài viết liên quan

  1. Nguyên lý chụp mạch số hóa xóa nền DSA