Buồn phiền là gì? Buồn phiền có gây nên trầm cảm không?
Ngày 25/03/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Buồn phiền là gì? Buồn phiền có gây nên trầm cảm không? Đây là những câu hỏi mà ai trong chúng ta sẽ có lúc băn khoăn về nó. Khi tâm trạng buồn bã kéo dài từ 2 tuần trở lên và cản trở hoạt động bình thường hàng ngày thì sẽ rất nguy hiểm, bởi vì nó có thể là dấu hiệu của trầm cảm.
Buồn phiền sẽ luôn mang lại cảm giác khó chịu và đau khổ. Nó luôn là cảm xúc không lành mạnh tác động tiêu cực đến sức khỏe. Nỗi buồn phiền có thể khiến chúng ta phản ứng theo những cách khác nhau như: Khóc, uể oải hoặc dành nhiều thời gian ở một mình hơn,... Tuy nhiên, nếu cảm giác buồn phiền dai dẳng sẽ là một tín hiệu xấu làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Cụ thể buồn phiền là gì và làm sao để vượt qua nó, mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây.
Buồn phiền là gì?
Buồn phiền là gì? Buồn phiền là một trạng thái cảm xúc đặc trưng bởi cảm giác không vui và tâm trạng chán nản. Nó được coi là một trong những cảm xúc cơ bản của con người. Đó là một phản ứng bình thường trước những tình huống khó chịu, đau đớn hoặc thất vọng. Đôi khi những cảm giác này có thể mãnh liệt hơn kéo dài dai dẳng, trong khi ở những trường hợp khác, chúng có thể khá nhẹ và chóng quên.
Không giống như chứng trầm cảm dai dẳng và kéo dài, nỗi buồn chỉ là tạm thời và nhất thời. Tuy nhiên, nỗi buồn có thể biến thành trầm cảm. Khó có thể phân biệt được sự khác biệt giữa nỗi buồn thông thường và chứng trầm cảm nhẹ. Tuy nhiên cảm thấy buồn không có nghĩa là bạn bị trầm cảm. Sự khác biệt chính giữa nỗi buồn và trầm cảm lâm sàng là những nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi tâm trạng và thời gian kéo dài của nó. Nếu tâm trạng của bạn liên quan đến một sự kiện gần đây, chẳng hạn như một mối quan hệ tan vỡ, thì có thể bạn đang cảm thấy buồn. Nhưng nếu cuộc chia tay đó diễn ra vài tháng trước hoặc bạn không thấy lý do rõ ràng nào khiến tâm trạng của mình thay đổi, bạn có thể bị trầm cảm.
Một số biểu hiện của buồn phiền là dấu hiệu của trầm cảm
Các triệu chứng của nỗi buồn có thể trở thành bệnh trầm cảm nếu bệnh có biểu hiện từ 5 triệu chứng trở lên trong vòng 2 tuần: Ít nhất một trong các triệu chứng là tâm trạng chán nản, mất hứng thú hoặc cảm giác yêu thích. Một số biểu hiện của buồn phiền là dấu hiệu của trầm cảm như:
Tâm trạng chán nản hầu hết thời gian trong ngày.
Luôn cảm thấy buồn bã, trống rỗng hoặc rơi nước mắt (ở trẻ em và thanh thiếu niên, tâm trạng chán nản có thể biểu hiện dưới dạng cáu gắt liên tục).
Cảm thấy thiếu sức sống hoặc không có niềm vui trong tất cả các hoạt động trong ngày, kể cả hoạt động yêu thích của bản thân trong thời gian dài.
Cân nặng bị suy giảm đáng kể, kể cả khi không ăn kiêng hoặc tăng cân mất kiểm soát mà không mắc các bệnh gây tăng cân.
Luôn cảm thấy bồn chồn và uể oải mà người khác có thể nhận thấy.
Luôn trong trạng thái mệt mỏi và mất năng lượng kéo dài.
Đôi khi có cảm giác vô dụng và tội lỗi quá mức.
Gặp khó khăn khi đưa ra quyết định hoặc tập trung vào suy nghĩ.
Mất ngủ, hoặc nhu cầu ngủ tăng nhiều hơn bình thường.
Thường xuyên có ý nghĩ về cái chết, tự sát hoặc cố gắng tự tử.
Tuy nhiên, những thông tin trên không nhằm mục đích cung cấp chẩn đoán y tế hoặc đề xuất phương pháp điều trị trầm cảm lâm sàng và không thể thay thế việc gặp chuyên gia sức khỏe tâm lý. Nếu cơ thể xuất hiện các dấu hiệu trên kéo dài, thì rất có thể nỗi buồn phiền này không đơn giản, bạn nên đến gặp bác sĩ.
Cách vượt qua nỗi buồn phiền nhanh chóng
Nếu đã biết được buồn phiền là gì cũng như nỗi buồn phiền có liên quan đến chứng trầm cảm thì dưới đây là một số cách để vượt qua nỗi buồn thông thường một cách lành mạnh.
Cho phép bản thân được buồn
Việc từ chối những cảm xúc buồn phiền rất có hại cho sức khỏe. Hãy học cách chấp nhận và cho phép bản thân được buồn. Hãy khóc nếu cảm thấy buồn. Để ý xem liệu sau khi khóc có cảm thấy nhẹ nhõm hơn hay không?
Lên kế hoạch
Nếu cảm thấy buồn phiền, hãy lên kế hoạch cho một ngày để hoạt động. Lên kế hoạch cho một ngày hoặc buổi tối chỉ để ở một mình, nghe bản nhạc yêu thích và quan sát những suy nghĩ và cảm xúc của bản thân. Lên kế hoạch cho thời gian không vui thực sự có thể khiến chúng ta cảm thấy dễ chịu và cuối cùng có thể giúp bản thân vượt qua nỗi buồn để có tâm trạng vui vẻ hơn.
Làm những việc bản thân yêu thích
Đi dạo sẽ giúp tâm trạng tốt hơn. Đôi khi một chút không khí trong lành và một chút thời gian yên tĩnh có thể thay đổi quan điểm của bạn. Gọi cho một người bạn thân hoặc thành viên gia đình. Hãy tử tế với chính mình. Điều này có thể bao gồm tắm nước nóng, ngủ trưa hoặc đi mua sắm. Hãy để bản thân cười. Bật lên một bộ phim hài yêu thích, say sưa xem nó hoặc tìm một vài video hài hước trên YouTube.
Hãy cân nhắc việc bắt đầu viết nhật ký
Tập trung vào điều tích cực, ngay cả khi bạn chỉ có thể nghĩ ra một điều để biết ơn hàng ngày, sẽ giúp bạn tránh xa những cảm xúc tiêu cực, buồn bã. Hãy nhớ rằng nỗi buồn có thể là kết quả của một sự thay đổi mà bạn không mong đợi hoặc báo hiệu sự cần thiết phải thay đổi trong cuộc sống của bạn.
Hy vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu được buồn phiền là gì cũng như mối liên hệ giữa buồn phiền và trầm cảm. Để từ đó biết cách vượt qua nỗi buồn dễ dàng. Nếu bạn buồn vì cần thay đổi điều gì đó, hãy nghĩ về những điều bạn có thể thay đổi để khiến cuộc sống của mình vui vẻ hơn.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.