Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Cá lăng: Giá trị dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe

Ngày 21/11/2024
Kích thước chữ

Cá lăng thuộc dòng cá da trơn, kích thước lớn, thường khá quen thuộc trong ẩm thực Việt. Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ thông tin thêm về giá trị dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe của cá lăng.

Được nuôi rộng rãi tại Việt Nam, cá lăng rất dễ tìm trong các siêu thị hoặc chợ ở thành phố hoặc vùng nông thôn. Cá lăng có thịt chắc, ngọt và hàm lượng dinh dưỡng cao, đặc biệt là omega-3 và DHA, do đó có nhiều lợi ích về sức khỏe mà bạn có thể chưa biết. Bài viết sẽ cùng bạn khám phá và tìm hiểu về giá trị dinh dưỡng của cá lăng.

Đặc điểm của cá lăng

Được mệnh danh là vua của các loài cá da trơn, cá lăng có tên khoa học là Hemibagrus wyckioides, thuộc họ cá ngạnh Bagridae, Bộ cá nheo Siluriformes, nhóm cá nước ngọt. Thân cá lăng thon và dài nhưng lại dẹp ngang về phía đuôi. Đầu cá hình nón, đỉnh đầu nhám, hơi dẹp đứng. Miệng hơi rộng có răng lá mía nằm trên một dãy cong. Màng mang cá tách khỏi eo mang và gần như tách rời nhau.

Cá lăng: Giá trị dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe 2
Cá lăng đuôi đỏ là loài cá lăng có kích thước lớn nhất trong các loài cá lăng

Trên miệng cá có 4 đôi râu, đôi râu hàm trên dài đến gốc vây hậu môn, đôi râu hàm dưới dài đến vây ngực, đôi râu mũi ngắn và nhỏ, đôi râu cằm ngắn hơn râu hàm dưới. Giống như đa phần các loại cá da trơn khác, cá lăng không có vảy mà thay vào đó là một lớp chất nhầy bao phủ quanh thân mình. Trên vây lưng một gai ở phía trước, vây mỡ ở xung quanh người và phần vây ức có răng cưa.

Vì những đặc điểm như vậy mà nhiều người dễ nhầm lẫn cá lăng với cá trê. Trong đó cá lăng có màu sáng, cá trê lại có màu đen; phần đầu cá trê thì bẹt hơn và miệng trề ra hơn.

Trong họ cá ngạnh Bagridae, cá lăng có kích thước lớn nhất, kích cỡ tối đa đến 100cm. Cá lăng là loài cá ăn tạp phân bố rộng rãi trong hầu hết các sông rạch miền Nam và có giá trị kinh tế cao.

Cá lăng: Giá trị dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe 3
Cá lăng nhỏ được nuôi giống trong các trang trại

Lợi ích sức khỏe từ cá lăng

Trong 100 g cá lăng có các thành phần dinh dưỡng sau đây:

  • Canxi: 16,8 mg;
  • Sắt: 0,731 mg;
  • Protein: 17,7%;
  • Omega-3: 0,35 g;
  • Selen: 52,7 μg;
  • Vitamin A: 26,9 μg;
  • Kẽm: 0,82 mg.

Như vậy cá lăng không chỉ là một món ăn ngon mà còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe đáng kể. Thịt cá lăng thường mềm, thớ thịt dày dặn với lớp mỡ dưới da.

Do đó ngoài việc cung cấp nguồn protein chất lượng cao, cá lăng còn chứa nhiều vitamin A, một dưỡng chất thiết yếu giúp duy trì thị lực tốt và ngăn ngừa bệnh thoái hóa điểm vàng, đặc biệt ở người lớn tuổi. Theo một nghiên cứu gần đây, việc bổ sung đầy đủ vitamin A có thể giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng lên đến 25%.

Một trong những lợi ích sức khỏe đáng chú ý của thịt cá lăng là khả năng thanh lọc cơ thể và tác dụng lợi tiểu, góp phần quan trọng trong việc thải độc tố ra khỏi cơ thể.

Đặc biệt, cá lăng rất có lợi cho làn da, giúp cải thiện và làm đẹp da, ngăn chặn quá trình lão hóa cũng như giảm thiểu các vấn đề về mụn. Đây là nhờ vào các axit béo Omega-3 có trong cá lăng, không chỉ có tác dụng làm mềm da mà còn giúp tăng cường độ đàn hồi, mang lại làn da khỏe mạnh và mịn màng hơn. Omega-3 cũng được biết đến với khả năng chống viêm, giúp giảm sự xuất hiện của các vết sưng đỏ trên da.

Không chỉ có tác dụng tốt cho da, cá lăng còn hỗ trợ phát triển và củng cố hệ xương, ngăn ngừa các bệnh viêm khớp với hàm lượng canxi và vitamin D dồi dào. Hàm lượng canxi trong cá lăng giúp xương chắc khỏe, trong khi vitamin D hỗ trợ hấp thu canxi hiệu quả.

Hơn nữa, Omega-3 và DHA cao có trong cá lăng rất có lợi cho sự phát triển của não bộ, giúp tăng cường trí nhớ. Nghiên cứu chỉ ra rằng bổ sung DHA thường xuyên có thể cải thiện khả năng ghi nhớ và tập trung, đặc biệt có ích cho trẻ em trong độ tuổi phát triển trí não. Từ đó hỗ trợ trẻ trong quá trình học tập và tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả hơn.

Cá lăng: Giá trị dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe 4
Cá lăng dễ bị nhầm với cá trê, mặc dù đầu cá trê bẹt hơn và miệng trề hơn

Đối với người lớn tuổi, việc ăn cá lăng thường xuyên có thể giúp làm chậm quá trình lão hóa của não bộ và ngăn ngừa bệnh Alzheimer, giúp duy trì sức khỏe tinh thần dẻo dai và tốt hơn trong suốt tuổi già. Những dưỡng chất có trong cá lăng còn giúp cải thiện hệ tuần hoàn và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, nhờ vào khả năng giảm mức cholesterol xấu trong máu.

Cá lăng thực sự là một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao mà bạn nên bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày để tận dụng tối đa những lợi ích sức khỏe cho cả gia đình.

Những người không nên ăn cá lăng

Mặc dù cá lăng có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng đặc biệt là chất béo tốt cho cơ thể, nhưng vẫn có một số người cần phải thận trọng khi ăn cá, bao gồm cả cá lăng. Khi đang gặp phải bất kỳ tình trạng bệnh lý nào, cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ trước khi chọn lựa thực phẩm có nguy cơ dị ứng. Những người cần hạn chế ăn cá bao gồm:

  • Người mắc bệnh gout: Do cá và các loại thịt có chứa nhiều purine, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành Uric acid. Như vậy có thể làm trầm trọng thêm bệnh gout. Những người này cần sự tư vấn của bác sĩ về chế độ ăn hàng ngày.
  • Người bị rối loạn tiêu hóa: Đạm trong cá có thể làm tăng cảm giác khó chịu và đau bụng. Do đó khi đang mắc các bệnh đường tiêu hóa nên hạn chế ăn cá.
  • Người dị ứng với cá: Có thể xuất hiện các triệu chứng như mẩn đỏ, nổi mề đay, phù nề, hoặc huyết áp giảm.
  • Người có vấn đề về gan, thận: Tiêu thụ nhiều cá có thể gây áp lực cho gan và thận do hàm lượng protein cao.
  • Người có rối loạn chức năng máu: Một số chất trong cá có thể ảnh hưởng đến tiểu cầu, làm tăng nguy cơ rối loạn chức năng máu.
  • Người bị xơ gan: Các yếu tố đông máu giảm sản xuất tại gan do tình trạng xơ gan. Nếu có thêm tình trạng giảm tiểu cầu sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu. Thông thường nếu ăn các loại cá biển như cá mòi, cá trích,... sẽ cần thận trọng hơn so với cá lăng.
  • Người bị lao: Ăn nhiều cá có thể gây dị ứng và các triệu chứng nghiêm trọng như nhức đầu, đỏ da, khó thở, tăng huyết áp và có thể gây chảy máu não.

Ngoài ra nên lựa chọn cá lăng tươi và bảo quản lạnh đông để giữ được giá trị dinh dưỡng của cá. Việc tiêu thụ cá lăng không tươi hoặc bị ươn có thể gây ra tiêu chảy do nhiễm khuẩn, dị ứng, ngộ độc thực phẩm,...

Cá lăng: Giá trị dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe 5
Để có món ăn thơm ngon, bổ dưỡng từ cá lăng thì việc chọn được cá tươi là vô cùng quan trọng

Như vậy, bài viết trên đã cho bạn những thông tin về cá lăng: Giá trị dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe. Ăn uống bổ sung các loại thực phẩm đa dạng sẽ cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể hoạt động. Tuy nhiên việc tiêu thụ cần có chừng mực để tránh bị tăng cân, báo phì hoặc các bệnh lý liên quan chuyển hóa khác.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin