Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tình trạng dị ứng cá và những thông tin quan trọng cần biết

Ngày 28/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Dị ứng thực phẩm không phải tình trạng hiếm gặp, nhất là ở những người có cơ địa nhạy cảm. Có người bị dị ứng sữa, có người dị ứng với động vật có vỏ và cũng có người dị ứng cá. Trong phạm vi bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng, cách khắc phục khi bị dị ứng với cá.

Trong số các loại dị ứng, dị ứng thực phẩm là tình trạng khá thường gặp ở cả trẻ em và người lớn. Cơ địa của mỗi người có thể nhạy cảm với một loại thực phẩm khác nhau. Vì vậy, có người dị ứng với gluten thực vật, có người dị ứng với động vật có vỏ nhưng lại có người dị ứng với cá. Ngoài ra, con người cũng có thể bị dị ứng ở các thời điểm khác nhau. Theo nghiên cứu, có khoảng 40% người từng dị ứng cá khi đã trưởng thành ngay cả khi trước đó không bị.

Dị ứng cá xảy ra do đâu?

Dị ứng xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng với một “chất lạ” bằng cách tạo ra kháng thể để chống lại chất đó, mặc dù trên thực tế chất đó là vô hại. Khi tình trạng dị ứng xảy ra, hệ thống miễn dịch của cơ thể giải phóng một chất có tên là immunoglobulin E (IgE). Chất này sẽ khiến  các tế bào mast và tế bào máu khác mở ra và giải phóng histamin vào máu.

Bình thường, histamin có tác dụng làm giãn mạch máu, giúp các tế bào miễn dịch lớn dễ dàng tiếp cận các vị trí bị nhiễm trùng, bị thương nhằm tiêu diệt tác nhân gây hại. Nhưng khi không có tình trạng bị nhiễm trùng hay cơ thể không bị thương, histamin sẽ gây các triệu chứng về đường hô hấp, triệu chứng ở da, triệu chứng ở đường tiêu hóa. Đây là lý do khi phản ứng dị ứng xảy ra, chúng ta có thể bị phù nề, nổi mề đay, mẩn ngứa, phát ban, khó thở, tiêu chảy,…

Tình trạng dị ứng cá và những thông tin quan trọng cần biết 1
Ai đó có thể bị dị ứng với cá ngay cả khi trước đó họ không bị

Dị ứng thực phẩm là gì? Đây là phản ứng dị ứng xảy ra ngay sau khi cơ thể tiếp xúc với một loại thực phẩm nào đó, dù chỉ là một lượng nhỏ. Theo thống kê, có khoảng 8% trẻ em dưới 5 tuổi bị dị ứng thực phẩm và khoảng hơn 4% người trưởng thành dị ứng thực phẩm. Chúng ta có thể bỗng nhiên dị ứng một loại thực phẩm nào đó ngay cả khi trước đó không bị.

Cần phân biệt dị ứng thực phẩm với không dung nạp thực phẩm nào đó. Không dung nạp thực phẩm xảy ra nhiều hơn, các triệu chứng thường khó chịu hơn nhưng ít nghiêm trọng hơn và không liên quan đến hệ miễn dịch.

Thành phần gây dị ứng cá phổ biến nhất chính là paralbumin - một loại protein. Sự chênh lệch về hàm lượng chất này trong các loại cá là không đáng kể. Vì vậy, khi ai đó bị dị ứng với một loại cá thì khả năng họ dị ứng với các loại cá khác cũng khá cao. Tình trạng này còn được gọi là đa mẫn cảm. Tuy nhiên, khi bạn dị ứng với một loại cá cụ thể, không có nghĩa là bạn sẽ bị dị ứng với các loại cá còn lại.

Người bị dị ứng cá gặp triệu chứng gì?

Có những người gặp các triệu chứng dị ứng sau khi ăn cá. Nhưng cũng có người bị dị ứng ngay khi mới chỉ hít phải hơi nước khi nấu chín cá. Cần lưu ý rằng, các triệu chứng dị ứng có thể khác nhau ở từng người. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cũng như thời gian xuất hiện triệu chứng cũng có thể khác nhau ở từng thời điểm. Có trường hợp hiếm gặp, dị ứng sau khi ăn cá còn có thể gây sốc phản vệ với các triệu chứng suy hô hấp nặng.

Tình trạng dị ứng cá và những thông tin quan trọng cần biết 2
Dị ứng với cá có thể biểu hiện triệu chứng ngoài da, ở hệ hô hấp hay hệ tiêu hóa

Các phản ứng dị ứng của cơ thể có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Trên da nổi mề đay, phát ban, mẩn ngứa vô cùng khó chịu.
  • Người bị dị ứng thấy buồn nôn, nôn nao, nôn ói, co thắt dạ dày.
  • Tiêu chảy là rối loạn tiêu hóa phổ biến nhất khi dị ứng thực phẩm cũng xuất hiện nếu bạn bị dị ứng với cá.
  • Triệu chứng về hô hấp có thể gặp phải như hắt hơi, nghẹt mũi do đường thở bị phù nề, chảy nước mũi. Cảm giác khó thở, thở khò khè, ho khan, lên cơn hen suyễn có thể xuất hiện.
  • Trong miệng có cảm giác ngứa ran, môi, lưỡi bị phù nề, ngứa ngáy. Một số người bị sưng phù ở mắt và mặt.
  • Chóng mặt, nhức đầu, choáng váng, ngất xỉu, tụt huyết áp cũng có thể xảy ra với người bị dị ứng cá.

Dị ứng cá được chẩn đoán thế nào?

Khi thăm khám tại chuyên khoa dị ứng, các bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác tình trạng dị ứng với cá và cho bạn biết bạn bị dị ứng với loại cá nào. Một số xét nghiệm cần thiết sẽ được bác sĩ chỉ định như:

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra sự có mặt của kháng thể IgE đối với protein từ loại cá được nghi ngờ gây dị ứng.
  • Test lẩy da (Prick test) hay còn gọi là test chích da, test nội sinh. Với phương pháp này, 1 giọt dung dịch chứa protein cá sẽ được nhỏ lên về mặt da tay của bạn. Sau đó, bác sĩ sẽ dùng kim châm lẩy nhẹ để dung dịch này thấm vào da. Nếu sau 15 - 20 phút có phản ứng da nổi đốm đỏ, bác sĩ có thể kết luận bạn dị ứng với protein của loại cá đó.
  • Ăn thử một lượng nhỏ loại cá nghi ngờ gây dị ứng dưới sự giám sát của nhân viên y tế cũng là cách có thể được áp dụng.
Tình trạng dị ứng cá và những thông tin quan trọng cần biết 3
Test dị ứng bằng protein của cá

Cách điều trị và phòng ngừa dị ứng cá

Sau khi ăn cá và nhận thấy cơ thể xuất hiện triệu chứng dị ứng, bạn cần ngừng tiêu thụ loại thực phẩm này ngay lập tức. Bạn có thể theo dõi các phản ứng của cơ thể khi dị ứng. Nếu dị ứng nhẹ với các triệu chứng ngoài da hoặc triệu chứng rối loạn tiêu hóa nhẹ, bạn có thể chờ đợi thêm để cơ thể đào thải hết loại protein cá gây dị ứng. Khi đó, các triệu chứng sẽ giảm dần và biến mất.

Nếu các triệu chứng dị ứng cá xuất hiện ở hệ hô hấp, hệ thần kinh, người bệnh nên được đưa đến cơ sở y tế. Tại đây, các bác sĩ sẽ thăm khám, chẩn đoán và có thể chỉ định điều trị bằng các loại thuốc như:

  • Thuốc kháng histamin điều trị các phản ứng dị ứng nhẹ.
  • Thuốc tiêm epinephrine dùng khi có phản ứng dị ứng đe dọa tính mạng.
  • Dùng cromolyn đường uống để giảm phản ứng dị ứng.
  • Điều trị corticosteroid kéo dài nếu bị viêm dạ dày ruột tăng bạch cầu ái toan.

Khi đi ăn ở nhà hàng, quán ăn, bạn cũng cần chọn chỗ ngồi để tránh hít phải hơi nước chứa protein cá. Người có tiền sử dị ứng nặng với cá nên mang theo một ống tiêm epinephrine hay thuốc kháng histamin để uống ngay lập tức khi có triệu chứng dị ứng.

Tình trạng dị ứng cá và những thông tin quan trọng cần biết 4
Thuốc kháng histamin giảm triệu chứng dị ứng cá

Các bác sĩ thường khuyên người bị dị ứng cá nên tránh loại thực phẩm này.  Vậy, đâu là những loại cá nào dễ gây dị ứng nhất? Đó thường là cá ngừ, cá hồi, cá đuối, cá tuyết, các loại cá da trơn,… Một số loại nước mắm, nước sốt cũng được làm từ cá nên bạn cần cân nhắc khi sử dụng. Chúc bạn luôn vui khỏe.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm