Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ung thư miệng: Triệu chứng, yếu tố nguy cơ và cách phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ung thư miệng xảy ra khi các tế bào tăng sinh và phát triển bất thường trong các mô của miệng hoặc cổ họng. Các tế bào vảy là các tế bào mỏng, phẳng nằm bên trong miệng thường là nơi bắt đầu ung thư miệng. Hút thuốc và uống rượu là những yếu tố nguy cơ chính gây nên gây bệnh. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu cụ thể hơn ung thư miệng là gì cũng như những biện pháp phòng tránh qua bài viết sau.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Ung thư miệng là gì? 

Ung thư miệng thuộc về một nhóm ung thư lớn được gọi là ung thư đầu và cổ, nó là ung thư phát triển trong các mô của miệng hoặc cổ họng. Ung thư biểu mô tế bào vảy là ung thư chiếm đa số trong các loại ung thư miệng. Loại ung thư này bắt đầu từ các tế bào vảy, là những tế bào mỏng, phẳng tạo thành lớp niêm mạc của miệng và cổ họng.

Trong các tuyến sản xuất nước bọt, amidan ở phía sau miệng và một phần của cổ họng nối miệng với khí quản (hầu) cũng có thể hình thành các tế bào bất thường và các tế bào này sẽ phát triển thành khối u. Tuy nhiên, những dạng ung thư này ít phổ biến hơn.

Các bộ phận của khoang miệng có khả năng bị tăng sinh tế bào bất thường và phát triển thành ung thư miệng là:

  • Môi;

  • Lưỡi;

  • Niêm mạc bên trong của má;

  • Nướu răng;

  • Sàn miệng;

  • Khẩu cái cứng và mềm.

Ung thư miệng được chia ra làm 4 giai đoạn dựa trên kích thước khối u cũng như khả năng di căn của nó:

  • Giai đoạn 1: Khối u có kích thước dưới 2 cm và ung thư chưa di căn đến các hạch bạch huyết.

  • Giai đoạn 2: Khối u có kích thước từ 2-4 cm và các tế bào ung thư chưa di căn đến các hạch bạch huyết.

  • Giai đoạn 3: Khối u lớn hơn 4 cm và chưa lan đến các hạch bạch huyết, hoặc có kích thước bất kỳ và đã lan đến một hạch bạch huyết, nhưng chưa lan đến các bộ phận khác của cơ thể.

  • Giai đoạn 4: Các khối u có kích thước bất kỳ và tế bào ung thư đã lan đến các mô lân cận, các hạch bạch huyết hoặc các bộ phận khác của cơ thể.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư miệng 

Các triệu chứng của ung thư miệng bao gồm:

  • Vết loét trên môi hoặc miệng không lành;

  • Một khối u phát triển bất cứ nơi nào trong miệng;

  • Chảy máu từ miệng; 

  • Răng lung lay hoặc rụng răng;

  • Khó nhai hoặc khó nuốt;

  • Khó đeo răng giả;

  • Một khối u trong cổ;

  • Một cơn đau tai không biến mất;

  • Sụt cân đáng kể;

  • Tê môi dưới, mặt, cổ hoặc cằm;

  • Các mảng trắng, đỏ và trắng, hoặc đỏ trong hoặc trên miệng hoặc môi;

  • Đau họng hoặc cảm giác có thứ gì mắc trong cổ họng;

  • Đau hoặc cứng hàm;

  • Đau lưỡi.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhiều dấu hiệu hay triệu chứng trên cũng có thể do các bệnh khác ngoài ung thư, hoặc thậm chí do các bệnh ung thư khác gây ra. Tuy nhiên, điều rất quan trọng là phải đến gặp bác sĩ hoặc nha sĩ nếu bất kỳ tình trạng nào trong số này kéo dài hơn 2 tuần để có thể tìm ra nguyên nhân và điều trị. Phát hiện sớm ung thư miệng có thể giúp tăng cơ hội sống sót của bạn từ 50% lên 90%. 

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến ung thư miệng 

Ung thư miệng hình thành khi các tế bào trên môi hoặc trong miệng phát triển những thay đổi (còn gọi là đột biến) trong DNA của chúng. Các đột biến sẽ làm cho các tế bào thay vì chết đi theo chu trình sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ thì các tế bào lại tiếp tục phát triển và phân chia mạnh. Các tế bào bất thường tích tụ có thể tạo thành một khối u. Theo thời gian, chúng có thể lan rộng bên trong miệng và lan sang các vùng khác của đầu và cổ hoặc các bộ phận khác của cơ thể.

Hầu hết các bệnh ung thư miệng là ung thư biểu mô tế bào vảy. Tế bào vảy là là những tế bào mỏng, phẳng nằm ở môi và bên trong khoang miệng.

Chưa tìm được nguyên nhân cụ thể khiến các tế bào vảy bị đột biến dẫn đến ung thư miệng. Nhưng các bác sĩ đã xác định các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ ung thư miệng.

Các nhà khoa học tin rằng một số yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như thuốc lá hoặc sử dụng rượu nặng, có thể gây ra ung thư miệng bằng cách làm hỏng DNA của các tế bào nằm bên trong miệng và cổ họng.

Nhiều chất hóa học có trong thuốc lá có thể làm hỏng trực tiếp DNA. Các nhà khoa học không chắc liệu rượu có trực tiếp làm hỏng DNA hay không, nhưng họ đã chỉ ra rằng rượu giúp nhiều chất hóa học gây hại DNA xâm nhập vào tế bào dễ dàng hơn. Đây có thể là lý do tại sao sự kết hợp giữa thuốc lá và rượu làm tổn thương DNA nhiều hơn so với chỉ dùng thuốc lá.

Acetaldehyde, một sản phẩm phân hủy của rượu, được tìm thấy trong nước bọt, đã được chứng minh là cản trở quá trình sửa chữa DNA, cũng như làm rối loạn các chức năng khác của DNA. Mức độ acetaldehyde tăng lên khi mọi người uống nhiều rượu hơn, đó có thể là một cách rượu làm hỏng các tế bào lót trong khoang miệng.

Thiệt hại này có thể khiến một số gen nhất định (ví dụ, những gen chịu trách nhiệm bắt đầu hoặc ngừng phát triển tế bào) không hoạt động tốt. Các tế bào bất thường có thể bắt đầu phát triển ngoài tầm kiểm soát, tạo thành một khối u.

Khi thuốc lá và rượu làm hỏng các tế bào niêm mạc miệng và cổ họng, các tế bào ở lớp này cần phân chia thường xuyên hơn và tạo ra nhiều bản sao của chính chúng hơn. Điều này làm tăng khả năng mắc sai lầm khi sao chép DNA, có thể làm tăng khả năng trở thành ung thư.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải ung thư miệng?

Nam giới đối mặt với nguy cơ phát triển ung thư miệng cao gấp đôi so với phụ nữ. Nam giới trên 50 tuổi phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh cao nhất.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải ung thư miệng

Trong thuốc lá chứa nhiều chất độc hại làm hỏng DNA của các tế bào khoang miệng.

Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Hút thuốc lá: Những người hút thuốc lá, xì gà hoặc tẩu có nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng cao gấp sáu lần những người không hút thuốc. Hút thuốc bằng tẩu có liên quan đến nguy cơ ung thư rất cao ở phần môi tiếp xúc với cuống tẩu. Các sản phẩm thuốc lá uống (hít, nhúng, nhổ, nhai, hoặc thuốc lá có thể hòa tan) có liên quan đến ung thư má, nướu và bề mặt bên trong của môi. 

  • Uống rượu: Làm tăng nguy cơ phát triển ung thư miệng và hầu họng. Những người nghiện rượu nặng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người nghiện rượu nhẹ.

  • Hút thuốc và uống rượu: Nguy cơ mắc bệnh ung thư miệng ở những người uống rượu và hút thuốc nhiều cao hơn khoảng 30 lần so với nguy cơ ở những người sử dụng thuốc lá hoặc uống rượu.

  • Nhai trầu cau: Tăng nguy cơ mắc ung thư miệng.

  • Nhiễm vi rút u nhú ở người (HPV): Một số chủng HPV nhất định là yếu tố nguy cơ gây ra ung thư biểu mô tế bào vảy. Ung thư miệng liên quan HPV đang trở nên phổ biến hơn ở những người trẻ tuổi, những người có tiền sử có nhiều bạn tình (bao gồm cả quan hệ tình dục bằng miệng) và không có tiền sử lạm dụng rượu hoặc sử dụng thuốc lá.

  • Tuổi: Ung thư miệng thường mất nhiều năm để phát triển, vì vậy chúng không phổ biến ở những người trẻ tuổi. Hầu hết bệnh nhân mắc ung thư miệng trên 55 tuổi khi ung thư lần đầu tiên được phát hiện. 

  • Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thường xuyên và lâu dài: Ung thư môi thường gặp ở những người làm việc ngoài trời, tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài.

  • Dinh dưỡng kém: Chế độ ăn ít trái cây và rau quả có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư khoang miệng.

  • Hội chứng di truyền: Những người mắc một số hội chứng do khiếm khuyết di truyền (đột biến) ở một số gen nhất định như thiếu máu Fanconi, dyskeratosis bẩm sinh,… có nguy cơ rất cao bị ung thư miệng.

  • Nam giới: Ung thư miệng ở nam giới nhiều gấp đôi so với nữ giới. Điều này có thể là do nam giới có xu hướng sử dụng thuốc lá và rượu nhiều hơn.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán ung thư miệng 

Sinh thiết

Nếu bác sĩ tìm thấy bất kỳ khối u hoặc tổn thương đáng ngờ nào, họ sẽ thực hiện sinh thiết. Trong sinh thiết, bác sĩ sẽ loại bỏ một mẩu mô nhỏ hoặc một mẫu tế bào, để có thể quan sát kỹ tế bào ung thư trong phòng thí nghiệm. Sinh thiết là cách duy nhất để biết chắc chắn rằng có ung thư khoang miệng hay không. 

Các phương pháp chính được sử dụng để làm sinh thiết trong trường hợp nghi ngờ ung thư miệng là:

  • Sinh thiết vết mổ: Một mảnh mô nhỏ được cắt ra từ khu vực có vẻ bất thường.

  • Sinh thiết chọc hút bằng kim nhỏ (FNA): Một cây kim rỗng, rất mỏng gắn vào ống tiêm sẽ hút ra (hút) một số tế bào từ khối u hoặc cục u.

Ngoài ra, bác sĩ có thể thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm sau:

Chụp X-quang

Để xem liệu tế bào ung thư đã lan đến hàm, ngực hoặc phổi hay chưa.

Chụp CT

Sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh chi tiết, mặt cắt ngang của cơ thể, giúp bác sĩ xem kích thước và vị trí của khối u, như khối u phát triển vào các mô lân cận, khối u đã lan đến các hạch bạch huyết ở cổ, phổi hoặc các cơ quan khác ở xa chưa.

Chụp PET

Xác định xem ung thư đã di chuyển đến các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác hay chưa.

Chụp MRI

Hiển thị hình ảnh chính xác hơn về đầu và cổ, đồng thời xác định mức độ hoặc giai đoạn của ung thư.

Nội soi

Để kiểm tra đường mũi, xoang, bên trong cổ họng, khí quản và khí quản.

Phương pháp điều trị ung thư miệng hiệu quả

Tùy thuộc vào loại, vị trí và giai đoạn của ung thư miệng khi được chẩn đoán, bác sĩ sẽ lên những phác đồ điều trị khác nhau.

Phẫu thuật

Các khối u và các hạch bạch huyết bị ung thư sẽ được phẫu thuật để loại bỏ trong giai đoạn đầu. Ngoài ra, các mô khác xung quanh miệng và cổ có nguy cơ phát triển thành khối u cũng có thể được loại bỏ.

Xạ trị

Xạ trị là một lựa chọn khác. Bác sĩ sẽ nhắm các chùm tia bức xạ vào khối u một hoặc hai lần một ngày, năm ngày một tuần, trong hai đến tám tuần. Các giai đoạn nặng thường việc điều trị sẽ là sự kết hợp của hóa trị và xạ trị.

Hóa trị liệu

Hóa trị là phương pháp diệt tế bào ung thư bằng thuốc. Hầu hết mọi người được hóa trị đều sẽ điều trị ngoại trú và thuốc được sử dụng qua đường uống. Tuy nhiên có một số bệnh nhân sẽ được yêu cầu nhập viện, thuốc sẽ dùng qua đường truyền tĩnh mạch (IV).

Liệu pháp nhắm mục tiêu

Liệu pháp nhắm mục tiêu là một hình thức điều trị khác. Phương pháp này có thể có hiệu quả ở cả giai đoạn đầu và giai đoạn cuối của bệnh ung thư. Thuốc điều trị nhắm mục tiêu sẽ liên kết với các protein cụ thể trên bề mặt tế bào ung thư và ngăn cản sự tăng sinh của tế bào ung thư.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư miệng 

Chế độ sinh hoạt:

  • Bỏ hút thuốc lá. Thuốc lá làm vết thương lâu lành, tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng tác dụng phụ của việc hóa trị, tăng nguy cơ tử vong.

  • Bỏ uống rượu bia.

  • Tuân thủ theo những hướng dẫn cũng như phác đồ điều trị của bác sĩ.

  • Tâm lí ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị. Bệnh nhân nên tạo cho bản thân lối sống tích cực, yêu đời.

  • Khi gặp những bất thường trong quá trình điều trị, hãy liên hệ ngay với bác sĩ.

  • Thường xuyên thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm bác sĩ sẽ thay đổi và tìm hướng điều trị phù hợp hơn.

  • Thực hiệc các bài tập giúp tăng cường các cơ ở vùng đầu và cổ giúp bạn có thể ăn uống và nói chuyện dễ dàng trong và sau quá trình điều trị.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm:

  • Thực phẩm có hàm lượng chất dinh dưỡng cao giúp bạn đạt được và duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.

  • Nhiều loại rau xanh đậm, đỏ và cam, các loại thực vật họ đậu giàu chất xơ (đậu và đậu Hà Lan), và những loại khác.

  • Trái cây, đặc biệt là toàn bộ trái cây với nhiều màu sắc.

  • Các loại ngũ cốc.

Nên hạn chế hoặc không sử dụng các loại thực phẩm sau:

  • Thịt đỏ và thịt đã qua chế biến.

  • Đồ uống có đường.

  • Thực phẩm siêu chế biến và các sản phẩm ngũ cốc tinh chế. 

Phương pháp phòng ngừa ung thư miệng hiệu quả

Hiện nay, các nhà khoa học chưa tìm được phương pháp ngăn ngừa ung thư miệng. Tuy nhiên, bạn có thể giảm nguy cơ ung thư miệng nếu:

  • Ngừng sử dụng hoặc không bắt đầu hút thuốc lá: Nếu bạn sử dụng thuốc lá, hãy dừng lại. Nếu bạn chưa hút thuốc lá, đừng bắt đầu. Sử dụng thuốc lá, dù hút hay nhai, sẽ khiến các tế bào trong miệng tiếp xúc với các hóa chất nguy hiểm gây ung thư.

  • Chỉ uống rượu ở mức độ vừa phải: Sử dụng rượu quá mức một thời gian có thể gây kích ứng các tế bào trong miệng, khiến chúng dễ bị tăng sinh và phát triển thành khối u. Nếu bạn không thể ngừng việc uống rượu, hãy uống với liều lượng vừa phải. Đối với người lớn khỏe mạnh, phụ nữ ở mọi lứa tuổi và nam giới trên 65 tuổi chỉ nên uống tối đa một ly mỗi ngày, và tối đa hai ly mỗi ngày đối với nam giới dưới 65 tuổi.

  • Tránh để môi tiếp xúc với ánh nắng quá nhiều: Bảo vệ đôi môi khỏi ánh nắng mặt trời bằng cách ở trong bóng râm khi có thể. Đội mũ rộng vành có tác dụng che nắng hiệu quả cho toàn bộ khuôn mặt, bao gồm cả miệng. Thoa sản phẩm chống nắng cho môi như một phần của chế độ bảo vệ môi thường xuyên.

  • Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng với nhiều rau tươi (đặc biệt là cà chua), trái cây họ cam quýt, dầu ô liu và cá.

  • Vệ sinh răng miệng thường xuyên: Vì nhiều khi vết thương lâu năm có thể liên quan đến ung thư, nên có một khả năng nhỏ là những chiếc răng lởm chởm, gãy, gây loét hoặc vết thương dai dẳng trên lưỡi, có thể làm tăng khả năng phát triển ung thư miệng ở đó. Do đó, giữ cho răng miệng của mình khỏe mạnh là điều rất quan trọng mà bạn cần lưu ý.

  • Gặp nha sĩ thường xuyên: Bên cạnh việc kiểm tra răng, cạo vôi răng, nhổ răng hay trám răng, hãy yêu cầu nha sĩ kiểm tra toàn bộ miệng của bạn để tìm những vùng bất thường có thể cho thấy ung thư miệng hoặc những thay đổi tiền ung thư.

  • Tiêm vaccin HPV: Trên thị trường có sẵn các loại vắc xin làm giảm nguy cơ nhiễm một số loại HPV. Những loại vắc xin này ban đầu được dùng để giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung, nhưng chúng đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác có liên quan đến HPV, chẳng hạn như ung thư dương vật, hậu môn, âm hộ, âm đạo, miệng và cổ họng. Vì những loại vắc xin này có hiệu quả nhất nếu được tiêm trước khi ai đó bị nhiễm HPV, nên vaccin được khuyến khích tiêm khi một người còn trẻ, trước khi họ có khả năng hoạt động tình dục. Nhưng một số người lớn cũng có thể chủng ngừa HPV.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.healthline.com/health/oral-cancer#diagnosis
  2. https://www.nhs.uk/conditions/mouth-cancer/diagnosis/
  3. https://www.cancer.org/
  4. https://www.mayoclinic.org/

Các bệnh liên quan

  1. Ung thư cổ tử cung giai đoạn I

  2. Ung thư tinh hoàn

  3. Ung thư thanh quản

  4. Ung thư âm hộ

  5. Ung thư amidan

  6. Ung thư vú ở nam

  7. Ung thư vòm họng giai đoạn II

  8. Hội chứng Lynch

  9. Ung thư xoang

  10. Ung thư ruột già