Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tại sao bạn lại bị viêm lưỡi? Cách điều trị và phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm lưỡi là tình trạng lưỡi của bạn bị đỏ và sưng. Viêm lưỡi có nhiều loại với nhiều nguyên nhân khác nhau, gây triệu chứng có thể khác nhau ở mỗi người. Điều trị viêm lưỡi phụ thuộc vào nguyên nhân, bao gồm kháng sinh, thay đổi chế độ ăn uống và cải thiện tình trạng vệ sinh răng miệng. Với thời gian và cách điều trị đúng, hầu hết những người bị viêm lưỡi đều sẽ hồi phục hoàn toàn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm lưỡi là gì?

Lưỡi là một cơ quan trong khoang miệng, cần thiết cho bạn thực hiện chức năng nhai, nuốt và nói. Lưỡi được chia thành hai phần: Phần miệng phía trước và phần hầu ở phía sau. Bề mặt trên của lưỡi gọi là mặt lưng và được chia thành hai phần đối xứng bởi rãnh giữa.

Vận động của lưỡi được điều khiển bởi dây thần kinh hạ thiệt trong khi cảm giác và vị giác lưỡi được phân bố: Dây thần kinh mặt phân bố vị giác và dây thần kinh V phân bố cảm giác cho 2/3 trước lưỡi; 1/3 sau lưỡi do dây thần IX phân bố cả cảm giác và vị giác.

Chức năng của lưỡi bao gồm:

  • Vị giác: Lưỡi có chức năng cảm nhận nhiều vị giác khác như như ngọt, đắng, mặn, chua, cay.
  • Nghiền thức ăn: Lưỡi giúp nghiền thức ăn trên vòm miệng cứng trước khi bạn nuốt xuống.
  • Phát âm: Các cơ bên trong lưỡi giúp tạo điều kiện cho bạn nói chuyện.

Những người bị viêm lưỡi thường có lưỡi trông mịn và bóng. Viêm lưỡi có thể xuất hiện đột ngột (viêm lưỡi cấp tính) hoặc có thể tiến triển theo thời gian (viêm lưỡi mạn tính).

Có nhiều dạng viêm lưỡi khác nhau gồm:

  • Viêm teo lưỡi: Còn được gọi là viêm lưỡi Hunter, viêm teo lưỡi xảy ra khi bạn mất nhiều nhú lưỡi (chứa nụ vị giác). Nếu bạn có tình trạng này, lưỡi bạn thường trông bóng và mịn.
  • Viêm lưỡi giữa hình trám: Đặc trưng bởi lưỡi màu đỏ, nhẵn, phẳng hoặc nhô cao, thường tập trung ở phần giữa hoặc gốc lưỡi. Đa số tình trạng viêm lưỡi này là do nhiễm nấm gây ra.
  • Lưỡi bản đồ: Đôi khi còn được gọi là viêm lưỡi di trú lành tính. Lưỡi bản đồ gây ra các mảng mất nhú lưỡi và hình thành tổn thương màu đỏ nhẵn giống như bản đồ. Dù đây là viêm nhưng tình trạng này hoàn toàn lành tính.
  • Hội chứng rát lưỡi: Tình trạng này chủ yếu ảnh hưởng ở đầu lưỡi và vòm miệng của bạn. Hội chứng rát lưỡi có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất là trong thời kỳ mãn kinh. 

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh Viêm lưỡi

Tùy thuộc vào nguyên nhân mà gây ra những triệu chứng viêm lưỡi khác nhau. Các triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột hoặc tiến triển trong một thời gian dài. Các triệu chứng thường gặp của viêm lưỡi gồm:

  • Lưỡi mịn, bóng;
  • Lưỡi đau, mềm;
  • Lưỡi sưng tấy;
  • Lưỡi đỏ;
  • Lưỡi nóng rát hoặc ngứa;
  • Thay đổi màu sắc lưỡi;
  • Khó khăn khi nói, ăn và nuốt.
VIÊM LƯỠI 4.jpg
Lưỡi bóng mịn là triệu chứng thường gặp của viêm lưỡi

Tùy loại viêm lưỡi khác nhau mà biểu hiện triệu chứng sẽ khác nhau:

  • Viêm teo lưỡi: Lưỡi đỏ, thiếu nhú lưỡi, bề ngoài mịn, sáng bóng và khô ráo, lưỡi teo.
  • Viêm lưỡi giữa hình trám: Tăng sừng hình thoi ở trung tâm lưỡi có dạng mảng đỏ và đau khi sờ vào.
  • Lưỡi bản đồ: Vùng lưỡi nhẵn mất nhú có thể có viền trắng xung quanh; vị trí thay đổi liên tục theo thời gian; tăng nhạy cảm khi chạm vào hoặc khi ăn thức ăn cụ thể.
  • Lưỡi dâu: Xuất hiện vết đỏ ở mặt sau lưỡi, nhú dạng nấm phì đại dai dẳng.

Tác động của bệnh Viêm lưỡi đối với sức khỏe

Tác động chủ yếu của bệnh viêm lưỡi chủ yếu là tác động đến tâm lý của người bệnh do tự ti về hình dạng lưỡi của mình. Việc trấn an người mắc bệnh là một thách thức với bác sĩ do đó có thể phải cần đến sự hỗ trợ từ bác sĩ tâm lý.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn có tình trạng viêm lưỡi kéo dài mà không tự biến mất sau một thời gian, bạn nên đi khám để được điều trị sớm. Nếu lưỡi của bạn bị sưng tấy nghiêm trọng gây chặn đường thở hoặc khiến bạn khó khăn khi nói, hãy đến cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh Viêm lưỡi

Có nhiều nguyên nhân có thể gây viêm lưỡi gồm:

Thiếu máu

Thiếu vitamin B

  • Vitamin B1;
  • Vitamin B2;
  • Vitamin B3;
  • Vitamin B6;
  • Vitamin B9;
  • Vitamin B12.

Nhiễm trùng

  • Virus: Virus herpes như viêm lưỡi sau herpes;
  • Vi khuẩn: Hiếm gặp nếu bạn có hệ miễn dịch bình thường;
  • Nấm: Phổ biến nhất là do Candida;
  • Ký sinh trùng: Sốt rét, xoắn khuẩn.
VIÊM LƯỠI 5.jpg
 Viêm lưỡi do candida

Thuốc

  • Thuốc ức chế men chuyển ACEi;
  • Albuterol;
  • Thuốc tránh thai đường uống;
  • Thuốc kháng khuẩn organosulfur như sulphanilamide, sulphathiazole.

Khác

  • Tình trạng tâm lý như rối loạn lo âu;
  • Tiếp xúc với các chất kích thích như rượu, thức ăn cay và thuốc lá;
  • Bỏng, chấn thương răng mạn tính;
  • Lưỡi bản đồ, lưỡi nứt;
  • Hội chứng Down;
  • Bệnh vẩy nến và các bệnh lý tự miễn khác;
  • Hội chứng rát miệng.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc bệnh Viêm lưỡi?

Bất kỳ ai cũng có thể bị viêm lưỡi. Nhưng nếu bạn có một trong những tình trạng dưới đây bạn có nhiều khả năng bị viêm lưỡi hơn:

  • Dị ứng thực phẩm;
  • Bị thương ở miệng;
  • Thiếu máu;
  • Nhiễm trùng như mụn rộp;
  • Rối loạn hệ thống miễn dịch như hội chứng Sjögren;
  • Sử dụng răng giả, niềng răng hoặc các dụng cụ ăn uống gây kích ứng lưỡi;
  • Ăn thức ăn cay nóng.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh Viêm lưỡi

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng một số người có nguy cơ cao mắc viêm lưỡi hơn.

  • Di truyền: Có bằng chứng cho thấy lưỡi bản đồ có liên quan đến di truyền.
  • Hút thuốc lá và tăng huyết áp được cho là liên quan đến tăng nguy cơ mắc viêm lưỡi giữa hình trám.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh Viêm lưỡi

Viêm lưỡi được chẩn đoán chủ yếu trên lâm sàng bằng khám lưỡi và miệng của bạn. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng mất nhú lưỡi và khai thác các triệu chứng khác kèm theo. Các thông tin cần khai thác bao gồm tình trạng dinh dưỡng và hạn chế về chế độ ăn uống, sử dụng thuốc lá và rượu cũng như những bất thường triệu chứng khi tiếp xúc với bất kỳ thức ăn hoặc môi trường nào. 

Thuốc đang sử dụng tại nhà mỗi ngày của bạn cũng sẽ được khai thác, việc thay đổi triệu chứng viêm lưỡi có liên quan đến thay đổi thuốc hay không.

Khám lưỡi

Khám lưỡi là một phần quan trọng giúp chẩn đoán viêm lưỡi. Nhìn mặt lưng lưỡi và đánh giá tình trạng niêm mạc lưỡi như ướt, khô, đỏ… Đánh giá đau và sưng của lưỡi bằng cách sờ nắn.

Xét nghiệm

Khai thác bệnh và khám lưỡi là những yếu tố quan trọng nhất trong chẩn đoán viêm lưỡi. Các xét nghiệm được chỉ định nhằm đánh giá nguyên nhân gây viêm lưỡi:

  • Nồng độ vitamin: Nếu nghi ngờ thiếu hụt nguyên phát hoặc thuộc đối tượng nguy cơ cao.
  • Công thức máu và xét nghiệm HIV nếu nghi ngờ người bệnh bị suy giảm miễn dịch hoặc mắc bệnh do nhiễm trùng cơ hội.
  • Xét nghiệm bệnh thấp khớp như yếu tố thấp, tốc độ máu lắng, CRP (C-Reactive Protein)... được chỉ định nếu nghi ngờ bệnh lý tự miễn.
  • Sinh thiết lưỡi được chỉ định để loại trừ bệnh lý ác tính.

Phương pháp điều trị bệnh Viêm lưỡi

Điều trị viêm lưỡi chủ yếu dựa vào nguyên nhân gây bệnh. Điều trị đúng và hiệu quả, tình trạng này sẽ biến mất. Các phương pháp điều trị viêm lưỡi gồm:

Thuốc

Các loại thuốc điều trị viêm lưỡi được bác sĩ chỉ định như thuốc kháng sinh, thuốc kháng virus hoặc thuốc kháng nấm. Trong một số trường hợp, thuốc bôi corticosteroid có thể giúp giảm đau và đỏ lưỡi.

Bổ sung và thay đổi chế độ ăn uống

Nếu bạn bị thiếu vitamin hoặc thiếu dinh dưỡng gây viêm lưỡi, bác sĩ có thể kê thêm thuốc bổ sung chất bị thiếu. Ngoài ra, bạn cũng cần thay đổi chế độ ăn để có thể bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết nhằm phòng tránh tái phát viêm lưỡi.

Loại bỏ các yếu tố kích thích

Nếu bạn bị viêm lưỡi xuất hiện sau khi ăn cay, bác sĩ sẽ đề nghị bạn tránh sử dụng những thức ăn cay. Nếu bạn thường xuyên bị viêm lưỡi, bạn cũng nên bỏ hút thuốc lá và giảm sử dụng rượu.

Vệ sinh răng miệng đúng cách

Thực hành vệ sinh răng miệng tốt giúp loại bỏ các vi sinh vật có hại có thể dẫn đến nhiễm trùng. Đánh răng ít nhất hai lần một ngày, sử dụng bàn chải lông mềm và kem đánh răng chứa fluoride không gây bào mòn. Dùng chỉ nha khoa để vệ sinh kẽ răng mỗi ngày một lần. Không quên chải cả lưỡi của bạn.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh Viêm lưỡi

Chế độ sinh hoạt:

Viêm lưỡi thường không gây biến chứng, tuân thủ những chế độ sau để giúp điều trị bệnh tốt hơn:

  • Tuân thủ điều trị của bác sĩ.
  • Tái khám bác sĩ nha khoa để khám răng miệng.
  • Theo dõi tình trạng tiến triển của lưỡi mỗi ngày.
  • Vệ sinh răng miệng tốt, đánh răng đúng cách với bàn chải lông mềm, đánh răng hai đến 3 lần một ngày.
  • Sử dụng thêm chỉ nha khoa để làm sạch răng miệng tốt hơn.
  • Khi vệ sinh răng miệng cần chà cả lưỡi.
  • Không hút thuốc lá.
  • Không sử dụng rượu bia.
VIÊM LƯỠI 6.jpg
Vệ sinh răng miệng tốt

Chế độ dinh dưỡng:

  • Chế độ ăn lành mạnh, không nên chỉ ăn một nhóm thực phẩm nào, cần bổ sung đầy đủ tất cả các chất.
  • Không sử dụng thức ăn cay nóng trong thời gian bệnh.
  • Bổ sung đủ nước, ít nhất hai lít một ngày.
  • Hạn chế các thực phẩm có tính acid cao.
  • Bổ sung thực phẩm chứa nhiều sắt như thịt đỏ, rau có màu xanh đậm.

Phương pháp phòng ngừa bệnh Viêm lưỡi hiệu quả

Bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh viêm lưỡi bằng cách tránh các tác nhân gây ra bệnh.

  • Duy trì chế độ ăn lành mạnh. Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tránh tình trạng thiếu vitamin B, thiếu máu thiếu sắt,...
  • Thực hành vệ sinh răng miệng tốt bằng cách đánh răng ít nhất hai ngày một lần, dùng chỉ nha khoa, súc miệng thường xuyên và đến gặp nha sĩ thường xuyên để khám.
  • Tránh các thực phẩm gây kích thích như thức ăn cay nóng, thuốc lá, thực phẩm có tính acid.

Bệnh có thể tái phát nếu bạn không phòng ngừa tốt, do đó hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây viêm lưỡi và điều trị tốt các triệu chứng trong thời gian bùng phát tránh tiến triển xấu. 

viêm lưỡi 7.png
Bổ sung đầy đủ vitamin trong đó có vitamin B
Nguồn tham khảo
  1. Glossitis: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560627/
  2. Glossitis: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/23987-glossitis
  3. What to know about glossitis: https://www.medicalnewstoday.com/articles/322135 
  4. Glossitis: MedlinePlus Medical EncyclopediaGlossitis: MedlinePlus Medical Encyclopedia: https://medlineplus.gov/ency/article/001053.htm
  5. What is Glossitis? Types, Causes, and Symptoms: https://www.healthline.com/health/glossitis

Các bệnh liên quan

  1. Hội chứng suy giảm miễn dịch

  2. Bệnh nến xương

  3. Teo não

  4. cao huyết áp vô căn

  5. Rối loạn phóng noãn

  6. Vỡ túi ngực

  7. Xơ gan cổ trướng

  8. Cường Aldosteron tiên phát

  9. Hở van tim

  10. U tế bào thần kinh đệm ít nhánh