Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh/
  4. Kiến thức y khoa

Hướng dẫn cách xử lý khi bị trật khớp đúng cách

Ngày 04/05/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trật khớp là một vấn đề phổ biến ở mọi độ tuổi do hoạt động vận động không đúng cách trong cuộc sống hàng ngày, công việc hoặc thể thao. Nếu không được chữa trị kịp thời, chấn thương này có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một bài viết cung cấp thông tin cơ bản về trật khớp, bao gồm nguyên nhân, triệu chứng và cách xử lý khi bị trật khớp.

Khớp là điểm nối giữa các đầu xương, hình thành một cấu trúc tổng thể, giúp cơ thể có khả năng di chuyển linh hoạt. Do đó, khi bị trật khớp sẽ ảnh hưởng đến lối sống sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Vậy cách xử lý khi bị trật khớp đúng cách là gì, chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau.

Thế nào là trật khớp?

Trật khớp là hiện tượng mà các đầu xương di chuyển không đúng cách, làm cho các mặt của khớp bị lệch khỏi vị trí bình thường. Trật khớp có thể xảy ra ở hầu hết các khớp, nhưng thường thấy nhiều nhất ở các khớp hoạt động linh hoạt trên cơ thể.

Trật khớp thường xảy ra ở nhiều phần khác nhau trên cơ thể, một số vị trí có thể trật khớp như khớp vai, khớp cùng đòn, khớp cổ tay, vùng bàn tay, ngón tay, khớp háng, khớp gối, bánh chè, khớp cổ chân, khớp bàn chân giữa, khớp thái dương hàm, khớp khuỷu,...

Trật khớp là hiện tượng mà các đầu xương di chuyển không đúng cách, làm cho các mặt của khớp bị lệch khỏi vị trí bình thường
Trật khớp là hiện tượng mà các đầu xương di chuyển không đúng cách, làm cho các mặt của khớp bị lệch khỏi vị trí bình thường

Triệu chứng của trật khớp là gì?

Khi gặp chấn thương trật khớp, bệnh nhân thường có nhận biết các dấu hiệu sau:

  • Da vùng khớp thường bị bầm tím, sưng phồng.
  • Cảm giác đau và cứng khớp.
  • Khả năng vận động của khớp giảm hoặc mất hoàn toàn.
  • Hõm khớp trở nên rỗng, nhưng không phải tất cả các khớp đều có, thường xuất hiện ở các khớp như vai hoặc khuỷu. Việc nhận biết khó khăn hơn nếu bệnh nhân đi khám muộn vì tình trạng sưng tăng nhanh sau chấn thương.
  • Biến dạng của toàn chi: Ví dụ, nếu trật khớp vai, cánh tay sẽ biến dạng hoặc không thể di chuyển gần thân được. Nếu trật khớp háng, chi ngắn, gối xoay vào trong, và bàn chân bên trật có thể gác lên cổ chân bên lành.
  • Dấu hiệu khớp gồ lên bất thường do đầu xương trật ra khỏi hõm khớp.
  • Cử động đàn hồi, còn được gọi là dấu hiệu lò xo: Chỉ xuất hiện trong trường hợp trật khớp, khi đầu xương trật ra và bị kẹt trong khối cân cơ và dây chằng. Dù cố ý di chuyển khớp về vị trí bình thường, khớp vẫn sẽ tự động bật trở lại tư thế trật.
Trật khớp làm da vùng khớp thường bị bầm tím, sưng và có cảm giác đau, cứng khớp
Trật khớp làm da vùng khớp thường bị bầm tím, sưng và có cảm giác đau, cứng khớp

Ngoài ra, trật khớp có một số biến dạng đặc biệt khác như:

  • Dấu hiệu vai vuông góc: Thường xảy ra ở trường hợp trật khớp vai.
  • Dấu hiệu “nhát rìu”: Thường gặp trong trường hợp trật khớp khuỷu ra sau, khi mỏm khuỷu trồi ra sau làm cánh tay lõm vào, trông giống như hình ảnh gốc cây bị rìu chặt.
  • Dấu hiệu “phím đàn dương cầm”: Thường xuất hiện trong trường hợp trật khớp vùng vai-đòn, khi co kéo cơ ức đòn chũm nên đầu ngoài xương đòn được kéo lên, lộ rõ ra ngoài, ấn xuống lại bật trở lại giống như ấn vào phím đàn dương cầm.

Cách xử lý khi bị trật khớp đúng cách

Cách xử lý khi bị trật khớp gồm hai giai đoạn cơ bản là sơ cứu và điều trị. Trong mỗi giai đoạn này, việc giảm đau cho bệnh nhân đóng vai trò quan trọng để giảm bớt cảm giác không thoải mái và đảm bảo an toàn trong quá trình chăm sóc.

Cách sơ cứu khi bị trật khớp

Trong giai đoạn sơ cứu, mục tiêu chính là giảm đau ngay lập tức, đưa ra các biện pháp cấp cứu để kiểm soát tình trạng của bệnh nhân và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

  • Bước 1 là hạn chế di chuyển: Khi gặp phải trật khớp, việc quan trọng nhất là hạn chế mọi hoạt động di chuyển. Điều này giúp giảm sự tác động lên vùng bị tổn thương. Không nắn, chỉnh hoặc di chuyển khớp bị trật một cách tự ý vì điều này có thể gây ra tình trạng tổn thương nghiêm trọng hơn.
  • Bước 2 là cố định và ổn định khớp: Sau khi đã hạn chế việc di chuyển, quá trình cố định khớp là bước tiếp theo quan trọng. Cố định khớp ở tư thế mà nó hiện đang ở là cách tốt nhất để giữ cho vị trí không thay đổi và tránh làm tổn thương nặng hơn. Đối với trường hợp trật khớp ở tay hoặc khuỷu tay, bạn có thể cố định bằng cách gắn tay vào thân người. Trong khi đó, đối với trật khớp ở chân, có thể cố định bằng cách cột hai chân lại với nhau và sử dụng chân lành làm nẹp cố định.
  • Bước 3 là sử dụng lạnh để giảm sưng phù: Chườm lạnh vùng khớp bị thương là một biện pháp quan trọng giúp giảm sưng phù và giảm đau. Bạn có thể sử dụng đá lạnh chườm trực tiếp lên vùng da bị tổn thương hoặc đặt đá lạnh vào một miếng vải để chườm. Lưu ý không chườm nóng, đắp muối hoặc bôi thuốc rượu lên vùng da bị tổn thương vì điều này có thể làm tình trạng tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Bước 4: Khi quá trình sơ cứu đã được thực hiện, việc tiếp theo là đưa người bệnh đến các cơ sở y tế hoặc bệnh viện ngay lập tức để được các bác sĩ tiến hành thăm khám và kiểm tra chi tiết. Ngoài việc thăm khám lâm sàng, các bác sĩ sẽ quyết định tiến hành các xét nghiệm và chẩn đoán sâu hơn như chụp X-quang để xác định phạm vi và mức độ tổn thương. Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ sẽ đề xuất và tư vấn về phương pháp điều trị phù hợp nhất cho người bệnh

Cách điều trị trật khớp hiệu quả

Chuyên gia khuyên rằng không nên coi thường khi gặp trường hợp trật khớp, vì nếu không nhận biết và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như rách cơ, dây chằng, và các bó gân xung quanh khớp bị tổn thương.

Ngoài ra, trật khớp cũng có thể gây tổn thương cho mạch máu và thần kinh xung quanh khớp. Nếu không được chăm sóc và điều trị triệt để, tình trạng này có thể tái phát một cách dễ dàng. Trường hợp trật khớp nặng có thể dẫn đến việc tái phát lặp đi lặp lại nhiều lần.

Phương pháp điều trị trật khớp phụ thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của tổn thương. Bác sĩ có thể tiến hành các biện pháp nắn chỉnh để đưa xương về vị trí ban đầu. Sau đó, bệnh nhân có thể cần phải sử dụng nẹp hoặc băng cố định trong vài tuần, đồng thời sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc giãn cơ.

Sau khi gỡ bỏ nẹp hoặc băng, bệnh nhân sẽ tiến hành các biện pháp phục hồi chức năng để khôi phục vận động và sức mạnh của khớp. Cần hạn chế các hoạt động mạnh tại vùng khớp bị tổn thương cho đến khi khớp đã hồi phục hoàn toàn.

Cách xử lý khi bị trật khớp gồm hai giai đoạn cơ bản là sơ cứu và điều trị
Cách xử lý khi bị trật khớp gồm hai giai đoạn cơ bản là sơ cứu và điều trị

Trật khớp là một chấn thương phổ biến mà chúng ta có thể gặp trong sinh hoạt hàng ngày khi tham gia thể thao và các hoạt động khác. Chấn thương này có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí khớp nào trên cơ thể. Mặc dù không đe dọa tính mạng, nhưng các tổn thương ở khớp có thể gây ra ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, đặc biệt là đối với những người cao tuổi. Vậy nên việc nắm rõ cách xử lý khi bị trật khớp là vô cũng cần thiết để giảm bớt cảm giác không thoải mái và đảm bảo an toàn trong quá trình chăm sóc.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Trần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin