Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Các loại chấn thương dây chằng đầu gối thường gặp và cách xử trí người bệnh cần biết

Ngày 07/09/2024
Kích thước chữ

Chấn thương dây chằng đầu gối là một tổn thương phức tạp, đặc biệt phổ biến trong các môn thể thao cường độ cao hoặc do các tai nạn sinh hoạt hàng ngày. Việc nhận diện sớm các triệu chứng, kết hợp với điều trị kịp thời, hợp lý là chìa khóa để đảm bảo sự hồi phục và tránh các biến chứng lâu dài.

Hệ thống dây chằng đầu gối có cấu trúc phức tạp với chức năng quan trọng giúp hoạt động hàng ngày. Nếu chấn thương dây chằng đầu gối có thể ảnh hưởng lớn đến khả năng di chuyển cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc nhận diện sớm các triệu chứng và điều trị kịp thời sẽ giúp người bệnh tránh những biến chứng lâu dài, đồng thời phục hồi chức năng đầu gối hiệu quả.

Cấu trúc dây chằng vùng đầu gối

Đầu gối là một trong những khớp phức tạp với chức năng quan trọng trong cơ thể, đóng vai trò chủ yếu trong việc di chuyển, hỗ trợ trọng lượng cơ thể và giữ thăng bằng. Để xương chi dưới kết nối và hoạt động hài hòa với nhau, hệ thống dây chằng đầu gối đóng vai trò không thể thiếu. Hệ thống này gồm bốn dây chằng chính, mỗi dây chằng đảm nhận một chức năng cụ thể, giúp giữ ổn định và kiểm soát chuyển động của khớp gối.

Dây chằng chéo trước (ACL) là một trong những dây chằng quan trọng nhất của khớp gối. Nó nằm ở trung tâm của đầu gối, có chức năng điều khiển chuyển động quay cũng như chuyển động về phía trước của xương chày, tức xương cẳng chân.

Dây chằng này ngăn không cho xương chày di chuyển quá xa về phía trước so với xương đùi, từ đó duy trì sự ổn định của đầu gối. Chấn thương ACL thường xảy ra trong các hoạt động thể thao yêu cầu thay đổi hướng đột ngột hoặc dừng nhanh.

Dây chằng chéo sau (PCL) nằm ở phía sau đầu gối, đối lập với dây chằng chéo trước. PCL có vai trò điều khiển chuyển động ra sau của xương chày. Dây chằng này giúp ngăn không cho xương chày trượt ra phía sau so với xương đùi, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của đầu gối, đặc biệt khi thực hiện các hoạt động như đi bộ hay leo cầu thang.

Dây chằng giữa gối (MCL) là dây chằng nằm bên trong đầu gối. Nó kéo dài từ mặt trong của đầu trên xương chày đến mặt trong của đầu dưới xương đùi, giúp giữ cho khớp gối ổn định ở mặt trong. MCL ngăn ngừa các chấn thương liên quan đến việc gối bị bẻ cong quá mức vào trong. Dây chằng này thường gặp chấn thương trong các hoạt động va chạm trực tiếp từ bên ngoài, khiến đầu gối bị đẩy vào trong.

Dây chằng bên ngoài (LCL) nằm bên ngoài đầu gối và tạo thành một góc hẹp ở phía sau. LCL giúp giữ cho khớp gối ổn định ở mặt ngoài, ngăn đầu gối bị uốn cong quá mức ra phía ngoài. Chấn thương dây chằng này thường xảy ra khi có lực tác động từ phía trong đầu gối, đẩy khớp gối ra ngoài.

Chức năng của dây chằng vùng đầu gối

Nhìn chung, hệ thống dây chằng vùng đầu gối không chỉ đảm nhận vai trò duy trì sự ổn định cho khớp mà còn giúp điều khiển các chuyển động phức tạp như uốn, duỗi và xoay của chân. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa hệ thống này đảm bảo khả năng vận động linh hoạt, đồng thời giảm thiểu nguy cơ chấn thương dây chằng đầu gối trong quá trình vận động hàng ngày và khi tham gia các hoạt động thể thao.

Các loại chấn thương dây chằng đầu gối thường gặp và cách xử trí người bệnh nên biết 1
Chấn thương dây chằng đầu gối thường gặp trong hoạt động thể thao

Các loại chấn thương dây chằng đầu gối thường gặp

Chấn thương dây chằng đầu gối chéo trước

Chấn thương đứt dây chằng chéo trước (ACL) là một trong những loại chấn thương phổ biến nhất ở vùng đầu gối, đặc biệt trong các hoạt động thể thao có cường độ cao hoặc các tai nạn hằng ngày.

Chấn thương này thường xảy ra khi người bệnh thay đổi hướng di chuyển quá nhanh, dừng lại đột ngột, hoặc tiếp đất không đúng cách sau khi nhảy. Những môn thể thao như bóng đá, bóng rổ và bóng chuyền có nguy cơ cao gây chấn thương dây chằng chéo trước do các động tác yêu cầu tốc độ cùng sự thay đổi hướng liên tục.

Các triệu chứng đi kèm chấn thương dây chằng đầu gối bao gồm sưng tại vùng đầu gối, thường xuất hiện trong vòng 24 giờ sau chấn thương. Đau ở vùng gối trước là triệu chứng rõ rệt, đặc biệt khi người bệnh cố gắng di chuyển hoặc thực hiện các động tác uốn cong đầu gối.

Mức độ đau có thể tăng lên khi đầu gối chịu áp lực hoặc bị gấp quá mức. Điều này dẫn đến việc hạn chế vận động khớp gối, người bệnh không thể đi lại hoặc hoạt động bình thường.

Nếu chấn thương ACL không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng hơn, bao gồm teo cơ. Khi cơ bắp xung quanh vùng gối yếu dần do hạn chế vận động, khớp gối cũng trở nên yếu hơn, làm tăng nguy cơ gặp thêm các chấn thương khác.

Việc điều trị chấn thương dây chằng chéo trước có thể bao gồm phương pháp bảo tồn hoặc phẫu thuật, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương cũng như nhu cầu vận động của người bệnh.

Các loại chấn thương dây chằng đầu gối thường gặp và cách xử trí người bệnh nên biết 2
Người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau để giảm triệu chứng đau nhức

Chấn thương dây chằng đầu gối chéo sau

Chấn thương đứt dây chằng chéo sau (PCL) là một dạng tổn thương nghiêm trọng ở vùng đầu gối, mặc dù ít phổ biến hơn so với chấn thương dây chằng chéo trước (ACL) nhờ vào kích thước lớn hơn.

Dây chằng chéo sau có chức năng chính là ngăn không cho xương chày trượt ra phía sau so với xương đùi. Do đó, bất kỳ sự tác động mạnh nào vào vùng đầu gối có thể gây ra chấn thương cho dây chằng này, đặc biệt là khi cơ thể ngã khuỵu, dồn toàn bộ lực lên đầu gối.

Chấn thương dây chằng chéo sau có thể được phân loại thành hai dạng chính là cấp tính và mãn tính. Chấn thương cấp tính xảy ra đột ngột, bất ngờ, thường do một lực tác động mạnh vào đầu gối như trong các tai nạn xe cộ hoặc va chạm thể thao nghiêm trọng.

Ngược lại, chấn thương mãn tính là hiện tượng diễn ra từ lâu, với các triệu chứng âm ỉ, người bệnh cố gắng chịu đựng mà không điều trị kịp thời.

Các dấu hiệu và triệu chứng của chấn thương dây chằng chéo sau bao gồm đau nhức nhiều, khớp gối hoạt động kém linh hoạt, sưng vùng đầu gối…

Điều trị chấn thương dây chằng chéo sau bao gồm các phương pháp bảo tồn như nghỉ ngơi, chườm đá, sử dụng thuốc giảm đau. Trong trường hợp chấn thương nặng hoặc không đáp ứng với điều trị bảo tồn, phẫu thuật được chỉ định để sửa chữa hoặc tái tạo dây chằng.

Các loại chấn thương dây chằng đầu gối thường gặp và cách xử trí người bệnh nên biết 3
Người bệnh cần phẫu thuật khi chấn thương dây chằng đầu gối nặng

Chấn thương dây chằng trong gối

Chấn thương dây chằng trong gối thường gặp ở các vận động viên, đặc biệt là người tham gia vào các môn thể thao cường độ cao hoặc dễ bị va chạm như bóng đá, bóng chuyền. Dây chằng giữa gối (Medial Collateral Ligament - MCL) là một trong những dây chằng quan trọng giúp ổn định khớp gối, kết nối mặt trong của xương đùi với xương chày.

Chấn thương của dây chằng này thường xảy ra khi có tác động trực tiếp lên mặt ngoài khớp gối, gây tổn thương cho dây chằng bên trong.

Điều trị chấn thương dây chằng giữa gối bao gồm các phương pháp bảo tồn như nghỉ ngơi, chườm đá để giảm sưng nề, kết hợp thuốc giảm đau. Trong một số trường hợp nặng hơn, người bệnh cần áp dụng các phương pháp điều trị vật lý trị liệu để phục hồi chức năng khớp gối cũng như tăng cường sức mạnh cơ bắp xung quanh khớp.

Nếu chấn thương không đáp ứng với phương pháp bảo tồn hoặc dây chằng bị rách nghiêm trọng, phẫu thuật cần thiết được đặt ra để sửa chữa hoặc tái tạo dây chằng. Quyết định về việc phẫu thuật sẽ được dựa trên mức độ nghiêm trọng của chấn thương cùng nhu cầu vận động của người bệnh.

Các loại chấn thương dây chằng đầu gối thường gặp và cách xử trí người bệnh nên biết 4
Người bệnh có thể cần tập vật lý trị liệu để hồi phục khả năng vận động

Thông qua bài viết trên, Nhà thuốc Long Châu xin gửi tới quý độc giả một số chấn thương dây chằng đầu gối thường gặp. Tổn thương vùng đầu gối yêu cầu sự chăm sóc, điều trị kịp thời để đảm bảo hồi phục và duy trì khả năng vận động bình thường của khớp gối. Việc nhận diện sớm kết hợp điều trị thích hợp là yếu tố quan trọng để tránh các biến chứng lâu dài, đồng thời phục hồi chức năng khớp gối hiệu quả.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin