Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Những môn thể thao nào dễ gây chấn thương dây chằng nhất?

Ngày 17/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Khả năng chấn thương dây chằng chéo sau, dây chằng chéo trước hoặc dây chằng hai bên chày khi chơi thể thao là khá cao, khiến vận động viên bị sưng đau và giảm khả năng hoạt động. Sau đây là lời giải đáp cho thắc mắc những môn thể thao nào dễ gây chấn thương dây chằng nhất mà bạn có thể tham khảo.

Chấn thương dây chằng là điều thường gặp trong các môn thể thao sử dụng chân nhiều. Trong một số trường hợp nếu không được điều trị có thể dẫn đến đứt dây chằng, mất vững khớp hoặc thậm chí bị tàn tật phải phẫu thuật thay khớp.

Đứt dây chằng chéo trước, sau khi đá bóng

Là môn thể thao vua, bóng đá được nhiều người yêu thích và lựa chọn để rèn luyện sức khỏe. Tuy nhiên, không có gì lạ khi các cầu thủ bị đứt dây chằng khi chơi bóng. Nguyên nhân chính là do việc phải thay đổi hướng đột ngột thường gặp ở môn thể thao này có thể dễ dàng làm dây chằng bị căng quá mức dẫn đến chấn thương.

nhung-mon-the-thao-nao-de-gay-chan-thuong-day-chang-nhat 1.jpg
Đá bóng có thể dễ dàng làm dây chằng bị căng quá mức dẫn đến chấn thương

Có nhiều nguyên nhân khác gây chấn thương dây chằng khi chơi bóng đá, chẳng hạn như:

  • Khởi động không đúng cách: Khởi động không đúng cách hoặc khởi động không kỹ có thể khiến dây chằng chuyển đột ngột từ trạng thái nghỉ sang trạng thái vận động đột ngột, làm tăng nguy cơ giãn hoặc đứt dây chằng.
  • Thiếu chất dinh dưỡng: Việc thiếu những dưỡng chất cần thiết cũng có thể là nguyên nhân khiến cơ bắp không thể phục hồi kịp thời, thiếu các chất như collagen, canxi, protein sẽ cản trở quá trình phục hồi dây chằng.

Nói chung, đứt dây chằng chéo trước và sau là những chấn thương tương đối phổ biến ở các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp.

Dây chằng tổn thương do chạy bộ

Hội chứng dải chậu chày cũng là một chấn thương khá phổ biến đối với những người thường xuyên tham gia các môn thể thao chạy bộ. Dải chậu chày có cấu trúc tương đối mỏng giống như một lưỡi dao kéo dài dọc theo mặt ngoài đùi ra mặt ngoài đầu gối, có chức năng gập, xoay khớp háng, duỗi khớp gối. Vậy nên những người chạy bộ đường dài trên địa hình không bằng phẳng, xuống dốc hoặc sức hông yếu có nguy cơ cao mắc hội chứng dải chậu chày và chấn thương dây chằng đầu gối.

nhung-mon-the-thao-nao-de-gay-chan-thuong-day-chang-nhat 2.jpg
Những người chạy bộ đường dài có nguy cơ cao bị chấn thương dây chằng đầu gối

Để tránh tổn thương dây chằng đầu gối khi chạy, vận động viên nên chú ý những biện pháp sau:

  • Khởi động kỹ khoảng 5 đến 10 phút trước khi chạy để giúp cơ bắp và nhịp tim thích ứng với điều kiện tập luyện.
  • Thực hiện theo quy tắc 10%: Không tăng độ dài quãng đường chạy bộ của bạn quá 10% mỗi tuần.
  • Chọn giày phù hợp với địa hình và quãng đường bạn chạy.
  • Chọn quãng đường bằng phẳng để chạy, tránh chạy ở những nơi khó di chuyển như dốc, đèo, gập ghềnh…
  • Nghỉ ngơi đầy đủ để đảm bảo phục hồi thể lực sau khi chạy.
  • Tăng cường việc rèn luyện sức mạnh thể chất và sức bền.
  • Không nên để cơ thể bị mất nước khi tập luyện.

Chơi bóng rổ dễ gây tổn thương dây chằng

Bóng rổ là môn thể thao đòi hỏi nhiều động tác có thể gây tổn thương dây chằng và sụn chêm đầu gối như dừng, đi và cắt rộng. Chấn thương dây chằng gối trong là tình trạng thường gặp phải sau khi thực hiện động tác mạnh ở bên ngoài đầu gối khi chơi bóng rổ. Tổn thương dây chằng chéo thường xảy ra khi có sự thay đổi hướng đột ngột và tiếp đất sai cách sau khi thực hiện các cú nhảy.

Ngoài ra, việc di chuyển, nhảy, đảo bóng, đổi hướng đột ngột với tốc độ cao có thể làm tổn thương và viêm gân Achilles, thoái hóa hoặc suy yếu gân. Gân Achilles là vùng dễ bị tổn thương viêm tại điểm bám gân, viêm quanh gân, xơ gân hay thậm chí là đứt gân.

Những môn võ thuật dễ gây đứt dây chằng

Võ thuật dù trong chiến đấu hay biểu diễn đều tiềm ẩn nguy cơ tổn thương dây chằng, cụ thể như sau:

  • Taekwondo: Việc đá cao dễ gây rách và căng gân, đá luân phiên có thể gây bong gân đầu gối và tổn thương dây chằng, các động tác lặp đi lặp lại có thể gây viêm gân. Khi tập luyện các cú đá trong Taekwondo, các cơ gấp bàn chân, mắt cá chân, đầu gối và hông rất dễ bị chấn thương.
  • Karatedo: Luyện tập và thi đấu môn võ này rất dễ dẫn đến chấn thương dây chằng ở khớp cổ chân, khớp gối, khớp cổ tay và ngón tay. Sau khi va chạm mạnh, các khớp sẽ bị vặn xoắn quá mức, các khe hở khớp mở ra, dây chằng bị căng, thậm chí bị đứt.
nhung-mon-the-thao-nao-de-gay-chan-thuong-day-chang-nhat 3.jpg
Luyện tập và thi đấu karatedo rất dễ dẫn đến chấn thương dây chằng 
  • Boxing: Việc đấm quá nhanh hoặc sai kỹ thuật có thể gây bong gân tay và khớp ngón trỏ. Tổn thương ở dây chằng chân thường do di chuyển quá nhiều hoặc bị tấn công quá mạnh.
  • Muay Thái: Bạn có thể bị bong gân mắt cá chân nếu đá vào khuỷu tay đối thủ quá mạnh hoặc bong gân ở tay nếu đấm quá mạnh.

Nhìn chung, khả năng chấn thương dây chằng khi chơi thể thao là khá cao khiến vận động viên bị sưng, đau và hạn chế vận động. Trong một số trường hợp nếu không được điều trị thì nó có thể dẫn đến đứt dây chằng, mất ổn định khớp và thậm chí là tàn tật. Vì vậy, khi người bệnh gặp phải các chấn thương trên nên đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Trên đây là thông tin về một vài môn thể thao gây chấn thương dây chằng mà bạn có thể tham khảo. Hy vọng với những chia sẻ trên đã giúp bạn biết được những môn thể thao nào có nguy cơ dễ gây chấn thương dây chằng và nếu cảm thấy đau nhức sau khi chơi bất kì môn thể thao nào thì hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm