Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Các nhóm thuốc điều trị loét dạ dày tá tràng phổ biến

Ngày 01/06/2024
Kích thước chữ

Loét dạ dày tá tràng là căn bệnh chiếm tỉ lệ lớn ở nước ta. Để tư vấn và chỉ định thuốc điều trị loét dạ dày tá tràng phù hợp, bác sĩ cần tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Trong bài viết này hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về các nhóm thuốc trị viêm loét cùng với cách hoạt động và ứng dụng của chúng.

Loét dạ dày tá tràng là một vấn đề phổ biến và gây ra nhiều phiền toái cho sức khỏe của nhiều người. Để giải quyết tình trạng này, thuốc điều trị loét dạ dày tá tràng là một phương pháp quan trọng và hiệu quả.

Nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng

Các nguyên nhân phổ biến gây loét dạ dày - tá tràng bao gồm:

  • Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP): Mặc dù phần lớn những người nhiễm HP không bị loét dạ dày, nhưng ở một số người, HP có thể làm tăng lượng axit dạ dày, phá vỡ lớp chất nhầy bảo vệ và gây kích ứng đường tiêu hóa.
  • Sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên: Các loại thuốc giảm đau như thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc naproxen sodium có thể gây viêm niêm mạc dạ dày và ruột non dẫn đến loét.
  • Hội chứng Zollinger-Ellison: Mặc dù rất hiếm gặp nhưng hội chứng này có thể gây loét dạ dày bằng cách làm tăng sản xuất axit. Chưa tới 1% các ca mắc viêm loét dạ dày tá tràng là do hội chứng này.
  • Hút thuốc lá, uống rượu bia: Hút thuốc có thể làm tăng nguy cơ loét dạ dày tá tràng, đặc biệt ở những người nhiễm vi khuẩn HP. Rượu có thể gây kích ứng và ăn mòn niêm mạc dạ dày, đồng thời làm tăng lượng axit trong dạ dày.
  • Căng thẳng thường xuyên: Căng thẳng kích thích cơ thể tiết ra các hormone stress như cortisol và adrenaline. Các hormone này làm tăng sản xuất axit dạ dày, ức chế quá trình tự bảo vệ và chữa lành của niêm mạc. Những yếu tố này kết hợp lại có thể làm niêm mạc dạ dày dễ bị loét.
  • Ăn nhiều thức ăn cay: Các chất như capsaicin trong ớt có thể kích thích niêm mạc dạ dày, tăng sản xuất axit dạ dày và gây viêm.
Các nhóm thuốc điều trị loét dạ dày tá tràng phổ biến 1
Sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên gây loét dạ dày

Triệu chứng thường gặp của chứng bệnh loét dạ dày tá tràng

Triệu chứng của loét dạ dày tá tràng phụ thuộc vào nguyên nhân và tình trạng ổ loét. Triệu chứng phổ biến nhất khi mắc các bệnh về dạ dày là cảm giác nóng rát hoặc đau ở vùng bụng giữa ngực và rốn. Cơn đau có thể nặng hơn khi bụng đói, đặc biệt là vào ban đêm. Một số triệu chứng phổ biến khác do viêm loét dạ dày bao gồm:

  • Đau âm ỉ trong dạ dày.
  • Sút cân không rõ lý do.
  • Mất cảm giác thèm ăn, nhanh no.
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa ra máu.
  • Đầy hơi, ợ chua, nóng rát ở ngực.
  • Cơn đau có thể giảm sau khi ăn, uống hoặc dùng thuốc kháng axit.
  • Triệu chứng của thiếu máu như mệt mỏi, khó thở hoặc da nhợt nhạt.
  • Tần suất đi ngoài thất thường, phân có thể đen hoặc lẫn máu.

Bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra nếu gặp bất kỳ triệu chứng nào kể trên để được tư vấn thuốc điều trị loét dạ dày tá tràng phù hợp.

Các nhóm thuốc điều trị loét dạ dày tá tràng phổ biến 2
Dạ dày đau âm ỉ là một triệu chứng thường gặp

Phương pháp chẩn đoán loét dạ dày tá tràng hiện nay

Trước khi tiến hành các kiểm tra cần thiết, bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh và thăm khám lâm sàng dựa trên các triệu chứng mà bệnh nhân đang mắc phải. Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp kiểm tra để đưa ra các chẩn đoán về bệnh:

  • Xét nghiệm máu: Chẩn đoán các dấu hiệu viêm hoặc nhiễm trùng.
  • Xét nghiệm phân: Xác định sự có mặt của vi khuẩn HP.
  • Test hơi thở C13: Kiểm tra sự tồn tại của vi khuẩn HP.
  • Nội soi dạ dày: Chẩn đoán các vết loét, chảy máu hoặc các dấu hiệu bất thường ở dạ dày.

Một số nhóm thuốc trị loét dạ dày tá tràng phổ biến

Sử dụng kháng sinh diệt vi khuẩn HP

Khi vi khuẩn HP được xác định là nguyên nhân gây viêm dạ dày và loét dạ dày tá tràng, cần sử dụng kháng sinh đường uống, không dùng kháng sinh đường tiêm. Điều trị vi khuẩn HP phải kết hợp thuốc giảm tiết acid bao gồm ít nhất 2 loại kháng sinh. Phác đồ có thể là ba thuốc (thuốc ức chế bơm proton (PPI) và hai trong ba loại kháng sinh: clarithromycin, amoxicillin, metronidazole) hoặc bốn thuốc (PPI, clarithromycin, amoxicillin, metronidazole). Phương pháp dùng thuốc trị HP cần kết hợp với các thực phẩm như sữa chua, bông cải xanh, kim chi, dưa cải để nhanh tiêu diệt vi khuẩn.

Thuốc chống tăng tiết dịch vị

Thuốc điều trị loét dạ dày tá tràng chống tăng tiết dịch vị gồm 2 loại chính: thuốc ức chế bơm proton (PPI) và thuốc kháng thụ thể histamin H2:

  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI): Các loại thuốc thường dùng là omeprazole, lansoprazole, pantoprazole. Đặc điểm của thuốc PPI là có tác dụng chống tiết mạnh và kéo dài, do đó chỉ cần dùng 1 lần/ngày.
  • Thuốc kháng thụ thể histamin H2: Các loại thuốc thường dùng là cimetidine, ranitidine, famotidine. Đặc điểm của nhóm thuốc này là thời gian tác dụng ngắn, do đó cần phải uống nhiều lần trong ngày. Cimetidine có thể gây liệt dương ở nam giới nếu dùng kéo dài và chống chỉ định với phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
Các nhóm thuốc điều trị loét dạ dày tá tràng phổ biến 3
Thuốc ức chế bơm proton giúp chống tăng tiết dịch vị

Thuốc kháng acid

Thuốc kháng acid (kháng toan) bao gồm các muối nhôm (hydroxyd, phosphat, carbonat), muối magnesium (hydroxide, trisilicat, carbonat), calci carbonat và natri carbonat. Thuốc kháng acid có nhiệm vụ trung hòa HCl trong dịch tiêu hóa dạ dày, hoạt động như chất đệm, tăng độ pH để giảm acid dạ dày. Trong trường hợp ợ nóng, thuốc kháng acid có thể tạm thời giảm cảm giác nóng rát.

Tuy nhiên, sử dụng nhóm thuốc này kéo dài có thể dẫn đến thiếu acid, gây khiếm khuyết trong tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin nhóm B và sắt.

Thuốc bao phủ niêm mạc dạ dày

Thuốc điều trị loét dạ dày tá tràng bao phủ niêm mạc thông dụng nhất là gastropulgite. Thuốc này tạo lớp phủ đồng đều, bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi tác động của dịch vị, giúp dễ liền sẹo trên niêm mạc dạ dày và thực quản. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng hấp phụ độc chất và hơi, giảm kích ứng niêm mạc dạ dày. Gastropulgite không cản quang, nên không cần ngưng thuốc trước khi chụp X-quang ổ bụng và cũng không làm đổi màu phân. Tuy nhiên, thuốc không được sử dụng cho những người bị suy thận nặng, hẹp ống tiêu hóa, hoặc mẫn cảm với thành phần của thuốc.

Các nhóm thuốc điều trị loét dạ dày tá tràng phổ biến 4
Thuốc bao phủ niêm mạc không dành cho người suy thận nặng

Trên đây là một số thông tin về loét dạ dày tá tràng và các nhóm thuốc điều trị liên quan. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích về các nhóm thuốc điều trị loét dạ dày tá tràng phổ biến hiện nay.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin