Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Nhóm thuốc trong đơn thuốc điều trị viêm loét dạ dày phổ biến

Ngày 01/06/2024
Kích thước chữ

Viêm loét dạ dày là bệnh phổ biến do nhiều nguyên nhân gây ra. Vì thế, cần phải lựa chọn nhóm thuốc trong đơn thuốc điều trị viêm loét dạ dày để phù hợp và đạt hiệu quả.

Viêm loét dạ dày là một trong những bệnh lý tiêu hóa phổ biến nhất hiện nay. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Do đó, xác định nguyên nhân bệnh sẽ giúp lựa chọn nhóm thuốc trong đơn thuốc điều trị viêm loét dạ dày phù hợp. Cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về nhóm thuốc trị viêm loét dạ dày trong bài viết dưới đây.

Các triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày

Triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày rất đa dạng. Các triệu chứng thường gặp là nóng rát, cồn cào và đau vùng thượng vị. Đau thường trở nên dữ dội hơn khi dạ dày rỗng không chứa thức ăn và có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ tùy thuộc vào mức độ bệnh của từng người.

Ngoài ra, các dấu hiệu phổ biến khác của viêm loét dạ dày bao gồm: Đầy hơi, khó tiêu, ợ hơi, trào ngược axit dạ dày, buồn nôn hoặc nôn, đi cầu với phân đen hoặc máu, sụt cân, cảm giác no khi ăn hoặc không muốn ăn do đau, khó ngủ, mệt mỏi, suy nhược cơ thể.

Triệu chứng ban đầu có thể nhẹ nhàng, nhưng nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể trở nên nặng nề hơn, đòi hỏi chi phí điều trị cao hơn và thậm chí có thể dẫn đến ung thư dạ dày.

Nhóm thuốc trong đơn thuốc điều trị viêm loét dạ dày phổ biến 1
Đau bụng là triệu chứng viêm loét dạ dày thường gặp

Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm loét dạ dày

Xác định nguyên nhân cụ thể gây ra viêm loét dạ dày là quan trọng để chỉ định nhóm thuốc trong đơn thuốc điều trị viêm loét dạ dày hiệu quả hơn:

  • Vi khuẩn Helicobacter pylori: Vi khuẩn Helicobacter pylori được coi là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra viêm loét dạ dày. Chúng trú ngụ trong niêm mạc dạ dày và sản xuất các chất gây kích ứng, dẫn đến viêm loét.
  • Chế độ ăn uống: Chế độ ăn uống không khoa học cũng là một nguyên nhân gây viêm loét dạ dày. Bỏ bữa thường xuyên, ăn không đúng giờ, không đúng cách, hoặc tiêu thụ các đồ ăn độc hại có thể gây ra vấn đề về đường tiêu hóa, bao gồm cả viêm loét.
  • Tác dụng phụ của thuốc trị bệnh: Việc sử dụng thuốc giảm đau, chống viêm hoặc điều trị các bệnh khác có thể tăng nguy cơ mắc viêm loét dạ dày.
  • Tâm trạng căng thẳng: Tâm trạng căng thẳng không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn gây rối loạn hệ tiêu hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn có hại xâm nhập và gây viêm loét.
  • Uống nhiều bia, rượu: Uống quá nhiều bia, rượu có thể gây mòn vỏ bảo vệ niêm mạc dạ dày, tăng tiết axit dạ dày và gây ra viêm loét.
  • Yếu tố di truyền: Viêm loét dạ dày có tính di truyền, nếu có người thân mắc bệnh, tỉ lệ mắc bệnh của bạn cũng cao.
Nhóm thuốc trong đơn thuốc điều trị viêm loét dạ dày phổ biến 2
Chế độ ăn không lành mạnh có thể dẫn đến viêm loét dạ dày

Bị loét dạ dày có gây nhiều nguy hiểm không?

Viêm loét dạ dày là một bệnh phổ biến và có thể được điều trị hiệu quả khi phát hiện sớm, tránh được nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, trong những trường hợp mà người bệnh không nhận thức đúng về bệnh tình của mình, tổn thương có thể trở nên nghiêm trọng hơn và gây ra các biến chứng như sau:

  • Chảy máu dạ dày: Đây là biến chứng phổ biến nhất của viêm loét dạ dày, và rất khó kiểm soát. Biểu hiện của chảy máu dạ dày có thể là nôn máu hoặc điều tiết phân kèm máu, dẫn đến thiếu máu và các triệu chứng liên quan.
  • Thủng dạ dày: Biến chứng cấp cứu nguy hiểm xảy ra khi loét ăn sâu và tạo thành lỗ thủng. Biểu hiện của thủng dạ dày thường là cơn đau bụng cấp tính, mất sức, và có thể dẫn đến tụt huyết áp. Trong trường hợp này, phẫu thuật ngay là cần thiết.
  • Hẹp môn vị: Biến chứng này ảnh hưởng lớn đến quá trình tiêu hóa thức ăn do môn vị bị thu hẹp. Người bệnh có thể gặp đau bụng và nôn ói mạnh mẽ.
  • Ung thư dạ dày: Đây là biến chứng đáng lo ngại nhất của viêm loét dạ dày, đặc biệt là ở những người nhiễm vi khuẩn HP. Tỷ lệ mắc ung thư dạ dày tăng cao trong các trường hợp viêm loét không được kiểm soát.

Những nhóm thuốc trong đơn thuốc điều trị viêm loét dạ dày

Thuốc tiêu diệt vi khuẩn HP

Khi người bệnh được chẩn đoán dương tính vi khuẩn H. pylori, bác sĩ sẽ chỉ định trong nhóm thuốc trong đơn thuốc điều trị viêm loét dạ dày là kháng sinh và các loại thuốc khác để tiêu diệt vi khuẩn này, vì đây là nguyên nhân gây viêm loét chính.

Để tăng hiệu quả điều trị, hầu hết các trường hợp đều cần sử dụng ít nhất 2 loại kháng sinh. Tuy nhiên, việc sử dụng kháng sinh cần phải tuân thủ đúng hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ để tránh tình trạng kháng thuốc.

Thuốc giảm tiết axit dạ dày

Thuốc giảm tiết axit dạ dày bao gồm hai nhóm chính: Thuốc ức chế thụ thể histamin H2 (H2RA) và thuốc ức chế bơm proton (PPI). Mặc dù có cơ chế hoạt động khác nhau, nhưng cả hai nhóm thuốc này đều giúp giảm sản xuất axit dạ dày, giảm các triệu chứng đau, nóng rát, và khó chịu ở dạ dày, cũng như hỗ trợ quá trình làm lành vết loét.

Thuốc trung hòa axit dạ dày

Thuốc trung hòa axit dạ dày giúp giảm ngay lập tức các triệu chứng đau rát ở dạ dày. Tuy nhiên, chúng chỉ có tác dụng tạm thời và không điều trị căn nguyên bệnh. Do đó, không nên sử dụng thuốc này lâu dài mà cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Lạm dụng thuốc có thể khiến bệnh nhân bỏ qua các triệu chứng và dẫn đến sự tiến triển âm thầm của bệnh mất kiểm soát.

Nhóm thuốc trong đơn thuốc điều trị viêm loét dạ dày phổ biến 3
Thuốc trung hòa axit dạ dày giúp giảm ngay lập tức các triệu chứng đau rát ở dạ dày

Thuốc bao phủ ổ viêm loét giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày

Cơ chế hoạt động của nhóm thuốc trong đơn thuốc điều trị viêm loét dạ dày này khi nhập vào cơ thể là tạo ra phức hợp liên kết với các protein điện tích dương (+) trong dịch tiết. Điều này tạo ra một lớp bảo vệ nhầy bao phủ quanh vùng viêm loét, bảo vệ niêm mạc dạ dày khỏi tổn thương và ngăn chặn sự lan rộng của viêm loét.

Những lưu ý khi điều trị viêm loét dạ dày bằng thuốc

Trong quá trình sử dụng một trong các nhóm thuốc trong đơn thuốc điều trị viêm loét dạ dày, người bệnh cần tuân thủ các lưu ý sau để đạt được hiệu quả tốt nhất:

  • Dùng thuốc theo chỉ định và hoàn thành đầy đủ liệu trình. Không ngừng thuốc giữa chừng hoặc bỏ qua liều, đặc biệt là các kháng sinh, để tránh giảm hiệu quả và tái phát bệnh.
  • Khi sử dụng thuốc điều trị loét dạ dày, cần tạm dừng một số loại thuốc khác, đặc biệt là kháng sinh, thuốc giảm viêm và thuốc giảm đau. Thông báo với bác sĩ về các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng đang sử dụng để nhận hướng dẫn đúng cách.
  • Theo dõi diễn tiến của bệnh và lưu ý đến các tác dụng phụ có thể xảy ra. Thông báo ngay với bác sĩ nếu gặp bất kỳ triệu chứng không bình thường nào như đau quặn bụng, nôn mửa, nôn máu, hoặc đi ngoài có máu.
  • Thực hiện đúng lịch hẹn thăm khám với bác sĩ để đánh giá hiệu quả điều trị và điều chỉnh phù hợp nếu cần thiết.
  • Dụng thuốc kết hợp với chế độ ăn đa dạng, giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là chất xơ và dễ tiêu hóa. Hạn chế đồ ăn cay nóng, chua và khó tiêu.
  • Điều chỉnh lối sống bằng cách duy trì một thói quen lành mạnh, bao gồm thói quen về giấc ngủ, vận động đều đặn và kiểm soát căng thẳng.
Nhóm thuốc trong đơn thuốc điều trị viêm loét dạ dày phổ biến 4
Tạm ngừng dùng thuốc giảm đau khi uống thuốc dạ dày

Trên đây là những thông tin về nguyên nhân, triệu chứng và các nhóm thuốc trong đơn thuốc điều trị viêm loét dạ dày. Hãy chia sẻ tới người thân, bạn bè nếu thấy bài viết hữu ích nhé!

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin