Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Các phương pháp chẩn đoán và điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 3

Ngày 26/06/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Theo nghiên cứu, ung thư đại tràng đứng thứ 4 về tỷ lệ mắc và đứng thứ 5 về tỷ lệ tử vong trong các bệnh ung thư. Việc nắm rõ các giai đoạn của ung thư đại tràng, trong đó có ung thư đại tràng giai đoạn 3 đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc và điều trị cho người bệnh.

Ung thư đại tràng giai đoạn 3 là giai đoạn các tế bào ung thư đã phát triển cả về số lượng và mức độ xâm lấn. Không còn dừng lại ở đại tràng, khối u lúc này đã xâm lấn sang các hạch bạch huyết xung quanh, thế nhưng vẫn chưa lây lan tới những cơ quan xa trong cơ thể. Việc nắm được các dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn 3 giúp người bệnh chủ động hơn trong vấn đề điều trị bệnh. Cùng tìm hiểu ngay!

Tìm hiểu về ung thư đại tràng giai đoạn 3

Trong ung thư đại tràng giai đoạn 3, người ta phân chia thành thành 3 giai đoạn nhỏ hơn như sau:

  • Giai đoạn 3A: Ở giai đoạn này, các tế bào ung thư chỉ khu trú ở lớp niêm mạc và lớp cơ của thành đại tràng. Khối u cũng có thể xâm lấn sâu vào lớp cơ, lan sang 3 - 6 hạch bạch huyết, thậm chí có thể tấn công các mô xung quanh các hạch này.
  • Giai đoạn 3B: Lúc này, khối u đã lan tới lớp thanh mạc của thành đại tràng, tuy nhiên chưa ảnh hưởng tới các cơ quan gần đó. Ở giai đoạn này, hạch bạch huyết bị khối u xâm lấn có thể lên tới 7 hạch.
  • Giai đoạn 3C: Giai đoạn này, khối u đã xâm lấn sâu vào lớp cơ, lớp thanh mạc của thành đại tràng, số hạch bạch huyết bị xâm lấn lớn hơn 7. Đồng thời, ở giai đoạn này đã bắt đầu có những dấu hiệu di căn tới các cơ quan khác trên cơ thể.

Nếu như phát hiện và điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 3 kịp thời, đúng theo phác đồ, ung thư đại tràng giai đoạn 3 có thể điều trị hiệu quả. Tuy nhiên, tỷ lệ tái phát bệnh sau điều trị cũng tương đối cao nếu người bệnh đang trong giai đoạn 3C và các tế bào ung thư đã di căn tới một số cơ quan khác của cơ thể.

Các phương pháp chẩn đoán và điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 3 1
Ung thư đại tràng giai đoạn 3 được phân chia thành các giai đoạn nhỏ

Dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn 3

So với ung thư đại tràng giai đoạn 1 khi mà các triệu chứng hết sức mơ hồ và rất ít khi phát hiện được bệnh nếu không kiểm tra sức khỏe định kỳ, ung thư đại tràng giai đoạn 3 đã có những biểu hiện rõ ràng hơn. Bạn nên đi kiểm tra sức khỏe nếu như có một trong các dấu hiệu sau đây:

  • Rối loạn tiêu hóa với tần suất đại tiện dày đặc.
  • Thường xuyên bị táo bón hoặc tiêu chảy, hình dạng phân thay đổi, phân không thành khuôn.
  • Đại tiện ra máu.
  • Chướng bụng, đau tức bụng trước và sau khi ăn.
  • Rối loạn khả năng điều chỉnh cơ thắt hậu môn, đau hậu môn.
  • Mệt mỏi, chán ăn, gầy sút cân nhiều trong thời gian ngắn không rõ nguyên nhân.
  • Thiếu máu, da dẻ xanh xao, đôi khi xuất hiện những cơn sốt bất thường.
Các phương pháp chẩn đoán và điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 3 2
Người bệnh bị ung thư đại tràng giai đoạn 3 mệt mỏi và gầy sút cân nhanh

Chẩn đoán ung thư đại tràng giai đoạn 3

Sau khi được chẩn đoán xác định là ung thư đại tràng, các bác sĩ sẽ cho bạn làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán giai đoạn ung thư đại tràng. Cụ thể như sau:

  • Nội soi đại tràng sinh thiết khối u: Nội soi đại tràng bằng ống mềm đánh giá vị trí, kích thước, mức độ xâm lấn của khối u. Bên cạnh đó, tiến hành sinh thiết khối u để làm mô bệnh học, từ đó chẩn đoán chính xác được giai đoạn của ung thư đại tràng.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT ngực và bụng nhằm đánh giá tổng quát khối u về kích thước, mức độ xâm lấn, hạch di căn, đã di căn xa tới các vị trí khác của cơ thể hay chưa, chẩn đoán giai đoạn ung thư.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ thường được chỉ định trong những trường hợp ung thư đại tràng nghi ngờ di căn tới các cơ quan khác như gan, não…
  • Chụp PET/CT: Đây là kỹ thuật chụp toàn thân có sử dụng thuốc phóng xạ gắn với đường glucose. Các tế bào ung thư có nhu cầu sử dụng đường cao hơn các tế bào bình thường. Chính vì vậy, khi tiêm thuốc phóng xạ gắn glucose, khối u và các tế bào ung thư di căn sẽ hiển thị sáng hơn so với các mô cơ quan bình thường. Kỹ thuật hiện đại này giúp các bác sĩ đánh giá được tổng thể tình trạng xâm lấn và di căn của khối u.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm máu cơ bản nhằm đánh giá tình trạng thiếu máu, chức năng đông máu, chức năng gan thận của người bệnh.
  • Xét nghiệm marker ung thư CEA: CEA được giải phóng vào trong máu từ các tế bào ung thư. Khi định lượng CEA trong máu cao hơn bình thường, đây có thể là dấu hiệu của ung thư đại tràng hay các bệnh lý khác. Xét nghiệm CEA bên cạnh việc chỉ ra dấu ấn ung thư còn có giá trị tiên lượng bệnh.
Các phương pháp chẩn đoán và điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 3 3
Nội soi sinh thiết khối u giúp chẩn đoán giai đoạn ung thư đại tràng

Điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 3

Tùy thuộc vào kích thước, mức độ ung thư cũng như tình trạng sức khỏe của người bệnh mà khả năng điều trị thành công của ung thư đại tràng giai đoạn 3 có thể lên đến 60%. Tùy vào từng bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định một hay phối hợp nhiều phương pháp điều trị sau:

  • Phẫu thuật: Bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật nhằm loại bỏ khối u, hạch bạch huyết và các mô bị ảnh hưởng xung quanh khối u. Phẫu thuật sẽ loại bỏ một phần đại tràng, các hạch bạch huyết lân cận nhằm hạn chế nguy cơ bệnh tái phát. Tùy vào từng bệnh nhân cụ thể mà bác sĩ lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp như: Phẫu thuật Colostomy, phẫu thuật nội soi, phẫu thuật bằng tần số vô tuyến (RFA), cắt lạnh khối u…
  • Hóa trị: Hóa trị là dùng các loại thuốc có tác dụng tiêu diệt các tế bào ung thư. Thông thường, hóa trị sẽ được thực hiện sau phẫu thuật loại bỏ khối u để đảm bảo các tế bào ung thư được loại bỏ hoàn toàn, phòng nguy cơ tái phát bệnh. Hóa trị thường bắt đầu sau phẫu thuật từ 4 - 8 tuần và mỗi lần hóa trị kéo dài 6 tháng. Một số hóa chất thường được sử dụng trong điều trị ung thư đại tràng bao gồm: Irinotecan, Fluorouracil, Oxaliplatin, Capecitabine, Tipiracil… Khi tiến hàng các đợt hóa trị, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: Buồn nôn, nôn, lở miệng, rụng tóc, ngứa lòng bàn tay bàn chân, tổn thương thần kinh…
  • Xạ trị: Xạ trị là dùng các tia phóng xạ để tiêu diệt các tế bào ung thư, thường được tiến hành trước phẫu thuật nhằm thu nhỏ kích thước khối u, từ đó giúp cho việc phẫu thuật loại bỏ khối u được dễ dàng hơn. Ngoài ra, xạ trị cũng có thể dùng sau phẫu thuật nhằm loại bỏ triệt để các tế bào ung thư, tránh nguy cơ tái phát. Bên cạnh đó, nếu như người bệnh không đáp ứng tốt sau phẫu thuật hay tế bào ung thư đã di căn tới các cơ quan lân cận, chỉ định xạ trị cũng được đặt ra. Trong quá trình tiến hành xạ trị, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng phụ như: Dị ứng da tùy mức độ, đau dạ dày, mệt mỏi, tiêu chảy, phân lẫn máu…
Các phương pháp chẩn đoán và điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 3 4
Hóa trị nhằm mục đích loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật

Đa phần, trong điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 3, bác sĩ sẽ kết hợp cả 3 phương pháp điều trị để đạt hiệu quả cao nhất. Thông thường, bác sĩ sẽ xạ trị khối u trước hoặc sau phẫu thuật, sau phẫu thuật thực hiện thêm hóa trị để tiêu diệt tối đa các tế bào ung thư và ngăn ngừa bệnh tái phát.

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích về ung thư đại tràng giai đoạn 3. Bạn nên đi khám sức khỏe tổng quát định kỳ hay phải đi khám ngay khi có các dấu hiệu nghi ngờ bệnh ung thư đại tràng để phát hiện bệnh sớm và điều trị được hiệu quả cao nhất. Chúc bạn thật nhiều sức khỏe cũng như đừng quên tiếp tục theo dõi những bài viết tiếp theo của Nhà thuốc Long Châu nhé!

Xem thêm:

Nguồn tham khảo

Vũ Ánh

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin