Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách chữa đau mắt đỏ đơn giản dễ thực hiện tại nhà

Ngày 28/07/2023
Kích thước chữ

Cách chữa đau mắt đỏ tại nhà có thể giúp bạn cải thiện triệu chứng bệnh nhanh chóng sau một tuần. Nếu để lâu bệnh sẽ dai dẳng hơn, khó điều trị và dễ ảnh hưởng tới thị lực thậm chí gây mù mắt. Hơn thế nữa, đau mắt đỏ là bệnh dễ lây cho những người xung quanh.

Khi bị đau mắt đỏ, ngoài việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, bạn cũng có thể áp dụng một số biện pháp để hỗ trợ, giúp mau khỏi bệnh. Để biết bị đau mắt đỏ nên làm gì, bạn hãy tham khảo cách chữa đau mắt đỏ tại nhà đơn giản, dễ thực hiện trong bài viết sau.

Tất cả thông tin về đau mắt đỏ

Nguyên nhân gây đau mắt đỏ

Bệnh đau mắt đỏ do các nguyên nhân phổ biến sau đây:

  • Đau mắt đỏ do nhiễm virus: Bệnh do virus Adenovirus, Herpes gây ra, không cần điều trị vì bệnh có thể tự hết trong khoảng 7 - 14 ngày.
  • Đau mắt đỏ do nhiễm vi khuẩn.
  • Đau mắt đỏ do dị ứng: Đau mắt đỏ có thể do các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi và lông động vật… Bệnh kéo dài cho đến khi loại bỏ các yếu tố gây dị ứng này.

Triệu chứng

Bệnh đau mắt đỏ có những dấu hiệu điển hình sau:

  • Mắt cộm như có hạt bụi trong mắt gây ngứa.
  • Mắt đỏ.
  • Chảy nước mắt, tiết nhiều ghèn.
  • Mi mắt sưng nề, gây đau nhức.
  • Có thể kèm theo các triệu chứng khác như đau họng, ho, mệt mỏi, sốt nhẹ, nổi hạch sau tai…
Cách chữa đau mắt đỏ đơn giản dễ thực hiện tại nhà 1
Triệu chứng điển hình của đau mắt đỏ là mắt đỏ, sưng, tiết nhiều ghèn, chảy nước mắt

Con đường lây bệnh

  • Tiếp xúc với dịch tiết từ miệng, mũi của người bệnh.
  • Tiếp xúc vào những vật dụng hay đồ dùng cá nhân nhiễm mầm bệnh.
  • Sử dụng nguồn nước bị nhiễm bệnh.
  • Thói quen hay dụi mắt.
  • Kính áp tròng không được vệ sinh đúng cách.

Những biến chứng của đau mắt đỏ

Bệnh đau mắt đỏ thường lành tính, ít để lại di chứng. Tuy nhiên, nếu để bệnh kéo dài và không sớm điều trị, người bệnh có thể gặp biến chứng tổn hại đến giác mạc và làm giảm thị lực.

Người bệnh đau mắt đỏ dù là trẻ em hay người lớn cũng có thể bị viêm giác mạc, loét giác mạc, có thể dẫn đến mù lòa. Vì vậy, ngay khi những dấu hiệu bất thường như mắt đỏ, mắt bị đau nhức cộm… người bệnh cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Cách chữa đau mắt đỏ tại nhà hiệu quả

Có rất nhiều cách chữa đau mắt đỏ, bạn nên chọn phương pháp phù hợp tùy theo từng trường hợp. Chẳng hạn, bạn có thể áp dụng 3 cách chữa đau mắt đỏ nhanh nhất sau đây:

Dùng thuốc nhỏ mắt

Việc lựa chọn loại thuốc nhỏ mắt giúp chữa đau mắt đỏ tùy theo nguyên nhân gây bệnh và các yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên, bạn có thể nhỏ thuốc nhỏ mắt natri clorid 0.9% hay gọi là nước muối sinh lý để rửa sạch ghèn và vệ sinh mắt sạch sẽ.

Cách chữa đau mắt đỏ đơn giản dễ thực hiện tại nhà 2
Một trong những cách chữa đau mắt đỏ là nhỏ thuốc nhỏ mắt natri clorid 0.9% 

Hãy nhỏ 5 - 6 lần trong ngày, sau đó dùng bông gòn hay khăn sạch thấm khô và bỏ vào túi kín để tránh lây cho người khác. Rửa mắt liên tục giúp làm trôi phần nào tác nhân gây bệnh, làm giảm triệu chứng đau mắt đỏ.

Đắp mắt bằng khăn ấm 

Để chữa đau mắt đỏ, bạn đắp khăn được ngâm vào nước nóng và vắt khô nước lên trên mắt trong khoảng 10 phút sẽ giảm đau và kích ứng, làm bớt sự khó chịu, đồng thời tăng tiết dầu trên mí mắt bạn, giữ cho mắt không bị khô.

Tuy nhiên, không nên dùng nước quá nóng dễ gây tổn thương vì vùng da xung quanh mắt mỏng và nhạy cảm.

Đắp mắt bằng khăn lạnh

Nếu cách chữa đau mắt đỏ bằng chườm nóng không hiệu quả, bạn có thể áp dụng phương pháp chườm lạnh. Ngâm khăn vào nước lạnh, vắt khô và chườm lên mắt cũng có thể giúp làm dịu bớt các triệu chứng đau mắt.

Chườm khăn lạnh có thể giúp giảm bớt các cơn ngứa gây ra do kích ứng và làm dịu các vết sưng. Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng khăn lạnh vừa phải vì để khăn quá lạnh sẽ khiến tình trạng ngày càng tệ hơn.

Cách ngăn ngừa tái phát đau mắt đỏ

Nếu bạn thường xuyên bị đau mắt đỏ, ngoài cách làm giảm bớt triệu chứng của bệnh, bạn cũng nên áp dụng các mẹo ngăn ngừa tái phát sau đây:

Thay mới kính áp tròng

Nếu bạn có thói quen sử dụng kính áp tròng và mắc chứng đau mắt đỏ mạn tính, nguyên nhân chính là do loại kính đang dùng. Một số loại kính áp tròng được làm từ vật liệu gây kích ứng cho mắt hoặc do đeo không đúng cách, trong thời gian dài khiến cho mắt bị tổn thương. Bạn nên thay loại kính mới.

Ngoài ra, loại nước ngâm kính áp tròng cũng có thể gây đau mắt, do đó bạn nên sử dụng loại nước ngâm an toàn cho sức khỏe.

Nếu đã dùng mọi cách nhưng tình trạng đau mắt đỏ vẫn còn thì tốt nhất bạn nên ngưng đeo kính áp tròng.

Cách chữa đau mắt đỏ đơn giản dễ thực hiện tại nhà 3
Nếu nguyên nhân đau mắt đỏ là do kính áp tròng thì nên thay kính mới hoặc ngưng sử dụng

Phòng bệnh bằng chế độ ăn

Bạn nên bổ sung những loại thực phẩm tốt cho mắt vào bữa ăn hàng ngày.

Người đau mắt đỏ nên ăn gì?

Các loại thực phẩm rất có lợi cho sức khỏe mắt của bạn như rau xanh (trừ rau muống), cà rốt, lòng đỏ trứng, dầu cá, ớt chuông, cam, quả việt quất giúp chữa đau mắt đỏ tại nhà hiệu quả. 

Nên hạn chế các loại thực phẩm đã qua chế biến, thức ăn nhanh, sản phẩm bơ sữa vì làm giảm sức đề kháng, tạo điều kiện cho các tác nhân gây bệnh tấn công. Để giảm bớt nguy cơ đau mắt đỏ, bạn nên bổ sung vào chế độ ăn cá béo, rau củ quả, trái cây, các loại hạt và đậu, là những thực phẩm có chất kháng viêm tự nhiên.

Khi cơ thể mất nước, mắt chuyển dần sang màu đỏ. Do đó, bạn nên uống khoảng 1.5 - 2 lít nước mỗi ngày để cơ thể duy trì sự cân bằng chất lỏng.

Người đau mắt đỏ kiêng ăn gì?

Do bị đau mắt đỏ gây cảm giác nóng ở mắt, bạn nên tránh các loại thực phẩm có mùi tanh như tôm, cá, ốc, hay rau muống vì sẽ sinh ra nhiều ghèn. Ngoài ra, nên hạn chế các chất kích thích, đồ uống có ga, mỡ động vật.

Thay đổi môi trường sống

Nguy cơ đau mắt đỏ tăng cao bởi các tác nhân gây dị ứng như môi trường sống ô nhiễm, khói bụi, không khí khô, độ ẩm cao hoặc nhiều gió.

Không tự ý điều trị bệnh

Bạn nên lưu ý không dùng mẹo trị đau mắt đỏ như xông thuốc hoặc đắp lá cây như lá trầu không, lá diếp cá,… vì chúng có thể chứa độc tố, vi khuẩn, tạo điều kiện cho tác nhân gây bệnh xâm nhập nhanh hơn, gây nhiễm trùng mắt nghiêm trọng hơn. Cha mẹ cũng không nên cho con uống kháng sinh mà không có chỉ định của bác sĩ vì kháng sinh không cần thiết để trị bệnh này.

Cách chữa đau mắt đỏ đơn giản dễ thực hiện tại nhà 4
Không được dùng lá diếp cá để chữa đau mắt đỏ

Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Lưu ý, những cách chữa đau mắt đỏ kể trên chỉ phù hợp cho bệnh do kích ứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Nếu cảm giác khó chịu vẫn kéo dài và bệnh chuyển nặng, bạn cần phải đi khám tại chuyên khoa mắt để điều trị đúng cách.

Ở bệnh viện, người bệnh sẽ được điều trị như sau:

  • Chỉ định xét nghiệm tìm nguyên nhân gây đau mắt đỏ, các yếu tố nguy cơ, đánh giá mức độ nặng nhẹ.
  • Giảm đau, giảm ngứa và giảm chảy nước mắt: Kê đơn thuốc giảm đau, kháng dị ứng.
  • Nhỏ nước muối sinh lý liên tục.
  • Dùng thuốc nhỏ mắt có chứa thuốc kháng viêm, có thể hoặc không dùng kháng sinh, 2 - 3 lần/ngày.
  • Trường hợp viêm kết mạc nghiêm trọng, có biến chứng viêm giác mạc: Có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid. Thận trọng khi dùng vì nếu dùng không đúng có thể gây loét giác mạc, giảm thị lực, thậm chí là mù lòa.

Tóm lại, đau mắt đỏ là bệnh lý không quá nghiêm trọng và sẽ thuyên giảm theo thời gian, thường từ 7 - 10 ngày. Nếu điều trị đúng cách sẽ nhanh khỏi bệnh. Tuy nhiên, trước khi áp dụng phương pháp điều trị nào, kể cả những cách chữa đau mắt đỏ tại nhà, bạn cần hỏi qua ý kiến của bác sĩ.

Xem thêm: Bệnh đau mắt đỏ nhỏ thuốc gì cho mau khỏi?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin