Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Bánh ít trần là món ăn nhẹ được nhiều người yêu thích, có thể dùng làm món ăn sáng, ăn trưa hoặc làm bữa ăn xế giữa giờ. Nếu bạn là fan của món ăn này, hãy tham khảo cách làm bánh ít trần trong bài viết sau đây để có thể tự tin vào bếp bất cứ lúc nào nhé.
Cách làm bánh ít trần không khó như mọi người nghĩ đâu nhé. Chỉ với vài nguyên liệu đơn giản, cùng vài bước thực hiện là bạn có ngay món bánh mềm dai, thơm ngon béo bùi để cả nhà cùng thưởng thức rồi.
Để có được những chiếc bánh ít trần thơm ngon, chất lượng, điều quan trọng đầu tiên nằm ở khâu chọn nguyên liệu, cụ thể là tôm và thịt. Dưới đây là những mẹo giúp chọn được tôm, thịt tươi ngon:
Chọn mua thịt heo có phần nạc và mỡ cân bằng nhau, nhiều mỡ hơn nạc sẽ khiến bạn nhanh bị ngán, còn nhiều nạc hơn mỡ sẽ khiến nhân thịt bị khô. Tỷ lệ nạc và mỡ cân đối sẽ mang lại cảm giác ngon miệng hơn.
Thịt heo ngon sẽ có màu đỏ nhạt hoặc hồng tươi, độ săn chắc và đàn hồi tốt khi bạn dùng tay nhấn vào.
Tuyệt đối tránh thịt xỉn màu, có mùi hôi, mềm nhũn hoặc chảy nước. Mẹo nhỏ dành cho bạn: Với cách làm bánh ít trần nhân tôm thịt, bạn nên chọn mua thịt nạc dăm hoặc thịt vai để nhân bánh được ngon nhất có thể. Ngoài ra, nên mua thịt đã băm nhuyễn sẵn để quá trình chế biến được nhanh hơn.
Có nhiều cách làm bánh ít trần khác nhau tùy theo khẩu vị và sở thích, tuy nhiên bánh ít trần nhân tôm thịt có thể nói là loại bánh phổ biến nhất, được nhiều người ưa chuộng. Nếu thích bánh ít trần, bạn có thể tham khảo cách làm bánh ít trần nhân tôm thịt sau đây:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Khâu xử lý nguyên liệu sau khi mua về là rất quan trọng, bạn càng làm cẩn thận thì bánh sẽ càng thơm ngon, chất lượng.
Làm sạch tôm, sau đó bạn ngâm tôm vào nước muối loãng trong khoảng 3 - 5 phút rồi rửa sạch, để ráo nước. Tôm sau đó sẽ được bóc vỏ cùng phần đầu, loại bỏ phần chỉ tôm chỉ giữ lại phần thịt, băm nhuyễn bằng dao. Mẹo nhỏ: Để lấy chỉ tôm nhanh hơn, bạn đếm ngược từ đuôi tôm lên phần rãnh thứ 2 nối giữa 2 đốt vỏ tôm, dùng tăm xuyên qua tôm tại rãnh đó sẽ dễ dàng kéo phần chỉ ra ngoài.
Nấm mèo (mộc nhĩ) ngâm trong tô nước sạch khoảng 30 phút để nấm nở đều, mềm hơn (lưu ý không ngâm nấm mèo quá lâu hoặc để qua đêm). Sau khi nấm đã nở mềm, vớt ra để ráo rồi cắt thành sợi nhỏ, băm nhuyễn.
Bước 2: Luộc và tán nhuyễn đậu xanh
Ngâm 200gr đậu xanh vào nước khoảng từ 4 - 6 tiếng hoặc để qua đêm để đậu mềm. Rửa sạch đậu xanh đã ngâm rồi vớt ra rổ, để ráo.
Cho đậu xanh vào nồi, đổ lượng nước xâm xấp mặt đậu rồi tiến hành luộc đậu xanh trong khoảng 15 phút cho đến khi đậu xanh mềm (cho vào nồi 1/2 muỗng cà phê muối). Đậu chín, tán đều và nhuyễn bằng muỗng.
Bước 3: Làm nhân bánh
Cho chảo chống dính lên bếp, đổ 2 muỗng canh dầu ăn, chờ dầu sôi rồi cho vào chảo 200gr thịt băm, 200gr tôm băm, 100gr nấm mèo đã băm nhuyễn cùng với 1 muỗng cà phê đường và 1 muỗng cà phê tiêu.
Bạn đảo đều hỗn hợp khi xào để các nguyên liệu hòa quyện cùng gia vị. Khi thịt và tôm chín, bạn cho đậu xanh đã tán nhuyễn vào rồi trộn đều hỗn hợp. Nêm gia vị sao vừa ăn rồi tắt bếp, để nguội bớt. Sau đó, viên nhân thịt và đậu xanh này thành những viên tròn trọng lượng khoảng 50gr hoặc tùy sở thích.
Bước 4: Trộn và nhồi bột
Cho 400gr bột nếp vào tô, đổ từ từ 400ml nước vào đồng thời tiến hành nhồi bột. Bạn nhớ khi nhồi bột nên đẩy bột ra xa rồi thu về, làm liên tục đến khi thấy khối bột đã dẻo mịn và không dính tay.
Chia bột thành các phần bằng nhau, vo tròn và ấn dẹt ra, lấy hỗn hợp nhân để vào giữa lớp bột, gói vỏ lại. Bạn chú ý nắn tròn phần bột để bao hoàn toàn phần nhân, không lộ ra ngoài. Trường hợp thấy bột hơi nhão thì nên cho thêm bột nếp vào để bột ráo lại, còn nếu thấy bột khô thì thêm từng chút một nước vào.
Bước 5: Hấp bánh
Sau khi đã làm xong những viên bánh hoàn chỉnh, bạn thoa lên đáy xửng hấp một lớp dầu mỏng hoặc lót một lớp giấy nến trước rồi đặt bánh lên trên. Điều này sẽ giúp bánh không bị dính khi hấp. Quá trình hấp bánh trong khoảng 20 - 30 phút tùy theo bánh to hay nhỏ. Bạn thăm chừng nồi hấp, khi thấy vỏ bánh chuyển sang màu trắng trong thì bánh đã chín.
Khi bày bánh lên dĩa thưởng thức, bạn cho tôm chấy, mỡ hành lên trên bánh, sau đó rưới nước mắm chua ngọt đều khắp mặt bánh. Để làm tôm chấy, bạn ngâm tôm khô vào nước cho mềm rồi vớt ra để thật ráo. Giã nhuyễn tôm khô rồi đem xào đến khi tôm khô và tươi. Mẹo nhỏ: Bạn cho một ít dầu màu điều khi xào tôm khô để tôm vàng hơn, trông sẽ bắt mắt.
Sự hòa quyện của vỏ bánh mềm, dai cùng với vị ngọt thơm từ tôm thịt, nấm mèo giòn giòn, đậu xanh béo bùi đảm bảo sẽ kích thích vị giác đấy.
Bước 1: Xào dừa
Cho 200gr dừa xay vào chảo, vặn lửa vừa. Tiếp đó, cho 60gr đường thốt nốt vào xào trong 3 phút để đường chảy ra, quyện vào dừa xay.
Bước 2: Nấu đậu xanh
Cho 150gr đậu xanh không vỏ cùng 500ml nước và 1 muỗng cà phê muối vào nồi, đun khoảng 20 - 25 phút đến khi đậu chín mềm. Lưu ý bạn nên dùng vá khuấy đều để giúp đậu xanh tan ra. Chờ đậu nguội, xay mịn đậu xanh bằng máy xay.
Bước 3: Sên nhân dừa đậu xanh
Cho đậu xanh đã xay mịn vào chảo, bắc lên bếp sau đó cho 110gr đường thốt nốt cùng 15ml dầu dừa vào khuấy đều.
Tiếp theo, cho dừa đã xào đường vào chảo sên nhỏ lửa trong 30 phút cho đến khi nhân bánh trở nên sánh và dẻo.
Chờ nhân bánh nguội, bạn chia nhỏ nhân rồi vò thành những viên trọng lượng khoảng 20gr.
Bước 4: Trộn bột bánh
Cho 400gr bột nếp cùng 50gr bột năng, 30gr đường bột và 15ml dầu ăn vào tô lớn.
Tiếp đó cho từ từ 400ml nước lá dứa vào, đồng thời đó bạn bắt đầu nhào bột để bột không bị lỏng hoặc khô. Khi bột thành khối dẻo và mịn là ngưng, cho bột nghỉ 10 phút để nở ra.
Bước 5: Tạo hình bánh
Chia nhỏ bột bánh, dòng cây cán bột cán dẹp, bỏ phần nhân vào giữa rồi gói kín nhân lại.
Bước 6: Hấp bánh
Xếp bánh vào lửng hấp, nếu không lót giấy nến hoặc lá chuối để tránh cho bánh bị dính khi hấp thì bạn có thể thoa lớp dầu ăn mỏng lên đáy xửng. Quá trình hấp bánh sẽ diễn ra trong khoảng 15 phút.
Cách làm bánh ít trần nhân đậu xanh lá dứa rất đơn giản. Thành phẩm là những chiếc bánh màu xanh đẹp mắt, vị béo bùi của nhân dừa đậu xanh quyện cùng lớp vỏ bánh dai mềm sẽ vô cùng hấp dẫn và ngon miệng.
Hy vọng bài viết trên đây đã giúp chị em bỏ túi được 2 cách làm bánh ít trần nhân mặn và nhân ngọt vô cùng ngon miệng và bổ dưỡng rồi. Dựa trên công thức làm bánh, bạn có thể tùy chỉnh liều lượng, hoặc biến tấu nguyên liệu sao cho phù hợp khẩu vị và sở thích của mình. Bánh làm tại nhà đảm bảo sẽ chất lượng hơn hẳn mua ngoài hàng, bạn hoàn toàn yên tâm khi thưởng thức bánh.
Phúc Khang
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải
Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...