Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách phân biệt chảy máu động mạch và tĩnh mạch như thế nào? Sơ cứu vết thương chảy máu

Ngày 15/12/2023
Kích thước chữ

Vết thương chảy máu tại mạch máu là một cấp cứu y tế khẩn cấp, bởi nếu tình trạng chảy máu không được sơ cứu kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Do đó, việc nắm rõ đặc điểm chảy máu động mạch và tĩnh mạch sẽ góp phần giúp bảo tồn được sức khỏe cũng như tính mạng của bản thân.

Chảy máu động mạch và tĩnh mạch có sự khác nhau. Hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ với bạn đọc những thông tin về cách phân biệt chảy máu động mạch và chảy máu tĩnh mạch. Đồng thời, hướng dẫn cách sơ cứu vết thương chảy máu động mạch và tĩnh mạch

Tìm hiểu chung về vết thương mạch máu

Vết thương mạch máu được phân chia thành những loại như sau:

  • Nguyên nhân gây ra vết thương: Vết thương mạch máu do mảnh kim loại, vật sắc nhọn, mảnh đạn, tiêm chích… gây ra.
  • Dựa vào vị trí vết thương: Vị trí xảy ra vết thương mạch máu trên cơ thể như vùng cổ, vùng chi trên, vùng chi dưới, vùng bụng…
  • Tính chất của vết thương: Vết thương mạch máu phối hợp hay đơn thuần.
  • Mạch máu bị thương: Vết thương ở mao mạch, vết thương ở tĩnh mạch hay vết thương ở động mạch.

Vậy làm thế nào để phát hiện ra vết thương mạch máu? Người bệnh có thể phát hiện được vết thương xảy ra ở mạch máu thông qua các đặc điểm sau đây, cụ thể là:

  • Ngay tại đường đi của mạch máu xuất hiện các vết thương có máu chảy ra ngoài. Máu có thể chảy nhanh hay chậm, rò rỉ hay thành tia.
  • Hiện tượng tụ máu xung quanh vết thương.
  • Có các triệu chứng kèm theo như giảm vận động và cảm giác, chân tay lạnh và tê bì, các mạch máu ngoại vi đập yếu hoặc không bắt được, chóng mặt, đau đầu, ngất xỉu, huyết áp kẹt, da - niêm mạc nhợt nhạt…
  • Độ bão hòa oxy trong máu giảm.
Cách phân biệt chảy máu động mạch và tĩnh mạch như thế nào? Sơ cứu vết thương chảy máu  1
Vết thương mạch máu có thể gây ra tình trạng mất máu nghiêm trọng

Vết thương mạch máu có nguy hiểm không?

Mạch máu được xem là những “con đường” của hệ thống tuần hoàn trong, giúp đưa máu đến tất cả các bộ phận và cơ quan trong cơ thể. Máu chứa các thành phần quan trọng và cần thiết như chất dinh dưỡng, oxy… để cung cấp và nuôi dưỡng các bộ phận cũng như duy trì hoạt động bình thường của cơ thể.

Các vết thương mạch máu sẽ làm gián đoạn quá trình lưu thông máu, đặc biệt là các vết thương ở những mạch máu lớn có thể khiến tuần hoàn cơ thể bị gián đoạn hoàn toàn. Điều này dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như thiếu máu tạng, thiếu máu não, suy đa tạng hay hoại tử chi… Nghiêm trọng hơn là những vết thương mạch máu hở sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn gây hại xâm nhập vào cơ thể và dẫn đến tình trạng nhiễm trùng vết thương, nặng có thể bị nhiễm trùng huyết, hoại thư hơi sinh, bệnh uốn ván… Người bệnh có thể bị sốc mất máu và dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời. Vậy phân biệt chảy máu động mạch và tĩnh mạch như thế nào?

Cách phân biệt chảy máu động mạch và tĩnh mạch như thế nào? Sơ cứu vết thương chảy máu  2
Vết thương gây chảy máu ở những động mạch và tĩnh mạch lớn có thể dẫn đến hoại tử chi

Phân biệt chảy máu động mạch và tĩnh mạch

Dưới đây là những đặc điểm để phân biệt chảy máu động mạch và tĩnh mạch, cụ thể như sau:

Chảy máu tĩnh mạch

Một trong những chức năng chính của các tĩnh mạch là vận chuyển máu đã khử oxy trở lại tim. Huyết áp trong tĩnh mạch thường thấp hơn so với huyết áp trong động mạch. Do đó, một chấn thương tại tĩnh mạch có thể khiến cho máu chảy ra ngoài chậm hơn. Tuy nhiên, đối với vết thương ở những tĩnh mạch lớn có thể khiến máu chảy ra ồ ạt, nhiều như chảy máu ở động mạch. Lúc này, có thể dựa màu màu sắc của máu chảy ra để xác định chính xác được loại mạch máu bị tổn thương. Bởi, máu tĩnh mạch “nghèo oxy” hay đã bị khử oxy nên màu máu thường có màu đỏ sẫm hoặc hơi xanh tím.

Chảy máu động mạch

Chức năng chính của động mạch là vận chuyển máu giàu oxy từ tìm đến các cơ quan nội tạng trong cơ thể. Sau khi oxy được các cơ quan hấp thụ thì các tĩnh mạch sẽ mang máu thiếu oxy quay trở lại tim.

Huyết áp trong động mạch thường có xu hướng cao hơn so với huyết áp trong tĩnh mạch. Do đó, một vết thương xảy ra ở động mạch lớn có thể dẫn đến hiện tượng chảy máu nghiêm trọng và nghiêm trọng, đồng thời gây mất một lượng máu lớn trong khoảng thời gian ngắn.

Biểu hiện của chảy máu động mạch là sự chảy máu liên tục, ồ ạt, máu phun mạnh và chảy thành tia. Hơn nữa, máu động mạch thường có màu đỏ tươi do được cung cấp nhiều oxy.

Tuy nhiên, cách tốt nhất để xác định chính xác loại mạch máu bị thương là dựa vào vị trí cũng như áp lực của vết thương, bởi đôi khi màu sắc của máu có thể khó phân biệt.

Chảy máu động mạch thường khó kiểm soát hơn so với chảy máu tĩnh mạch. Áp lực từ nhịp tim có thể làm gián đoạn quá trình đông máu và dẫn đến tình trạng mất máu nhiều hơn.

Cách phân biệt chảy máu động mạch và tĩnh mạch như thế nào? Sơ cứu vết thương chảy máu  3
Chảy máu động mạch thường ồ ạt, liên tục và khó kiểm soát

Hướng dẫn cách sơ cứu vết thương chảy máu ở động mạch và tĩnh mạch

Nguyên tắc cần tuân thủ trong sơ cứu chảy máu mạch máu (mao mạch, động mạch và tĩnh mạch), bao gồm:

  • Nhanh chóng và chính xác.
  • Sơ cứu chảy máu theo đúng tính chất của vết thương: Dựa vào vị trí, kích thước hay mức độ chảy máu…

Sơ cứu vết thương chảy máu ở tĩnh mạch

Dưới đây là các bước sơ cứu vết thương chảy máu ở tĩnh mạch hoặc mao mạch, cụ thể là:

  • Người sơ cứu cần mang găng tay y tế hoặc găng tay cao su. Cũng có thể bọc tay lại bằng túi nhựa hoặc nhiều lớp vải sạch nếu không có găng tay.
  • Tìm kiếm và xác định vị trí vết thương. Hãy cởi bỏ hoặc cắt quần áo của người bị thương để bộc lộ vết thương nếu cần thiết.
  • Hãy nâng vết thương lên phía trên tim của người bệnh nếu có thể.
  • Đặt vải sạch hoặc gạc lên trên vết thương. Nếu không có những vật dụng này, hãy dùng ngón tay đè lên vết thương nếu là vết thương nhỏ. Đối với vết thương lớn thì hãy chặn vết thương bằng lòng bàn tay của bạn.
  • Vết thương cần được bịt chặt và chắc chắn ít nhất trong 5 phút.
  • Nếu có sẵn nước muối sinh lý, nước sạch hay cồn iot thì có thể dùng chúng để sát trùng vết thương.
  • Hãy đặt thêm một lớp vải sạch lên trên vết thương nếu nó vẫn tiếp tục chảy máu sau 10 phút. Tuy nhiên, không được cởi bỏ lớp vải ép đầu tiên để tránh làm gián đoạn quá trình đông máu.
  • Hãy gọi vào số cấp cứu 115 hoặc nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhất nếu tình trạng chảy máu vẫn tiếp tục, chảy nhiều máu hoặc người bệnh bị bất tỉnh.
Cách phân biệt chảy máu động mạch và tĩnh mạch như thế nào? Sơ cứu vết thương chảy máu  4
Sử dụng vải sạch hoặc gạc vô khuẩn bịt chặt lên vết thương chảy máu để cầm máu

Sơ cứu vết thương chảy máu ở động mạch

Các bước sơ cứu vết thương động mạch như sau:

  • Đầu tiên là tạo áp lực nhằm bịt chặt vết thương gây chảy máu bằng gạc vô khuẩn hoặc bằng tay có đeo găng sạch. Đồng thời, hãy liên hệ với số điện thoại cấp cứu khẩn cấp 115 để được hỗ trợ y tế.
  • Trong thời gian chờ đợi sự trợ giúp từ y tế mà vết thương đã ngừng chảy máu thì bước tiếp theo là sử dụng gạc vô trùng để băng vết thương lại để tiếp tục tạo áp lực lên vết thương.
  • Khi máu chảy ra từ động mạch ở chân hoặc tay, cố gắng nâng phần cơ thể bị tổn thương lên trên mức của tim.
  • Nếu mọi nỗ lực, biện pháp cầm máu không thành công, hãy đặt garo ở phía trên của vết thương đang chảy máu. Biện pháp garo cầm máu chỉ áp dụng trong trường hợp chảy máu động mạch ở tay hoặc chân. Đồng thời, sau mỗi 15 phút, hãy nới garo trong 1 phút để tránh tình trạng chi bị hoại tử do không được cung cấp máu.
  • Nếu có sẵn các dụng dụng và dung dịch sát khuẩn thì hãy sát trùng vết thương rồi băng bó lại để tránh bị nhiễm trùng.
  • Hãy nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

Chảy máu động mạch và tĩnh mạch sẽ có tính chất cũng như mức độ nguy hiểm khác nhau. Do đó, việc tìm hiểu và nắm rõ những đặc điểm cơ bản của hai loại chảy máu này cùng với cách sơ cứu ban đầu sẽ giúp người bệnh tránh được những biến chứng nguy hiểm và bảo vệ được tính mạng của chính bạn và người thân.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Cơ thể người