Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Những dấu hiệu phân biệt chảy máu tĩnh mạch và động mạch dễ nhận biết nhất

Ngày 08/12/2023
Kích thước chữ

Khi một vết thương xuất hiện và máu bắt đầu chảy thì việc xác định xem máu đang chảy từ tĩnh mạch hay động mạch là vô cùng quan trọng, quyết định đến quá trình điều trị của bệnh nhân. Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu sẽ chia sẻ tới bạn đọc những dấu hiệu phân biệt chảy máu tĩnh mạch và động mạch.

Vết thương chảy máu ở mạch máu được coi là một tình trạng y tế khẩn cấp và việc sơ cứu ngay lập tức là quan trọng để tránh những biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân. Nắm được cách phân biệt chảy máu tĩnh mạch và động mạch sẽ giúp chúng ta chăm sóc sức khỏe và bảo vệ tính mạng tốt hơn.

Thông tin tổng quan về vết thương mạch máu

Trước khi đi vào tìm hiểu cách phân biệt chảy máu tĩnh mạch và động mạch thì chúng ta cùng điểm qua những thông tin về vết thương mạch máu nhé. Vết thương mạch máu có thể được phân loại theo các tiêu chí sau đây:

  • Nguyên nhân gây ra: Gồm vết thương do vật sắc nhọn, mảnh đạn, mảnh kim loại hoặc do tiêm chích.
  • Vị trí vết thương: Bao gồm vết thương mạch máu ở vùng cổ, vùng chi dưới, vùng chi trên.
  • Tính chất của vết thương: Phân biệt vết thương mạch máu đơn thuần hoặc kết hợp.
  • Loại mạch máu bị thương: Bao gồm vết thương tĩnh mạch, mao mạch, động mạch.

Về phương pháp nhận biết vết thương mạch máu thì bệnh nhân có thể nhận biết vết thương mạch máu dựa trên các đặc điểm sau:

  • Dọc theo con đường của mạch máu, vết thương có thể chảy máu ra ngoài, chảy nhanh hoặc chậm, hình thành thành tia hoặc rỉ ra.
  • Sự tụ máu xung quanh vết thương.
  • Triệu chứng bổ sung như giảm cảm giác và vận động, lạnh và tê chân tay, mạch máu ngoại vi yếu, thấy hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, ngất xỉu, giảm áp huyết, niêm mạc da nhợt nhạt.
  • Giảm độ bão hòa oxy máu.
Những dấu hiệu phân biệt chảy máu tĩnh mạch và động mạch dễ nhận biết nhất 1
Người bệnh không được chủ quan với các vết thương mạch máu

Vết thương mạch máu có gây nguy hiểm gì không?

Mạch máu được xem như hệ thống đường cao tốc trong cơ thể người, giúp vận chuyển máu đến các bộ phận khác nhau để duy trì hoạt động bình thường. Vết thương mạch máu làm gián đoạn các tuyến đường này, đặc biệt là trong trường hợp vết thương mạch máu lớn có thể làm gián đoạn toàn bộ hệ thống tuần hoàn cơ thể. Điều này gây ra những hậu quả nguy hiểm như thiếu thiếu máu tạng, máu não, hoại tử cơ, suy đa cơ quan và nhiều vấn đề sức khỏe nặng khác. 

Đặc biệt, vết thương tại mạch máu thường là vết thương mở, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng như nhiễm trùng huyết, hoại thư sinh hơi, uốn ván. Nếu không được cấp cứu kịp thời, có thể dẫn đến sốc mất máu và khiến bệnh nhân tử vong nhanh chóng.

Những dấu hiệu phân biệt chảy máu tĩnh mạch và động mạch dễ nhận biết nhất 2
Vết thương mạch máu vô cùng nguy hiểm với người bệnh

Cách phân biệt chảy máu tĩnh mạch và động mạch

Để phân biệt chảy máu tĩnh mạch và động mạch thì chúng ta có thể dựa vào những dấu hiệu cụ thể dưới đây:

Chảy máu tĩnh mạch

Muốn phân biệt chảy máu tĩnh mạch và động mạch trước tiên phải nắm được chảy máu tĩnh mạch là gì. Tính năng cơ bản của các tĩnh mạch là chuyển máu đã mất oxy về tim. Huyết áp trong tĩnh mạch thấp hơn so với động mạch, điều này có nghĩa là một vết thương tại tĩnh mạch có thể dẫn đến chảy máu chậm và rỉ rả. Tuy nhiên, ở các tĩnh mạch lớn thì vết thương cũng có thể gây chảy máu nhiều, mạnh mẽ tương tự như chảy máu ở động mạch.

Ta có thể nhận biết loại mạch máu bị tổn thương dựa vào dòng máu chảy ra. Máu tĩnh mạch không còn oxy hoặc đã mất oxy thường có màu đỏ sẫm hoặc hơi xanh.

Chảy máu động mạch

Nhiệm vụ của động mạch là chuyển máu giàu oxy từ tim đến các cơ quan trong cơ thể. Do huyết áp trong động mạch cao hơn nhiều so với tĩnh mạch, vết thương ở động mạch lớn có thể gây chảy máu rõ ràng và nghiêm trọng, làm mất lượng máu lớn trong thời gian ngắn.

Dạng chảy máu động mạch thường là sự chảy máu ồ ạt, máu phun mạnh và chảy thành tia. Máu động mạch do chứa nhiều oxy nên thường có màu đỏ tươi. Tuy nhiên, việc phân biệt chảy máu tĩnh mạch và động mạch thường dựa vào vị trí và áp lực của vết thương, vì màu sắc của máu đôi khi khó phân biệt.

So với chảy máu tĩnh mạch thì chảy máu động mạch khó kiểm soát hơn do lực đập từ mỗi nhịp tim có thể làm gián đoạn quá trình đông máu và gây mất nhiều máu hơn.

Chảy máu mao mạch

Bên cạnh việc phân biệt chảy máu tĩnh mạch và động mạch bạn cũng cần biết được về tình trạng chảy máu mao mạch. Các mao mạch nhỏ là loại mạch máu nhỏ nhất trong cơ thể, có đường kính chỉ từ 5 - 10 μm. Chúng nằm gần bề mặt da, cũng như ở các cơ quan như mắt và phổi. Chảy máu mao mạch là loại chảy máu phổ biến nhất.

Khi bị tổn thương, máu mao mạch có thể rỉ ra hoặc giọt từ cơ thể. Ban đầu, máu có thể chảy nhanh, nhưng sau đó sẽ chậm lại và thường dễ kiểm soát. Hầu hết chảy máu mao mạch sẽ tự ngừng sau một thời gian.

Những dấu hiệu phân biệt chảy máu tĩnh mạch và động mạch dễ nhận biết nhất 3
Cần phân biệt chảy máu tĩnh mạch và động mạch để có hướng điều trị đúng

Cách sơ cứu vết thương chảy máu

Nguyên tắc cơ bản trong việc sơ cứu chảy máu là cần phân biệt chảy máu tĩnh mạch và động mạch chính xác, thực hiện sơ cứu nhanh chóng, khẩn trương và đúng cách, tuân thủ đúng tính chất của vết thương dựa trên kích thước, vị trí và mức độ chảy máu.

Sơ cứu vết thương chảy máu tĩnh mạch

Các bước sơ cứu cho vết thương tĩnh mạch hoặc mao mạch như sau:

  • Đeo đôi găng tay cao su hoặc bọc tay bằng túi nhựa hoặc nhiều lớp vải sạch nếu không có găng tay.
  • Xác định vết thương và cởi hoặc cắt quần áo để tiếp cận vết thương.
  • Nâng vết thương lên cao hơn tim nếu có thể.
  • Đặt một miếng gạc hoặc vải sạch (như khăn tay) lên vết thương. Đối với vết thương nhỏ có thể sử dụng ngón tay, còn đối với vết thương lớn thì sử dụng lòng bàn tay.
  • Bịt chặt vết thương và giữ trong ít nhất 5 phút.
  • Sát trùng vết thương nếu cần, sử dụng nước sạch, cồn i-ốt hoặc nước muối sinh lý.
  • Nếu máu vẫn chảy sau 10 phút, đặt thêm một miếng vải và tránh cởi bỏ lớp vải đã ép đầu tiên.
  • Gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế nếu máu không ngừng chảy, chảy quá nhiều hoặc bệnh nhân bất tỉnh.
  • Chảy máu tĩnh mạch thường dễ kiểm soát hơn so với chảy máu động mạch, tuy nhiên đối với tĩnh mạch sâu thì máu có thể khó cầm được.

Sơ cứu vết thương chảy máu động mạch

Các bước sơ cứu cho vết thương ở động mạch như sau:

  • Tạo áp lực bằng tay đeo găng cao su và gạc vô trùng để bịt chặt vết thương gây chảy máu. Liên hệ số điện thoại khẩn cấp 115 để nhận sự giúp đỡ y tế.
  • Nếu áp lực từ bít chặt giúp dừng máu, băng vết thương bằng băng gạc vô trùng và duy trì áp lực.
  • Nâng phần cơ thể nếu máu chảy từ động mạch ở tay hoặc chân.
  • Nếu mọi cố gắng kiểm soát máu không thành công, sử dụng garô phía trên vết thương đang chảy máu. Sử dụng garô chỉ khi máu động mạch chảy ở tay hoặc chân và nới garô mỗi 15 phút để tránh hoại tử chi.
  • Sát trùng vết thương nếu có khả năng, sau đó băng lại để ngăn nhiễm trùng.
  • Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất một cách nhanh chóng.
Những dấu hiệu phân biệt chảy máu tĩnh mạch và động mạch dễ nhận biết nhất 4
Cần sơ cứu vết thương chảy máu khẩn trương, nhanh chóng, chính xác

Chảy máu động mạch và chảy máu tĩnh mạch mang tính chất và độ nguy hiểm khác nhau. Do đó, việc phân biệt chảy máu tĩnh mạch và động mạch chính xác cũng như hiểu rõ về các biện pháp sơ cứu ban đầu là vô cùng quan trọng, giúp người bệnh tránh được những biến chứng nguy hiểm và bảo vệ tính mạng một cách toàn diện.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin