Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Cách phòng tránh các bệnh về đường tiêu hoá

Ngày 18/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tiêu hoá là một trong những quá trình quan trọng giúp tiếp nhận, hấp thụ những dưỡng chất thiết yếu duy trì sức khoẻ và hệ miễn dịch cho cơ thể. Tuy nhiên với lối sống thiếu khoa học, chế độ dinh dưỡng không phù hợp đã gây ra những tác động xấu đến hoạt động của hệ tiêu hoá. Chính vì thế, hãy học cách phòng tránh các bệnh về đường tiêu hoá để bảo vệ sức khoẻ của chính bản thân mình.

Hiện nay các bệnh lý về đường tiêu hoá diễn ra ngày càng phổ biến, đặc biệt ở giới trẻ, nguyên nhân chủ yếu là do thói quen ăn uống và sinh hoạt kém lành mạnh. Để cơ thể có thể hấp thu chất dinh dưỡng tốt nhất, mang lại sức khỏe dẻo dai thì một hệ tiêu hoá khoẻ mạnh là yêu cầu tất yếu. Dưới đây là một số cách phòng tránh các bệnh về đường tiêu hoá đơn giản và hiệu quả.

Bệnh tiêu hoá là gì?

Hệ thống tiêu hoá được cấu tạo từ nhiều cơ quan quan trọng, bao gồm miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, đại tràng, trực tràng và hậu môn. Bên cạnh đó, một số bộ phận khác cũng phối hợp hỗ trợ hoạt động chuyển hóa thức ăn thành chất dinh dưỡng và năng lượng cung cấp cho toàn bộ cơ thể như gan, tuyến tụy, túi mật…

Bệnh tiêu hoá bao gồm những tổn thương liên quan đến hệ thống tiêu hoá của cơ thể, gây ra sự gián đoạn trong quá trình tiêu hoá thức ăn theo nhiều cách thức khác nhau. Những bệnh lý về đường tiêu hoá có thể là cấp tính, tức xảy ra đột ngột và kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn hoặc mạn tính, diễn tiến từ từ và kéo dài. Bất kỳ triệu chứng nào xuất hiện trên lâm sàng đều mang lại những thông tin hữu ích cho các bác sĩ trong việc chẩn đoán chính xác bệnh. Chính vì thế, người bệnh nên ghi nhớ chi tiết thời điểm phát bệnh, biểu hiện cụ thể là gì.

cach-phong-tranh-cac-benh-ve-duong-tieu-hoa-don-gian-va-hieu-qua 1.jpg
Nguyên nhân gây ra các bệnh lý về đường tiêu hoá chủ yếu do thói quen ăn uống và sinh hoạt kém khoa học

Một số bệnh lý về đường tiêu hoá

Dưới đây là một số bệnh tiêu hoá phổ biến, bất kỳ ai cũng có khả năng mắc phải như:

Viêm dạ dày - ruột

Đây là bệnh nhiễm trùng đường tiêu hoá với tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc hóa chất độc hại. Nghiêm trọng hơn, nhiều chủng virus có thể lây lan từ người sang người như adenovirus, astrovirus, norovirus, rotavirus…

Viêm dạ dày - ruột thường xảy ra cấp tính, triệu chứng thường kéo dài dưới một tuần. Các triệu chứng phổ biến của bệnh như tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, nôn, sốt, mệt mỏi… Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều có thể tự khỏi mà không cần can thiệp điều trị. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển nặng hơn có thể gây ra mất nước nghiêm trọng, dễ gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được chữa trị kịp thời.

Bệnh lý viêm ruột (IBD)

IBD là bệnh lý viêm đường tiêu hoá mạn tính bao gồm bệnh loét đại trực tràng chảy máu và bệnh Crohn. Hiện tại vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, có thể do ảnh hưởng từ di truyền, rối loạn hệ miễn dịch dẫn đến sự mất cân bằng yếu tố cytokine và hậu quả là dẫn đến viêm đường ruột.

Viêm loét đại tràng chủ yếu bị ảnh hưởng trên đại tràng và trực tràng, trong khi bệnh Crohn lại có thể gây ra tổn thương ở bất kỳ vị trí nào trên đường tiêu hoá. Các triệu chứng phổ biến của bệnh bao gồm đau bụng, tiêu chảy mạn tính, đi đại tiện ra máu có xen lẫn chất nhầy, sụt cân bất thường, mệt mỏi…

Trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng trào ngược dịch vị bên trong dạ dày lên thực quản, gây khó tiêu cho người bệnh. Bên cạnh đó còn một số triệu chứng khác như cảm giác nóng rát nhẹ ở vùng ngực, ợ nóng, khó tiêu, ho mạn tính, buồn nôn, khàn tiếng, đau và khó khăn khi nuốt… Nếu bệnh không được điều trị kịp thời có thể tiến triển thành cách biến chứng đáng lo ngại như viêm thực quản, hẹp thực quản hay ung thư thực quản…

Viêm loét dạ dày - tá tràng

Viêm loét dạ dày - tá tràng là tình trạng niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng có hiện tượng loét. Tình trạng này có thể dẫn đến những bệnh lý khác như xuất huyết đường tiêu hoá, hình thành các lỗ rò trên thành dạ dày, loét các cơ quan lân cận, ngăn thức ăn đi vào tá tràng, tắc nghẽn… Có hai tác nhân phổ biến là nguyên nhân chính dẫn đến viêm loét dạ dày - tá tràng đó là nhiễm khuẩn Helicobacter pylori và lạm dụng hoặc sử dụng liều cao NSAID.

Một số triệu chứng điển hình của bệnh lý này như đau bụng, khó chịu ở vùng bụng trên, khó tiêu, buồn nôn, đầy bụng, ợ hơi, nôn ra máu, đi tiêu phân đen hoặc có màu hắc ín, cảm thấy no khi bắt đầu bữa ăn hoặc đã quá no dù chỉ mới ăn một ít.

cach-phong-tranh-cac-benh-ve-duong-tieu-hoa-don-gian-va-hieu-qua 2.jpg
Hình ảnh mô tả tình trạng viêm loét dạ dày - tá tràng

Cách phòng tránh các bệnh về đường tiêu hoá

Để có một hệ tiêu hoá khoẻ mạnh, tránh được những rối loạn tiêu hoá bạn cần thực hiện một số biện pháp dưới đây:

Bổ sung nhiều chất xơ

Mặc dù cơ thể con người không thể tiêu hoá chất xơ, tuy nhiên chất xơ lại có vai trò vô cùng quan trọng đối với hoạt động của hệ tiêu hoá. Khoa học đã chứng minh, người có chế độ ăn uống giàu chất xơ thì hệ tiêu hoá sẽ hoạt động tốt hơn, giảm nguy cơ mắc các bệnh lý như táo bón, viêm loét đại tràng, trĩ, ruột thừa… Ba loại chất xơ phổ biến bao gồm chất xơ hoà tan, chất xơ không hòa tan và prebiotic.

Uống đủ nước

Lượng nước được các chuyên gia khuyến cáo bổ sung mỗi ngày giao động từ 1.5 - 2 lít để đảm bảo các hoạt động sống của cơ thể, bao gồm cả hoạt động của hệ tiêu hoá. Bởi thiếu nước cũng là nguyên nhân dẫn đến táo bón cùng với nhiều triệu chứng rối loạn tiêu hoá khác. Bạn cũng có thể bổ sung nước cho cơ thể thông qua các loại trà thảo mộc, nước ép hoa quả, nước uống không chứa caffeine, các loại nước ép trái cây như dâu, bưởi, cà chua, cần tây, dưa chuột, đào…

cach-phong-tranh-cac-benh-ve-duong-tieu-hoa-don-gian-va-hieu-qua 3.jpg
Chế độ dinh dưỡng giàu chất xơ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ tiêu hoá

Ăn chậm, nhai kỹ, không ăn quá no

Bên cạnh việc chọn lựa thực phẩm khoa học thì thói quen trong ăn uống cũng rất quan trọng. Khi nhai kỹ, nhai lâu thì nước bọt sẽ được kích thích tiết ra nhiều hơn, giúp tiêu hoá một phần thức ăn. Kết hợp với việc nghiền nát thức ăn kỹ lưỡng trong khoang miệng sẽ giúp giảm tải gánh nặng cho dạ dày.

Tăng cường tập luyện thể thao

Các hoạt động thể chất không chỉ giúp mang lại một cơ thể săn chắc, dẻo dai, khỏe mạnh, mà còn giúp hệ tiêu hoá hoạt động tốt hơn. Việc vận động nhẹ nhàng như đi bộ sẽ giúp thúc đẩy thức ăn di chuyển từ dạ dày xuống ruột dễ dàng hơn, tăng hiệu quả hấp thu chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, mỗi ngày đi bộ khoảng 30 phút giúp phòng ngừa và cải thiện triệu chứng táo bón tốt hơn.

Tránh các thói quen xấu

Những bệnh lý trên đường tiêu hoá chủ yếu xuất phát từ thói quen sinh hoạt và ăn uống thiếu khoa học, thiếu lành mạnh. Một số tác nhân độc hại đối với hệ tiêu hoá như thuốc lá, rượu bia, chất kích thích… hay thói quen xấu như thức khuya, ăn không đúng bữa, ăn nhanh, nhai không kỹ…

Áp dụng các cách phòng tránh các bệnh về đường tiêu hóa đơn giản và hiệu quả sẽ giúp bạn có được một hệ tiêu hoá khoẻ mạnh, hoạt động đúng khả năng của nó trong việc hấp thu chất dinh dưỡng và cung cấp năng lượng cho hoạt động sống của cơ thể. Hãy luôn chú ý đến sức khỏe của bản thân, sớm phát hiện những dấu hiệu bất thường và kịp thời thăm khám, điều trị để phòng tránh các biến chứng xấu trên đường tiêu hóa nói riêng và cơ thể nói chung.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin