Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách sơ cứu khi bị bỏng hơi nước hiệu quả

Ngày 27/03/2022
Kích thước chữ

Trong sinh hoạt hằng ngày, có không ít nguyên nhân làm da bạn bị bỏng, có thể là do nước sôi, bỏng lửa hay hơi nước. Nhiều người lầm tưởng rằng bỏng hơi nước không nguy hiểm bằng những loại bỏng khác nhưng thực tế, nhiệt độ của hơi nước cũng lên trên 100 độ C và nếu không có những biện pháp xử lý đúng cách thì rất có thể để lại sẹo xấu xí trên cơ thể.

Bỏng hơi nước nguy hiểm như thế nào, cách sơ cứu khi bị bỏng hơi nước ra sao cho đúng để vết bỏng mau lành và không để lại sẹo? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây, mời bạn cùng đón đọc nhé!

Phân biệt mức độ bỏng hơi nước

Khi bị bỏng hơi nước, da sẽ là bộ phận đầu tiên bị tác động, tiếp theo đó là phần cơ bên trong và có thể ảnh hưởng đến cả lớp xương và mạch máu. Bỏng càng nhẹ thì khả năng phục hồi, hoàn nguyên lại tình trạng da cũ càng cao hơn. Nếu mức độ bỏng quá nặng, rất có thể sẽ không thể khôi phục lại như ban đầu vì có thể xuất hiện hiện tượng nhiễm trùng, hoại tử.

Theo độ sâu của vết bỏng, bỏng hơi nước có thể được phân thành 3 mức độ cơ bản sau:

  • Mức độ 1: Hơi nước chỉ gây ra tổn thương ở bề mặt da ngoài cùng. Đây là mức độ nhẹ nhất, chỉ hơi ửng đỏ và đau rát trong thời gian đầu sau khi tiếp xúc, sau khoảng 3 ngày vết bỏng sẽ tự lành mà không cần phải chăm sóc hay sử dụng thuốc. 
  • Mức độ 2: Sức nóng của hơi nước ở mức độ 2 sẽ ảnh hưởng đến cả phần biểu bì da nhưng chưa tác động tới phần mô bên dưới lớp da. Với cấp độ 2, nếu được chăm sóc đúng cách thì chỉ sau 1-4 tuần tùy vào cơ địa mỗi người mà lớp da bị bỏng sẽ trở về nguyên dạng ban đầu.
  • Mức độ 3: Ở mức độ này, tình trạng bỏng đã ăn sâu vào trong phần mô bên trong cơ thể do thời gian tiếp xúc với hơi nước nóng lâu hơn. Nếu chẳng may bị bỏng đến mức độ 3, bạn phải cần chăm sóc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh làm tổn thương nặng hơn, gây nhiễm trùng và có thể hoại tử. Thông thường, nếu được điều trị đúng cách thì vết bỏng sẽ lành lại sau 3-6 tháng. 

Cách sơ cứu hiệu quả khi bị bỏng hơi nước 1

Theo độ sâu của vết bỏng, bỏng hơi nước có thể được phân thành 3 mức độ cơ bản

Bị bỏng hơi nước có nguy hiểm không?

Nhiều người nghĩ rằng bỏng hơi nước sẽ không nguy hiểm như bỏng lửa, bỏng nước sôi. Tuy nhiên, vết bỏng hơi nước cũng có thể dẫn đến một số hiện tượng sức khỏe nghiêm trọng sau:

  • Vết bỏng hơi nước sẽ cực kỳ đau đớn, nóng rát khó chịu. Diện tích bỏng càng lớn và sâu thì cảm giác đau rát càng rõ ràng hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng sinh hoạt, thậm chí có người còn phải dùng đến thuốc giảm đau để làm dịu.
  • Vết bỏng hơi nước dù là cấp nào độ nào đi nữa, nếu không được chữa trị đúng cách vẫn có thể để lại vết sẹo mất thẩm mỹ.
  • Trong trường hợp vết bỏng đi kèm bọng nước thì sẽ bất tiện trong sinh hoạt do túi nước phồng này rất dễ vỡ ra và để lại sẹo. 
  • Với mức độ bỏng nặng, các tổn thương sâu vào phần mô tế bào sẽ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử vết bỏng và có thể gây mất chức năng một bộ phận cơ thể nào đó.

Cách sơ cứu hiệu quả khi bị bỏng hơi nước 2

Vết bỏng đi kèm bọng nước gây bất tiện trong sinh hoạt 

Cách sơ cứu khi bị bỏng hơi nước

Vì những ảnh hưởng sức khỏe và ngoại hình nghiêm trọng như vậy, nắm chắc cách sơ cứu khi bị bỏng hơi nước là điều cần thiết mà mỗi người ai cũng nên biết

Bước 1: Làm dịu vết bỏng hơi nước

Việc đầu tiên cần làm khi bị bỏng là tránh xa nguồn nhiệt và làm mát vết bỏng hơi nước càng nhanh càng tốt. Bạn có thể dùng nước mát để ngâm phần da bị bỏng vào trong khoảng 15-20 phút để giảm cảm giác nóng rát. Ngoài ra, cách làm này còn hạn chế những tổn thương xâm lấn sâu vào bên trong, giúp giảm mức độ bỏng.

Cách sơ cứu hiệu quả khi bị bỏng hơi nước 3

Làm dịu vết bỏng hơi nước bằng nước mát là bước sơ cứu đầu tiên

Bước 2: Vệ sinh vết bỏng hơi nước, tránh nhiễm trùng

Sau khi tiến hành ngâm vết bỏng hơi nước trong nước lạnh, để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng của vết bỏng, bạn có thể dùng nước muối sinh lý để rửa lại và lấy khăn mềm thấm khô. Sau đó bạn cần đảm bảo vết bỏng luôn sạch khuẩn, không có vi sinh vật xâm nhập gây viêm nhiễm.

Bước 3: Theo dõi tình trạng vết bỏng hơi nước

Để quá trình phục hồi vết thương trở nên nhanh chóng và không có sơ suất nào xảy ra làm tình trạng vết bỏng nghiêm trọng hơn, bạn cần tích cực theo dõi, nếu phát hiện các dấu hiệu như nhiễm trùng, hoại tử thì cần phải đến ngay cơ sở y tế để xử lý kịp thời.

Những lưu ý khi sơ cứu vết bỏng hơi nước

  • Không ngâm vết bỏng hơi nước trong nước đá. Tiếp xúc đột ngột với nhiệt độ thấp của đá lạnh có thể làm co thắt mạch máu tại vùng da đang bị bỏng nóng, làm vết bỏng trở nên trầm trọng hơn, thậm chí có thể dẫn đến nguy cơ hoại tử.
  • Không tự ý áp dụng các phương pháp chữa bỏng trái khoa học được truyền miệng trong dân gian như bôi kem đánh răng, nước mắm, đắp củ ráy, bôi các loại củ chuối,... Việc này có thể làm tăng khả năng nhiễm trùng của vết bỏng và khiến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn.
  • Không chọc vỡ các bọng nước. Khi bị bỏng hơi nước, phần da bị bỏng có thể phồng rộp, xuất hiện bọng nước. Đây là cơ chế tự bảo vệ cơ thể nên nếu chọc thủng nó sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm trùng. Hãy chăm sóc vết bỏng cẩn thận cho đến khi bọng nước tự vỡ ra.

Cách sơ cứu hiệu quả khi bị bỏng hơi nước 4

Chọc thủng bọng nước sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập 

Nhiều người nghĩ rằng bỏng hơi nước không đáng lo lắng như các loại bỏng khác vì sức nóng của nhiệt thấp hơn. Tuy nhiên, nếu không biết cách chăm sóc, những vết bỏng hơi nước này có thể để lại sẹo, gây mất thẩm mỹ hay thậm chí dẫn đến tình trạng nhiễm trùng, hoại tử nguy hiểm. Hy vọng qua bài viết trên, các bạn đã biết được cách sơ cứu hiệu quả khi bị bỏng hơi nước để đảm bảo không xảy ra các hậu quả về sau.

Hoàng Trang

Nguồn tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin