Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Cách sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm tại nhà

Ngày 30/09/2019
Kích thước chữ

Tình trạng bị ngộ độc thực phẩm ngày càng phổ biến, tự bảo vệ mình là biện pháp thiết thực đầu tiên cần nghĩ tới, trong đó việc trang bị một số kiến thức về cách sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm là việc làm cần thiết.

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, ăn uống là việc bạn cần phải vô cùng cẩn trọng. Môi trường ngày càng ô nhiễm, hóa chất sử dụng khắp mọi nơi… khiến việc tiêu thụ bất cứ loại thực phẩm nào cũng cần cảnh giác vì tình trạng thực phẩm bẩn lan tràn khắp nơi. Cần phải có các biện pháp sơ cứu ngộ độc thực phẩm đúng cách để bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như những người xung quanh.

Nguyên nhân và dấu hiệu ngộ độc thực phẩm

Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm bao gồm do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, động vật hoặc thực vật để ăn có chất độc sẵn bên trong, tiêu thụ phụ gia thực phẩm, thực phẩm chứa thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng, kháng sinh, hormone, thức ăn hư hỏng, biến chất…

Nguyên nhân gây ngộ độc thực phẩm bao gồm do vi khuẩn, virus, ký sinh trùng...

Một số dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm là sau khi ăn hoặc uống thực phẩm nhiễm độc đột ngột có triệu chứng buồn nôn và nôn, có khi nôn ra máu, đau bụng, tiêu chảy nhiều lần, có thể không sốt nhưng cũng có thể sốt cao trên 38 độ C. Triệu chứng thường nặng hơn ở nhóm người cao tuổi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Lưu ý là bạn có thể bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn vài phút, 1 giờ nhưng cũng có khi đến hết 1 ngày mới bị.

Người bị ngộ độc thực phẩm nếu không được sơ cứu ngộ độc thực phẩm đúng cách, kịp thời có thể bị mất rất nhiều nước cũng như lượng muối và khoáng chất thiết yếu. Nhất là trẻ sơ sinh và người già có hệ miễn dịch yếu kém hoặc ở người mắc bệnh mạn tính, tình trạng mất nước sẽ trở nên nặng nề hơn, thậm chí sẽ gây tử vong. Về lâu dài, ngộ độc thực phẩm không được sơ cứu đúng cách sẽ tích tụ chất độc bên trong cơ thể, là nguyên nhân gây nên những căn bệnh đáng sợ như ung thư. Do đó, sơ cứu ngộ độc thực phẩm đúng cách sẽ giúp bạn hạn chế tối đa những rủi ro đáng sợ trên.

Cách sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm

Tình trạng ngộ độc thực phẩm xảy ra sau khi ăn, uống phải thực phẩm nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây độc, thức ăn bị ôi thiu… Thông thường ngộ độc cấp tính sẽ xuất hiện sau vài phút, vài giờ hoặc 1 - 2 ngày sau khi ăn.

Khi chẳng may bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh thường có các biểu hiện buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy, đôi khi có kèm theo các triệu chứng phụ như nhức đầu, chóng mặt, đau cơ, khó thở... tùy theo nguyên nhân gây ngộ độc. Và khi thấy bản thân mình hoặc người thân có các dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm như đã kể trên, cần thực hiện các bước sơ cứu ngộ độc thực phẩm dưới đây:

  • Gây nôn (nếu người bị ngộ độc thực phẩm không có biểu hiện nôn): Để hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể, biện pháp sơ cứu đầu tiên nên làm là kích thích để người bị ngộ độc nôn những thức ăn độc hại trong dạ dày ra ngoài. Có thể dùng tay đã rửa sạch đặt vào phần cuống lưỡi người bệnh để kích thích gây nôn. Càng nhiều thức ăn trong dạ dày được nôn ra càng tốt. Cần để người bệnh nằm nghiêng khi tiến hành gây nôn cho người bệnh, kê hơi cao phần đầu để chất thải nôn ra không bị trào ngược vào phổi, không gây sặc cho người bệnh. Với người bệnh ngộ độc thực phẩm đã bị hôn mê thì không nên kích thích gây nôn vì sẽ dễ gây sặc, ngạt thở.
Cách sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm là gây nôn
  • Cho người bệnh uống nhiều nước một cách từ từ và nghỉ ngơi: Sau khi người bệnh nôn và đi ngoài thì cơ thể sẽ bị mất nước. Chính vì vậy cần tiến hành bù nước cho người bị ngộ độc thực phẩm bằng cách cho uống nhiều nước lọc, uống nước Oresol hoặc uống nước gạo rang để bù nước cho người bệnh.
  • Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất: Dù đã tiến hành sơ cứu ban đầu nhưng bệnh nhân ngộ độc thực phẩm vẫn có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Vậy nên bệnh nhân cần được sự trợ giúp của nhân viên y tế bằng cách gọi cấp cứu 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Để dùng Oresol an toàn, chúng ta cần:

  • Cần đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trên bao bì, liều lượng... nếu hướng dẫn pha với 200ml thì cần pha chính xác 200ml vì như thế sẽ đạt nồng độ thẩm thấu phù hợp, pha quá ít hay nhiều nước hơn cũng sẽ nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Pha dung dịch Oresol sơ cứu ngộ độc thực phẩm cần đúng tỉ lệ
  • Chỉ sử dụng dung dịch Oresol  đã pha trong 24 giờ, bảo quản kĩ tránh nhiễm bẩn vì dung dịch có thể bị nhiễm khuẩn nếu để quá lâu và gây nguy hiểm cho người bệnh.
  • Không chia nhỏ gói Oresol rồi pha vì rất có thể các thành phần không được đồng nhất và dễ gây nhầm lẫn thể tích khi pha.
  • Không đun sôi dung dịch Oresol đã pha vì khi đó sẽ làm mất tác dụng của thuốc, bay hơi làm tăng độ thẩm thấu.
  • Không pha Oresol với nước khoáng vì nước này có sẵn thành phần khoáng sẽ làm sai lệch nồng độ, tốt nhất nên pha Oresol với nước đun sôi để nguội.
  • Khi nhiều người cùng bị ngộ độc thực phẩm, không cho các người bệnh uống chung nước, uống chung Oresol vì có thể làm tăng tình trạng của những người bị nhẹ.

Hi vọng bài viết trên đây đã giải đáp thắc mắc về vấn đề cách sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm cho mọi người. Bạn hoàn toàn có thể sơ cứu ngộ độc thực phẩm tại nhà theo từng bước hướng dẫn để giúp bản thân và gia đình thoát khỏi tình trạng ngộ độc thực phẩm nếu chẳng may mắc phải.

Nhân Tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin