Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Chất độc Botulinum có nguy hiểm không? Nhận biết sớm ngộ độc Botulinum

Ngày 31/12/2024
Kích thước chữ

Chất độc Botulinum là một trong những loại độc tố mạnh nhất từng được nghiên cứu. Bởi vậy, cần nâng cao nhận thức về nguy cơ từ độc tố Botulinum giúp cộng đồng phòng tránh cũng như ứng phó hiệu quả khi gặp phải các trường hợp ngộ độc.

Chất độc Botulinum có nguy hiểm không? Độc tố Botulinum là một trong những chất độc nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người. Đồng thời, đặc điểm về sinh học, điều kiện phát triển của vi khuẩn C. Botulinum tạo ra chất độc đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát chất lượng thực phẩm, tuân thủ các quy tắc bảo quản an toàn.

Tổng quan về chất độc Botulinum

Chất độc Botulinum, do vi khuẩn Clostridium Botulinum (C. Botulinum) sinh ra, là một trong những chất độc mạnh nhất trong tự nhiên. Vi khuẩn này thuộc nhóm gram dương, kỵ khí, có hình que với hai đầu tròn, được bao phủ bởi nhiều lông giúp chúng di chuyển linh hoạt.

Cơ chế gây ngộ độc của Botulinum

Trong điều kiện bất lợi, C. Botulinum có khả năng chuyển sang dạng nha bào – một dạng bào tử vô cùng bền bỉ, có thể tồn tại và thích nghi với môi trường khắc nghiệt. Điều này giải thích vì sao vi khuẩn này được phân bố rộng rãi trong tự nhiên, từ đất vườn, phân động vật, bụi bẩn, nước ao hồ, đến ruột gia súc.

Đặc điểm kỵ khí của C. Botulinum khiến chúng không thể phát triển trong môi trường giàu oxy hoặc thông thoáng. Tuy nhiên, khi được đặt trong môi trường kín không có oxy như thực phẩm đóng hộp, cùng điều kiện không đủ độ mặn (dưới 5%) hoặc độ chua (pH > 4.6), vi khuẩn này dễ dàng sinh sôi, phát triển và tiết ra độc tố Botulinum. Đây chính là cơ chế chính gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến chất độc Botulinum.

Chất độc Botulinum có nguy hiểm không? Nhận biết sớm ngộ độc Botulinum  1
Vi khuẩn Clostridium Botulinum tiết loại A và B có độc tính cao nhất

Lý do gia tăng ngộ độc do Botulinum

Botulinum thường được phát hiện trong các loại thực phẩm bảo quản không đúng cách, đặc biệt là thức ăn ôi thiu hoặc đóng hộp. Trước đây, ngộ độc Botulinum chủ yếu liên quan đến thịt hộp, nhưng hiện nay thì nguy cơ đã mở rộng sang các loại thực phẩm khác như rau củ, quả, thịt và hải sản nếu quy trình sản xuất và bảo quản không đảm bảo.

Xu hướng ngộ độc Botulinum đang gia tăng do sự phổ biến của việc sử dụng túi hút khí bảo quản thực phẩm, bảo quản lạnh không đúng cách hoặc thói quen đun không đủ chín trước khi ăn.

Trong những điều kiện này, bào tử C. Botulinum có thể kích hoạt và sản sinh độc tố, dẫn đến những trường hợp ngộ độc nghiêm trọng. Điều này đặc biệt phổ biến ở các cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ hoặc hộ gia đình, nơi quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng chưa được thực hiện chặt chẽ.

Chất độc Botulinum có nguy hiểm không? Nhận biết sớm ngộ độc Botulinum  2
Trước đây, ngộ độc Botulinum chủ yếu liên quan đến thịt hộp

Chất độc Botulinum có nguy hiểm không?

Chất độc Botulinum là một trong những chất độc nguy hiểm, mạnh nhất được biết đến. Đây là loại độc tố thần kinh (neurotoxin), có bản chất là chuỗi polypeptide với phân tử lượng lớn lên tới 150 nghìn Dalton.

Độc tố Botulinum tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau, được phân thành 7 loại, ký hiệu từ A đến G. Trong đó, các loại A và B là phổ biến nhất, cũng có tính độc cao, tiếp theo là các loại E và F, trong khi các loại còn lại ít gặp hơn.

Độc tố Botulinum vô cùng nguy hiểm bởi tính chất cực kỳ mạnh mẽ của nó. Chỉ cần 0.03 mcg của độc tố tiêm vào cơ thể qua tĩnh mạch có thể gây tử vong cho một người trưởng thành nặng 70kg. Điều này cho thấy mức độ nguy hiểm của chất độc này, khi 1kg Botulinum có thể giết chết tới 1 tỷ người. Do đó, độc tố Botulinum không chỉ mạnh mẽ mà còn cực kỳ nguy hiểm đối với sức khỏe con người.

Nhiễm độc Botulinum thường xảy ra qua việc tiêu thụ thực phẩm chứa độc tố này. Tất cả các loại thực phẩm nếu không được bảo quản đúng cách đều có nguy cơ nhiễm Botulinum. Độc tố này có thể sinh ra trong các môi trường kín và thiếu oxy như trong các hộp thực phẩm bị lỗi trong quá trình sản xuất, bảo quản.

Một cách khác khiến bị nhiễm độc Botulinum là qua vết thương, đặc biệt ở những người tiêm chích ma túy. Vi khuẩn C. Botulinum có thể xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hở, gây nhiễm trùng và phát tán độc tố.

Chất độc Botulinum có nguy hiểm không? Nhận biết sớm ngộ độc Botulinum  4
Việc phát hiện và điều trị kịp thời ngộ độc do chất độc Botulinum là vô cùng quan trọng 

Biểu hiện ngộ độc Botulinum

Khi vào cơ thể qua đường tiêu hóa, độc tố này không bị phá hủy bởi acid dịch vị hay các men tiêu hóa mà được hấp thu vào máu qua tá tràng và hỗng tràng.

Sau đó, chất độc Botulinum xâm nhập vào các tế bào thần kinh, ngăn cản sự giải phóng acetylcholin tại các đầu mút thần kinh tiền synap. Quá trình này làm gián đoạn các xung động thần kinh và gây ra các triệu chứng liệt vận động đặc trưng của ngộ độc Botulinum.

Biểu hiện ngộ độc Botulinum thường khởi phát từ 12 đến 36 giờ sau khi tiếp xúc với độc tố, nhưng trong một số trường hợp, triệu chứng có thể xuất hiện muộn hơn, thậm chí lên tới một tuần. Các triệu chứng thường diễn biến theo từng giai đoạn.

Triệu chứng liên quan đến hệ tiêu hóa

Giai đoạn đầu, một trong những biểu hiện đầu tiên của ngộ độc Botulinum là các triệu chứng liên quan đến hệ tiêu hóa. Người bệnh có thể cảm thấy buồn nôn, nôn, chướng bụng và đau bụng. Sau đó, các triệu chứng nặng hơn có thể xuất hiện, bao gồm liệt ruột cơ năng và táo bón. Những triệu chứng này thường xuất hiện khá nhanh sau khi ăn thực phẩm nhiễm độc tố.

Triệu chứng thần kinh

Tiếp theo ở giai đoạn thần kinh, triệu chứng thần kinh là dấu hiệu đặc trưng của ngộ độc Botulinum. Độc tố Botulinum ảnh hưởng đến hệ thần kinh, gây liệt đối xứng hai bên cơ thể, bắt đầu từ vùng đầu mặt và cổ rồi lan xuống chân.

Các triệu chứng thần kinh bao gồm sụp mi, nhìn đôi, nhìn mờ, đau họng, khó nuốt, khó nói, khàn tiếng và khô miệng. Lúc này, các cơ tay, cơ vùng ngực và bụng cũng có thể bị liệt. Trong trường hợp nặng, các cơ của hai chân cũng có thể bị liệt.

Ngoài ra, phản xạ gân xương trong cơ thể thường giảm hoặc mất nhưng không có sự thay đổi về cảm giác. Điều này là do độc tố làm gián đoạn hoạt động của hệ thần kinh mà không gây tổn thương trực tiếp đến các sợi cảm giác.

Ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể cảm thấy mỏi cơ, các triệu chứng này tương tự như tình trạng suy nhược cơ thể, khiến người bệnh khó thực hiện các động tác thể lực bình thường. Tuy nhiên, khi nhiễm độc ở mức độ nặng, tình trạng tiến triển rất nhanh. Các cơ bắp bị liệt hoàn toàn, dẫn đến ứ đọng đờm dãi, gây khó thở. Nếu không được cấp cứu kịp thời, ngừng thở có thể xảy ra, gây suy hô hấp và tử vong.

Chất độc Botulinum có nguy hiểm không? Nhận biết sớm ngộ độc Botulinum  3
Chất độc Botulinum có thể gây suy hô hấp nhanh chóng

Thông qua bài viết trên, Nhà thuốc Long Châu xin gửi tới quý độc giả thông tin về chất độc Botulinum. Ngộ độc chất độc Botulinum là một tình trạng cấp tính rất nguy hiểm, với các triệu chứng có thể diễn biến nhanh chóng. Việc phát hiện và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng để tránh các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp gây tử vong.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin