Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách sơ cứu khi bị rắn lục cắn

Ngày 18/05/2022
Kích thước chữ

Khi bị rắn cắn nói chung hay rắn lục cắn nói riêng, việc sơ cứu ban đầu là vô cùng quan trọng, giúp hạn chế được những hậu quả nguy hiểm cho bệnh nhân. Vậy sơ cứu khi bị rắn lục cắn như thế nào là chính xác? Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây.

Việt Nam là 1 nước nhiệt đới gió mùa với đặc trưng nóng ẩm, mưa nhiều. Chính điều kiện khí hậu này khiến các loài rắn sinh sản và phát triển nhanh chóng, trong đó có rắn lục. Tuy nhiên, cách sơ cứu khi bị rắn lục cắn thì không phải ai cũng nắm được. Trong bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản về chủ đề này.

Rắn lục có nguy hiểm không?

Rắn lục ở nước ta có khoảng 22 loài, trong đó loài hay gặp nhất chính là rắn lục đuôi đỏ hay còn được gọi là rắn lục mép trắng, rắn lục tre. Ngoài ra có thể gặp rắn lục xanh, rắn lục cườm hay rắn lục bay.

Dù là loại rắn lục nào, ít nhiều cũng có nọc độc và mức độ nguy hiểm khi bị rắn lục cắn phụ thuộc vào lượng độc tố cũng như khả năng gây độc cho cơ thể của từng loài. Vì vậy trong sơ cứu khi bị rắn lục cắn, việc nhận biết liệu đó có phải rắn lục không là cần thiết.

Cách sơ cứu khi bị rắn lục cắn 1 Đặc điểm của rắn lục đuôi đỏ

Một vài đặc điểm nhận dạng rắn lục đơn giản như:

  • Rắn lục thường sống tại nơi ẩm ướt như các bụi cây rậm rạp. Ngoài ra, chúng có thể ẩn mình trên cây cao hay ven các bờ ao, bờ mương.
  • Các loài rắn lục thường có đầu hình thoi hoặc tam giác, toàn thân được bao phủ với vảy nhỏ, có thể lẫn thêm cả vảy lớn và phân biệt rõ với cổ.
  • Rắn lục có kích thước khoảng 40 - 65cm, thân có màu xanh lá cây và đuôi có màu đỏ tía (rắn lục đuôi đỏ) hoặc thân màu nâu như khúc gỗ (rắn lục cườm, rắn lục mũi hếch...).
  • Đa số các loại rắn lục có 2 răng độc ở vị trí răng cửa hàm trên nên khi tấn công sẽ để lại vết răng đặc trưng.

Bị rắn lục cắn có biểu hiện gì?

Đa số người bệnh khi bị rắn cắn thường khá bất ngờ nên đôi khi khó nhận biết được có phải do rắn lục cắn hay không. Vì vậy, để sơ cứu bị rắn lục cắn hiệu quả, việc nhận biết các biểu hiện và triệu chứng khi bị cắn là vô cùng quan trọng.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng nọc độc của rắn lục có chứa độc tố gây rối loạn cơ chế đông cầm máu của cơ thể, khiến máu chảy ra khó được cầm lại. Do đó, biểu hiện khi bị rắn lục cắn bao gồm các triệu chứng sau:

  • Vết cắn của rắn lục thường có 2 dấu răng, cách nhau khoảng 1cm.
  • Tại vị trí vết cắn nhanh chóng sưng nề, đau nhức nhiều, chảy máu vùng vết cắn không dừng.
  • Đôi khi xung quanh vết cắn có thể có phỏng nước và chảy máu trong phỏng nước.
  • Nếu phát hiện hoặc không sơ cứu rắn lục cắn kịp thời (sau 6 giờ) có thể đau nhức lan từ vết cắn đến tận gốc chi kèm theo chi sưng to, lạnh và tím tái hoặc có xuất huyết dưới da.
  • Bệnh nhân có thể triệu chứng chóng mặt hoặc lơ mơ nhanh chóng kèm theo chảy máu chân răng.
Cách sơ cứu khi bị rắn lục cắn 2 Đặc điểm vết cắn của rắn lục

Cách sơ cứu khi bị rắn lục cắn

Việc sơ cứu rắn lục cắn nhằm mục tiêu tránh sự xâm nhập của nọc độc và hệ thống tuần hoàn từ đó giúp hạn chế các triệu chứng nguy hiểm, bảo vệ tính mạng và vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế an toàn, vì vậy các bước sơ cứu cần được tiến hành nhanh chóng.

Bước 1: Ổn định tình hình sau khi phát hiện người bị rắn lục cắn

  • Việc đầu tiên cần làm khi phát hiện ra người bị rắn lục cắn là cần nhanh chóng đưa bệnh nhân ra khỏi khu vực có rắn.
  • Giữ bình tĩnh, trấn an người bị cắn.
  • Nhanh chóng cắt bỏ ống tay áo, ống quần bó sát vào vùng bị cắn, tháo bỏ hết các loại trang sức trên người để khi có tình trạng sưng nề sẽ không gây chèn ép.
  • Gọi điện cho cơ sở y tế gần nhất để nhận sự hướng dẫn và hỗ trợ.

Bước 2: Hạn chế di chuyển người bị rắn lục cắn

  • Tuyệt đối không để người bệnh đi lại, cử động quá nhiều.
  • Cách sơ cứu khi bị rắn lục cắn hiệu quả là để bệnh nhân nằm yên ở tư thế nằm để vết cắn thấp hơn tim và bất động chi bị cắn. Điều này giúp hạn chế việc nọc độc của rắn đi vào hệ tuần hoàn gây nguy hiểm đến các đa cơ quan như tim, phổi, thận, não... từ đó đe dọa tính mạng của người bệnh.

Bước 3: Băng vùng trên vết rắn lục cắn

Có thể sử dụng băng chun, vải hoặc quần áo băng cuốn tương đối chặt từ các đầu ngón tay, ngón chân bị cắn cho đến tận gốc chi để băng bó vết thương rắn cắn. Tuy nhiên, cần lưu ý khi băng không được quá chặt, cần phải sờ thấy mạch đập bên dưới để tránh thiếu máu đầu chi.

Cách sơ cứu khi bị rắn lục cắn 3 Băng chun giãn trong cách sơ cứu khi bị rắn lục cắn

Bước 4: Xử lý vết rắn lục cắn

  • Với vết cắn do rắn lục gây nên không được chích, rạch vết cắn để ép nọc độc ra ngoài vì sẽ làm người bệnh chảy máu không cầm, dẫn đến mất máu cấp tính, đe dọa đến tính mạng.
  • Không đắp lá nên vết cắn để tránh nhiễm khuẩn.
  • Khi bị rắn lục cắn, không được băng ép vết thương vì sẽ làm nặng thêm vết thương và có thể gia tăng nguy cơ xâm nhập nọc độc và trong máu của người bệnh.

Bước 5: Sử dụng thuốc giảm đau cho người bị rắn lục cắn

Nếu bệnh nhân quá đau có thể cho sử dụng thuốc giảm đau paracetamol để tránh tình trạng đau đớn, kích thích, tăng cử động khiến nặng hơn tình trạng nhiễm độc.

Bước 6: Vận chuyển người bị rắn lục cắn đến cơ sở y tế gần nhất

Nếu nhân viên y tế đến kịp thời có thể hỗ trợ chuyển người bệnh trên phương tiện vận chuyển người bệnh chuyên dụng.

Tuy nhiên, trong trường hợp cơ sở y tế chưa đến kịp sau khi thực hiện xong các bước sơ cứu, có thể tự vận chuyển bệnh nhân với điều kiện bất động toàn thân, để vết cắn dưới tim hoặc để thõng chân, tay trong trường hợp vết cắn ở phần đầu chi.

Cách sơ cứu khi bị rắn lục cắn 4 Vận chuyển người bị cắn đến cơ sở y tế gần nhất

Sơ cứu rắn lục cắn lưu ý gì?

Để tránh những hậu quả không mong muốn xảy ra, trong quá trình sơ cứu khi bị rắn lục cắn cần lưu ý một số điều sau:

  • Không được garo chi bị cắn bằng dây cao su vì đây là phương pháp gây tắc nghẽn hoàn toàn lưu thông của dòng máu, nếu garo quá lâu có thể gây ra thiếu máu có thể dẫn đến hoại tử và cắt cụt chi.
  • Không cho bệnh nhân uống rượu hoặc các chất kích thích để giảm đau.
  • Hạn chế can thiệp vào vết cắn như rạch, trích hoặc hút lấy nọc độc.
  • Không nên cố gắng bắt hoặc giết con rắn đã cắn bệnh nhân, cố gắng ghi nhớ hình dạng của nó để mô tả cho bác sĩ.
  • Nếu con rắn đã chết, cần mang đến cơ sở y tế để bác sĩ có thể sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn lục của từng loài.

Tóm lại, rắn lục nhất là rắn lục đuôi đỏ là loài rắn độc, nọc độc của nó có thể đe dọa tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, nếu biết cách sơ cứu khi bị rắn lục cắn sẽ giúp cho bệnh nhân tránh được tình trạng nhiễm độc nặng nề. Hi vọng với bài viết trên, nhà thuốc Long Châu đã giúp bạn nắm được các bước trong quy trình sơ cứu rắn lục cắn!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin