Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Sức khỏe gia đình

Cách sơ cứu khi có người bị điện giật chuẩn, an toàn

Ngày 23/04/2024
Kích thước chữ

Sơ cứu người bị điện giật thế nào để đảm bảo đúng chuẩn, an toàn? Nếu sơ cứu điện giật sai, người bị nạn có thể tử vong tại chỗ. Bỏ túi bài viết để có thêm kinh nghiệm khi gặp phải trường hợp có người bị điện giật nhé.

Việc sơ cứu người bị điện phải được thực hiện nhanh chóng, đúng cách và an toàn. Nếu sơ cứu không đúng cách khi bị điện giật, người bị nạn có thể đối diện với nguy cơ mất mạng hoặc phải đối mặt với những biến chứng nặng sau này. 

Điện giật là gì?

Điện giật xảy ra khi có dòng điện từ nguồn điện đang hoạt động đi qua một phần trên cơ thể của người. Các tình huống tiếp xúc trực tiếp với dòng điện bao gồm:

  • Các thiết bị máy móc điện bị lỗi;
  • Dây điện trong nhà;
  • Đường dây điện chung
  • Hệ thống đèn điện;
  • Ổ điện.
Cách sơ cứu khi có người bị điện giật chuẩn, an toàn 1
Điện giật xảy ra khi có dòng điện từ nguồn điện đi qua một phần trên cơ thể

Có 4 loại tổn thương phổ biến do tiếp xúc với dòng điện:

  • Bỏng điện: Thường là bỏng ngoài da, xảy ra khi có sự cố nổ hồ quang, một dạng chập nổ của điện. Dòng điện này không đi xuyên qua da.
  • Bỏng nhiệt: Xảy ra khi vụ nổ điện khiến quần áo của nạn nhân bốc cháy. Dòng điện có thể đi xuyên qua da hoặc không.
  • Sét đánh: Dòng điện cao chạy nhanh qua người nạn nhân.
  • Tình trạng phổ biến nhất: Nạn nhân trở thành một đường truyền điện, dòng điện đi vào và truyền xuyên qua cơ thể.

Bị giật khi chạm vào ổ điện hoặc các thiết bị điện trong nhà thường ít khi gây ra những tổn thương nghiêm trọng, nhưng nếu tiếp xúc lâu thì có thể gây ra nguy hiểm.

Lưu ý trước khi cấp cứu người bị giật điện

Khi phát hiện người bị giật điện, chúng ta thường có tâm lý lo lắng, dễ xảy ra những sai sót đe dọa tính mạng của nạn nhân và cả của chính bản thân chúng ta. Trước khi thực hiện sơ cứu, điều quan trọng là phải tuân thủ các nguyên tắc sau:

  • Giữ bình tĩnh khi đối diện với tình huống gặp người điện giật. Mọi hành động vội vàng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân và bản thân bạn.
  • Tránh sử dụng vật dẫn điện như kim loại, ẩm ướt hoặc dính nước để tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện, vì những dụng cụ này có thể làm bạn bị điện giật.
  • Trường hợp nạn nhân bị giật ở độ cao sẽ rất khó xử lý và nguy cơ chấn thương cao, cần có đầy đủ dụng cụ để đưa nạn nhân xuống. Nếu không có đồ bảo hộ đầy đủ, không nên tự ý leo lên cứu người. Việc gọi đến công ty điện lực là rất cần thiết.
  • Sau khi tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện, đặt nạn nhân nằm xuống nhẹ nhàng, tránh va chạm mạnh vào những vật cứng. Hãy cẩn thận và nhẹ nhàng khi di chuyển nạn nhân, tìm một nơi khô ráo và sạch sẽ để đặt nạn nhân.
  • Tránh tập trung quá đông người xung quanh nạn nhân gây khó thở cho họ.
Cách sơ cứu khi có người bị điện giật chuẩn, an toàn 2
Giữ bình tĩnh khi có người bị điện giật

Nếu nạn nhân có các biểu hiện như bỏng nặng, khó thở, lú lẫn, loạn nhịp tim, đau cơ và co thắt, co giật hoặc mất ý thức, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức. Nếu bạn ở một mình, hãy ngắt nguồn điện trước khi gọi cấp cứu. Nếu có người khác ở gần, hãy phối hợp để thực hiện các bước sơ cứu cần thiết cho nạn nhân.

Phương pháp sơ cứu người bị điện giật

Tai nạn điện giật thường xảy ra do nhiều nguyên nhân phổ biến như cắt dây điện mà chưa ngắt nguồn, chọc các thiết bị điện bằng vật kim loại như kéo, vít, trẻ em chạm vào ổ cắm, rút ổ cắm sai cách, tiếp xúc với bình tắm nước nóng hoặc chạm phải thiết bị điện bị rò rỉ. 

Sơ cứu người bị điện giật là việc cực kỳ quan trọng, yêu cầu phải thực hiện nhanh chóng và an toàn. Biết cách sơ cứu điện giật nhanh chóng sẽ giúp nạn nhân thoát khỏi nguy hiểm. Dưới đây là phương pháp sơ cứu an toàn và hiệu quả giảm thiểu tỷ lệ tử vong hoặc các biến chứng nặng nề sau tai nạn.

Ngắt nguồn điện

Tắt nguồn điện càng sớm càng giảm tổn thương cho nạn nhân. Nếu nạn nhân bị điện giật từ ổ cắm, thiết bị điện rò rỉ hoặc dây điện hở, hãy tắt nguồn điện gần nhất bằng cách rút ổ cắm. Nếu không xác định được nguồn điện, hãy gọi quản lý điện địa phương để tắt nguồn. Trong trường hợp không thể tắt nguồn, tránh tiếp xúc với nước, ưu tiên tìm và tắt nguồn điện trước.

Tách nguồn điện ra khỏi nạn nhân

Khi đã ngắt nguồn điện, sử dụng các vật không dẫn điện như chổi nhựa, thanh gỗ, ghế nhựa, chai nhựa hoặc vật làm bằng cao su để tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện và đẩy dây điện ra xa. Nếu không thể ngắt nguồn, mang giày hoặc dép và sử dụng vật không dẫn điện như thanh gỗ hoặc cao su để tách nạn nhân ra. Tránh sử dụng tay hoặc vật dẫn điện như kim loại. 

Nếu nguồn điện rơi vào ô tô, hướng dẫn nạn nhân ngồi yên trong xe và tìm cách ngắt nguồn điện nhanh chóng hoặc gọi người đến giúp đỡ. Trong trường hợp có nguy cơ cháy nổ, cần đưa nạn nhân ra khỏi xe ngay.

Cách sơ cứu khi có người bị điện giật chuẩn, an toàn 3
Tách nguồn điện ra khỏi nạn nhân khi bị điện giật

Sơ cứu người bị điện giật thế nào?

Sau khi đã tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện và đưa tới vị trí an toàn, quan trọng là tiến hành sơ cứu một cách cẩn thận và đúng cách. Dưới đây là các bước sơ cứu người bị điện giật cơ bản để sơ cứu nạn:

  • Đặt nạn nhân ở tư thế nằm thoải mái, với đầu thấp và thoáng khí.
  • Để tránh nạn nhân bị cảm lạnh, hãy sử dụng vải sạch phủ lên người.
  • Kiểm tra mức độ chấn thương và đảm bảo rằng nạn nhân còn tỉnh táo bằng cách gọi tên và chờ đợi phản ứng.
  • Nếu nạn nhân không tỉnh táo, hãy mở đường thở bằng cách nâng cằm và ngửa đầu ra sau. Nếu cần, đặt nạn nhân nằm ngửa để kiểm tra miệng xem có bất thường không.
  • Thực hiện hô hấp nhân tạo hoặc thực hiện ép tim ngoài lồng ngực nếu nạn nhân không thở và không có mạch. Lưu ý chỉ tiến hành các biện pháp này khi bạn chạm vào nạn nhân một cách an toàn.
  • Nếu nạn nhân tỉnh táo và bị bỏng nhẹ, hãy rửa vết bỏng dưới vòi nước mát để làm giảm đau và ngăn chặn sự lan rộng của vết thương.
  • Đối với vết thương chảy máu, sử dụng băng gạc để đắp lên và cầm máu.
Cách sơ cứu khi có người bị điện giật chuẩn, an toàn 4
Thực hiện hô hấp nhân tạo hoặc ép tim ngoài lồng ngực nếu nạn nhân ngưng thở

Trong trường hợp nạn nhân bị tổn thương nặng, hãy gọi cấp cứu ngay và chuyển tới cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu kịp thời và tránh được các di chứng nghiêm trọng sau này. Vì chúng ta không có đủ chuyên môn để sơ cứu hiệu quả như nhân viên y tế, do đó gọi cấp cứu càng sớm chừng nào càng tăng khả năng cứu sống cho nạn nhân.

Cách để tránh bị giật điện

Để tránh nguy cơ bị điện giật, bạn có thể tham khảo những biện pháp sau đây:

  • Bảo vệ tất cả đầu ra của thiết bị điện bằng các nút nhựa an toàn.
  • Rút phích cắm của các thiết bị điện như máy sấy tóc hoặc máy uốn tóc khi không sử dụng.
  • Giữ dây điện ngoài tầm với của trẻ em để tránh nguy cơ chúng nhai dây điện, vì điều này có thể gây ra các vết bỏng nghiêm trọng.
  • Tránh mở đèn hoặc bất kỳ thiết bị điện nào khi đứng trên sàn nhà ướt hoặc trong vũng nước.
  • Không sử dụng các thiết bị điện như máy sấy tóc hoặc radio trong bồn tắm. Vì việc này có thể dẫn đến nguy cơ giật điện, ngay cả khi thiết bị đã được tắt.
  • Tránh tiếp xúc với nước, cây cao hoặc vật bằng kim loại trong thời tiết giông bão hoặc sấm sét.
  • Không sử dụng điện để đánh cá, diệt chuột hoặc diệt muỗi để tránh các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra.

Việc cấp cứu người bị điện giật là một tác vụ cấp bách, yêu cầu thực hiện nhanh chóng và cẩn thận, đồng thời giữ bình tĩnh và quyết tâm. Tùy thuộc vào tình huống, chúng ta sẽ áp dụng các phương pháp cứu chữa phù hợp.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin