Da là vị trí bị tổn thương nhiều nhất khi bị bỏng, tiếp đến là các lớp sâu hơn của da như gân, cơ, xương, khớp, mạch máu, dây thần kinh… và một số cơ quan nội tạng như hô hấp, tiêu hóa, bộ phận sinh dục…
Vì vậy, khi bị bỏng nhiệt, việc sơ cứu kịp thời là rất quan trọng. Bạn cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân và mức độ bỏng để có phương pháp sơ cứu hiệu quả, tránh những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân.
Khi bị bỏng nhiệt, bạn cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân và mức độ bỏng để có phương pháp sơ cứu hiệu quả
Bỏng nhiệt là gì?
Bỏng có nhiều loại, bao gồm bỏng nhiệt, bỏng hóa chất, bỏng điện giật… Trong đó bỏng nhiệt là phổ biến nhất, chủ yếu xảy ra trong sinh hoạt. Bỏng nhiệt bao gồm bỏng do nhiệt khô và bỏng do nhiệt ẩm. Bỏng nhiệt khô là do tiếp xúc với bàn ủi nóng, động cơ xe máy nóng, hỏa hoạn, nổ bình ga... Bỏng do nhiệt ẩm gây ra do tiếp xúc với nước sôi, súp hoặc nước nóng…
Xác định mức độ nghiêm trọng của vết độ bỏng
Bỏng độ 1
Chỉ ảnh hưởng đến lớp biểu bì bên ngoài, triệu chứng là da đỏ, đau và chuyển sang màu trắng khi chạm vào, không có mụn nước hoặc mủ.
Bỏng độ 2
Gây tổn thương đến lớp biểu bì và một phần của lớp chân bì. Biểu hiện nhẹ là các vùng da đỏ, đau, có màu trắng khi chạm vào, phồng rộp và vẫn có chân lông. Các biểu hiện nặng có thể đau hoặc không đau vì vết thương có thể sâu đến mức đứt dây thần kinh nên không cảm thấy đau, có thể ẩm hoặc khô vì vết bỏng sâu đến mức phá hủy tuyến mồ hôi, có thể bị trắng khi sờ vào vùng da bị tổn thương, lông trên da bị rụng.
Bỏng độ 3
Là loại bỏng nặng nhất, vết bỏng thường bao gồm lớp biểu bì và lớp chân bì. Các dây thần kinh, mạch máu và nang lông bị phá hủy. Nếu bỏng nặng, vết bỏng có thể ảnh hưởng đến xương và cơ.
Các bước sơ cứu khi bị bỏng nhiệt
Dù nguyên nhân gây bỏng là do lửa hay bỏng do nước sôi thì việc sơ cứu bỏng là loại bỏ nguyên nhân và đưa nạn nhân ra khỏi khu vực xảy ra tai nạn.
Đặc biệt trong sơ cứu vết bỏng lửa, bước đầu tiên cần dập lửa bằng cát, nước hoặc áo khoác, chăn, mảnh vải lớn... Cởi hoặc xé phần nửa trên của quần áo vẫn còn hiện tượng âm ỉ cháy càng sớm càng tốt. Nếu quần áo của bạn không bị cháy, hãy nhanh chóng đắp một miếng vải lớn, chăn, áo choàng vải bố lên người để da không bị bắt lửa.
Sau đó tiến hành sơ cứu cho cả hai trường hợp theo các bước sau:
- Rửa sạch vết thương bằng cách nhúng nhanh vùng da bị bỏng vào nước nguội sạch để tránh nhiễm trùng, sau đó rửa nhẹ bằng nước mát ít nhất 15 phút. Điều này giúp vết thương dịu đi, tránh sưng đau và vết bỏng không bị hằn sâu hơn. Chỉ sử dụng nước mát, không dùng nước đá hoặc túi đá lạnh để chườm vì tiếp xúc trực tiếp với đá viên có thể làm vết thương thêm trầm trọng.
Rửa sạch vết thương bằng cách nhúng nhanh vùng da bị bỏng vào nước nguội sạch để tránh nhiễm trùng
- Che vùng bỏng bằng gạc sạch vô trùng hoặc vải sạch để tránh bụi vào vết bỏng.
- Đối với những vết bỏng nhẹ và những vùng bỏng nhỏ, bạn vẫn có thể tự chăm sóc và điều trị tại nhà. Vùng da bị bỏng có khả năng tự phục hồi, nhưng nếu bỏng diện rộng, vết bỏng nghiêm trọng hơn thì nên sơ cứu cơ bản, sau đó nhanh chóng chuyển người bị bỏng đến cơ sở y tế, trung tâm y tế gần nhất để kịp thời chữa trị.
Cách xử lý khi quần áo bị cháy do tiếp xúc lửa
Bạn không cởi đồ người bị nạn ra. Quần áo lúc đó có thể bị sát vào da, việc cởi đồ ra sẽ khiến lửa có cơ hội tiếp xúc da và càng gây thương tổn nhiều hơn.
Những tình huống nguy hiểm xảy ra do bỏng lửa sẽ làm cháy quần áo khiến nạn nhân hoảng loạn không làm chủ được bản thân. Lúc này cần bình tĩnh thực hiện sơ cứu và làm theo các bước sau:
- Đừng để nạn nhân chạy xung quanh trong tình trạng hoảng sợ, vì bất kỳ chuyển động nào vào thời điểm này đều làm tăng khả năng xảy ra hỏa hoạn.
- Đặt nạn nhân nằm phẳng trên sàn với các vết bỏng hướng lên trên.
- Quấn nạn nhân trong một chiếc áo hoặc một tấm chăn lớn chất liệu thô, len hoặc dạ và dập lửa. Không sử dụng chất nilon dễ cháy.
- Cho bệnh nhân lăn trên sàn cho đến khi lửa tắt hoàn toàn. Đổ nước lên người bệnh nhân hoặc bằng chất lỏng không cháy nếu có.
- Đặc biệt, không được cởi bỏ quần áo của nạn nhân. Quần áo có thể vừa khít với da, và việc cởi ra sẽ tạo cơ hội cho lửa tiếp xúc với da và gây ra nhiều tổn thương hơn.
Lưu ý khi xử lý vết bỏng nhiệt
Bôi ngay kem đánh răng, kem trị bỏng, mỡ trăn ... để vết bỏng nhanh lành hơn là quan niệm sai lầm của nhiều người. Việc này sẽ chỉ khiến vết thương trở nên nặng hơn và dễ bị nhiễm trùng.
Bôi ngay kem đánh răng để vết bỏng nhanh lành hơn là quan niệm sai lầm của nhiều người
Chỉ dùng nước mát, không chườm đá hoặc sử dụng nước đá lên vết thương. Việc tiếp xúc trực tiếp với nước đá có thể làm vết thương nặng hơn vì lạnh đột ngột có thể khiến lớp biểu bì co lại, vết bỏng lâu lành hơn, dễ bị viêm loét.
Nếu vùng da bỏng rộng, không nên cởi quần áo vì việc này sẽ tác động lên vết thương, có thể gây nhiễm trùng hoặc bỏng rát. Lúc này bạn cần nhanh chóng cắt bỏ lớp quần áo dính vào vết thương bằng kéo.
Khi chăm sóc cho người bị bỏng, bạn cần cẩn thận loại bỏ các vật dụng cá nhân, bất kỳ vật cứng nào xung quanh vết bỏng, chẳng hạn như nhẫn, quần áo, giày dép…, để tránh sưng tấy vết thương.
Vết bỏng tuyệt đối phải giữ vệ sinh sạch sẽ, không bôi trực tiếp kem đánh răng hay bất kỳ loại thuốc bôi ngoài nào. Sơ cứu không đúng cách có thể khiến vết bỏng nặng hơn và khó điều trị hơn.
Đối với những gia đình có trẻ nhỏ, điều quan trọng nhất là tránh tất cả các yếu tố có thể dẫn đến tai nạn bỏng của trẻ. Trẻ em thường rất hiếu động và tò mò nên luôn cần sự giám sát của cha mẹ. Cha mẹ nên sắp xếp mọi đồ đạc trong nhà một cách hợp lý, và để những vật dụng không đảm bảo an toàn, dễ gây bỏng ngoài tầm với của trẻ. Đặc biệt khu vực bếp núc, bếp gas, ổ cắm điện, bình thuỷ, đồ vừa nấu chín, bật lửa, bàn là…, cha mẹ nên cẩn thận.
Nhiều người vẫn nghĩ sơ cứu vết bỏng nhiệt đơn giản mà lơ là, nhưng nếu sơ cứu không đúng cách hoàn toàn có thể dẫn đến bội nhiễm vết thương, để lại nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, mọi người cần biết cách sơ cứu khi bị bỏng nhiệt để bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe của chính mình và người thân.
Thuý Nguyễn
Nguồn tham khảo: Tổng hợp