Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cách trị sỏi túi mật tại nhà liệu có an toàn? Phương pháp điều trị sỏi túi mật

Ngày 17/05/2024
Kích thước chữ

Tại Việt Nam, sỏi túi mật là một trong những căn bệnh khá phổ biến. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về căn bệnh sỏi túi mật. Trong bài viết sức khỏe hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về căn bệnh sỏi túi mật đồng thời giúp bạn độc giả đáp thắc mắc liệu rằng cách trị sỏi túi mật tại nhà lưu truyền trong dân gian có an toàn và mang lại hiệu quả không.

Sỏi túi mật được hình thành như thế nào? Triệu chứng nhận diện ra sao? Chẩn đoán và điều trị theo hướng nào? Các cách trị sỏi túi mật tại nhà được lưu truyền trong dân gian liệu có an toàn và mang lại hiệu quả? Tất cả sẽ được Nhà thuốc Long Châu bật mí trong bài viết dưới đây.

Sự hình thành sỏi túi mật

Sỏi túi mật là những tinh thể rắn và cứng, hình thành bên trong túi mật. Các viên sỏi này có kích thước rất đa dạng, thậm chí có thể lớn đến vài centimet.

Sỏi túi mật hình thành dựa trên quá trình kết tinh của các chất có trong dịch mật, chẳng hạn như muối canxi, sắc tố mật, cholesterol… Các tinh thể nhỏ hình thành gắn kết với nhau dần dần tạo thành sỏi với kích thước lớn hơn.

Dựa trên thành phần cấu nên sỏi mà sỏi túi mật được phân thành 2 loại chính đó là sỏi sắc tố và sỏi cholesterol. Một người bệnh có thể có một hoặc nhiều hơn một viên sỏi, đôi khi sỏi túi mật xuất hiện thành đám giống bùn và được gọi là sỏi bùn.

Bất cứ ai cũng có thể mắc phải căn bệnh sỏi túi mật. Một số đối tượng có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này có thể kể đến như: Phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai có chứa estrogen kéo dài, người thừa cân béo phì, người mắc các bệnh lý về đường ruột như viêm loét đại tràng, bệnh Crohn…

Thực tế cho thấy, sỏi túi mật thường khó phát hiện bởi các triệu chứng của bệnh không rõ ràng. Người bệnh chỉ tình cờ phát hiện khi thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc điều trị các bệnh lý về tiêu hoá khác.

Bật mí 4 cách trị sỏi túi mật tại nhà không phải ai cũng biết 1
Sỏi túi mật là căn bệnh khá phổ biến hiện nay

Triệu chứng nhận diện sỏi túi mật

Tùy theo vị trí, kích thước cũng như tính chất của sỏi mà người bệnh sỏi túi mật sẽ phải đối diện với nhiều triệu chứng khác nhau. Hầu hết các trường hợp mắc sỏi túi mật sẽ có rất ít hoặc không có triệu chứng ở giai đoạn đầu, đặc biệt là khi sỏi có kích thước nhỏ và ít di động. Khi sỏi di động, cọ xát vào túi mật, đường mật, thậm chí là gây tắc nghẽn đường mật, người bệnh sẽ có các triệu chứng rõ ràng hơn. Cụ thể:

Đau bụng vùng mạn sườn phải

Triệu chứng đau này xuất hiện khi sỏi di chuyển, cọ xát vào túi mật hoặc đường mật. Các cơn đau thường xuất hiện đột ngột, kéo dài vài phút, thậm chí là kéo dài đến vài giờ. Nhiều bệnh nhân sỏi túi mật cho biết, khi ăn đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ hoặc nhiều đạm, các cơn đau sẽ xuất hiện thường xuyên hơn.

Trong nhiều trường hợp, sỏi túi mật gây ra các cơn đau âm ỉ vùng mạn sườn phải, chỉ gây cảm giác khó chịu và tức nặng mơ hồ.

Rối loạn tiêu hoá

Đây là một trong những biểu hiện thường gặp ở người bệnh sỏi túi mật, song triệu chứng này thường khiến người bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, trong đó không thể không kể đến đau dạ dày.

Đặc điểm nhận biết là tình trạng rối loạn tiêu hoá gây ra bởi sỏi túi mật thường xuất hiện sau bữa ăn chứa nhiều dầu mỡ và các thực phẩm khó tiêu. Trong một số trường hợp, người bệnh cảm thấy buồn nôn, thậm chí là nôn ói ngay sau khi ăn. Ngoài ra, ăn quá no cũng có thể khiến người bệnh bị rối loạn tiêu hoá.

Sốt cao

Sốt cao là một triệu chứng điển hình của tình trạng nhiễm trùng. Nếu người bệnh sỏi túi mật có sốt cao thì rất có thể người bệnh đang có nhiễm khuẩn đường mật. Lúc này, người bệnh cần đặc biệt thận trọng với tình trạng bệnh, nhất là khi sốt cao có đi kèm với các triệu chứng như ớn lạnh, vã mồ hôi, tim đập nhanh…

Bật mí 4 cách trị sỏi túi mật tại nhà không phải ai cũng biết 2
Sốt cao có thể là dấu hiệu cảnh báo sỏi túi mật nhiễm trùng

 

Vàng mắt và vàng da

Sỏi túi mật di động có thể dẫn đến tình trạng tắc nghẽn dòng chảy của dịch mật. Hậu quả là bilirubin tích tụ trong máu và lắng đọng trên da. Chính vì thế, người bệnh sỏi túi mật sẽ có biểu hiện vàng da, vàng mắt ở các mức độ từ nhẹ đến nặng tuỳ thuộc vào mức độ tắc nghẽn dịch mật.

Cách trị sỏi túi mật tại nhà có an toàn và hiệu quả không?

Hiện nay, có nhiều thông tin về việc dùng các mẹo dân gian trị sỏi túi mật như: Đu đủ xanh, dứa, trái sung, rau ngổ, nước dừa,... Vậy liệu các cách trị sỏi túi mật tại nhà có an toàn và thực sự mang lại hiệu quả như lời đồn? Đây chắc hẳn vẫn là khúc mắc của không ít độc giả.

Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có bằng chứng nghiên cứu khoa học chắc chắn nào được đưa ra để chứng minh về tính an toàn cũng như hiệu quả mang lại trong điều trị sỏi mật của các cách trị sỏi túi mật tại nhà nêu trên.

Do vậy, để đảm bảo an toàn cũng như được điều trị hiệu quả, ngay khi nhận thấy các triệu chứng nghi ngờ sỏi túi mật, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám. Tại đây, bên cạnh việc thăm khám triệu chứng lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm thêm một số thăm dò cận lâm sàng như xét nghiệm máu, siêu âm, chụp CT, nội soi mật tuỵ ngược dòng… để khẳng định chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị phù hợp.

Cách trị sỏi túi mật tại nhà liệu có an toàn? Phương pháp điều trị sỏi túi mật 3
Cách trị sỏi túi mật tại nhà có an toàn không là thắc mắc của nhiều người

Phương pháp điều trị sỏi túi mật phổ biến hiện nay

Lựa chọn phương pháp điều trị sỏi túi mật tùy thuộc vào nhiều yếu tố như: Kích thước, số lượng sỏi, đặc tính của sỏi, các biến chứng mà người bệnh đang gặp phải. Thông thường, nếu kích thước của sỏi túi mật lớn hơn 1cm và không di động, không có triệu chứng thì bác sĩ sẽ khuyến nghị không cần thiết phải điều trị bằng phẫu thuật. Thay vào đó, người bệnh cần phải thay đổi chế độ ăn uống, sinh hoạt sao cho khoa học, lành mạnh để ngăn ngừa sỏi túi mật phát triển cả về kích thước và số lượng. Đồng thời, người bệnh cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên để kiểm soát sự phát triển của bệnh.

Nếu phụ nữ mang thai mắc sỏi túi mật, không nên chỉ định phẫu thuật hoặc các biện pháp điều trị khác ở giai đoạn này. Nếu tình trạng không quá nguy cấp, khuyến khích điều trị và theo dõi sau khi sinh con.

Đối với trường hợp kích thước sỏi túi mật nhỏ, từ 2 - 3mm, cần được can thiệp điều trị sớm bằng ngoại khoa, kể cả nếu bệnh chưa gây ra triệu chứng. Nếu không, có thể dẫn đến nguy cơ viêm tụy, hoại tử túi mật rất cao. Trong trường hợp bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng, đau, sốt cao, cần điều trị càng sớm càng tốt.

Phẫu thuật cắt túi mật nội soi là phương pháp điều trị sỏi túi mật phổ biến hiện nay. Bác sĩ khoa ngoại sẽ rạch 3 lỗ nhỏ ở thành bụng, đưa dụng cụ phẫu thuật nội soi vào vùng túi mật. Sau đó sẽ tiến hành cắt bỏ và đưa túi mật ra ngoài. Khi kết thúc phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được đưa về khu vực hồi sức. Mất khoảng 1 - 2 ngày để bệnh nhân dần hồi phục và sinh hoạt bình thường trở lại.

Cách trị sỏi túi mật tại nhà liệu có an toàn? Phương pháp điều trị sỏi túi mật 4
Phẫu thuật nội soi là phương pháp điều trị sỏi túi mật phổ biến

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh căn bệnh sỏi túi mật và cách trị sỏi túi mật tại nhà mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để gửi đến quý độc giả. Hy vọng, qua bài viết hôm nay, bạn đọc sẽ giải đáp được nỗi băn khoăn cách trị sỏi túi mật tại nhà liệu có an toàn và mang lại hiệu quả. Cảm ơn bạn đọc đã dành thời gian dõi theo bài viết hôm nay của Nhà thuốc Long Châu.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin