Long Châu

Tìm hiểu về sỏi mật sắc tố

Ngày 20/05/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sỏi mật là một trong những bệnh lý túi mật phổ biến tại các nước nhiệt đới. Có nhiều dạng sỏi mật khác nhau và sỏi sắc tố là một trong những dạng thường gặp nhất. Tìm hiểu về sỏi mật sắc tố sẽ giúp bạn biết được nguyên nhân hình thành sỏi, các yếu tố nguy cơ từ đó giúp phòng ngừa và điều trị bệnh hiệu quả.

Sỏi mật là hiện tượng bilirubin, muối canxi và lượng cholesterol có trong túi mật kết tinh tạo ra bùn mật hoặc viên sỏi. Những viên sỏi này thường ẩn mình khá kỹ khiến bệnh lý này không có triệu chứng rõ ràng. Chỉ đến khi bệnh nhân bị tắc ống túi mật và xuất hiện các cơn đau do viêm thì tình trạng bệnh đã ở mức độ nặng.

Sỏi mật sắc tố là gì?

Sỏi mật sắc tố được hình thành từ canxi và bilirubin, chứa ít nhất 90% bilirubin nên còn có tên gọi là sỏi bilirubin. Đây là dạng sỏi mật thường gặp ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu gây sỏi mật sắc tố đến từ thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh khiến đường mật bị nhiễm khuẩn hoặc ký sinh trùng.

Tìm hiểu về sỏi mật sắc tố

Sỏi mật sắc tố xảy ra khi thói quen ăn uống không đảm bảo vệ sinh

Sỏi sắc tố mật thường được tìm thấy ở đường dẫn mật trong gan, ống mật chủ và ống gan chung. Chúng thường có kích cỡ nhỏ nhưng cũng có trường hợp viên sỏi to như một quả bóng golf. Sỏi mật sắc tố được cấu tạo chủ yếu bởi sắc tố mật bilirubin và được chia thành sỏi sắc tố nâu và sỏi sắc tố đen.

Sỏi mật sắc tố hình thành như thế nào?

Sắc tố mật bilirubin là sản phẩm phân hủy của hemoglobin. Sau khi các tế bào hồng cầu chết đi tạo ra màu vàng cho dịch mật, hemoglobin sẽ chuyển hóa thành bilirubin và được phân tán vào máu. 

Thông thường, gan là cơ quan có nhiệm vụ loại bớt bilirubin ra khỏi máu thông qua quá trình bài xuất mật. Tuy nhiên sự mất cân bằng của bilirubin hoặc bilirubin bị chuyển hóa từ dạng hòa tan thành dạng không tan ở trong dịch mật sẽ làm suy giảm chức năng gan góp phần tạo nên sỏi sắc tố mật.

Phân loại sỏi mật sắc tố

Sự chênh lệch về nồng độ các thành phần trong sỏi mật như muối canxi, bilirubin và cholesterol sẽ tạo ra sự khác biệt màu sắc và độ đặc của viên sỏi. Dựa theo màu sắc, sỏi mật sắc tố có hai dạng là sỏi mật sắc tố đen và sỏi mật sắc tố nâu.

Tìm hiểu về sỏi mật sắc tố

Sỏi mật sắc tố hiện nay có hai dạng là sỏi mật sắc tố đen và sỏi mật sắc tố nâu

Sỏi sắc tố đen

Là sỏi được hình thành do hàm lượng bilirubin trong dịch mật quá cao. Khi đó, bilirubin kết hợp với các thành phần khác như canxi tạo ra nhân sắc tố. Khả năng hòa tan của nhân sắc tố trong dịch mật rất kém nên chúng dễ hội tụ, kết dính với nhau để gia tăng kích thước tạo thành sỏi mật sắc tố đen. Đặc trưng của loại sỏi này là chúng thường rất cứng.

Sỏi sắc tố nâu

Sỏi sắc tố nâu lại có nhiều cholesterol và ít bilirubin hơn so với sỏi sắc tố đen. Loại sỏi này thường được tạo ra do do nhiễm khuẩn dịch mật. Các vi khuẩn chuyển hóa bilirubin trong dịch mật từ dạng liên hợp (tan được) về dạng tự do (không tan được) rồi kết tủa tạo nhân sỏi. Chất béo trong mật và canxi có điều kiện để bám dính vào nhân sắc tố và phát triển thành sỏi mật. Loại sỏi này thường có màu nâu với bề mặt bóng, mịn và mềm hơn sỏi sắc tố đen nhưng lại khó vỡ hơn.

Nguyên nhân gây ra sỏi mật sắc tố

Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới hình thành sỏi sắc tố mật, điển hình gồm:

Mắc bệnh thiếu máu tán huyết (bệnh thalassemia)

Thiếu máu tán huyết là bệnh lý đặc trưng bởi sự thiếu hụt các tế bào máu. Những tế bào hồng cầu này có cấu trúc bất thường hoặc bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng (vitamin B12) khiến chúng dễ bị phá hủy và có đời sống ngắn hơn.

Khi hồng cầu bị phân hủy với số lượng lớn, chúng tạo thành bilirubin - loại sắc tố đen hay nâu đỏ làm nên màu vàng của dịch mật. Sắc tố này làm tăng nguy tạo thành sỏi sắc tố, thường gặp là sỏi sắc tố đen.

Tìm hiểu về sỏi mật sắc tố

Thiếu máu là một trong những nguyên nhân chính làm xuất hiện sỏi mật sắc tố

Nhiễm giun sán

Nhiễm giun đũa, sán đường ruột chui lên đường mật là nguyên nhân phổ biến gây nên sỏi sắc tố. Có hơn 70% người bệnh sỏi mật sắc tố có trứng giun hoặc xác giun trong sỏi.

Khi giun, sán xâm nhập vào ống mật chúng bắt đầu phát triển, sinh sản và sẽ để lại xác hoặc trứng. Sự chồng chất trứng giun theo thời gian giúp sắc tố mật và canxi có chỗ bám vào để tạo sỏi. 

Mặt khác giun còn gây tăng áp lực trong đường mật, tạo ra các vết xước loét trong đường mật trở thành nơi cho sỏi hình thành và phát triển về sau. 

Bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm

Thiếu máu hồng cầu hình liềm là một bệnh lý di truyền, gây biến dạng hồng cầu, khiến chúng có hình dạng như một cái lưỡi liềm. Những tế bào hồng cầu này có thể bị phá vỡ dễ dàng khi di chuyển qua các mạch máu và cơ quan trong cơ thể. Khi đó, chúng giải phóng ra một lượng lớn bilirubin, tích tụ trong dịch mật làm tăng nguy cơ phát triển sỏi sắc tố đen.

Tìm hiểu về sỏi mật sắc tố

Nhiễm vi khuẩn E.coli là một trong những nguyên nhân gây ra sỏi mật sắc tố

Nhiễm vi khuẩn E.coli

Vi khuẩn E.coli là vi khuẩn thường được tìm thấy trong đường ruột và phân. Không chỉ là nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm, nồng độ lớn E.coli trong đường mật có thể làm tăng nguy cơ bị sỏi sắc tố . 

Bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn E.coli khi vô tình ăn phải thực phẩm hoặc uống nước bị ô nhiễm. Ăn uống vệ sinh, hạn chế ăn thực phẩm tái, rau sống, uống nước đun sôi để tránh nhiễm E. coli có thể làm giảm nguy cơ bị sỏi sắc tố mật.

Mắc bệnh xơ gan

Xơ gan mạn tính có thể là yếu tố xúc tác hình thành sỏi mật sắc tố. Đây là bệnh lý khiến mô gan bị thay thế bằng mô xơ, sẹo gây suy giảm hoặc mất chức năng gan. Xơ gan làm cho gan sản xuất ra một lượng lớn bilirubin làm mất cân bằng nồng độ các thành phần có trong dịch mật, làm tăng nguy cơ phát triển sỏi sắc tố.

Sỏi mật sắc tố là bệnh lý gây ra nguy hại cho cơ thể nhưng có thể chữa trị dứt điểm nếu được phát hiện sớm. Những thông tin trên đây chắc hẳn phần nào giúp bạn hiểu thêm về căn bệnh này cũng như nguyên nhân hình thành sỏi sắc tố. Nhờ đó bạn có thể lựa chọn các giải pháp phòng ngừa và điều trị thích hợp.

Minh QA

Nguồn: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm