Cần làm gì khi người thân bị trầm cảm? Cách phòng tránh trầm cảm hiệu quả
Ngày 29/09/2023
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Người thân bị trầm cảm là một thách thức đối với cả gia đình và bạn bè. Trong tình trạng này, quan trọng hơn bao giờ hết là chăm sóc và hỗ trợ người thân của chúng ta. Chăm sóc không chỉ đơn thuần là một nhiệm vụ, mà còn là một cách để chứng tỏ tình yêu thương và sự quan tâm chân thành đối với họ.
Khi người thân yêu của bạn bị trầm cảm, việc giúp đỡ họ cũng chẳng hề dễ dàng. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có kiến thức, sự kiên nhẫn, thấu hiểu và sự tôn trọng nhất định dành cho người bệnh. Hãy tham khảo bài viết dưới đây để có thông tin về cách xử lý khi người thân bị trầm cảm và cách phòng tránh trầm cảm hiệu quả.
Một số thông tin về trầm cảm
Trầm cảm là một tình trạng tâm lý phổ biến và nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cảm xúc, tư duy và hành vi của con người. Tùy theo mức độ nhẹ, vừa và nặng, trầm cảm không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần của người bệnh mà còn có tác động lớn tới các mối quan hệ của họ. Người bị trầm cảm thường trở nên xa lạ, cảm thấy cô đơn và khó khăn trong việc gần gũi với gia đình và bạn bè.
Đối tượng nào dễ bị trầm cảm?
Trầm cảm có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, bất kể tuổi tác và giới tính. Tuy nhiên, có một số nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc phải trầm cảm được các nghiên cứu y khoa thống kê như sau:
Người trải qua sang chấn tâm lý: Họ trải qua những biến cố lớn đột ngột của cuộc đời như việc mất đi người thân hoặc công việc.
Phụ nữ: Phụ nữ có tỷ lệ mắc trầm cảm cao hơn nam giới. Các yếu tố như thay đổi nội tiết tố, mang thai, sinh con, và mãn kinh có thể góp phần vào điều này.
Thanh thiếu niên và người trẻ tuổi: Thanh thiếu niên và người trẻ tuổi cũng có nguy cơ cao mắc trầm cảm. Các yếu tố như gia đình, áp lực học tập, quan hệ xã hội phức tạp và thay đổi cơ bản trong cuộc sống.
Người cao tuổi: Người cao tuổi thường phải đối mặt với các thay đổi về sức khỏe, cảm giác cô đơn. Những yếu tố này có thể làm tăng nguy cơ mắc trầm cảm ở người cao tuổi.
Các dấu hiệu của trầm cảm
Dưới đây là một số dấu của trầm cảm mà bạn cần lưu ý:
Thường xuyên buồn phiền hoặc than khóc một mình;
Bi quan hơn và không có hy vọng về tương lai;
Dễ cáu kỉnh, không muốn giao tiếp và chia sẻ với những người xung quanh;
Mệt mỏi và thiếu sức sống;
Ít chăm sóc vẻ ngoài của bản thân;
Khó tập trung trong công việc;
Ăn nhiều hoặc ít ăn hơn bình thường;
Thường xuyên đề cập tới cái chết hoặc tự tử.
Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm
Trầm cảm là một rối loạn tâm lý phức tạp vì vậy không thể xác định nguyên nhân cụ thể, tuy nhiên có nhiều yếu tố góp phần gây ra trầm cảm. Dưới đây là những nguy cơ góp phần dẫn đến trầm cảm:
Do bệnh lý hoặc chấn thương: Các bệnh lý như viêm não, u não hoặc các chấn thương sọ não có thể góp phần vào sự phát triển của trầm cảm bởi vì chúng tác động tiêu cực đến cấu trúc não.
Sử dụng chất kích thích: Chất kích thích như thuốc lá, rượu bia có thể làm gia tăng nguy cơ mắc trầm cảm. Các chất này gây tổn thương cho hệ thần kinh và ảnh hưởng đến tâm trạng và cảm xúc.
Trầm cảm do căng thẳng kéo dài: Áp lực và căng thẳng từ công việc, gia đình hoặc môi trường sống có thể dẫn đến trầm cảm.
Cần làm gì khi người thân bị trầm cảm?
Khi một người thân của bạn bị trầm cảm, có một số điều bạn có thể làm để hỗ trợ họ:
Những điều nên làm
Biết lắng nghe: Hãy cho họ biết rằng bạn sẵn lòng lắng nghe một cách chân thành nhất và thấu hiểu cảm xúc của họ.
Khuyến khích tìm kiếm sự trợ giúp: Hãy khuyến khích người thân của bạn tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia như bác sĩ tâm lý hoặc nhà tâm lý học. Đôi khi, họ cần sự hỗ trợ chuyên nghiệp để vượt qua trầm cảm.
Khuyến khích theo dõi phác đồ điều trị: Hỗ trợ người thân của bạn trong việc tuân thủ phác đồ điều trị được chỉ định bởi bác sĩ. Theo dõi quá trình điều trị và đảm bảo rằng họ tuân thủ đúng liều lượng và thời gian uống thuốc.
Giúp đỡ trong các hoạt động hàng ngày: Hãy chủ động giúp đỡ người thân của bạn trong các công việc hàng ngày như nấu ăn, làm việc nhà hoặc đi ra ngoài. Điều này có thể giúp giảm áp lực và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hồi phục.
Kiên nhẫn: Hãy kiên nhẫn và thông cảm khi bạn gặp phải người thân bị trầm cảm. Hiểu rằng quá trình hồi phục có thể mất thời gian và có những khó khăn. Luôn truyền đạt cho họ sự ủng hộ và sẵn lòng đứng về phía họ.
Những điều nên tránh
Bên cạnh đó, có một số điều không nên làm khi chăm sóc bệnh nhân trầm cảm:
Không cuốn vào điều tiêu cực: Để tránh bị ảnh hưởng bởi tâm trạng tiêu cực của người thân, hãy đảm bảo bạn tìm thời gian để chăm sóc bản thân và duy trì trạng thái tinh thần tích cực.
Không cố gắng thay đổi người bệnh: Tránh áp đặt ý kiến và cố gắng thay đổi người thân. Hãy nhớ rằng trầm cảm là một rối loạn tâm lý và cần sự hỗ trợ chuyên nghiệp để điều trị.
Không đưa ra lời khuyên: Tránh đưa ra lời khuyên không được yêu cầu hoặc không phù hợp. Thay vào đó, hãy lắng nghe và thể hiện sự ủng hộ.
Không so sánh: Tránh so sánh người thân của bạn với người khác. Mỗi trường hợp trầm cảm là khác nhau và cần được xem xét theo những cách riêng.
Không can thiệp quá mức vào việc sử dụng thuốc: Để cho các quyết định về việc sử dụng thuốc thuộc về người bệnh và bác sĩ chuyên gia. Tránh việc quá khắt khe hoặc can thiệp quá mức vào việc sử dụng thuốc của người thân.
Cách phòng tránh trầm cảm hiệu quả
Để phòng tránh trầm cảm hiệu quả, bạn có thể tham gia vào những hoạt động và thay đổi lối sống sau đây:
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: Bạn nên ăn một chế độ ăn đa dạng và cân đối, bao gồm nhiều rau, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt và các nguồn protein lành mạnh như thịt cá, thịt gia cầm, các loại đậu và hạt.
Thường xuyên vận động, rèn luyện thể thao: Tập thể dục và hoạt động thể chất có thể giúp cải thiện tâm trạng và giảm stress. Hãy chọn những hoạt động mà bạn thích như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, tham gia lớp tập thể dục hoặc yoga.
Chú ý đến giấc ngủ: Đảm bảo bạn ngủ đủ giấc và ổn định, tạo môi trường thoáng đãng và yên tĩnh trong phòng ngủ, tránh tiếp xúc với thiết bị điện tử và thực hiện các thói quen thư giãn trước khi đi ngủ.
Đặt mục tiêu mỗi ngày: Đặt mục tiêu nhỏ và khả thi mỗi ngày để tạo động lực và cảm giác thành tựu. Mục tiêu có thể liên quan đến công việc, sở thích cá nhân, rèn luyện sức khỏe hoặc học hỏi.
Thay đổi phản ứng cảm xúc: Hãy học cách nhìn nhận và thay đổi cách bạn phản ứng với các tình huống khó khăn và căng thẳng. Tìm hiểu về kỹ năng quản lý stress, giải tỏa cảm xúc và xây dựng một tư duy tích cực.
Ngồi thiền: Thiền định có thể giúp bạn tập trung vào hiện tại, giảm stress và tạo ra trạng thái tĩnh lặng trong tâm trí. Dành ít nhất một thời gian ngắn hàng ngày để ngồi thiền và thực hành hơi thở sâu có thể giúp cải thiện tâm trạng.
Trên đây là những thông tin chúng tôi chia sẻ đến bạn về việc cần làm gì khi người thân bị trầm cảm và cách phòng tránh trầm cảm hiệu quả. Nên nhớ rằng, việc quan tâm và chăm sóc người thân bị trầm cảm không chỉ giúp họ vượt qua khó khăn mà còn mang lại sự yêu thương, sự hỗ trợ tinh thần mạnh mẽ trong quá trình hồi phục và trở lại cuộc sống.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm