Trầm cảm ở người cao tuổi là tình trạng thường gặp, nguyên nhân thường đến từ suy nghĩ của người bệnh. Để hiểu hơn về bệnh lý này, Nhà thuốc Long Châu mời bạn tham khảo bài viết dưới đây.
Người cao tuổi thường có suy nghĩ tiêu cực về sự kết thúc cuộc sống và sự quan tâm của con cái dẫn đến nguy cơ bị trầm cảm ở người cao tuổi tăng cao. Theo khảo sát, tỷ lệ người cao tuổi bị trầm cảm đang ngày một tăng cao, trong 6 người lớn tuổi thì có 1 người bị trầm cảm.
Dấu hiệu nhận biết bệnh trầm cảm ở người cao tuổi
Bệnh lý trầm cảm ở người cao tuổi đang ngày một phổ biến bởi tâm lý nhạy cảm, thay đổi về tâm sinh lý tuổi già,... Giai đoạn đầu của bệnh khá khó nhận biết nhưng khi tiến triển nặng hơn, bạn có thể nhận thấy một vài biểu hiện cụ thể, đáng ngờ.
Ngoài triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi, chán nản, tâm trạng luôn trong trạng thái đi xuống thì bệnh trầm cảm ở người cao tuổi còn có những triệu chứng dưới đây:
Người cao tuổi không cảm thấy hứng thú hay đam mê, thích thú với những hoạt động hàng ngày, thậm chí là sở thích. Bạn có thể nhận ra điều này từ việc người cao tuổi thích trồng cây, cắm hoa, tập thể dục,... nhưng dạo gần đây lại không còn hứng thú với những sở thích này nữa.
Người lớn tuổi có cảm giác mệt mỏi, chán nản không rõ lý do và không có cảm hứng để làm việc, vận động.
Mất cảm giác ngon miệng, chán ăn, sụt cân nhanh chóng không rõ nguyên nhân.
Luôn cảm thấy khó chịu trong người, tâm lý căng thẳng, dễ nổi giận, cáu gắt và không thể tự thư giãn tinh thần của bản thân.
Luôn trong trạng thái lo lắng, sợ hãi quá mức cần thiết nhưng không rõ nguyên nhân và không biết xuất phát từ việc gì. Đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý trầm cảm ở người cao tuổi.
Tránh mặt người thân, bạn bè, không thích ra ngoài giao lưu, vui chơi, thường nhốt mình trong nhà hoặc trong phòng, không thích bị làm phiền.
Mất tự tin, suy nghĩ mình là gánh nặng và không có khả năng làm việc.
Hoảng sợ, khó tập trung và trí nhớ giảm sút nhanh chóng.
Nghĩ tới chuyện làm tổn thương bản thân, không còn muốn tiếp tục cuộc sống, thậm chí tự tử.
Vì sao mắc bệnh trầm cảm ở người cao tuổi?
Trầm cảm ở người cao tuổi khiến người bệnh có xu hướng luôn đổ lỗi cho bản thân vì những sự việc không may xảy ra, không còn hứng thú với những việc hàng ngày trong cuộc sống. Bệnh nhân không còn quan tâm đến bản thân và mọi người xung quanh, suy nghĩ theo hướng tiêu cực khiến bệnh ngày một nặng hơn.
Tìm ra nguyên nhân gây bệnh trầm cảm ở người cao tuổi là cách giúp người bệnh giải quyết tận gốc vấn đề, tránh được bệnh trở nặng hơn và khả năng điều trị, phục hồi tốt hơn. Theo phân tích, những nguyên nhân gây bệnh trầm cảm ở người cao tuổi gồm có:
Bệnh lý: Nghiên cứu cho thấy một số bệnh lý ở người già cũng có thể ảnh hưởng nhất định đến tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm, điển hình nhất là bệnh Parkinson. Người mắc bệnh trầm cảm do nguyên nhân này có thể điều trị đơn giản và nhanh chóng hơn.
Trải nghiệm buồn: Người cao tuổi có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống, ngoài các trải nghiệm vui còn có những trải nghiệm rất buồn khiến tâm lý của người lớn tuổi bị ảnh hưởng, có chiều hướng đi xuống và dần thu mình lại. Những trải nghiệm buồn này có thể là cú sốc tâm lý như bạn bè, người thân ra đi mãi mãi, những điều đáng buồn không chia sẻ được với người khác.
Khó khăn: Người lớn tuổi tưởng chừng không cần lo toan điều gì nữa nhưng thực chất, họ cũng có những khó khăn nhất định trong cuộc sống và khi quá lo lắng về những điều này, họ có nguy cơ cao bị trầm cảm ở người cao tuổi.
Ốm đau: Bệnh trầm cảm ở người cao tuổi có thể xuất phát từ những lần ốm đau liên tục khiến người bệnh mệt mỏi, chán nản, nghĩ đến cái chết nhiều hơn và không còn thấy hứng thú với các sự vật, sự việc xung quanh.
Thuốc: Một số loại thuốc chữa bệnh có thể là tác nhân tăng nguy cơ trầm cảm ở người cao tuổi bởi tác động đến các hormone trong cơ thể, giảm thiểu hormone hạnh phúc và tăng hormone buồn bã.
Ảnh hưởng của bệnh trầm cảm đối với người cao tuổi
Nhiều người nghĩ rằng bệnh trầm cảm chỉ là bệnh về tâm lý nên không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe của người bệnh, tuy nhiên, nhận định này là chưa chính xác. Trầm cảm ở người cao tuổi có thể để lại rất nhiều hậu quả nghiêm trọng như:
Bệnh khiến người lớn tuổi ăn không ngon, ngủ không đủ giấc và tinh thần mệt mỏi, kiệt quệ, sụt cân nhanh, ăn không đủ chất dẫn đến thiếu canxi, vitamin,... và tăng nguy cơ loãng xương, ốm yếu, suy nhược cơ thể,...
Triệu chứng mất ngủ, rối loạn giấc ngủ kéo dài càng làm sức khỏe của người cao tuổi giảm sút, từ đó tăng tình trạng ốm yếu, dễ mắc bệnh.
Buồn chán, mệt mỏi, thất vọng,... trong thời gian dài cùng với những suy nghĩ tiêu cực sẽ khiến người bệnh trầm cảm ở người cao tuổi có xu hướng nặng hơn, dẫn đến tổn thương tâm lý lâu dài.
Bệnh trầm cảm có thể làm suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi, khiến họ mất tập trung và hay nhớ nhớ quên quên.
Người cao tuổi bị trầm cảm nên chăm sóc sức khỏe như thế nào?
Với các trường hợp bị trầm cảm ở người cao tuổi, bác sĩ luôn khuyến cáo bệnh nhân nên “tự” chữa bệnh cho bản thân bằng cách đả thông suy nghĩ, cố gắng hơn khi điều khiển cảm xúc của bản thân. Bên cạnh đó, người nhà cũng cần hỗ trợ người bệnh trong thời gian điều trị.
Cố gắng chia sẻ nhiều hơn với bạn bè, người thân trong gia đình về những vấn đề, suy nghĩ của bản thân để cởi bỏ khúc mắc trong lòng và dễ mở lòng hơn.
Vận động thường xuyên sẽ giúp cơ thể tránh mệt mỏi, tăng sản sinh hormone hạnh phúc khiến suy nghĩ tích cực hơn, cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai hơn.
Nên duy trì sở thích của bản thân mỗi ngày, ra ngoài hít thở không khí trong lành, đi dạo, cắm hoa, chơi thể thao, trò chuyện,... đều là những việc hỗ trợ điều trị trầm cảm ở người cao tuổi hiệu quả.
Chú ý đến thực đơn dinh dưỡng cân đối, tăng thêm rau xanh và trái cây tươi để bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất.
Mong rằng qua những thông tin trong bài viết trên đây, Nhà thuốc Long Châu đã có thể giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về bệnh lý trầm cảm ở người cao tuổi. Khi phát hiện người thân có dấu hiệu bị trầm cảm cần chú ý quan sát, theo dõi và nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý khi cần.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.