Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

[Cảnh báo] 7 triệu chứng lao phổi nguy hiểm nhưng dễ bị bỏ qua

Ngày 25/02/2022
Kích thước chữ

Lao phổi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhưng các triệu chứng lao phổi thường dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp khác. Nhận biết sớm dấu hiệu lao phổi sẽ giúp người bệnh được điều trị kịp thời, hạn chế lây lan và giảm biến chứng.

Lao phổi là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, và là một trong những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất. Bệnh lao phổi có khả năng lây lan mạnh trong cộng đồng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Do đó, nắm rõ thông tin bệnh lý và những triệu chứng lao phổi để chủ động có phương án thăm khám và kiểm soát bệnh tốt hơn chính là yếu tố quan trọng để chiến thắng căn bệnh này.

Bệnh lao phổi là gì?

Bệnh lao là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp do vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis (M.Tuberculosis) gây ra. Trong điều kiện tự nhiên, vi khuẩn M.Tuberculosis có thể tồn tại từ 3 – 4 tháng và dễ dàng lây lan qua không khí khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc khi tiếp xúc với đờm mang vi khuẩn.

triệu chứng lao phổi Vi khuẩn M.Tuberculosis gây bệnh lao phổi

Các vi khuẩn M.Tuberculosis có thể tấn công vào bất kỳ bộ phận nào của cơ thể nhưng chủ yếu xâm nhập và gây tổn thương đến phổi (chiếm 85%).

Triệu chứng lao phổi điển hình cần lưu ý

Các triệu chứng của lao phổi rất đa dạng nên nhiều người thường bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo bệnh sớm. Chỉ khi bệnh vào giai đoạn nặng mới biết mình mang bệnh, lúc này cần tốn rất nhiều thời gian và chi phí để điều trị.

ho là một trong những triệu chứng của lao phổi Triệu chứng lao phổi rất dễ nhầm với bệnh lý khác

Tùy thuộc vào khả năng đề kháng và sức khỏe của mỗi người mà bệnh lao phổi sẽ có thời gian ủ bệnh khác nhau. Do đó, các dấu hiệu bệnh lao phổi trong giai đoạn ủ bệnh cũng biểu hiệu nhiều hoặc ít khác nhau.

Khi cơ thể xuất hiện 7 dấu hiệu của bệnh lao phổi qua đường hô hấp dưới đây, hãy đi khám ngay để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, giảm nguy cơ lây nhiễm cho người thân và cộng đồng.

Ho khan kéo dài trên 3 tuần

Ho có thể là triệu chứng của các bệnh hô hấp thông thường như viêm phổi, viêm amidan, viêm phế quản, giãn phế quản, viêm họng… Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên ho khan và ho kéo dài trên 3 tuần, đã sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị nhưng triệu chứng không giảm thì nguy cơ mắc lao phổi là rất cao.

Ho ra máu

Ho ra máu là một trong những triệu chứng của lao phổi điển hình. Theo thống kê, có tới 60% người bệnh lao ho ra máu do bị tổn thương phổi gây xuất huyết trong. Tuy nhiên, cũng không thể khẳng định 100% bị lao phổi nếu bạn có triệu chứng này bởi viêm phổi, ung thư phổi… ở giai đoạn nặng cũng có thể là nguyên nhân khiến người bệnh ho ra máu.

Cảnh báo 7 triệu chứng lao phổi nguy hiểm nhưng dễ bị bỏ qua 2 Ho ra máu là dấu hiệu cảnh báo bệnh lao phổi

Đau ngực, khó thở

Khi ho nhiều kéo dài sẽ khiến áp suất tại phế quản, phổi bị tổn thương dẫn đến tình trạng đau tức ngực, khó thở. Ngoài ra, người bệnh lao phổi còn có thể gặp các cơn đau tức âm ỉ tại vùng ngực, đặc biệt cảm giác khó chịu khi ho.

Sốt vào chiều tối

Sốt là cách để hệ miễn dịch trong cơ thể phản ứng lại với các vi khuẩn xâm nhập. Vì thế, khi mắc bệnh lao phổi, người bệnh thường bị sốt vào buổi chiều muộn. Đây không phải là những trận sốt cao mà chỉ là các cơn sốt nhẹ nên rất dễ bị bỏ qua.

Ho đờm, khạc ra đờm

Khi mắc lao phổi, cơ thể sẽ tăng xuất tiết do phổi phế quản bị kích thích hoặc do có tổn thương tại phổi phế quản. Đờm nhiều khi ho hay khạc ra đờm là triệu chứng của lao phổi rất hay gặp bạn nên chú ý.

Chán ăn, giảm cân đột ngột

Người bệnh lao phổi thường bị ho nhiều, kèm theo tức ngực khó thở khiến cơ thể khó chịu, gây ra chán ăn và sụt cân đột ngột không rõ nguyên nhân. Nếu bạn bị giảm cân nhanh kèm theo các dấu hiệu kể trên mà không phải tiêu chảy hay bệnh lý tiêu hóa thì hãy nghĩ ngay đến việc đi khám. Bởi rất có thể bạn đang mắc bệnh lao phổi.

người bệnh lao phổi hay chán ăn, sụt cân Người bị lao phổi thường chán ăn, sụt cân bất thường

Cơ thể mệt mỏi

Vi khuẩn lao phổi tấn công kèm theo các triệu chứng ho diễn ra thường xuyên làm cơ thẻ phải hoạt động nhiều, tình trạng mệt mỏi ngày càng kéo dài và rõ rệt hơn.

Trên đây là 7 triệu chứng bệnh lao phổi thường gặp nhưng dễ bị bỏ qua. Tuy nhiên, không phải người bệnh lao phổi nào cũng có tất cả những dấu hiệu này. Do đó, để có thể kết luận chính xác có phải đang mắc lao phổi hay không, bạn cần đi khám và làm các xét nghiệm cần thiết tại các cơ sở y tế uy tín.

Cần làm gì khi có triệu chứng bệnh lao phổi?

Bên cạnh những triệu chứng lao phổi điển hình kể trên, để chẩn đoán dấu hiệu lao ở phổi, bác sĩ sẽ chỉ định làm thêm một số xét nghiệm để phát hiện bệnh gồm:

  • Chụp X-quang phổi: Đây là phương pháp cho kết quả nhanh chóng, bạn có thể bị mắc lao phổi nếu hình ảnh x-quang phổi xuất hiện đám mờ không đồng đều, hình hang, chấm nhỏ (lao kê), nốt to nhỏ không đều đường kính 3-10mm,...
  • Xét nghiệm máu: Khi bị lao phổi, bệnh nhân có thể thiếu máu nhẹ, bạch cầu giảm so với bình thường, tốc độ máu lắng tăng.
  • Xét nghiệm Mantoux dưới da để tìm bệnh lao: Xét nghiệm này được thực hiện bằng cách tiêm một lượng tuberculin nhỏ và an toàn vào da ở bên trong cánh tay. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính, cơ thể bạn đã bị nhiễm vi trùng lao.
chụp x quang phổi xác định lao phổi Chụp X-quang phổi là cách để xác định bệnh lao phổi

Cách phòng ngừa bệnh lao phổi 

Tiêm vaccine là cách phòng ngừa lao phổi tốt nhất. Ngoài ra, để hạn chế nguy cơ bị căn bệnh này tấn công, bạn hãy thực hiện các biện pháp sau đây:

  • Thường xuyên đeo khẩu trang, đặc biệt khi tiếp xúc trực tiếp với người bị lao phổi.
  • Che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay sạch sẽ.
  • Không sử dụng chung đồ dùng cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng, cốc uống nước…
  • Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần.

Mặc dù có khả năng lây nhiễm cao nhưng lao phổi là bệnh có thuốc chữa đặc hiệu và có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu người bệnh được điều trị sớm và tuân thủ đúng phác đồ của bác sĩ. Vì thế, nếu bạn có những triệu chứng lao phổi ở trên, đừng quá lo lắng mà hãy đi khám tại các cơ sở y tế uy tín càng sớm càng tốt.

Ly Ly

Nguồn Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin